Chuyện về lớp học ra đời mừng ngày sinh của Bác

Thứ Hai, 20/05/2013, 23:08
Sáng sớm tinh mơ 19/5, ông Hồ Đại Phước (ngụ tại đường Âu Cơ, phường 10, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cùng vợ và con cháu đồng phục chỉnh tề, ai cũng tỏ vẻ háo hức. Ba chiếc xe máy hướng về quận 1. Hôm nay là một ngày đặc biệt với gia đình ông: lễ dâng hoa bên tượng đài Bác Hồ. Trong hương hoa ngan ngát, ông Hồ Đại Phước kể cho cháu con nghe câu chuyện về Bác, răn dạy con cháu học tập theo tấm gương sáng ngời của Người. Trong câu chuyện ấy, ông không thể nào quên lớp học đặc biệt năm xưa, lớp học ra đời mừng 81 năm Ngày sinh nhật Bác: 19/5/1971.

Ngày cậu bé Phước còn đỏ hỏn, cha cậu đã trở thành cán bộ công tác thành đầy can đảm, ngoan cường. Hai lần bị bắt, ông anh dũng hy sinh dưới đòn thù tàn khốc của địch. Nối bước theo tấm gương oai hùng của cha, người em trai của Phước xung phong đi du kích và dũng cảm hy sinh trong một trận chiến ác liệt ở Xuân Thới Thượng, Hóc Môn. Do đó, ngay từ thời niên thiếu, Hồ Đại Phước đã sớm căm thù Mỹ - ngụy. Chiến tranh liên miên, ông học đến lớp 9 rồi nghỉ. Ngày nhận được tin em trai hy sinh cũng là ngày ông quyết định xung phong ra chiến trường. Nhưng mẹ ông ngăn bởi bà không còn ai nương tựa ngoài cậu con trai duy nhất. Ông đành ở nhà làm vườn và đỡ đần mẹ sớm tối. Để trốn đi lính quân đội Sài Gòn, Hồ Đại Phước mở lớp dạy học.

Ông kể: “Trước năm 1968, hằng ngày tôi đã tập hợp các em trong xóm, hướng dẫn ca hát nhằm chuẩn bị mở lớp dạy học, thỏa ước nguyện phục vụ cách mạng. Lớp học là căn chòi lá đơn sơ sau vườn nhà ở ấp Phú Trung 2, xã Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình. Tôi dọn dẹp và đóng thêm bàn ghế. Học sinh là trẻ em nghèo trong xã. Tôi dạy tiếng Việt, Toán, các môn khoa học, thủ công… như chương trình tiểu học thời đó. Các em học chung với nhau vì vậy chiếc bảng đen bằng tre chia ra làm ba phần, phần dạy lớp 1, phần dạy lớp 2 và lớp 3”. Lớp học mới đầu chỉ có gần chục em, về sau tiếng lành đồn xa nên tăng lên hơn 80 em, phải chia làm hai lớp sáng chiều.

Thầy Hồ Đại Phước và các em học sinh. (Ảnh chụp năm 1972)

Thầy giáo Hồ Đại Phước chọn ngày khai giảng lớp học vào đúng ngày sinh của Bác. Trong ngày khai giảng, thầy sáng tác bài “Tiên học lễ, hậu học văn” cho các em hát trước khi vào lớp nhằm thay bài hát chào cờ của ngụy quyền Sài Gòn. Các em rất thích thú lắng nghe thầy Phước kể những mẩu chuyện về Bác Hồ xen lẫn bài học. Sau giờ học căng thẳng, thầy Phước bao giờ cũng có những trò chơi kết hợp với múa hát. Sẵn có khiếu văn nghệ, chơi guitar rất giỏi, thầy Phước sáng tác rất nhiều bài hát cho các em: những bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, đả đảo Mỹ - ngụy. Những bài hát này đến tai địch. Chúng điên tiết nhưng không có bằng chứng cụ thể để bắt ông. Đầu năm 1973, chúng bắt ông đi quân dịch. Lớp học đành giải tán. Nhưng mới lên quân trường thì ông bị bệnh nặng. Khi xuất viện ở Quân y viện Nha Trang, ông về thẳng Sài Gòn. Không lâu sau, Hồ Đại Phước bị bắt lại và nhận án một năm lao công tại chiến trường Pleiku vì tội đào ngũ. Ngày 17/3/1975, Pleiku giải phóng. Ông theo bộ đội về Sài Gòn. Ngạc nhiên thay, ngày ông đặt chân xuống thành phố lại là ngày 19/5/1975. Nhìn cờ hoa khắp lối mà mắt ông đẫm lệ gọi thầm: Bác ơi!

Lớp học đặc biệt ấy đã không còn, nhưng tấm lòng của ông đối với Bác luôn ngời sáng. Đã 20 năm nay, cứ đến dịp 19-5, ngoài lễ dâng hoa trước tượng đài Bác, ông lại đến tòa soạn Báo Sài Gòn giải phóng để trao tiền tôn tạo lăng Bác và đóng góp từ thiện. Giữa tháng 5 này, ông đã trao cho Báo 3 triệu đồng. Và khi thực hiện nghĩa cử cao đẹp ấy, ông không quên dắt cháu con theo như một cách răn dạy đầy thuyết phục mà không cần nhiều lời lẽ

Quỳnh Nga
.
.
.