Chuyện người “gác đèn” trên đảo tiền tiêu

Thứ Hai, 07/08/2017, 09:39
Khá kiệm lời khi nói tới những vất vả của công việc mà mình đang đảm nhận, các anh – những người “gác đèn” biển, hướng dẫn tàu thuyền lưu thông khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Công việc thầm lặng của các anh đã góp phần vào sự bình yên của biển đảo quê hương.

Từ cảng biển Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị), sau hơn hai giờ lênh đênh trên biển, chúng tôi đến với đảo tiền tiêu Cồn Cỏ. Đứng trên con tàu Cồn Cỏ, chúng tôi đã thấy ngọn hải đăng Cồn Cỏ nằm sừng sững trên đảo.

Ngọn hải đăng nơi đây được ví như “mắt thần” giữa biển khơi và là niềm tự hào, động lực của những người “gác đèn” biển bỏ lại sau lưng tuổi thanh xuân, gắn liền cuộc sống, công việc với đá và biển. Chiếc xe công vụ của Huyện đảo đưa chúng tôi đến Trạm Hải đăng Cồn Cỏ.

Đếm ngược những bậc thang uốn lượn theo hình xoáy chân ốc, chúng tôi lên tới đỉnh ngọn hải đăng Cồn Co và đớc nghe các anh - những người có thâm niên “gác đèn” giữa biển trời quê hương - trải lòng về sự say nghề, về công việc thầm lặng của những người con yêu biển đảo quê hương.

Anh Phạm Văn Cung, nhân viên Trạm Hải đăng Cồn Cỏ đang truyền thông tin về đất liền.

Anh Phạm Văn Cung, 40 tuổi, nhân viên trực tại Trạm Hải đăng Cồn Cỏ tâm sự, ngọn hải đăng là điểm cao nhất trên đảo. Đứng ở đây, có thể bao quát cả một vùng biển rộng lớn. Nhiệm vụ của trạm là đảm bảo an toàn hàng hải quanh khu vực đảo, nên anh cũng như các đồng nghiệp khác luôn phải tập trung cao độ trong công việc; thường xuyên bảo quản, bảo trì định kỳ các thiết bị đèn báo hiệu, định hướng tàu, bè qua lại. Trạm của anh hiện gồm 9 người đến từ các vùng miền khác nhau (Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An…).

Anh Cung kể, anh ra nhận nhiệm vụ “gác đèn” ở đảo từ tháng 1-2011. Trong 6 năm công tác trên đảo, số lần về quê thăm vợ và hai người con ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Với hệ thống đèn cảm ứng, phát sáng tới hơn 20 hải lý vào ban đêm, nên bất luận dịp lễ, Tết hay ngày nghỉ, ngọn đèn nơi Trạm Hải đăng Cồn Cỏ được duy trì phát sáng từ 18h hôm trước đến 6h sáng  hôm sau.

Để duy trì sự chiếu sáng của hệ thống đèn, các nhân viên của Trạm Hải đăng thay phiên nhau trực 24/24h. Mọi diễn biến trên vùng biển mà Trạm Hải đăng quan sát đều được các nhân viên trực đàm thông tin kịp thời về trụ sở Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc ở đất liền.

Cùng kíp trực với anh Cung ngày hôm nay còn có anh Trần Văn Quân (35 tuổi), quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Anh Quân chia sẻ: “Công việc chính ở trạm là thường xuyên lau chùi các thiết bị, kiểm tra, duy trì hệ thống đèn hải đăng phát tín hiệu - chiếu sáng, thông báo kịp thời cho các tàu, thuyền tránh bão, lưu thông an toàn trên biển. Chỉ một chút lơ đễnh, để hệ thống đèn sáng báo tín hiệu xảy ra sự cố, nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn đối với các tàu là khó tránh khỏi, nhất là vào thời điểm biển động, mùa mưa bão xuất hiện.”.

Tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, hằng năm, huyện đảo thường xuyên phải hứng chịu trên dưới 10 cơn bão. Những lúc như vậy, các anh phải vừa chằng chống nhà cửa, vừa phải đảm bảo giữ cho ngọn hải đăng chiếu sáng bình thường. Khi được hỏi về những khó khăn, vất vả của công việc, cả anh Cung lẫn anh Quân đều khiêm tốn trả lời.

Dường như, với các anh công việc “gác đèn” biển mà các anh đang đảm nhận đã ăn sâu vào máu thịt nên khó khăn đều nhường chỗ cho sự say nghề.

Câu chuyện của những người “gác đèn” biển đã để lại nhiều ấn tượng không chỉ riêng với chúng tôi mà còn với tất cả những ai đặt chân lên đây.

Trần Huy
.
.
.