Sống trẻ trên đất Việt:

Chuyện về một người Hy Lạp đi theo Việt Minh

Chủ Nhật, 19/06/2005, 07:43

Đã 8 lần ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập về thăm Việt Nam, nơi mà ông luôn nhận rằng, đã gửi trọn tâm hồn và trái tim ông ở đó. 20 năm sống, chiến đấu cho lẽ phải và lập nghiệp trên mảnh đất này, 40 năm xa cách Việt Nam để về đoàn tụ với gia đình ở Hy Lạp, bây giờ ông vẫn nói tiếng Việt như một người Việt.

Hòm thư báo trước cổng nhà ông trên đường phố Rodos ở thành phố Athens của Hy Lạp vẫn ghi cả 2 cái tên Việt Nam và Hy Lạp: Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, cũng là một cách để cho những người Việt đang sống ở đây tìm đến với ông. Và quan trọng hơn hết, người bạn đời người Việt đã hạnh phúc với ông suốt 48 năm qua giờ đây đã là mẹ của 4 người con được đặt bằng tên Việt Nam: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Thuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và Nguyễn Tự Do.

Từ lính lê dương đến người hàng binh

Năm 1942, phát xít Đức chiếm Hy Lạp, những người dân, nhất là thế hệ thanh niên phải sống trong tâm trạng hoang mang trước tình cảnh bắt bớ lính ra các chiến trường làm bia đỡ đạn. Nhiều công chức Hy Lạp phải sống trong tình cảnh không có việc làm, trong đó có bố mẹ của Kostas. Trường học lại bị Đức đóng cửa, Kostas cùng 6 anh em trai của mình phải lang thang mỗi người một nẻo mưu sinh bằng đủ các nghề. Năm 1943, người thanh niên 16 tuổi này bị phát xít Đức bắt giữ với lý do bán thuốc lá, và chúng đưa Kostas sang Đức để lao vào cuộc chiến phi nghĩa đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới.

Lang thang hết trại lính này sang trại lính nọ suốt chiều dài Hy Lạp với đủ thứ "huấn luyện" theo những kỷ luật kinh dị, năm 1944, Kostas mới chỉ đến nước Áo. Nếm đủ mùi khổ cực và nhận thức được việc mình đang bị đưa đi đâu, Kostas với 2 người bạn cùng cảnh ngộ quyết định bỏ trốn. Và cuộc hành hương vô định được kết thúc vào cuối năm 1945, khi cuộc đại chiến thế giới thứ II sắp sửa đi đến những ngày cuối cùng.

Kostas với trẻ em Việt Nam.

"Dù không tham chiến, nhưng chỉ với bộ quần áo và túi đồ khoác bên mình, chúng tôi đều bị xem là lính bại trận. Chúng tôi sống trong một trại tị nạn cạnh thủ đô Viên của nước Áo và muốn tìm về Hy Lạp nhưng không có đường đi, phải sang Italia và sống bằng lương thực tiếp tế của tổ chức những người tị nạn. Một người dẫn tôi tới đội binh lê dương với lý do "đi lính sẽ thoát khỏi kiếp tù binh và nhanh chóng được về nhà".

Tháng 2/1946, ông cùng đội quân bắn thuê ấy sang tới Việt Nam. "Chứng kiến những trận càn, cướp bóc, đánh giết, tra tấn của đội quân thực dân Pháp với đất nước mà chúng đang xâm lược, tôi thấy rùng mình và muốn thoát thân bởi xuất phát từ một nước đã từng bị xâm lược nên tôi rất hiểu".

Trong một trại lính ở Mũi Né, Kostas chưa bị giao đi đánh ngay mà chỉ tập trận. Sau đó, ông được giao công việc cai quản một người lính Việt Minh bị bắt giữ tên là Lê Trung Biển. Nhìn thấy Lê Trung Biển bị tra tấn, Kostas xin cấp trên cho ông được quản anh cho đến ngày đưa ra hành hình. Một lần đưa anh Biển đi tắm, Kostas làm quen bằng tiếng Pháp:

- Tôi là người Hy Lạp, tôi bị lừa vào đây. Tôi muốn thoát ra, anh đừng sợ tôi. Anh hãy cho tôi đi theo Việt Minh của các anh nhé. Nếu không, tôi càng lún sâu vào con đường tội lỗi mà tôi biết tự mình không thể thoát!

