Chuyện tình của đôi vợ chồng khuyết tật

Thứ Sáu, 06/07/2007, 09:36
Chồng phải cưa chân do đạn pháo khi vừa biết cắp sách tới trường, vợ bị liệt nửa người khi bắt đầu bi bô học nói. Duyên phận cuộc đời đưa họ xích lại bên nhau. Hạnh phúc của họ đẹp như những vần thơ do chính vợ chồng họ viết...

Cơn mưa chiều Quy Nhơn như sợi dây đưa chúng tôi ngồi gần lại nhau hơn. Chuyện về đôi vợ chồng khuyết tật Phạm Ánh và Nguyễn Thị Tuyết mà chúng tôi đang nghe như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Không chỉ sưởi ấm cho nhau bằng tình thương yêu, hàng chục năm qua, cặp vợ chồng Phạm Ánh - Nguyễn Thị Tuyết còn tìm cách cưu mang, giúp đỡ cho nhiều người bị khuyết tật.

Nhấp một ngụm cà phê, qua ký ức Phạm Ánh đưa chúng tôi về Cát Hanh - Phù Cát - Bình Định quê hương anh. Bố là liệt sĩ, mẹ ở vậy nuôi 4 anh em, nhà Ánh nghèo rớt mồng tơi. Tuổi thơ của Phạm Ánh lại càng dữ dội hơn khi bước vào lớp 1, anh đã phải cưa chân vì đạn pháo.

Nước mắt người mẹ nghèo ủ đầy khuôn mặt trẻ thơ của Ánh. Nhìn bạn bè cùng trang lứa đến trường, Ánh trốn biệt vào đống rơm rồi khóc và mơ ước được đến trường. Khổ không có nghĩa là chấm dứt việc học của con, mẹ Ánh nghĩ vậy và Ánh tiếp tục đến trường.

Vượt lên thân thể tật nguyền, Phạm Ánh học xong lớp 12 và ấp ủ vào giảng đường đại học. Song nhà quá nghèo lấy chi mà thi và học, Ánh nghĩ vậy và ở nhà phụ giúp má 2 năm, ở nhà nhưng những quyển sách Văn - Sử - Địa luôn gối đầu giường của Ánh.

"Đã quyết thì con thi thử coi" -  má động viên vậy. Phạm Ánh thi đỗ vào khoa Văn Đại học Đà Lạt. Thêm 4 năm chống chọi với đời sống nơi đất khách quê người để học chữ rồi Ánh cũng tốt nghiệp.

Cũng như bao sinh viên khác, Ánh làm hàng chục bộ hồ sơ đi xin việc, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc những câu từ chối khéo. Mười năm thất nghiệp, mười năm Ánh lang thang khắp nơi cùng với hồ sơ kiếm việc làm nhưng vẫn đành thất vọng.

Thời gian này Ánh làm rất nhiều thơ. "Thơ để vơi đi nỗi buồn và nói hộ lòng mình những uẩn khuất riêng tư", Ánh nói vậy. Năm 2000, một chiều lang thang trên phố Quy Nhơn như bao buổi chiều đi tìm việc khác, Ánh tìm đến Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga.

Anh được nhận vào làm thầy giáo dạy cho người khuyết tật, đúng như nguyện vọng của mình. Thêm một cơ duyên, vào cơ sở Nguyễn Nga, Ánh còn gặp Nguyễn Thị Tuyết, người con gái dịu hiền nhưng cũng gặp bất hạnh từ thuở nhỏ.

Ba tuổi, Tuyết bị liệt nửa người sau một cơn sốt tưởng chừng không qua khỏi. Nhà có đông anh chị em nên nỗi vất vả càng đè lên tuổi thơ của Tuyết. Nhưng sự ham học nơi cô bé bại liệt thật kỳ lạ.

Cùng với chiếc xe lăn, Tuyết không chỉ học hết bậc học phổ thông mà còn học xong Trung cấp Kế toán và Khoa Ngoại ngữ Đại học Quy Nhơn. Cùng làm việc ở cơ sở Nguyễn Nga, Ánh -Tuyết có cơ hội chia sẻ với nhau những khó khăn, tâm tư trong cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn "chúng tôi tìm thấy niềm tin yêu cuộc đời để đam mê với công việc mình làm, giúp đỡ những người khuyết tật tại cơ sở được nhiều hơn...", chị Tuyết cười cho biết vậy.

Điều mà hai người để lại cho nhiều người khi gặp mặt thật nhiều cảm xúc đó là Ánh và Tuyết rất thích làm thơ và họ đã thành lập một bút nhóm chuyên sáng tác thơ văn ở cơ sở Nguyễn Nga dành cho người khuyết tật lấy tên là bút nhóm Hoa Xương Rồng.

Được sự động viên của vợ chồng Phạm Ánh, nhiều người khuyết tật ở cơ sở Nguyễn Nga còn phác thảo tâm hồn mình qua những câu thơ chan chứa ân tình, vị tha và thánh thiện. Nhiều bài thơ của nhóm Hoa Xương Rồng đã được in trên các báo Trung ương và địa phương, tập thơ của nhóm ra đời đã được văn, nghệ sĩ ở Bình Định đánh giá cao.

Cuộc sống vẫn bộn bề những lo toan vất vả nhưng vợ chồng Phạm Ánh đang nắm tay nhau rất chặt để đồng hành cùng nhiều người khuyết tật ở phố biển Quy Nhơn.

Ngoài những giờ lên lớp ban ngày, đêm đêm tại cơ sở người khuyết tật, Phạm Ánh lại thao thức từng con chữ với những người mù chữ, người nghèo không có cơ hội đến trường giúp họ xóa mù. "Hai vợ chồng tui góp nhặt cùng với sự giúp đỡ của bạn bè năm qua, tui cho ra được tập thơ “Lối cũ” vui lắm anh à", Phạm Ánh cười vui.

Chia tay cặp vợ chồng Ánh - Tuyết, chúng tôi nhớ mãi lời chia sẻ của nhà văn Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định: "Phạm Ánh và Nguyễn Thị Tuyết đều là thành viên của trung tâm dạy nghề người khuyết tật. Nghèo như nhiều thi sĩ nghèo khó khác lại bị khuyết tật, nhưng họ đã vượt mình, bền bỉ với tình yêu thơ ca không mệt mỏi"

Sông Lam
.
.
.