Chuyện học ở “ốc đảo” Giồng Bàng mùa lũ

Thứ Bảy, 20/10/2018, 06:53
Giồng Bàng thuộc xã biên giới Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vỏn vẹn chỉ khoảng 160 hộ, 550 nhân khẩu. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, chài lưới.


Mùa nước lũ năm nay, Giồng Bàng như một ốc đảo, với 4 bề mênh mông nước và... nước. Giao thông chia cắt bởi nước lũ, người dân muốn đến trung tâm xã phải di chuyển bằng xuồng khoảng 30 phút cho chặng đường chỉ gần 5km.

Khu dân cư Giồng Bàng được thành lập, sau mùa lũ lớn năm 2000. Nhiều cụ cao niên kể, trước đây Giồng Bàng được ví là nơi “trên cơm, dưới cá”. Đời sống người dân khá nông nhàn. Cứ đến bữa, nhiều người mang tay lưới ném xuống kênh là dính cá mang vào làm thức ăn. Sản xuất nông nghiệp thuận lợi, đất đai màu mỡ, phù sa bồi đắp.

Nhóm học sinh lớp 2 ở điểm trường tiểu học tại Giồng Bàng.

Qua nhiều năm, cuộc sống người dân gặp khó khăn vì thủy sản cạn kiệt. Nhiều người phải bỏ xứ, đi nơi khác mưu sinh. Năm nay, nước lũ về sớm, nước lại lên cao, con đường duy nhất nối Giồng Bàng với trung tâm xã ngập sâu, việc đi lại của người dân, học sinh hết sức khó khăn.

Chặng đường từ ấp Giồng Bàng đến trung tâm xã Thường Phước 1 và ngược lại chỉ khoảng gần 5km. Nhiều đoạn nước lũ chia cắt, sóng nước cuồn cuộn. Nhìn từ xa, khu dân cư Giồng Bàng bị bao vây bởi bốn bề sông nước.

Theo ông Lâm Văn Thoại (65 tuổi), chủ quán giải khát ở Giồng Bàng, những tháng mùa khô, người dân Giồng Bàng còn có việc làm thuê, chăn nuôi. Còn đến mùa nước, đa phần người dân đều thất nghiệp.

Ông Đặng Văn Bé, trưởng ấp Giồng Bàng nhẩm tính, do hoàn cảnh khó khăn nên rất nhiều người dân bỏ nhà lên Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh làm thuê. Vợ chồng bà Huỳnh Bạch Yến (70 tuổi), có 9 người con và đều đã lập gia đình. Các con bà Yến đều lên thành phố làm thuê, gởi cháu lại cho ông bà chăm sóc.

Chuyện học ở “ốc đảo” Giồng Bàng mùa lũ cũng chẳng giống nơi đâu. Giồng Bàng có điểm trường mầm non và điểm phụ trường tiểu học Thường Phước 1. Điểm trường tiểu học có 3 phòng học, 3 giáo viên nhưng đảm nhận dạy cả 5 lớp. Lớp nhiều nhất là 14 học sinh, ít nhất chỉ 5 em.

Lớp 1 (14 học sinh) ghép với lớp 3 (7 học sinh), lớp 4 (5 học sinh) ghép với lớp 5 (7 học sinh), còn lại là lớp 2 với 10 học sinh. Các em học mầm non và tiểu học thì học tại chỗ, hơn 20 học sinh cấp 2 và 3 phải đi đò đến trường mùa lũ.

Thầy Lê Văn Tuấn (phụ trách lớp 4 và 5) bộc bạch: “Học sinh ít, điểm trường chỉ có 3 phòng nên phải dạy lớp ghép. Giáo viên dạy buổi sáng phải ở lại buổi chiều kèm cặp những em còn yếu. Buổi trưa, giáo viên như chúng tôi mắc võng nghỉ ngơi, mang theo cơm hộp hoặc nấu ăn tại trường”.

Thầy Nguyễn Văn Hợp, người gắn bó hơn 10 năm nay với các em học sinh Giồng Bàng cho biết thêm: “Học sinh nơi đây chỉ mặc đồng phục ngày đầu tuần. Kinh tế khó khăn, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em. Mùa khô đường từ xã đến trường bụi, còn mùa mưa thì lầy lội. Từ đầu mùa lũ, phương tiện di nhất đưa các thầy từ trung tâm xã đến trường là phải di chuyển bằng đò”.

Thấm thía và thương hoàn cảnh khó khăn của thầy, trò quê mình, năm nào cũng vậy, vào mùa lũ, anh Nguyễn Văn Nhàn (41 tuổi, ngụ ấp Giồng Bàng) tự nguyện lấy chiếc ghe gia đình làm phương tiện đưa đón học sinh, giáo viên.

5h sáng, anh bắt đầu đưa học sinh, người dân từ trong khu dân cư ra đầu kênh biên giới để đến trường hoặc đi chợ. Đến 6h30 cùng ngày, anh Nhàn rước thầy giáo từ trung tâm xã đến khu dân cư dạy học. Mỗi ngày, anh Nhàn đưa rước khoảng 6 lượt, giúp học sinh, giáo viên ở ấp Giồng Bàn đến trường an toàn.

“Đây là khu vực biên giới nên nước lũ dâng rất cao, chảy xiết và sóng đánh liên lục khiến việc đưa đò cũng gặp nhiều khó khăn nhưng đó là cách di chuyển an toàn nhất”, anh Nhàn nói.

Điều khiến chúng tôi mãi suy ngẫm vẫn chính là người dân Giồng Bàng luôn đùm bọc, thương yêu và hỗ trợ lẫn nhau. Trước lúc lên đò rời “ốc đảo” Giồng Bàng, vượt cánh đồng nước mênh mông, tôi được nghe ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 kể, hoàn cảnh của anh Nhàn cũng còn khó khăn.

“Mỗi ngày, anh Nhàn phải chạy ghe đưa rước học sinh và tự xuất tiền túi ra mua dầu. UBND xã chỉ đạo cho Hội Chữ thập đỏ xã, vận động các Mạnh Thường Quân để có nguồn kinh phí hỗ trợ tiền dầu cho anh. Để động viên tấm lòng thiện nguyện này, UBND huyện cũng tặng giấy khen đột xuất, ghi nhận tấm lòng của anh...”.

Như Anh
.
.
.