Chuyện một nghĩa trang bị mất tích ở phường Tứ Liên - Hà Nội

Thứ Bảy, 28/05/2005, 07:20
Đó là nghĩa trang có tên gọi Ngọc Xuyên ở phường Tứ Liên, Hà Nội. Nghĩa trang có từ nửa cuối thế kỷ XIX với hàng ngàn ngôi mộ rêu phong cổ kính nhưng hiện nay nó đang sắp biến mất do một số gia đình chiếm đất làm vườn. Nhiều người giờ không biết mồ mả cha ông mình ở đâu.

Nước mắt cụ bà 95 tuổi

Chiều nào cụ Nguyễn Thị Thuận, 95 tuổi, trú ở cụm 3, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng lọ mọ ra nghĩa trang Ngọc Xuyên để khói hương cho ngôi mộ cha mẹ, tổ tiên mình. Cụ bảo, việc thường xuyên ra mộ thắp hương chỉ là cái cớ, mục đích chính là cụ đi... trông mộ. Cụ sợ người ta bới tung hoặc san lấp mồ mả tổ tiên cụ để chiếm đất xây nhà nên mấy tháng nay cụ ăn ngủ không yên. Cụ Thuận đưa cho tôi một lá đơn tố cáo gia đình ông Nguyễn Đức Khoan đã xâm phạm đến mộ tổ nhà cụ và mồ mả của một số gia đình làng Ngọc Xuyên.

Cụ Thuận kể rành rẽ về cái nghĩa trang của làng. Nó tên là Ngọc Xuyên, có từ nửa cuối thế kỷ XIX. Từ bấy đến nay, hàng ngàn ngôi mộ trong nghĩa trang Ngọc Xuyên đã cổ kính rêu phong. Những nấm mồ được xây nhỏ, gọn, chứ không phô trương hoành tráng như bây giờ, bởi hồi đó người dân đất bãi Tứ Liên còn nghèo lắm. Tuy nhiên, những tấm bia được ghi bằng chữ Hán vẫn nguyên vẹn rêu phong với tên tuổi, dòng họ. Hàng chục năm trước, nghĩa trang này vẫn còn chìm trong lau lách, vậy mà giờ đây nó đang sắp biến mất bởi những ngôi nhà cứ mỗi ngày mọc thêm, phình ra.

Theo cụ Thuận, gia đình cụ cũng như hàng trăm gia đình ở đây đã không dưới một lần phải xây lại mộ, bởi vì các phần mộ bị gia đình ông Nguyễn Đức Khoan và một số hộ ở gần đó liên tục lấp đất lên mộ hoặc tìm cách phá mộ, khiến người nhà không còn biết mộ người thân ở đâu. Nhiều gia đình phải đào bới sâu xuống mặt đất hàng mét mới nhìn thấy bia mộ. Đến khi ông Khoan thuê quản trang và cửu vạn đập mộ, rồi bí mật đem đi nơi khác thì người dân Tứ Liên không chịu nổi nữa, liền viết đơn tố cáo.

Theo ông Nguyễn Văn Cương, người cháu cụ Thuận, vào các ngày 25, 26 và 27/3/2005, gia đình ông Nguyễn Đức Khoan đã tự ý thuê quản trang phường Tứ Liên và cửu vạn đào bới một diện tích khá rộng ở nghĩa trang Ngọc Xuyên và đưa gần 20 bộ hài cốt lên mặt đất. Ông Khoan gọi ông Phan Hữu Ban đến nhận. Cực chẳng đã, ông Ban phải chuyển hài cốt tổ tiên đến an táng ở nơi khác. Khổ cho ông Ban, dòng họ Phan Hữu đã phản ứng gay gắt với việc làm của ông và yêu cầu ông đưa hài cốt tổ tiên về chỗ cũ.

Gia đình ông Khay cũng có 4 ngôi mộ bị đào bới và vứt tiểu sành tơ hơ giữa trời. Không còn cách nào khác, ông đành phải học theo cách của ông Ban. Ông Cương còn kể rằng, ông Khoan thuê ông Hội, quản trang Tứ Liên cùng một số người khác đào mộ vào ban đêm. Mấy bộ hài cốt để trên mặt đất suốt 10 ngày mà vẫn không có ai đến nhận, vì con cái, họ hàng ở xa, hoặc văn bia đã bị vỡ, hoặc mất, không dịch được nghĩa, không biết là của ai. Đêm đến, ông Hội đem những tiểu sành này ra nghĩa trang chôn tạm bợ. Giờ đây, người dân Tứ Liên đang nháo nhào, không biết mộ chí tổ tiên mình liệu có còn trong nghĩa trang hay đã nằm ở một khu đồng không mông quạnh lạnh lẽo nào rồi.

