Chuyện về người nông dân sáng chế máy tráng bánh cuốn tự động

Thứ Hai, 02/01/2006, 14:00

Cả vùng, cả xã rồi cả huyện, cả tỉnh Hà Tây bỗng xôn xao về chuyện Tạ Quang Tiến, một anh chàng "thợ cơ khí làng" chuyên sửa công nông đầu ngang, côngtơ cháy và những thứ lặt vặt khác lại sáng chế ra máy tráng bánh cuốn tự động, tăng năng suất lao động và giảm vất vả cho dân.

Trong cái xưởng nằm ngay ở sân nhà, bà Bùi Thị Tỉnh, người thôn Bặt Ngõ, đang mải miết quấy bột trong cái xô lớn. Hỏi chuyện bà vui vẻ nói: “Trước tráng bánh khổ lắm, một đêm kỳ cụi cũng chỉ được khoảng 1 yến gạo, tức 30 cân bánh, sáng ra lại tất tả chằng buộc thúng bánh lên xe đạp, đi chợ Đống Lò, Xà Kiều, Vân Đình... để bán, vất vả lắm. Nay có cái máy của anh Tiến, bà tráng mỗi ngày được... 1 tấn bánh, mà chủ yếu là tráng thuê, lấy 400 đ/kg, nhẹ không, mỗi đêm cũng lãi vài trăm ngàn đồng. Thật là một kỳ tích”.

Về làng Bặt, xã Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Tây), chúng tôi nghe khá nhiều lời khen về chiếc máy diệu kỳ nên quyết tâm tìm gặp bằng được người sáng chế ra nó. Tình cờ một bà cụ đầu đội nón Chuông, vận áo lụa hồng, quần sa tanh đen nhánh, vai kẽo kẹt gánh hai thúng, bà cười nói: “Thì đó là thằng Tiến nhà tôi chứ ai. Tôi là Bùi Thị Vóc, mẹ nó, vừa đi bán bánh về. Chú theo tôi”.

Vừa đi, cụ Vóc vừa kể: “Nghề làm bún, bánh cuốn ở làng Bặt có từ đời nảo, đời nào chẳng biết, tôi chỉ biết là cứ 20 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ ông tổ nghề. Thuở nhỏ, từ lúc chỉ 10 tuổi, tóc còn để chỏm, tôi đã được bố mẹ dạy cho đủ thứ của nghề từ xay bột sao cho mịn, gạn khô bột thế nào, luộc bột rồi giã tơi cho đông quánh lại rồi cho vào khuôn vắt thành bún ra sao... Các cụ rất nghiêm, nếu lơ đễnh không tập trung vào công việc là cứ tay tre mà vụt, đau lắm! Chả thế mà tôi chẳng mấy chốc nắm hết được bí quyết của nghề, làm được đủ các loại bún như bún con bừa, bún rối, bún tróc và đặc biệt là bún con ốc (bún có hình con ốc)”.

Chuyển máy đi bán.

Chuyện đang rôm rả thì đã đến gần nhà. Đầu ngõ, mấy người đàn ông mồ hôi mồ kê nhễ nhại đang hè nhau đẩy một cỗ máy bằng sắt nặng chừng 5 tạ lên chiếc ôtô tải, đã nổ máy sẵn. Bà Vóc chỉ một anh chàng dáng người nhỏ nhắn, khoảng trên 30 tuổi và bảo: “Thằng Tiến đấy”. Tạ Quang Tiến ngồi trong cabin, trước khi đóng cửa xe lại còn thò cổ ra nói với tôi: “Mình xuất hàng cho khách ở tận Kim Bôi, Hòa Bình, phải đi theo lắp ráp máy và hướng dẫn kỹ thuật tráng bánh cho họ, chiều mới về”. Sau mấy lần hò hẹn, tôi cũng tiếp cận được với người đàn ông bận rộn này.

Là con cả trong gia đình có hai em, từ nhỏ, tuy làm nông nghiệp vất vả nhưng Tiến học rất giỏi, đặc biệt là mấy môn tự nhiên. Năm 1991, thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự, Tiến đang hăm hở với bao hoài bão thì đột ngột nghe tin bố mất. Cánh cửa vào giảng đường đóng sập vĩnh viễn trước mắt Tiến bởi cậu quyết định ở nhà làm kinh tế nuôi hai đứa em nhỏ cùng người mẹ già yếu. Cuộc sống vất vả, kham khổ khiến cho Tiến phải bươn chải đủ nghề từ nghề làm cơ khí, sửa chữa máy công nông đầu ngang, đầu dọc, đóng gạch đến chạy chợ... rồi cuối cùng dường như là cái nghiệp lại quay về nghề cổ truyền của gia đình là làm bún, tráng bánh.

