Chuyện về một ‘nghệ nhân” ở Trại giam Xuân Nguyên

Thứ Tư, 17/05/2006, 14:08

Ngày khánh thành công trình nàng tiên cá do chính tay mình đắp, Sơn đã khóc. Ban giám thị trại vì quá hài lòng với tay nghề của Sơn đã thưởng cho người phạm nhân tận tụy ấy một phiếu căng tin trị giá 300 nghìn đồng. Món tiền ấy tuy giá trị không lớn nhưng với Sơn, nó là thu nhập đầu tiên của cái nghề mới phát tiết trong chốn lao tù.

Nếu không nhìn tấm biển, không qua vòng gác của chiến sĩ Công an trực ban khi vào thăm Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng), nhiều người sẽ tưởng mình đang lọt giữa một công viên với hoa đèn sặc sỡ. Điểm nhấn cho cái nền mướt xanh của cây, của nước ấy là những hình khối trang trí được tạo dựng rất cầu kỳ, khéo léo. Và, ai cũng bất ngờ khi biết người có đôi bàn tay của một nghệ nhân lão luyện, tác giả của những công trình ấy lại là một phạm nhân đang thụ án tù 8 năm ở trại bởi tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Phùng Tuấn Sơn, 32 tuổi, quê ở xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Tây. Nếu không nhìn bộ quần áo tù mà Sơn đang mặc thì có lẽ cái duyên ăn nói, nét mặt thanh thoát, sang trọng của Sơn đã khiến nhiều người lầm tưởng anh ta là một trí thức hay chí ít cũng là một doanh nhân làm ăn đang trên đà thăng tiến.

Thế nhưng tuổi 20, Sơn đã nổi tiếng khắp thị xã Sơn Tây bởi những "thành tích" quậy phá bất hảo của mình. Tháng 7/1996, Sơn lần đầu tiên khoác lên mình chiếc áo tù bởi tội cướp giật. Bảy năm sống trong song sắt, những tưởng "ngựa hoang" đã thuần tính, đã quay về bờ thiện, thế nhưng đó chỉ là ước ao không thành hiện thực của bà mẹ già ở chốn quê nghèo. Ra tù, Sơn vẫn chứng nào tật ấy, ngay cả khi đã thành chồng, thành cha của một mái ấm gia đình.

Mong Sơn rời xa hẳn những cuộc chơi vô bổ, hai bên gia đình nội ngoại vun vén, chạy vạy giúp Sơn lưng vốn những mong có việc làm, "ngựa chứng" sẽ "chùn chân chạy nhảy". Nhờ số vốn ấy, hùn chung với một người bạn được gần 500 triệu đồng, Sơn mua đất mở trang trại nuôi lợn siêu nạc. Thế nhưng, niềm vui của người mẹ già, người vợ trẻ ngắn chẳng tày gang. Có tiền trong tay, Sơn lại quay cuồng trong vòng thác loạn. Chẳng mấy chốc, không chỉ cái trang trại mà mọi người tạo dựng để Sơn làm lại cuộc đời ấy bay vèo theo những cuộc chơi bất tận mà Sơn còn thành một con nợ khổng lồ. Đớn đau hơn, từ những cuộc chơi tàn tạ ấy, Sơn đã rước nghiện vào mình.

Trốn chạy sự truy tìm của các chủ nợ, Sơn đã phải đưa vợ con phiêu dạt vào tận Vũng Tàu và kiếm sống qua ngày bằng nghề phu hồ vất vả. Làm được vài tháng, lấy lý do ra Bắc để giải quyết nợ nần, Sơn đã bỏ vợ con ở lại trong đó để trở về quê tính chuyện "làm ăn lớn". Thế nhưng, ngay phi vụ đầu tiên, Sơn đã sa lưới pháp luật. Tại Mạo Khê (Quảng Ninh) đầu năm 2003, Sơn đã bị bắt khi đang mang ma tuý theo người. Vào trại được mấy tháng, Sơn tổ chức trốn trại nhưng không thành. Cả hai tội gộp lại, Sơn phải ngồi bóc lịch 8 năm ròng.

