Chuyện về một phi công anh hùng trong thời kỳ đổi mới

Chủ Nhật, 30/08/2009, 15:56
Một trong những tấm gương sáng để các thế hệ phi công trẻ tôn vinh là Thượng tá, cử nhân khoa học quân sự Dương Văn Thanh, nguyên Phó Trung đoàn trưởng không quân 910. Anh là liệt sĩ, phi công duy nhất được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.

Sau nửa thế kỷ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Trường Sĩ quan không quân (SQKQ) Việt Nam đào tạo hàng ngàn phi công, sĩ quan tham mưu chỉ huy, sĩ quan chính trị, sỹ quan chỉ huy kỹ thuật không quân… bảo vệ bầu trời Tổ quốc bình yên. Từ ngôi trường này đã có không ít phi công tham gia chiến đấu và hy sinh dũng cảm trong chiến tranh khốc liệt, đến thời bình vẫn có những phi công mẫu mực hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Một trong những tấm gương sáng để các thế hệ phi công trẻ tôn vinh là Thượng tá, cử nhân khoa học quân sự Dương Văn Thanh, nguyên Phó Trung đoàn trưởng không quân 910. Anh là liệt sĩ, phi công duy nhất được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.

1. Đến Trường SQKQ Việt Nam ở thành phố biển Nha Trang vào thời điểm nhà trường kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (20/8/1959 - 20/8/2009) chúng tôi bắt gặp nhiều hình ảnh, tư liệu minh chứng truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, giảng viên, phi công đã được đào tạo và trưởng thành từ ngôi trường này trong chặng đường lịch sử nửa thế kỷ. Dừng lại trước tấm ảnh một phi công có vóc dáng vạm vỡ, gương mặt phúc hậu và đôi mắt ánh lên nét  kiên nghị, Trung tá Đặng Thái Sơn - Trưởng Ban tuyên huấn không giấu nổi xúc động khi giới thiệu đó là người anh hùng mà tôi muốn tìm hiểu những kỷ niệm đẹp về anh.

Tất cả hiện về trong lời kể của Trung tá Sơn: "Đồng chí Dương Văn Thanh, sinh năm 1958 trong một gia đình giàu lòng yêu nước ở xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Năm 1976, đồng chí Thanh trúng tuyển phi công và được đào tạo ở Trường SQKQ khi anh mới tròn 18 tuổi, lứa tuổi đầy khát vọng được cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khát vọng đó là động lực thúc đẩy anh miệt mài học tập và trở thành học viên giỏi năm năm liền, anh tốt nghiệp xuất sắc trong kỳ thi cuối năm 1981 và vinh dự được nhà trường tuyển dụng để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và trở thành giảng viên".

Thượng tá Dương Văn Thanh (thứ tư từ phải sang) cùng đồng đội.

Sau 29 năm phục vụ công tác ở Trường SQKQ với vai trò giảng viên, Thượng tá Dương Văn Thanh điều khiển ba loại máy bay và đã thực hiện 2.195 giờ bay trên bầu trời, chỉ huy hàng trăm ban bay đảm bảo an toàn, đồng thời trực tiếp đào tạo 48 phi công từ khi họ mới bước vào trường đến khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp, trong số đó có không ít người đã trở thành cán bộ quản lý trung đoàn.

Đặc biệt trong công tác rèn luyện, huấn luyện thực hành chiến đấu, Thượng tá Thanh đã hai lần thực hiện đề tài của Bộ Tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân về bắn đạn Rocket C5-KO lắp đặt trên máy bay L-39.

Khi được giao phụ trách bất kỳ nhiệm vụ nào, anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm của một phi công dày dạn kinh nghiệm, một giảng viên bay mẫu mực. Từ một Thiếu úy trẻ năm 1981, mười hai năm sau anh Thanh mang cấp hàm Thượng tá.

Trong chặng thời gian ấy anh đã lần lượt được bổ nhiệm giảng viên bay kiêm Biên đội trưởng, Phó Phi đội trưởng, Phi đội trưởng, Phó Trung đoàn trưởng 910 - Tham mưu trưởng và Phó Trung đoàn trưởng huấn luyện kiêm Trưởng ban quân huấn, trực tiếp đào tạo phi công trên máy bay L-39.

Trước khi được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới, Thượng tá Dương Văn Thanh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, ba Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng và Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.

