Chuyện 'tử thủ' sau thời khắc lịch sử 30/4/1975 tại miền Tây Nam Bộ

Thứ Tư, 29/04/2015, 23:59
Bản chất hiếu chiến, ngoan cố, chống đối đến giờ phút cuối cùng của địch bằng việc tiếp tục gây tội ác, bắn giết, đổ máu đối với đồng bào và chiến sĩ cách mạng ta là một thực tế diễn ra tại miền Tây Nam Bộ sau thời khắc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng. Trong số những người con của miền Tây anh dũng đã ngã xuống sau thời khắc ấy, có đồng chí Trần Văn Trầm – cán bộ Đoàn thanh niên nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh TP Mỹ Tho (nay là Thành đoàn Mỹ Tho, Tiền Giang). Người cán bộ kiên trung ấy đã ngã xuống vào lúc 20h30 ngày 30/4/1975 (xin xem bài viết Nước mắt ngày vui thống nhất trên số báo đặc biệt CAND kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước).

Trung tướng Đinh Văn Cai – Chính ủy Quân khu 9, cho biết, hơn 40 năm trước, Mỹ Tho là trọng điểm của QK8 (nay thuộc QK9). Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Đội biệt động TP và cơ sở mật phát động quần chúng nổi dậy. Song, đến 16 giờ cùng ngày, cờ giải phóng mới phất phới tại Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Lực lượng chủ lực QK và bộ đội tỉnh tiếp tục tiến công các mục tiêu mà địch ngoan cố chống cự. Đến 24 giờ cùng ngày, Dinh tỉnh trưởng bị ta đánh chiếm. Và đến 5 giờ sáng 1/5/1975, Mỹ Tho hoàn toàn giải phóng.

Đối với Cần Thơ – nơi được xem là “thủ đô thứ hai” sau Sài Gòn, Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ - nguyên Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, theo phương án Gavin của Mỹ - ngụy, nếu Sài Gòn thất thủ thì khu vực cuối cùng phải án giữ là vùng Tây Nam Bộ, lấy Cần Thơ làm trung tâm. Ngày 28/4/1975, bọn tướng tá, nhân viên cao cấp của Mỹ - ngụy tại Tòa lãnh sự Mỹ tại Cần Thơ, hoang mang cực độ, kéo nhau xuống tàu hải quân chạy ra biển, trong số này có Đại tá Huỳnh Ngọc Diệp – Tỉnh trưởng. Trung tướng Nguyễn Khoa Nam – Tư lệnh Quân đoàn 4 và vùng IV chiến thuật, chỉ định Đại tá Trần Cửu Thiên lên nắm quyền Tỉnh trưởng, kiêm Thị trưởng TP Cần Thơ. Tướng Nam ra lệnh tử thủ, ban hành lệnh giới nghiêm 24/24 toàn TP, đồng thời gấp rút điều lực lượng (gồm 4 trung đoàn chủ lực, 1 trung đoàn bảo an, 2 thiết đoàn xe thiết giáp M113) về giữ tuyến Lộ Vòng Cung, chống trả quyết liệt các cánh quân của ta, nhằm bảo vệ cơ quan đầu não.

Về phía ta, lúc 15 giờ ngày 30/4/1975, ngay sau khi chiếm được Đài phát thanh, đã phát đi bản tuyên bố của chính quyền Cách mạng. 18h30 cùng ngày, lực lượng An ninh TP chiếm lĩnh Ty cảnh sát Phong Dinh và Bộ tổng tham mưu vùng IV chiến thuật, tước vũ khí bắt tại chỗ trên 100 tên cảnh sát…. Song, tướng Nam  vẫn ngoan cố. Khi kiểm tra kế hoạch “tử thủ”, ông ta mới biết trợ lý thân cận nhất trước khi cùng vợ con “hớt tay trên” bằng việc lên chiếc máy bay trực thăng dành riêng cho tư lệnh để bay ra Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi, tháo chạy, đã vứt kế hoạch tử thủ đó vào sọt rác, không triển khai đi các nơi. Tướng Nam thực sự bị “sốc” và hoang mang tột độ.

Nhân dân Mỹ Tho nổi dậy giành chính quyền.