"Mười hoa tay" trên những công trình... "độc"

Vào Trại giam Xuân Nguyên, thấy trại có đội chuyên làm xây dựng, Sơn đã xin gặp cán bộ phụ trách đội để say mê "diễn thuyết" về năng khiếu… thợ xây của mình. Công bằng, Sơn là một người rất khéo tay, sáng dạ, học đâu thông đó. Hồi trước, chỉ mấy tháng vừa học vừa làm ở Vũng Tàu, những ngôi nhà mà Sơn và đám thợ ngoài Bắc nhận xây đều được gia chủ hết lời khen ngợi.

Trước mặt và phía sau Trại Xuân Nguyên có hai hồ nước rộng, trên bờ là vô vàn những cây, chậu cảnh mà từ rất lâu rồi các cán bộ cũng như phạm nhân của trại dày công sưu tầm, cắt tỉa. Và, cũng từ rất lâu rồi Ban giám thị trại muốn tạo thêm những hình khối, xây đắp thêm những vật trang trí ở giữa hai hồ nước để mặt hồ bớt đi sự vô cảm, vô hồn. Thế nhưng, mong muốn ấy phải gác lại bởi không có người thực hiện.

Thấy Sơn khéo tay, tỉ mẩn thể hiện trên bồn hoa những hoa văn, họa tiết cầu kỳ nhưng bắt mắt, Ban giám thị trại đã gọi Sơn lên và nói với Sơn mong muốn ấy. Nghe xong, Sơn khẳng định sẽ làm được nhưng phải sau một tuần để Sơn tranh thủ học qua sách báo… nghề điêu khắc.

Tuần sau, với ý tưởng của Ban giám thị là đắp một con rồng khổng lồ ở hồ phía trước và cũng khối lượng tương đương là con rùa ở hồ phía sau đã được Sơn đồng ý nhận làm. Thế nhưng, để chắc chắn cho sự thành công của công trình, Ban giám thị trại đã kiểm tra tay nghề của vị "nghệ nhân"… bất đắc dĩ bằng việc bảo Sơn đắp thử nàng tiên cá đang đùa giỡn cùng bầy cá heo ở dưới chân những hòn non bộ tại hồ nước phía trước trại. Hơn một tháng mày mò trát trát, xoa xoa, nàng tiên cá xinh đẹp cùng những chú cá heo ngộ nghĩnh bằng xi măng đã được thể hiện trên mặt nước.

Được sự tin tưởng của Ban giám thị, đầu năm 2005, Sơn bắt tay vào làm "công trình lịch sử" của đời mình. Sáu tháng ngâm mình dưới nước, phơi mặt với nắng với mưa, Sơn cứ một mình cặm cụi làm. Kết quả của những tháng ngày cần mẫn ấy là con rồng uốn khúc ngoằn ngoèo trong bản vẽ đã dần… hiện nguyên hình như thật. Con rồng với nhiều chi tiết, hoa văn phức tạp mà trong một thời gian ngắn, Sơn đã chế tác thành công ngoài sức tưởng tượng của mọi người thì con rùa ở hồ nước phía sau trại chỉ là thứ để Sơn nâng cao tay nghề của mình. 

Hôm đến trại, tôi vẫn thấy Sơn lúi húi với công việc của mình. Sơn làm ghế, làm bàn giả gỗ để đặt ở công viên… trại giam ấy. Chia tay, Sơn bảo, lần này ra trại, chắc chắn Sơn sẽ không vướng chân vào những "con đường lầm lỗi" nữa. Quyết tâm và tin tưởng như vậy bởi bây giờ Sơn đã có một nghề chắc chắn trong tay và sau này Sơn sẽ nuôi sống gia đình mình bằng chính cái nghề mới học này

Đào Thanh Tuy
.
.
.