Chuyện một Thiếu úy Hải quân Pháp theo Cách mạng Tháng Tám

Thứ Ba, 16/08/2011, 20:23
“Út Một (Thiếu úy thuỷ quân Albel René) là một trong những người chỉ huy dũng cảm, thông minh, tận tụy và trung thành với Đảng và nhân dân. Anh không những đóng góp vào việc mua vũ khí từ Thái Lan chuyển về nước, mà còn tham gia trên những chiếc thuyền không số vượt biển Đông ra Bắc, góp phần mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển thời chống Mỹ”.
Đầu tháng 9/1945, Sài Gòn náo nức đón ngày Độc lập chưa được bao lâu đã bị quân Pháp núp bóng quân Anh… chiếm lại, rồi lần lượt lấn ra các thị xã, vùng nông thôn Nam Bộ. Một vấn đề “đau đầu” của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ lúc bấy giờ là thiếu vũ khí. Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 1945 đã kết luận “phải kiếm bằng được vũ khí” và thành lập “Ban Sưu tầm” - thực chất là Ban đi tìm kiếm súng đạn.

Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ giao trách nhiệm nặng nề cho đồng chí Dương Quang Đông. Ban sưu tầm này gồm 13 người, trong đó có một người đặc biệt tên là Út Một, có tên Pháp là Albel René, công dân Pháp, gốc Việt.

René sinh trưởng trong một gia đình trí thức, giàu có. Anh là con thứ 11 nên cha mẹ đặt tên ở nhà là Út. Tính tình cởi mở, ưa thích hiểu biết, René đã đăng lính Hải quân, phục vụ trên tàu Tuần dương Lamotte Picquet của Pháp. Đây là một loại tuần dương vào loại lớn nhất bỏ neo ở Đông Dương. René đã được phong hàm Thiếu úy.

Đọc các sách báo của Đảng Cộng sản Pháp về tình hình chiến sự ở Việt Nam, René đã sớm liên lạc với các bạn bè tiến bộ và trong những tháng đầu năm 1945 thường ra khỏi trại Fransic Garnier (tên của viên chỉ huy Pháp tử trận tại Hà Nội trong thế kỷ XIX, khi xâm lược Việt Nam) để tìm hiểu thực tế.

Trước ngày 19/8/1945, René quyết tâm rời tuần dương hạm Lamotte Picquet, lấy tên Việt Nam là Lê Văn Một - Út Một và trở thành thành viên Ban Sưu tầm vũ khí do đồng chí Dương Quang Đông chỉ huy và được anh rất yêu mến.

Là thuỷ binh, Út Một đã đi khắp vùng biển Đông Nam Á, hiểu biết bờ biển này như những đường gân trên lòng bàn tay mình. Đây là con người mà Trưởng ban sưu tầm Dương Quang Đông cần và khi chọn Út Một làm người thân tín nhất, anh cũng đã tin tưởng vào dòng máu Việt yêu nước của Út. Về Út Một cũng rất mừng khi được cùng với anh Dương Quang Đông thực hiện công tác phù hợp khả năng và thích thú.

Công việc đang được chuẩn bị gấp thì Út Một được đề cử vào danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đã trúng cử. Cấp trên báo cho anh biết để chuẩn bị ra Hà Nội. Út Một đã xin ở lại để cùng đi sưu tầm vũ khí với anh em và đã được chấp nhận…

Vượt qua bao khó khăn về thuyền bè, giấy tờ… mãi cho tới ngày 20/6/1946, chiếc ghe buồm của Dương Quang Đông mới rời kênh Biện Nhi, nhằm hướng Băng Cốc (Thái Lan), đi tới.

Rời bến bờ Tổ quốc ra đi tới một đất nước lạ, công việc trăm bề ngổn ngang, anh em đều rất lo lắng với nhiệm vụ “làm cách gì để có súng đạn trở về”. Người không kém phần lo lắng như Trưởng ban là Út Một vì được phân công quản một ruột tượng trong đó có 25kg vàng thoi, vàng cục, tiền để mua vũ khí.

Sau 4 ngày đêm toàn ban đã đến được Băng Cốc, vào trú ngụ nhờ ở ngôi chùa Thi Hòa Thi do một nhà sư Việt Nam - thầy Bảo Ân, chủ trì.