Ba ngày sau khi Sài Gòn giải phóng, đài BBC loan tin cả 2 viên tướng Tư lệnh Vùng IV đều đã… tự sát. Chuẩn tướng, Tư lệnh phó Lê Văn Hưng đã tự sát trước mặt vợ con và nhiều thuộc cấp chiều tối 30/4/1975. Còn tướng Nam “tự sát”, BBC dẫn từ một cấp dưới của ông ta xác định điều này. Sau đó, trong hồi ký của trung úy chính quyền Sài Gòn Lê Văn Danh - một trong những thuộc cấp có mặt bên “chủ tướng” Nam vào đêm 30/4/1975, đã tả lại khá tỉ mỉ khoảnh khắc tướng Nam tự sát. Đến sáng sớm 1/5/1975, khi trinh sát của ta vào thì được biết, tướng Nam đã tự sát bằng khẩu K45.

Tại Chương Thiện (nay là Hậu Giang), Tỉnh trưởng Hồ Ngọc Cẩn và Trung tá, Trưởng ty cảnh sát Võ Văn Đường vẫn quyết “tử thủ”. Đến 5 giờ sáng 1/5/1975, các trinh sát An ninh ta đã mưu trí bắt sống tên Đường, nhiều sĩ quan phụ tá đặc biệt và 289 tên cảnh sát; tiến hành đánh chiếm Tòa hành chính, bắt sống được tên Cẩn.

Nhân dân Rạch Giá (Kiên Giang) chào đón quân giải phóng. Ảnh Tư liệu .

Tại Cà Mau, tên Đại tá, Tỉnh trưởng An Xuyên là Nhan Nhựt Chương chấp nhận đầu hàng ta lúc 18 giờ ngày 30/4/1975 nhưng tìm cách trì hoãn để chạy trốn. Lúc đó, bọn địch tại Chi khu Đầm Dơi do tên Thiếu tá quận trưởng Huỳnh Tuý Viên (33 tuổi) cầm đầu, thay vì đầu hàng tại chỗ, chúng lại mở đường máu bán sống bán chết kéo hết quân về Cà Mau… Với bản chất ngoan cố, tàn bạo, trong lúc tháo chạy vào đêm 30/4/1975, bọn Viên đã bắt mấy chục người dân đi trước dẫn đường làm “bia thịt” cho chúng. Khi tới Hoà Thành, bọn chúng đã nổ súng khiến 2 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn U Minh 3 của ta, hy sinh. Chúng đã bắt sống 2 cán bộ của ta dẫn ra tới lộ 4 (nay là QL1) và tên Viên đã trốn thoát (sau đó đã bị ta truy bắt,  tuyên xử tử hình). Cả tiểu đoàn địch như rắn mất đầu, và bị ta bắt hết vào sáng 1/5/1975.

Tại tỉnh Long Châu Tiền (gồm một số huyện của Đồng Tháp và An Giang ngày nay), Tiểu khu trưởng Sa Đéc, Tiểu khu trưởng Châu Đốc và một số sỹ quan Việt Nam Cộng hòa đã tập hợp trên 10.000 lính bảo an từ các nơi dồn về Tổ Đình ở xã Hòa Hảo, huyện Phú Tân tuyên bố “tử thủ”. Trong hai ngày 1 và 2/5/1975, chúng ra thông báo đòi lập “khu tự trị” ở Long Xuyên và Châu Đốc; sau đó, tại huyện Phú Tân. Đến Thông báo thứ 5, chúng đòi giữ một trung đội bảo an để bảo vệ Tổ Đình. Đêm 2/5, lực lượng ta đến Tổ Đình, phát động quần chúng nổi dậy cùng LLVT vây ép và sẵn sàng tiêu diệt các tiểu đoàn bảo an ngoan cố, hỗ trợ quần chúng tín đồ trực tiếp đấu tranh với TW Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Cuối cùng chúng phải ra Thông báo số 6 kêu gọi binh sĩ nộp vũ khí, trình diện Cách mạng.

7 giờ ngày 3/5, lực lượng ta vào Tổ Đình, tiếp nhận bàn giao vũ khí của hơn 8.000 lính bảo an. Trước sự chứng kiến của quần chúng, ta tổ chức khui 6 hầm vũ khí chôn giấu trong trụ sở Giáo hội. 

Sau khi Tổ Đình được giải phóng, một số tàn quân của bảo an tiếp tục co cụm về Chợ Mới, tập trung tại chùa Tây An, coi đây là nơi tử thủ cuối cùng. Tỉnh Sa Đéc điều lực lượng đến và phát động quần chúng bao vây, tiến công làm tan rã đám tàn quân ở chùa Tây An. Ngày 6/5/1975, cờ giải phóng tung bay trên chùa Tây An, mảnh đất cuối cùng của miền Tây Nam bộ được hoàn toàn giải phóng.

Thái Bình
.
.
.