Hồi đó, công việc tráng bánh được làm một cách thủ công, rất mệt nhọc. Gạo được xay thành bột từ ngày hôm trước, rồi được ngâm, trộn, đánh cho thật nhuyễn, thật dẻo, múc ra từng muôi nhỏ, tráng một lớp mỏng lên trên nắp nồi hấp. Hì hụi, đánh vật cả đêm, hai mẹ con làm cật lực cũng chỉ được vài chục cân bánh. Cứ tờ mờ, Tiến lại chằng thúng bánh đó vào chiếc xe đạp cũ kỹ, lóc cóc đạp 50-70 cây số xuống tận vùng Ba Hàng Đồi hoặc xa hơn nữa của vùng Kim Bôi, Hòa Bình để bán hoặc đổi gạo. Thấm thía nỗi nhọc nhằn của nghề mà Tiến quyết tâm phải làm một cái gì đó để cải thiện cuộc sống của hai mẹ con, nhưng lúc đó anh cũng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Cho đến một hôm, khi lên trên Hà Nội thấy người ta làm bánh phở bằng máy của Trung Quốc, Tiến mê quá, liền tò mò ngắm nghía từng con ốc, từng bộ phận chuyển động, từng cái môtơ. Chiếc máy làm bánh phở đó đã gợi ý cho Tiến làm máy tráng bánh cuốn. Thế là, ngày đêm Tiến vùi đầu vào tính toán nào là kích thước bao nhiêu, vòng quay thế nào, lò hơi hấp bánh đặt ở đâu, công suất bao nhiêu, bánh dày mỏng, chín sống ra sao. Tính toán rồi Tiến đi lùng từng cái môtơ, từng tấm tôn, từng con ốc cũ, hì hụi gò hàn, lắp ráp. Sau cả tháng trời cặm cụi, cái máy tráng bánh cuốn được ra đời trong xưởng gò hàn của Tiến. Hôm chạy máy thử nghiệm, cả làng xúm đông, xúm đỏ đến xem. Không may là, trước bao con mắt đổ dồn, chiếc máy có đổ bột vào nhưng không ra bánh cuốn mà ra thứ sản phẩm nửa nát, nửa khô, nửa sống, nửa chín, phải đổ bỏ hết. Bà con được dịp xì xào: “Làm sao mà máy thay thế được bàn tay con người tráng bánh được”.

Tiến chỉ buồn nhưng không hề nản. Lại cắm cúi chỉnh sửa, loay hoay làm đến tối mịt. Nhiều lúc, nửa đêm, bỗng có một ý tưởng len lỏi trong đầu, Tiến lại bật dậy, chong đèn làm luôn đến sáng. Anh kể: “Máy làm bánh phở của Trung Quốc nó dài đến 13m nên khi mình co rút lại kích cỡ thì phải chú ý đến số đo ấy hợp với bao nhiêu vòng quay của môtơ. Rồi những điều chỉnh như quả lô, khung bếp, dao cắt và nhiệt độ của bếp lò cũng phải tính lại... Thế là thành công.

Giờ đây nhìn qua hơi bốc ở lò hơi hoặc nhìn bánh nổi trên mặt khuôn là mình có thể nói chính xác bánh đủ lửa hay yếu lửa, chín hay sống. Phát huy thắng lợi, Tiến lại mày mò cải tạo, hiện đại hóa, cơ khí hóa những công đoạn của nghề làm bún như máy xay bột, máy đánh bột, khuôn ép bún. Tiếng lành đồn xa, những đơn hàng từ khắp các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Phòng, thậm chí cả “xứ sở bánh cuốn” nức tiếng như Thanh Trì, Hà Nội cũng theo về gặp Tiến để đặt mua máy. Cái xưởng sản xuất rộng vài chục mét vuông lại không biển quảng cáo của anh đã xuất được vài chục máy tráng bánh cuốn, hàng trăm máy làm bún. Giá thành của những chiếc máy này cũng khá mềm chỉ từ 7 đến 10 triệu đồng.

Trước khi chia tay với tôi, anh thợ cơ khí làng Bặt Tạ Quang Tiến cứ một hai: “Chuyện mình làm ra máy tráng bánh cuốn là chuyện nhỏ, có gì đáng để cậu viết báo. Ngượng lắm”. Anh nói vậy, nhưng tôi nghĩ việc sáng chế của anh có tác dụng lớn cả về vật chất lẫn tinh thần

Đoài Xứ
.
.
.