Tuy mộ tổ của cụ Thuận chưa bị đập phá, đào bới thảm hại như những ngôi mộ khác, song cũng đã mấy lần phải xây lại vì ông Khoan và người nhà ông chở đất lấp lên. Cụ Thuận ngày đêm canh cánh lo âu vì không biết ngôi mộ của tổ tiên cụ tồn tại được bao lâu khi mà người ta đã xây nhà đè cả lên mộ. Cụ buồn bã nói: “Chồng tôi đã chết từ lâu, đứa con trai duy nhất cũng đã hy sinh ngoài chiến trường. Giờ tôi gần đất xa trời, sống chẳng được mấy ngày nữa, tôi phải bảo vệ được phần mộ của tổ tiên”. Rồi nước mắt cụ - nước mắt bà mẹ Việt Nam anh hùng sống mẫu mực, được nhân dân yêu quý - lăn tràn trên gò má.

Nỗi đau của người thương binh già chống Pháp

Khi tôi nhắc đến chuyện ở nghĩa trang Ngọc Xuyên, nước mắt cụ Trần Đức Hán, người thương binh già chống Pháp rân rấn. Cụ bà bảo, dù đã 80 tuổi, song cụ ông vẫn khỏe. Từ khi phát hiện ra mộ tổ nhà mình bị người ta xây nhà quây lấy, cụ buồn bực mà phát bệnh tai biến mạch máu não, giọng nói cụ méo đi. Cụ Hán cho rằng, trước khi hoàn thiện ngôi nhà mới, chủ nhà sẽ tìm mọi cách để đào 5 bộ hài cốt nhà cụ chuyển đi nơi khác. Cụ đau đớn bởi vì không thể lý giải được trên đời lại có kẻ vô liêm sỉ đến mức định cướp trắng cả đất của người chết.

Cụ đau đớn nói: “Tôi đã không tiếc xương máu để bảo vệ Tổ quốc, nhưng tôi lại không bảo vệ được mồ mả của cha mẹ, tổ tông mình”. Theo cụ Hán thì tết vừa rồi ra nghĩa trang thắp hương, cụ giật mình khi thấy một dãy nhà cấp 4 sắp hoàn thiện, cùng với một ngôi nhà cấp 4 đã xây xong tọa lạc giữa nghĩa trang. Dãy nhà này là của anh Nguyễn Đức Quang, cháu ruột ông Khoan. Cụ tìm mãi mà không thấy mộ tổ nhà mình đâu. Cụ lục lại trí nhớ và xác định chắc chắn ngôi mộ đã nằm gọn trong một gian nhà của dãy nhà cấp 4. Cũng may, ngôi mộ nhà cụ vẫn còn, chỉ có điều nó đã bị tường xây đè lên và chỉ còn hở mỗi cái nóc mộ khum khum. Từ bấy đến nay, ngày nào cụ cũng ra ngó mộ một lần. Gian nhà xây trùm lên mộ được anh Quang biến thành nơi để vật liệu, đồ đạc. Ngoài ra, trong lòng dãy nhà cấp 4 vẫn còn tới 5 ngôi mộ tổ của dòng họ Trần. Nấm xây tròn của những ngôi mộ này vẫn nhô lên khỏi nền nhà, chân hương còn mới nguyên. Tuy nhiên, ngôi mộ nhà cụ và nhà họ Trần vẫn “may” vì còn nguyên vẹn, chứ cả trăm ngôi mộ khác giờ đã mất tăm mất tích.--PageBreak--

Nghĩa trang sắp biến mất

Dạo một vòng nơi mà xưa kia là nghĩa trang, tôi không thể tin vào mắt mình bởi khó có thể tìm thấy ở nơi nào mà người sống và người chết lại gần nhau đến vậy. Các hộ dân sinh sống bám sát quanh nghĩa trang, nhà của người sống đan xen với mộ của người chết. Thậm chí, ngay bậc cửa nhà là một bát hương được cố định chặt bởi bêtông. Phía dưới bậc thềm đó chắc là mấy bộ hài cốt vì có cả văn bia. Chủ của những ngôi mộ này đều ở xa, không có đủ thời gian, công sức để giữ mộ trước sự xâm lấn nên chỉ yêu cầu những người chiếm đất giữ lại cho bát hương, để mỗi dịp tảo mộ còn biết chỗ mà cúng lễ.

Theo cụ Thuận, cụ Hán, cụ Dần (91 tuổi) thì 90% diện tích đất nghĩa trang đã biến mất trước sự xâm lấn của đại gia đình ông Khoan trong mấy năm gần đây. Theo các cụ kể lại, vào năm 1960, chính quyền xã Tứ Liên, huyện Từ Liêm giao cho cụ Nguyễn Đức Hoành khoảng một sào đất (360m2) gần nghĩa trang để ở và trông coi nghĩa trang. Khi cụ Hoành mất thì để lại cho người con cả là ông Nguyễn Văn Tại. Ông Khoan (em trai ông Tại) đã mua một mảnh đất tiếp giáp nghĩa trang Ngọc Xuyên nhưng thuộc xã Quảng An làm nơi ở. Vì ở gần nghĩa trang Ngọc Xuyên nên gia đình ông Khoan và ông Tại cứ dần dần san lấp và biến cái nghĩa trang rộng mênh mông thành đất của mình. Cứ chiếm được lô đất nào, ông lại chia cho con cháu. Ông Khoan đã xây hàng chục căn phòng cho thuê trên mảnh đất xưa kia là nghĩa trang mà ông chiếm được.

