Chuyện lạ mùa nước nổi

Thứ Hai, 31/10/2005, 13:29

Khác xưa, mùa lũ - mùa nước nổi - bây giờ không còn là nỗi hãi hùng của cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Với họ, mùa nước nổi còn là mùa làm ăn, mùa kiếm sống và những nghề "độc" cũng vì thế mà ra đời.

Theo những người am hiểu, tùy điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội mỗi nơi mà các ngành nghề của từng địa phương vùng lũ có khác nhau. Song, chung quy, danh mục những ngành nghề mùa lũ thường gặp là thế này: nuôi cá, nuôi tôm đăng quầng, nuôi ba ba, vót đũa, dệt chiếu, đan lưới, sản xuất lưỡi câu, đánh bắt thủy sản, thu gom lục bình, trồng rau nhút, bông súng, hái bông điên điển...

Từ những nghề “độc”…

Bông điên điển là món ăn khoái khẩu không chỉ của người miền Tây mà còn của đồng bào trên nhiều vùng miền của cả nước. Bông điên điển, cùng với con cá linh, hoàn toàn có thể được coi như là hai thứ sản vật tiêu biểu của cư dân vùng sông nước, đặc biệt là ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Một điều thật đặc biệt là loại hoa đồng dân dã này chỉ xuất hiện mỗi khi lũ về.

Vào mùa nước, kết hợp với công việc giăng lưới bắt cá, người ta còn chống xuồng ra chốn đồng nước mênh mông để hái từng chùm điên điển. Giá bán chỉ dao động khoảng 5.000 - 6.000/kg, nhưng ít nhiều giúp những người nghèo có thêm thu nhập. Quả là một món quà mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân nơi đây!

Nhiều cụm tuyến dân cư được đầu tư tốt đã ổn định cuộc sống người dân vùng lũ.

Mùa nước về, không chỉ con người phải... sơ tán mà ếch nhái bị nước “tấn công” cũng buộc phải rời khỏi hang tìm các đám cỏ hoặc những đám lục bình ở các bờ bãi làm nơi trú ẩn mới. Đó là điều kiện để xuất hiện nghề câu ếch. Nghề này ai, ở đâu cũng có thể làm. Nhưng xuất hiện nhiều và có bề dày trong nghề là người dân ở các huyện Tam Nông, Thanh Bình và Hồng Ngự... của tỉnh Đồng Tháp. Anh Đực Em, một người dân ở ấp 1, xã An Long, huyện Thanh Bình, cho biết: "Ở đây, hầu như nhà nào vào mùa nước cũng chuẩn bị sẵn 3 - 4 cây cần câu. Mỗi ký ếch bán được 8.000 - 9.000 đồng, có khi được giá 10.000 - 11.000 đồng. Chịu khó, mỗi ngày cũng có thể làm được vài ký. Nghề này tương đối nhẹ nhàng, con nít cũng làm được nếu chịu bỏ công quẩy giỏ tre ngang hông, xách cần câu đi lang thang dọc theo các bãi bờ để tìm... ếch”.

Một nghề khác cũng khá “độc” nhưng chỉ xuất hiện vào đầu mùa lũ. Đó là nghề kéo... trứng nước. Hình thức làm ăn cũng giống như kéo cá lòng tong hay kéo tôm, kéo tép trên đồng. Thế nhưng, điều đặc biệt là những ổ trứng này chỉ xuất hiện trong khoảng một tháng đầu mùa nước, nên theo đó, nghề kéo trứng nước cũng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Anh Dũng, một hộ dân ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, cho biết, những ổ trứng này có màu vàng nhạt, nhỏ li ti như trứng cá nên khi “đánh bắt” nó phải dùng vải mùng để làm lưới kéo. Trứng cá là nguồn thức ăn cho cá bột ở các trại ương giống và cung cấp cho những nơi bán cá kiểng. Trứng cá bán theo lít, mỗi lít giá khoảng 40.000-50.000 đồng”.