Cuộc bỏ trốn của hai người thành công. Sau 2 ngày đói lả, họ đã gặp được quân Việt Minh trên một ngọn núi của tỉnh Bình Thuận.

Chiến sĩ da trắng

Năm 1946, Kostas được chuyển địa bàn công tác tới Tuy Hòa và năm 1948 chuyển xuống Đà Nẵng. Qua một thời gian thử thách, công việc thường xuyên và phù hợp với ông là theo dõi gián điệp và địch vận. Thời gian này, ông đã học tiếng Việt tương đối thành thạo.

Năm 1952, ở Liên khu 5, quân ta bắt sống nhiều lính Pháp làm tù binh nhưng chủ yếu giam giữ ở những làng tự do mà chưa có những trại tù binh tập trung. Ông được chuyển công tác mới là cai quản trại tù binh số 3, là nơi tập trung tù binh Pháp có nguồn gốc Âu - Phi, ở Quảng Ngãi. Kostas nhận thấy việc cai quản gặp nhiều phức tạp nên ông chia ra từng nhóm: Đức, Pháp... để dễ cai quản. “Được cái bà con Quảng Ngãi rất hảo tâm, nhiều khi còn biếu không rau cho họ. Tôi thấy bà con không hề ghét bỏ họ mặc dù cách đó chưa lâu, chính những người này đã chĩa súng vào bao mạng người" - Kostas nói.

"Chỉ Việt Nam mới có những người mẹ như thế!"

Năm 1965, ông cùng vợ và các con về Hy Lạp sau một thời gian công tác tại Nhà máy In Tiến Bộ với tư cách là một phiên dịch viên sau khi tập kết ra Bắc và cũng từng tham gia đóng một số bộ phim cho Hãng phim truyện I như phim "Chiến sĩ tuổi trẻ". Một mình ông đi tìm việc làm cũng rất khó khăn bởi lúc này ông đang mang quốc tịch Việt Nam. Một năm ấy, có thời gian gia đình ông phải đi xin chân gà về nấu súp để ăn trừ bữa. 4 đứa con nhỏ, chồng người bản địa còn chưa tìm được việc huống gì là vợ chưa quen người quen tiếng, quen đất... Sau một thời gian tìm việc hết nơi này sang nơi nọ, ông mới tìm được việc làm ở một nhà máy nhôm. Ông làm việc có ngày lên tới 16 tiếng với mong muốn sớm có được căn nhà riêng để vợ con đỡ khổ. Ông bảo: "Tôi học được nhiều điều ở người dân Việt Nam, nhất là đức tính cần cù chịu khó".

"Tôi vẫn là một người nghèo, sống bằng tiền bán sức lao động suốt mấy chục năm qua, nhưng về Việt Nam, không bao giờ tôi ngại tốn kém. Bây giờ các cháu đã trưởng thành. Cháu Thành làm ở bộ phận tư liệu của EU, 2 cháu tiếp theo là những giáo viên có tiếng ở Hy Lạp và cháu Tự Do làm kế toán. Các con tôi đều muốn sang thăm Việt Nam, thăm đất nước mà chúng được sinh ra, lớn lên. Cháu Nga đã sang đây một lần và tấm tắc mãi với đất nước này. Còn cháu Thuyết chắc hè này sẽ đưa 2 đứa trẻ tên là Phục Sinh và Hồ Minh về Việt Nam chơi". "Về", ông nói thật bình thường, như ông vẫn nói với người Việt "đất nước ta", "nhân dân ta"…

Năm 2001, ông về Việt Nam làm thủ tục nhận tiền trợ cấp dành cho những người có công với cách mạng. "Được bao nhiêu tôi không nhớ. Đồng chí Đoàn Thanh đã giúp đỡ tôi làm thủ tục và số tiền này tôi tặng hết cho các mẹ liệt sĩ ở Quảng Nam. Thời kháng chiến, tôi đã được các mẹ săn sóc như con, tình cảm đó làm sao tôi quên được! Đi nhiều tôi hiểu, chỉ có Việt Nam mới có những người mẹ như thế, và chỉ có Việt Nam mới có tình mẫu tử thiêng liêng đến thế, nhưng các mẹ vẫn sẵn sàng để con ra trận mà đâu chỉ một người con?”. Và ông bảo, đứng trước những người mẹ như thế, của một đất nước như thế, ông cảm thấy tự hào vì mình đã từng được sống và chiến đấu ở mảnh đất này

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.