Hiện tại, nghĩa trang co lại, song ông Khoan vẫn ra tay chiếm nốt. Tết vừa qua, đợi người dân khắp nơi đổ về thắp hương xong, ông tiến hành san lấp và biến cả cái nghĩa trang với sin sít những ngôi mộ hơn trăm năm tuổi thành vườn trồng cây của mình. Nghĩa trang đã được phân làm 5 lô đất, mỗi lô rộng đến gần 100m2. Nghe nói, ông ta chia cho mỗi người con một lô. Chia lô, trồng cây xong rồi, ông tiến hành dụ dỗ từng gia đình chuyển mộ đi, ông hứa sẽ hỗ trợ tiền di dời. Nhiều gia đình muốn tổ tiên được yên thân thì tiến hành di dời. Gia đình nào ở xa, không biết thì ông đập phá, đào bới mộ rồi tự ý chuyển hài cốt đi nơi khác... hoặc cứ lấp bừa đất lên cả bia mộ.

Nhiều gia đình thấy mộ tổ nhà mình mất hút trong lòng đất bèn mang bia mới đến cắm, song ông Khoan nhất định không cho cắm vì ông khẳng định đây là... đất vườn nhà ông (?!). Có người mang hương ra viếng mộ cũng bị ông ta ngăn cản, vì khói hương sẽ làm chết cây cối trong vườn. Trong lòng 5 mảnh vườn với hàng trăm ngôi mộ của 10 dòng họ đã biến mất gần hết. Chỉ còn lại vài ngôi bị đập phá như những phế tích. Chủ nhân của những ngôi mộ đành phải dùng nhiều cách để đánh dấu mộ tổ nhà mình. Nhưng khoảnh đất thứ 3 thì rất phẳng, không còn thấy dấu tích ngôi mộ nào nữa.

Ông Cương bảo, trong lòng khoảnh đất ấy trước kia phải có đến gần trăm cái tiểu sành, vậy mà giờ không biết họ đem đi chôn nơi nào. Tết này, ối người nháo nhào vì không biết mộ tổ nhà mình ở đâu. Đại gia đình ông Khoan và người dân quanh đó còn xả rác lên một số ngôi mộ khiến ai trông thấy cũng buồn lòng.

Chính quyền phường Tứ Liên không biết hay thờ ơ?

Không biết việc đại gia đình ông Khoan chiếm đất rồi san lấp, xây dựng bừa bãi trên nghĩa trang Ngọc Xuyên, chính quyền phường Tứ Liên có biết hay không? Chỉ biết rằng, trong nhiều năm qua, UBND phường Tứ Liên vẫn không hề có động thái nào can thiệp. Chỉ đến khi bà con bức xúc phản ánh thì ngày 14/4/2005, UBND phường Tứ Liên mới cho họp 50 hộ dân có liên quan để nghe phản ánh. Từ cuộc họp, UBND phường đã đưa ra phương án là giữ nguyên hiện trạng khu vực, cho phép các gia đình phát hiện ra mộ nhà mình bị chìm dưới lòng đất được đặt bia, được vào thờ cúng. Tuy nhiên, nếu xây mộ thì phải xin phép UBND quận Tây Hồ. Trong cuộc họp, mọi người cũng thống nhất việc cảnh cáo đối với ông Hội, người đã tự ý di chuyển mộ mà không thông báo, hỏi ý kiến.

Tuy nhiên, nhân dân yêu cầu UBND phường Tứ Liên phải tháo dỡ các công trình mà ông Nguyễn Đức Khoan đã xây trên nghĩa trang và xử lý ông Khoan cùng những người liên quan theo Điều 246 Bộ luật Hình sự về tội đào phá mồ mả, xâm phạm đến hài cốt người đã khuất, cản trở người khác thực hiện nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Trao đổi về vấn đề này, giải pháp mà ông Nguyễn Hữu Chân, Chủ tịch UBND phường Tứ Liên đưa ra là: Trước tiên, yêu cầu gia đình ông Khoan dừng ngay việc xây dựng trái phép. Sau đó sẽ cho Ban Địa chính xã khảo sát xem các công trình nhà ông Khoan có xây đè lên mộ không. Nếu có dấu hiệu lấn chiếm, xây đè lên mộ thì sẽ xử lý theo đúng pháp luật. Để chấm dứt việc lấn chiếm mồ mả của dân, UBND phường sẽ tiến hành xây tường bao quanh khu vực nghĩa trang. Cả trăm hộ dân đang sống từng ngày mong những giải pháp của UBND phường Tứ Liên sớm thành hiện thực

Phạm Ngọc Dương
.
.
.