Chuyện ít biết về ông trùm hình sự thầm lặng

Thứ Bảy, 17/08/2013, 16:08
Một thời, và cả rất lâu về sau nữa, Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp - nguyên Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), vẫn là một cái tên rất nổi tiếng và cũng rất gần gũi đối với nhiều người. Tên ông gắn liền với sự ra đời và những chiến công xuất sắc của lực lượng SBC (Săn bắt cướp) huyền thoại một thời những năm đầu sau giải phóng.

Cũng chính ông là người đầu tiên cương quyết lập chuyên án để xử lý tên tội phạm cộm cán Năm Cam giai đoạn đầu… Vậy nhưng, rất ít người biết về ông cũng không khó hiểu, bởi ông ít khi nào nói về bản thân mình…

“Hung thần” của các băng nhóm tội phạm cộm cán

Về an ninh trật tự, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh những năm đầu sau giải phóng vô cùng rối ren và hỗn loạn, đặc biệt phức tạp. Tàn dư của chế độ cũ vẫn chưa bị triệt hết, vẫn còn những băng trộm cướp hung hãn, nhóm xã hội đen có vũ trang khét tiếng hoạt động rất liều lĩnh, giết người không ghê tay… Tình hình an ninh trật tự tại TP Hồ Chí Minh, vì thế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, tháng 3/1978, Đội SBC thuộc Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh chính thức được thành lập. Tại các quận nội thành và các địa bàn phức tạp đều được thành lập một chi đội SBC. Khi đó, Trung tá Trịnh Thanh Thiệp đã 48 tuổi (ông sinh năm 1930). Đã có tuổi nhưng bầu nhiệt huyết trong người ông vẫn sôi lên trước thực tế lộng hành của các băng nhóm tội phạm. Chính ông là người đứng ra tổ chức, tuyển chọn những trinh sát tuổi đời không quá 30 vào Đội SBC này.

Sau các phần thi như võ thuật, bắn súng, chạy xe... ông đã tuyển được 58 người xuất sắc, trong đó có những tên tuổi về sau đã trở thành thần tượng của nhiều người dân thành phố như Đội trưởng Phan Thanh (tức Ba Tung), Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn, Dương Minh Ngọc... Sự xuất hiện đúng lúc của những chiến sĩ SBC chạy xe điệu nghệ, võ thuật cao cường, bắn súng điêu luyện; bám trụ đường phố để luôn có mặt truy đuổi tội phạm... đã giúp cho an ninh trật tự của thành phố nhanh chóng được lập lại.

Lực lượng SBC đã lập nhiều chiến công lẫy lừng, phá thành công nhiều vụ án phức tạp từng gây hoang mang dư luận như vụ bắt cóc tống tiền con nghệ sĩ Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ và vụ bắn chết vợ chồng nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga ngay trước cửa nhà… Sau 10 năm chiến đấu lập nhiều chiến công, năm 1989, Đội SBC được chuyển thành Đội trinh sát đặc nhiệm.

Đại tá Phạm Văn Thịnh (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ Công an TP Hồ Chí Minh), lúc ấy là Đội phó Đội Trọng án - SBC cho biết: “Hồi ấy cán bộ, chiến sĩ thường gọi vui thủ trưởng của mình là “Ông 5T” - tức “Trung tá Trịnh Thanh Thiệp”. Thực ra trước khi thành lập Đội SBC thì đã có Đội Trọng án rồi. Sau khi Đội SBC hoạt động một thời gian, để có thêm chiều sâu nghiệp vụ, đánh án có ban, có nhóm nhằm “đào tận gốc trốc tận rễ” các băng nhóm tội phạm nên Đội Trọng án được ghép với Đội SBC thành Đội Trọng án - SBC.

Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp.

Có thể nói, từ khi “ông 5T” về làm Trưởng phòng thì nghiệp vụ, chất lượng và kết quả điều tra, khám phá án của Công an TP Hồ Chí Minh được nâng lên rõ rệt, nhất là các vụ án phức tạp, nhiêu khê hồi ấy đã được khám phá một cách chính xác và kịp thời. Với khả năng và kinh nghiệm thực tế được tích lũy từ lâu ở nhiều địa bàn công tác, vừa làm việc ông vừa hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn cho anh em các chuyên môn, nghiệp vụ điều tra… Từ đó, quá trình điều tra phá án dần đi vào bài bản… Thời gian làm Trưởng phòng khá ngắn nhưng phải nói là công lao của ông ấy rất lớn…”.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ và Cục Hình sự hồi ấy luôn đánh giá rất cao “ông 5T”. Nhiều người đã ví ông là một “trùm điều tra hình sự”, một nhà điều tra phòng chống tội phạm xuất sắc. Đại tá Thịnh nói: “Ông ấy là một trong những người có tư duy tập hợp, đánh giá, phân tích sắc sảo về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, diễn biến vụ án và tội danh phân định hết sức cụ thể, chặt chẽ…”.