Một nghề độc đáo khác là nghề làm “xáng cơm”. Thật ra, đấy chỉ là cách gọi tên khác của một cái nghề “muôn năm cũ”: nghề đào đất mướn. Mùa nước lên, xuất phát từ nhu cầu tôn tạo nền nhà, nạo vét kênh mương và đắp bờ bao ngăn lũ của người dân mà nghề này “đến hẹn lại lên”. Sao gọi là “xáng cơm”? Vì, theo những người trong nghề giải thích vui thì, “hình thái lao động” của nghề này cũng không khác gì những chiếc xáng múc đất, loại phương tiện có thể bắt gặp khắp nơi ở vùng đồng bằng châu thổ này. Có khác chăng là những “chiếc xáng” này không chạy bằng nhiên liệu, không chạy bằng dầu mỡ mà phải bằng... cơm! Đây là một nghề chủ yếu “lấy công làm lời”, thế nên, phương tiện làm việc cực kỳ giản tiện. Đồ nghề chỉ cần một chiếc thùng làm bằng thiếc, kích thước khoảng 4 tấc bề dài và 2,5 tấc bề ngang, trống hai đầu để đào, xắn đất; một chiếc xe đạp để chạy rảo quanh những nơi nước ngập xem ai có việc mướn thì làm; song, điều kiện tiên quyết là phải có một sức khỏe thật dẻo dai, không ngại nắng mưa và phải có khả năng chịu lạnh cực giỏi (vì phải ngâm mình dưới nước hằng giờ) mới làm được nghề. Ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, Tp. Cần Thơ có hẳn một xóm lao động đã mấy mươi năm theo nghề này.

Đến tour “độc” mùa nước nổi

Từ chỗ luôn bị động gánh chịu hậu quả do mùa nước lũ gây ra, người dân vùng lũ đã từng bước tiến tới chủ động đối phó, "sống chung với lũ". Hơn thế, họ còn biết tận dụng đặc điểm này để làm giàu. Một trong những việc làm đó là khai thác đặc điểm mùa nước lũ để kinh doanh du lịch.--PageBreak--

Mùa nước nổi mang về ê hề những sản vật. Dưới con mắt người làm du lịch, đó chính là những sản phẩm du lịch độc đáo của miền sông nước cần phải quảng bá. Thấy được điều đó, chính quyền tỉnh An Giang đã lên một đề án phát triển các loại hình du lịch mùa nước nổi, sẽ tiến hành thực hiện đồng bộ vào năm 2006 tới đây. Đi trước một bước, từ khoảng cuối tháng 9/2005, tức khoảng cuối tháng 8 âm lịch năm nay, các công ty du lịch lữ hành ở An Giang đã bắt đầu mở "tour du lịch mùa nước nổi". Theo trù tính của lãnh đạo Sở Du lịch An Giang, vì đây là một tour mới lạ nên nhiều khả năng sẽ rất thu hút du khách.

Cơ sở để họ thiết kế các tour “độc” này là “ngay cả những người sinh ra và lớn lên tại đồng bằng, không phải ai cũng đã từng biết cảnh rừng tràm ngập nước Trà Sư - Tịnh Biên, Tân Tuyến - Tri Tôn nó như thế nào, cảnh sinh hoạt ở chợ nổi Long Xuyên lúc hừng đông và làng nổi Châu Đốc lúc màn đêm buông xuống ra sao...”, xem ra hoàn toàn có cơ sở để lạc quan.

Cũng nằm trong mối liên hệ với "tour sông nước" này, nếu bắt đầu chán cảnh lênh đênh, du khách có thể lên bờ theo "tour leo núi", thưởng lãm cảnh hùng vĩ đồi Tức Dụp, núi Ba Thê Óc Eo, núi Sập, núi Cấm, thăm di tích lịch sử một thời mở cõi và viếng đền thờ bà Chúa Xứ núi Sam. Từ nơi này, du khách có thể đi thăm làng Chăm hoặc đi chợ cửa khẩu Tịnh Biên - Khánh Bình xem cảnh thương nhân hai nước Việt và Campuchia mua bán.