Một hôm, Dương Quang Đông đi ra phố, tìm hiểu tình hình bỗng gặp Trần Văn Giàu. Trần Văn Giàu cho biết, Trung ương Đảng cử anh sang Thái, liên lạc với người bạn học cũ anh quen bên Pháp, hiện đang là Thủ tướng, tên là Priđi Phnomiông để xin, mua vũ khí… Hai bên đều mừng rỡ vì cùng chung một nhiệm vụ. 12 anh em trong đó có Út Một được bàn giao cho Trần Văn Giàu để làm nhiệm vụ. Dương Quang Đông quay về lo liệu công việc tiếp sau.

Út Một được cử đến Cô Công, một thị trấn vùng biên giới Thái Lan, Campuchia để tìm mối mua súng đạn. Cơ sở của ta ở Thái đã “gửi” Út Một vào gia đình ông bà Bượm Khiểu Cachi. Không thể ngờ rằng, Út Một là anh cán bộ trẻ, bỏ nhà giàu sang phú quý theo cách mạng, nên ông bà người Thái rất thương và đã gả cô con gái La-o Khiêu Cachi cho Út.

Út Một biến nhà bên vợ thành trạm của Ban sưu tầm, kiêm luôn Trạm trưởng và có Nguyễn Văn Nhân giúp đỡ. Trạm thứ hai được thành lập sau đó do Bông Văn Dĩa (người sau này là Anh hùng LLVTND, góp phần mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển) làm Trạm trưởng.

Út Một ở Cô Công mua được khá nhiều vũ khí. Bấy giờ, ở Thái, súng rất dễ mua, có thể nói người dân Thái nào cũng có súng. Súng lục sắm dễ nhất là mua của phụ nữ. Súng trường mua theo cách đưa tiền cho lính Thái…

Út Một tập trung súng tại chùa Thi Hoà Thi dưới sự che chở bảo vệ của sư thầy Bảo Ân. Từ đấy, Út Một tổ chức một đoàn “đi buôn” gồm 10 xe bò, 10 con voi, với chừng 70-80 người cả Việt kiều và người Khơme, đưa vũ khí về biên giới Thái Lan - Campuchia, qua tiếp hai trạm nữa về trên đất Campuchia để về Nam Bộ. Út Một giao hàng ở Bến Ớt (Hà Tiên) và Kinh Tư, súng không thiếu một “cây”, đạn không thiếu một viên…

Chuyến đi bộ này quá vất vả, lên núi một ngày, xuống núi một ngày, gian khổ không sao kể xiết, đến voi mà còn chết hai con… huống chi là một thanh niên, con nhà quý phái như Út Một. Nhưng Út Một bấy giờ đã là đảng viên và là một đội trưởng kiên định, vững vàng…

Xét việc đi đường bộ ít thuận lợi, Ban Sưu tầm chuyển sang đi đường biển. Ban mua hai chiếc ghe Phú Quốc, chiếc lớn chở 10 tấn, chiếc nhỏ chở 4 tấn. Tháng 7/1946 hai chiếc ghe về được bến Cà Mau định đi vào Rạch Gốc, nhưng lạc đến xã Viên An nơi địch đóng quân. Sợ mất súng, Út Một đưa một trung đội đi đánh đồn Đầm Dơi, để bảo đảm tiếp tục hành trình an toàn.

Sau đó, Út Một còn đi thêm nhiều chuyến nữa và anh đã được giao làm Thuyền trưởng tàu Chiến Thắng, trọng tải 50 tấn. Bông Văn Dĩa làm chính trị viên tàu này.

Út Một đã hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ, không thấy được nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất.

Nghĩ về Út Một, bác Dương Quang Đông nói: “Út Một là một trong những người chỉ huy dũng cảm, thông minh, tận tụy và trung thành với Đảng và nhân dân. Anh không những đóng góp vào việc mua vũ khí từ Thái Lan chuyển về nước, mà còn tham gia trên những chiếc thuyền không số vượt biển Đông ra Bắc, góp phần mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển thời chống Mỹ”

Thủy Trường (theo tư liệu của Lữ đoàn 125, Hải quân và đồng đội Út Một)
.
.
.