2. Michel Demontai Guene -  một danh nhân người Pháp từng viết: "Mạnh mẽ nhất, đại lượng nhất và đáng tự hào trong mọi đức tính là lòng can đảm đích thực". Thượng tá Dương Văn Thanh là một phi công giàu lòng can đảm khi chấp nhận đối mặt với sự hy sinh để đồng đội trẻ thoát hiểm trong một chuyến bay định mệnh.

Hôm đó là ngày 29/4/2005, sau khi Thượng tá Thanh cùng tập thể giảng viên nhà trường hoàn thành xuất sắc 100% chỉ tiêu kế hoạch bay đơn cho học viên khóa huấn luyện thứ 30, anh cùng Trung úy phi công trẻ Đào Việt Hưng ngồi trên chiếc máy bay L-39 mang số hiệu 8732 huấn luyện chiến đấu cùng biên đội bay thực hiện nhiệm vụ ở độ cao, thấp.

Trong lúc máy bay đang lượn trên bầu trời Nha Trang vốn là nơi Thượng tá Thanh cùng nhiều đồng đội của anh đã sống và gắn bó 29 năm, không ai ngờ được rằng, giữa một chiều nắng đẹp, gió từ ngoài khơi xa len lén trôi nhẹ trên vịnh biển trong xanh đến nao lòng lại là buổi chiều cuối cùng Thượng tá Thanh nhìn thấy quê hương thứ hai của mình rồi mãi mãi về cõi vĩnh hằng, để lại nhiều đau thương, tiếc nuối cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội cùng nhiều phi công, học viên đã và đang được đào tạo từ cái nôi Trường SQKQ.

Khi chiếc kim đồng hồ ở Sở chỉ huy bay chỉ đến con số 15h25' cũng là thời khắc chiếc máy bay L-39 do Thượng tá Thanh điều khiển bất ngờ chết máy đột ngột. Với tinh thần trách nhiệm giảng viên, từng là phi công giỏi xử lý những tình huống bất trắc, trong đó có lần Thượng tá Thanh xử lý thành công sự cố hỏng máy bay trên không và hạ cánh an toàn, nên lần này anh tận dụng từng giây phút để kiểm tra lại thiết bị, đồng thời quan sát không gian bên dưới là biển chiều lấp loáng sóng bạc và phía trước là đảo Hòn Tre cách bờ biển Nha Trang chừng ba cây số.

Biết không thể nào tự khắc phục được sự cố kỹ thuật hiếm có này, Thượng tá Thanh khẩn báo cho Sở chỉ huy bay biết rõ tình trạng kỹ thuật và nhận được thông tin phản hồi: "Đồng chí được phép nhảy dù để thoát hiểm".

Có lẽ lòng can đảm đích thực đã khiến cho Thượng tá Thanh không vội vã rời khỏi may bay, mà bình tĩnh thông báo cho Sở chỉ huy bay: "Phía trước là đảo, tôi phải điều khiển máy bay ra phía biển". Trong cái chớp mắt, Thượng tá Thanh nghĩ tới sinh mệnh phi công trẻ Đào Việt Hưng đang ngồi ở buồng lái phía sau mình, nên anh ra lệnh cho Hưng đẩy cửa, bung dù ra không trung để thoát hiểm trước.

Khoảng cách giữa sự sống và cái chết gần như chỉ còn trong gang tấc, nhưng Thượng tá Thanh vẫn biểu lộ hành động quyết đoán khi tận dụng độ lướt còn lại, điều khiển máy bay lượn vòng sang trái để tránh đảo Hòn Tre, vì ở đó là Khu du lịch và giải trí Vinpearl Land có nhiều du khách tham quan, nghỉ mát.

Và khi mũi lái máy bay hướng ra vịnh biển cũng là lúc không còn đủ độ cao để Thượng tá Thanh thao tác kỹ thuật thoát hiểm. Chiếc máy bay L-39 rơi xuống mặt biển, mang theo sự sống của người SQKQ được nhiều đồng đội cảm phục về bản lĩnh, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức cách mạng.

Ngay sau đó, các đội cứu hộ, cứu nạn dưới biển, trên không đã được Trường SQKQ huy động khẩn cấp, nhưng khi tìm được chiếc máy bay dưới lòng biển, thì Thượng tá Thanh đã ra đi trong tư thế ngồi trong khoang lái như đang bay giữa vùng trời bình yên.