Mùa lũ 2005, mùa Công an “thất nghiệp”

Nhiều người, cả bà con nông dân và những người trong ngành Công an, đều nói vui như thế khi nghe hỏi đến sự tham gia của Lực lượng Công an vùng lũ trong việc giúp dân chạy lũ. Mọi năm, cứ vào đầu tháng 8, cùng với các ban ngành đoàn thể khác, Lực lượng Công an các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An... đã bắt đầu chuẩn bị kế hoạch công tác trong mùa lũ, như phòng chống tội phạm mùa lũ, thành lập các đội cứu hộ - cứu nạn, tổ chức vận chuyển đồ đạc và di dời dân đến các cụm tuyến dân cư an toàn, khi nước rút thì cùng với bộ đội, thanh niên... lao vào giúp dân thu hoạch lúa.

Về cơ bản, năm nay vẫn vậy. Thế nhưng, từ đầu mùa nước đến nay, họ không có mấy việc để làm. Ở địa bàn huyện Tam Nông, Đồng Tháp, sau 3 năm xây dựng, toàn huyện đã hoàn thành và tổ chức nghiệm thu 26/26 cụm, tuyến dân cư, đạt 100% kế hoạch đề ra. Đến nay, đã có 3.288 căn nhà được xây dựng hoàn thành và bàn giao cho 2.823 hộ (trên tổng số 4.328 hộ dân được xét duyệt) sử dụng, còn lại 1.040 căn đang hoàn tất những công đoạn lắp dựng cuối cùng và người dân cũng đã nhận nền nhà cùng tổ chức giám sát với đơn vị thi công. Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Công an huyện Tam Nông chỉ cho chúng tôi thấy, ngay sau lưng trụ sở Công an huyện, cụm dân cư ấp III B, thị trấn Tràm Chim với gần 600 căn nhà đang được khẩn trương hoàn thành những công đoạn cuối cùng để đón bà con vào ở.

Tại xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, Phó trưởng Công an xã Huỳnh Quang Dũng cho biết, ngoài việc thành lập các tổ cứu hộ - cứu nạn trực chiến, xã còn tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tai nạn mùa lũ cho bà con. Nhưng có khác một chút là, với địa hình đặc trưng của một vùng cửa khẩu, nên công tác phòng chống buôn lậu đường thủy hiện đang được tăng cường. Trên địa bàn huyện Hồng Ngự, ngoài việc tuyên truyền tinh thần cảnh giác phòng ngừa tai nạn trong mùa lũ, ngành chức năng còn tổ chức các lớp tập bơi cho con em gia đình ở thị trấn và một số xã trong huyện.

Tại Tân Hồng, một huyện vùng ngập sâu của tỉnh, Thượng úy Văn Vũ Quốc Khương, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp Công an huyện, cho biết: Năm nay người dân chủ động rút nước, sạ lúa sớm, xong vụ hè thu quay sang vụ đông xuân cũng sớm nên lúa má không bị ngập. Những năm trước, vào thời điểm này là chỉ còn hai ba tháng nữa, sẽ diễn ra cái cảnh giúp dân gặt lúa chạy lũ. Thế nhưng, năm nay thì không còn vì chuyện lúa má bà con đã chủ động giải quyết hết từ lâu. Vì thế, năm nay, công việc chủ yếu trong mùa lũ của Công an huyện là tăng cường tuần tra giao thông đường thủy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống và  khám phá những vụ trộm đường sông vẫn thường xảy ra và có dấu hiệu gia tăng trong mỗi mùa nước nổi.--PageBreak--

Từ một mùa lũ “đẹp”, mờ về những mùa lũ đẹp hơn

Đỉnh lũ năm nay cao hơn năm trước, nhưng vẫn còn thấp hơn đỉnh lũ năm 2003 đến 4 tấc. Nghĩa là thấp hơn rất xa so với đỉnh lũ những năm 2000, 2002, những mùa lũ vượt mức báo động cao, gây nhiều thiệt hại. Thế nhưng, song song với sự ưu ái của thiên nhiên, phải thấy rằng, về mặt chủ quan, người dân cũng đã có những bước chuẩn bị kỹ càng. Một trong những điều đó là số dân chịu vào ở trong các cụm tuyến dân cư đã có một sự biến động đáng kể.

