Chuyện một phu trầm “đổi đời” bằng nghề lái đò

Thứ Năm, 09/05/2013, 16:02
Khi vụ án về5 phu trầm ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị sát hại dã man trong rừng sâu vào một ngày cuối tháng 3/2013 vẫn còn tính thời sự thì những câu chuyện hãi hùng, rùng rợn của anh Hải - một tay “đi điệu” (tìm trầm hương) có tiếng ở xã Hương Thọ kể lại khiến chúng tôi càng nhận ra rằng, sinh mạng các phu trầm giữa chốn rừng sâu, núi thẳm thật quá đỗi mong manh…

Mong muốn được giàu nhanh, anh Võ Đức Hải (44 tuổi, ở thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) cùng nhóm bạn 15 người lên rừng “ngậm ngải tìm trầm” và phải hứng chịu bao nghiệt ngã của phận phu trầm giữa chốn rừng sâu, núi thẳm.

Bị cơ quan chức năng bắt giam vì hành vi xuất cảnh trái phép, sau khi được tha về, Hải “giải nghệ” nghề đi trầm để trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, rồi tình nguyện làm người đưa đò trên thượng nguồn sông Hương hơn 8 năm trời…  

Khi vụ án về 5 phu trầm ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị sát hại dã man trong rừng sâu vào một ngày cuối tháng 3/2013 vẫn còn tính thời sự thì những câu chuyện hãi hùng, rùng rợn của anh Hải - một tay “đi điệu” (tìm trầm hương) có tiếng ở xã Hương Thọ kể lại khiến chúng tôi càng nhận ra rằng, sinh mạng các phu trầm giữa chốn rừng sâu, núi thẳm thật quá đỗi mong manh…

Theo lời anh Hải, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, phong trào “đi điệu” ở các thôn, làng nằm ở thượng nguồn sông Hương cũng rầm rộ không kém các vùng cao của các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Bình, Nghệ An... Và, đã có rất nhiều người đi tìm trầm trúng quả lớn, phất lên giàu có nhanh chóng, làm cho nhiều thanh niên háo hức lao theo nghề “đi điệu” như những con thiêu thân, bất chấp con đường phía trước đầy rẫy bao hiểm nguy rình rập tính mạng.

Nghe tin đồn, cánh rừng gần khu vực sông Nam Theun (tên gọi khác là sông Kading) của tỉnh Khăm Muộn, nước bạn Lào, có nhiều trầm quý, thế là Hải cùng 15 người khác trong xã lập thành một đoàn 4 nhóm lên đường ra Quảng Bình, đi ngược về hướng mặt trời lặn, trèo núi, vượt rừng, tìm cách vượt biên giới sang Lào. Đó là một ngày giữa năm 1985…

Hồi ấy, nhóm “đi điệu” của anh Hải do ông Mai Văn Giản, ở thôn Đình Môn, xã Hương Thọ, làm “đầu lãnh”. Họ cắt rừng, băng suối, vượt thác, trèo đèo, lặn lội trong rừng sâu mất gần một tháng trời mới tiếp cận được vùng rừng gần khu vực sông Nam Theun.

“Đến nơi, mọi người dùng rựa, dao để phát rừng tìm cây gió. Theo kinh nghiệm, cây gió nào có những gốc mắt bằng nửa cổ tay nhô ra, dùng rựa chặt vào thấy gỗ có màu đen thì nhất định cây gió đó có trầm. Cứ thế, mỗi ngày mọi người chia nhau đi thành nhiều mũi để tìm trầm, đến bữa thì cả nhóm quay về nơi dựng trại, nấu cơm ăn, nghỉ... Đến khi tìm được hơn 30kg trầm thì cả nhóm quyết định quay về…” – Hớp chén trà nóng, anh Hải cay đắng nói tiếp: “Trên đường đi, có không ít lần nhóm mình gặp bọn phỉ trấn cướp trầm, anh Lê Mậu Tý ở xã Xuân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) cùng 4 người khác trong đoàn bị phỉ bắn chết, mình cùng những người còn lại may mắn chạy thoát. Nhưng, thật nghiệt ngã… Vừa gùi trầm trở ra khỏi rừng thì mình cùng những phu trầm trong đoàn bị lực lượng chức năng tỉnh Khăm Muộn bắt giữ vì hành vi xâm nhập trái phép và bị tịch thu hết số trầm. Sau khi bị bắt giữ, họ giam tất cả những người “đi điệu” hơn một tháng mới di lý về cửa khẩu Nậm Cắn chuyển giao cho Công an Nghệ An để điều tra…”.

Những ngày trong trại giam, anh Hải càng thấm thía sự nghiệt ngã của phận phu trầm nên khi được tha về, anh quyết tâm đoạn tuyệt nghề đầy nguy hiểm rình rập này. Anh lập gia đình rồi bắt tay vào phát rẫy trồng rừng. Không phụ người chăm bón, những cánh rừng tràm hoa vàng cứ thế xanh tốt. Và cho đến nay, anh đã có được 4ha rừng cao su đang thu hoạch, 6 héc-ta rừng tràm…

Rồi anh Hải bùi ngùi nói: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, chính nghề đi trầm đã cho tui một bài học xương máu và tui quyết định lấy nghề chèo đò để phục vụ bà con. Thu nhập tuy có ít, nhưng biết tiết kiệm cũng đủ nuôi các con ăn học”.

Đó là năm 2005, anh Hải tình nguyện viết đơn gửi UBND xã Hương Thọ để chèo đò phục vụ người dân địa phương trên đoạn sông Tả Trạch trước mặt nhà. Hơn 8 năm đưa đò trên thượng nguồn sông Hương, hình ảnh của anh đã trở nên quá gần gũi và thân thương với bà con ở những xóm, làng ven sông.

Từ bỏ nghề đi trầm, anh Hải đã trồng rừng và lái đò đưa khách sang sông.

Từ một thanh niên bị trầm mê hoặc, anh Hải đã nhận ra ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống để “quay đầu” tìm tới bến bờ hạnh phúc. Từ hai bàn tay trắng, anh đã tạo dựng nên một cơ ngơi khang trang, nuôi dạy 3 người con ăn học thành người, trong đó đứa con đầu của anh là Võ Đức Hùng, hiện đã là sinh viên năm 2 Đại học Nông Lâm Huế.

Ngôi nhà khang trang của vợ chồng anh Hải sau những năm tháng vật lộn mưu sinh.

“Nếu ngày đó không chịu bỏ nghề đi trầm thì không biết cuộc đời tui sẽ đi về đâu...”, anh Hải bày tỏ nỗi lòng trước lúc chia tay chúng tôi

Lê Anh
.
.
.