Gần hai năm sau đó, ngày 9/1/2007, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới đối với Thượng tá Dương Văn Thanh vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Một trong những đồng đội của người anh hùng là Đại tá Phạm Văn Đông - Chủ nhiệm chính trị Trường SQKQ bồi hồi nhớ lại: "Tôi với Thượng tá Thanh gắn bó hơn hai chục năm về trước. Không chỉ ăn chung mâm, vui buồn cùng chia sẻ, mà còn cùng một phi đội bay. Mỗi lần điều khiển máy bay cất cánh lên bầu trời khu Nam Trung bộ, nhìn xuống mặt đất, cả tôi và anh đều thuộc nằm lòng từng dòng sông, ngọn núi, đường lộ, đầm, vịnh và từng hòn đảo lớn nhỏ trên biển. Còn nhớ một kỷ niệm đẹp trong dịp kỷ niệm 40 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi và Thượng tá Thanh cùng điều khiển máy bay trong đội bay xếp hình con số 40 giữa không gian rực nắng thu vàng nơi Quảng trường Ba Đình lịch sử. Do nhu cầu công tác cán bộ nên cách đây năm năm, tôi được điều động đảm nhiệm công tác chính trị nhà trường, còn Thượng tá Thanh tiếp tục cùng đồng đội giảng dạy, đào tạo phi công trẻ điều khiển máy bay bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc".

Phi công Nguyễn Văn Sơn là thế hệ đàn em từng được người anh hùng trong thời bình hướng dẫn, đào tạo nhận xét: "Thượng tá Thanh luôn là người thầy mẫu mực, một cán bộ chỉ huy thật sự có năng lực, trách nhiệm từ mỗi bài giảng lý thuyết cho đến những giờ bay thực hành". Thật vậy! Danh nhân Thomas Fuller từng viết: "Kiến thức lý thuyết là kho báu, còn thực hành mới chính là chìa khóa", anh hùng phi công Dương Văn Thanh luôn dành hết tâm lực, trí tuệ để mỗi học viên do anh đào tạo có cả "kho báu" và "chìa khóa" để vươn lên trưởng thành trên mỗi chặng bay.

3. Hơn bốn năm sau ngày Thượng tá Dương Văn Thanh đi xa, trong ký ức người vợ của anh - Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy, y sĩ Bệnh xá Công an tỉnh Khánh Hòa vẫn luôn đầy ắp những kỷ niệm đẹp về một người chồng thủy chung, mẫu mực, thương yêu vợ con trọn vẹn nghĩa tình.

Từ lâu, tấm gương sáng của anh đã gieo vào tâm trí đứa con trai đầu lòng Dương Lê Minh hạt mầm ước mơ nối nghiệp người bố kính yêu, điều khiển máy bay giữa bầu trời xanh hòa bình.

Khi Minh bước vào Trường SQKQ với tư cách học viên trúng tuyển sau một kỳ thi hết sức nghiêm ngặt cũng là lúc bố cháu ra đi mãi mãi. Nén nỗi đau thương mất mát không có gì bù đắp nổi, Minh vượt qua cú sốc lớn đầu đời bằng sự động viên, chia sẻ chân thành từ nhiều đồng đội của bố, để học tập rèn luyện và được Bộ Tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân phong cấp hàm Trung úy sau khi tốt nghiệp loại giỏi. Phi công trẻ Dương Lê Minh được điều động về Tổng Công ty Bay dịch vụ miền Nam.

Năm ngoái, đứa con trai 25 tuổi của người anh hùng vinh dự được tuyển chọn đi tu nghiệp ở nước ngoài học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn để có thể điều khiển những chiếc máy bay hiện đại.

Khi tôi ngồi trước trang viết phóng sự nhỏ này, cũng là lúc đứa con út của người anh hùng - cháu Dương Lê Vân, 18 tuổi vừa trúng tuyển kỳ thi vào Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Quốc tế tại TP HCM.

Trong nắng thu vàng giữa buổi ban mai trong lành nơi thành phố biển xinh đẹp ở dải đất ven biển khu Nam Trung bộ, nhìn những chiếc máy bay L-39 lướt nhanh trên đường băng rồi cất cánh bay lên bầu trời xanh thắm, những cán bộ, giảng viên, phi công Trường SQKQ luôn bồi hồi tưởng nhớ đến liệt sĩ, Thượng tá Dương Văn Thanh - người anh hùng thời bình đã góp phần tô điểm truyền thống lịch sử hào hùng của nhà trường và là tấm gương sáng để các thế hệ phi công trẻ sẵn sàng chiến đấu vì sự bình yên chủ quyền bầu trời Tổ quốc Việt Nam

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.