Đồng Tháp, từ năm 2002 đến 2005 đã được Trung ương đầu tư xây dựng 210 cụm, tuyến dân cư với kế hoạch bố trí nơi định cư cho khoảng 7.000 hộ dân trong mùa lũ. Ngày 19/1/2002, tỉnh Đồng Tháp đã khởi công xây dựng cụm, tuyến dân cư đầu tiên tại vùng sạt lở - vùng lũ xã An Bình B, huyện Hồng Ngự. Và trước khoảng 2 tháng mùa lũ năm nay, cụm dân cư này đã đón bà con vào cư trú. Theo công bố của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về tình hình thực hiện việc đưa dân vào các cụm, tuyến dân cư tránh lũ, hiện đã có gần 200 cụm, tuyến dân cư đã và đang tiếp tục bố trí dân vào ở. Có hơn 20.000 hộ đã an cư. Đại bộ phận những người dân vùng sạt lở, vùng ngập sâu, xung yếu thuộc diện chạy lũ đều đã được bố trí nền nhà và nhà ở.

Còn nhớ vào những mùa lũ trước, về nơi đây, không ai không cảm thấy xót xa với tình cảnh những căn nhà, những cảnh đời ngập chìm trong nước lũ. Nay về lại, sẽ thấy thay vào đó là những hình ảnh lạc quan hơn: những cụm dân cư tránh lũ. Cách thị trấn Hồng Ngự không xa là cụm dân cư Nam Hang thuộc xã Thường Thới Tiền. Khởi công từ năm 2004, bắt đầu đón dân từ tháng 7/2005, nay đã có hơn 230 hộ, đa số là hộ nghèo, trước đây sống  dọc các kênh, rạch nay về đây sinh sống. Tương tự là trường hợp các cụm dân cư Giồng Duối, xã Thường Thới Hậu A với gần 200 hộ dân, cụm dân cư tại trung tâm xã An Bình B gần 3.000 hộ dân... Tại các cụm, tuyến dân cư, chẳng những được sống trong những căn nhà khang trang, nhiều hộ còn xây nhà mới khang trang hơn trên cái nền nhà cũ.

Đây đó trên những nẻo đường chúng tôi qua, những cụm dân cư trông không khác gì những đô thị thu nhỏ nổi lên giữa vùng sông nước. Đó là thị trấn Sa Rài của huyện Tân Hồng, bắt đầu hình thành từ mùa lũ năm 2000, nay đã có mấy ngàn hộ dân, mang cái vẻ sầm uất của một khu chợ huyện. Hay thị trấn Giồng Găng cũng thế, cũng phố xá, trường học, chợ búa ồn ào, náo nhiệt. Sẽ không có gì quá lời khi coi đó như những tiểu trung tâm đô thị mới của vùng lũ.

Một trong những thuận lợi mà ai cũng thấy khi có ý so đo về lợi ích của việc cư trú rải rác với việc sinh sống tập trung trên các cụm, tuyến dân cư là chuyện học hành của con em họ đã bớt vất vả hơn. Anh Hai Nhựt, ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, cho biết, trong những mùa lũ trước, sợ nguy hiểm, nhiều phụ huynh đã phải cho con em nghỉ ở nhà, chờ nước rút mới cho chúng đi học lại. Bây giờ, lên các khu dân cư ở, ngoài việc bảo đảm tính mạng của gia đình, con cái của họ cũng an tâm cắp sách đến trường mà không lo lũ ảnh hưởng.

Đổi địa bàn cư trú chỉ là một sự thay đổi nhỏ. Cái được lớn hơn nằm ở chỗ căn cơ hơn, nói theo kiểu lão ngư Bảy Sa ở “ốc đảo” Giồng Duối - một khu dân cư hiện vẫn đang bị nước lũ chia cắt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, muốn ra thăm phải ngồi xuồng máy gần nửa giờ mới tới được - là: “Đổi nơi sinh sống thì dần dần trình độ nếp sống cũng “nở nang” ra”. Ai lạc quan hơn, cũng có thể cho đó là một cuộc đổi đời nho nhỏ

Tăng Bá Sên
.
.
.