Chuyện về một cán bộ an ninh từng bị tù ở Côn Đảo

Thứ Sáu, 20/04/2012, 23:51
Đất nước đã hoàn toàn giải phóng, 37 năm đã trôi qua mà trong ký ức của người cán bộ an ninh từng bị biệt giam ở nhà tù Côn Đảo vẫn đong đầy trong ký ức.

Khó có từ nào tả nổi niềm hạnh phúc của những người như ông. Những người đã từng vào sinh ra tử quyết chiến đấu để giành độc lập tự do cho dân tộc, làm nên thiên anh hùng ca bất tử. Cứ đến ngày 30/4 là ông lại giở bộ quần áo tù mang về từ Côn Đảo để ngắm nghía. Đó là kỷ vật thiêng liêng nhắc ông nhớ về những ngày sống và chiến đấu kiên cường nơi “địa ngục trần gian”… Và kỷ niệm ngày chiến thắng năm nay, khi đã ngoài tuổi 80, ông vẫn cùng đồng đội vượt trùng dương trở lại Côn Đảo trong niềm xúc động nghẹn ngào…

Theo chân Ban liên lạc các cựu tù Côn Đảo, chúng tôi tới thăm gia đình ông Nguyễn Phú Duyệt ở đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội khi ông vừa từ Côn Đảo trở về. Nơi mà ông đã được bay bổng trong niềm vui sướng khi vẳng bên tai mình “miền Nam đã giải phóng”… Trước khi là một cán bộ an ninh chi viện cho chiến trường miền Nam, ông Duyệt đã từng 15 năm công tác trong lực lượng Công an, từng là Q.Trưởng Công an huyện Phụ Dực (nay là huyện Quỳnh Phụ), Phó Ban bảo vệ chính trị Công an tỉnh Thái Bình. Trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạm biệt người vợ thảo hiền và 3 đứa con thơ (đứa bé nhất mới 1 tuổi, lớn 6 tuổi) ông xung phong vào chiến trường miền Nam cùng với biết bao cán bộ An ninh miền Bắc chi viện cho An ninh miền Nam.

Sau nhiều tháng cuốc bộ xuyên rừng, Đoàn đã vào được tới “Ông Cụ” (tên gọi thân thiết của Trung ương Cục miền Nam). Ông được điều về An ninh Sài Gòn - Gia Định (An ninh T4) nhận nhiệm vụ. Khi được giao thâm nhập vào nội thành thì chàng trai quê miền Bắc lòng đầy lo âu. Rằng, vốn chỉ quen với cuộc sống nơi thôn dã Thái Bình, chưa hiểu gì về cuộc sống đô thành Sài Gòn… Nhưng tổ chức đã phân công, phải cố gắng làm bằng được. Sau 2 tháng nghiên cứu, móc nối cuối cùng ông đã có một “chỗ đứng” giữa lòng Sài Gòn đầy cạm bẫy.

Ông Nguyễn Phú Duyệt (cựu tù Côn Đảo) và vợ.

Năm 1970, ông bị địch bắt. Những ngày bị giam cầm tại khám Chí Hòa là những ngày sục sôi của phong trào cách mạng, phong trào đồng khởi trỗi dậy ở khắp nơi và cả ở nhà tù. Sau 3-4 tháng biệt giam tra khảo, địch chẳng thu được gì, càng khiến ông tôi luyện ý chí và trở thành 1 trong 7 cán bộ an ninh cốt cán. Bọn địch dùng mọi cực hình tra tấn ông nhưng không khuất phục được…, địch đã đưa ông đày ra Côn Đảo vào một ngày giáp Tết. Lại những chuỗi ngày cùm chân tại phòng biệt giam ở nơi “địa ngục trần gian” với đủ mọi cực hình. Nhưng ý chí của ông và những chiến sĩ cách mạng vẫn một lòng tin vào ngày chiến thắng, vẫn tổ chức bàn cách hoạt động ngay trong lòng địa ngục này.

Ông bị địch đưa về đất liền xử án, vẫn không xong. Chúng lại đưa ông trở lại nhà tù Côn Đảo giam cầm cho tới ngày chiến thắng 30/4. Thời khắc trọng đại ấy làm sao ông quên được. Đêm 30/4, có người đã tới phá tất cả các cửa và hô vang: “Cách mạng đã giải phóng Côn Đảo. Các anh về với nhân dân”. Niềm vui sướng và kiêu hãnh bừng dậy, những người tù ào ra ôm nhau mà nước mắt đầm đìa. Sau ngày giải phóng ba hôm, tàu hải quân ra đón những chiến sĩ cách mạng kiên trung từ cõi chết trở về. Ông Duyệt ở lại đảo thêm 1 tháng nữa tiếp tục làm nhiệm vụ ở Ban An ninh đảo. Sau đó về Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định.

Sau 11 năm biền biệt xa gia đình vợ con, tới ngày đất nước toàn thắng ông mới có dịp trở lại quê nhà. Khi ra đi, bà Nguyễn Thị Hồ (vợ ông) là Phó Chủ tịch huyện Phụ Dực, vì xa chồng lại vất vả với đàn con thơ bé nên bà chuyển công tác về Công an tỉnh Thái Bình. Gặp lại thì tóc vợ đã điểm bạc, các con đã lớn khôn mà lòng ông bùi ngùi khó tả. Ông tiếp tục cống hiến cho lực lượng Công an cho tới ngày nghỉ hưu. Bây giờ các con đã yên bề gia thất, ông bà đã ngoài 80 tuổi an hưởng tuổi già. Ông trở lại Côn Đảo vào những ngày tháng 4 lịch sử, tàu cập bến khi những bước chân nặng nề bị cùm kẹp thuở nào đã biến mất, bước chân ông bây giờ cứ nhẹ tênh ngắm mây trời thấy Côn Đảo đẹp tựa thiên đường. Ông vội tới thắp nén nhang cho những đồng đội đã hy sinh mà lòng đầy xúc động, tới thăm lại chính nơi mà ông đã từng bị biệt giam ở đó suốt thời gian dài, ký ức cứ ùa về trong làn gió biển trong lành…

Kim Quý
.
.
.