Đại tá Mai Văn Tấn (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh) nhớ lại: “Khi ông 5T về làm Trưởng phòng, tôi mới chỉ cấp bậc Trung sĩ. Vậy nhưng khi vào công việc, ông vẫn lắng nghe chúng tôi báo cáo đề xuất một cách tỉ mỉ, chưa từng tỏ ra quan cách. Được làm việc dưới quyền của ông, tôi đã học được nhiều điều”.

Cũng từng làm việc dưới quyền “ông 5T”, Thiếu tướng Triệu Quốc Kế, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cũng tỏ ra hết sức khâm phục người thủ trưởng của mình: “Nói về tài thao lược và chỉ đạo án thì ông ấy cực kỳ kinh nghiệm và quyết đoán, đặc biệt, kể cả khi đã là Cục trưởng rồi Tổng Cục phó, gặp vụ lớn, phức tạp, ông vẫn thường trực tiếp cùng anh em xuống hiện trường vụ án. Phán đoán của ông sát sao, chính xác đến mức khi bắt được thủ phạm, chúng đã khai lại diễn tiến vụ án gần như giống hoàn toàn với những nhận định của ông trước đó…”.

Ông cũng chính là người đã phát hiện và quyết tâm truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội phạm nguy hiểm Năm Cam nhưng tiếc rằng ông đã có quyết định về hưu giữa lúc vụ án đang còn dang dở… Tuy nhiên, chuyện này cũng chỉ là nhắc lại như nhắc một thời điểm ông đã từng trăn trở, gian nan với công việc đặc biệt của mình, vì sau này “đường dây tội phạm Năm Cam” đã được các cơ quan chức năng bóc dỡ, triệt phá hoàn toàn.

Cả một đời cống hiến thầm lặng

Gia đình ông sống ở đường số 2, phường An Lạc A, quận Bình Tân, khá xa khu vực trung tâm thành phố náo nhiệt. Chỉ có bà Phạm Thị Thái (77 tuổi), vợ ông tiếp chuyện khi nhà có khách đến thăm. Mang bệnh trọng mấy năm nay, ông không còn đi lại hay nói chuyện được nữa. Mọi sinh hoạt hàng ngày của ông đều do vợ ông và người giúp việc chu tất. Nhìn ông ngồi lặng trên chiếc ghế dựa, thỉnh thoảng những tiếng ho lại vang lên, tôi bỗng thấy chạnh lòng. Người ngồi đó đã từng là một dũng tướng lẫy lừng, nhưng ông vẫn không tránh được quy luật khắc nghiệt của thời gian, bệnh tật!

Bà Thái, phu nhân của Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp luôn trân trọng giữ gìn những kỷ vật của chồng.

Suốt thời chống Mỹ, ông đi “B”, chiến đấu ở chiến trường Lộc Ninh. Ngày 30/4/1975, ông cùng đồng đội vào tiếp quản Tổng nha Cảnh sát ở Sài Gòn… Thời gian đầu, vợ chồng ông vẫn chịu cảnh chồng Nam vợ Bắc. Năm 1976, ông về quê đưa người con trai thứ hai, anh Trịnh Thanh Sơn - nay là tiến sĩ, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh - vào ở cùng để tiếp tục việc học. Người con trai cả của ông lúc đó cũng đi bộ đội ở chiến trường phía Nam, đến năm 1978 mới giải ngũ. Bà Thái, vợ ông và người con gái út vẫn sống tại quê Nam Định, mãi đến năm 1979, vợ chồng ông và con cái mới đoàn tụ ở TP Hồ Chí Minh.

Anh Trịnh Thanh Sơn cũng rất xúc động khi nói về người cha: “Cha tôi luôn giản dị, ít khi nào nghĩ cho mình. Sau khi nghỉ hưu (năm 1995), sau bao nhiêu năm làm việc, ông đưa cho mẹ tôi một cuốn sổ tiết kiệm 70 triệu đồng - một con số quá khiêm tốn cho cả một cuộc đời chinh chiến của ông. Cuốn sổ đó ông “chia” cho mẹ tôi 40 triệu đồng, cho ba đứa con mỗi đứa 10 triệu đồng. Ông chẳng giữ lại gì cho mình cả, nghĩ mà thương vô cùng”

Phú Lữ
.
.
.