Chuyện học ở Trường Sa

Thứ Năm, 15/03/2012, 12:50
Bằng tình yêu với Trường Sa, không ít người trẻ tình nguyện vượt nghìn trùng sóng gió để đem con chữ tới những đảo xa. Nhờ vậy, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Trường Sa từng ngày được đến trường, thắp lên niềm tin về những thế hệ sẽ tiếp nối nhiệm vụ giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
>> Thầy giáo trẻ tình nguyện "cõng chữ" ra Trường Sa

Thứ 6, đúng 7h sáng, Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây mở cửa. Không có tiếng trống trường nhưng những đứa trẻ háo hức học chữ nên luôn đến đúng giờ. Lớp học của thầy Nguyễn Văn Tùng sôi động hẳn lên khi có thêm những người khách lạ là chúng tôi ghé thăm. Thầy giáo Tùng vốn là bác sĩ của Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội), vừa ra đảo thực hiện nhiệm vụ. Vì trên đảo chưa có giáo viên Anh văn nên anh tình nguyện dạy thêm ngoại ngữ cho các cháu nhỏ.

“Tôi vốn là bác sĩ nhi khoa nên rất yêu mến trẻ con, tiếp cận chúng cũng không mấy khó khăn. Tuy nhiên, những ngày đầu đứng bục giảng cũng rất lúng túng vì không có nghiệp vụ sư phạm, phải đi dự giờ các giáo viên khác để học hỏi kinh nghiệm. Vài buổi như thế thì cũng quen. Trẻ nhỏ ở đây tiếp thu nhanh, ham học hỏi, nhưng dạy ngoại ngữ lại cần phải có phương pháp đặc biệt. Dạy bằng hình ảnh động, các trò chơi, bài hát, các em mới có hứng thú. Để không bị lạc hậu kiến thức, tôi phải thường xuyên tìm tài liệu trên mạng. Sóng 3G ở đảo yếu nên đêm nào cũng phải cố gắng thức tới 12h để có thể truy cập Internet nhanh hơn” - thầy giáo Tùng chia sẻ. Nhờ sự tận tình giảng dạy của anh, nhiều trẻ nhỏ ở đảo đã có thể đọc, viết tiếng Anh khá thành thạo, chính xác.

Thầy giáo Đoàn Quốc Thái đang hướng dẫn học sinh làm Toán.

Thầy giáo Đoàn Quốc Thái ra đảo Song Tử Tây cũng đã được gần 4 năm. Không chỉ dạy học, anh còn kiêm chức Bí thư Đoàn xã Song Tử Tây, chuyên chăm lo phát triển phong trào thanh niên trên đảo. Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, anh tư lự: “Buồn lắm. Song Tử là đảo cấp 1 mà vẫn thường xuyên thiếu điện, nước, sóng điện thoại không có. Tôi được phân công dạy lớp 1, đúng cái tuổi các em vừa làm quen với việc đến lớp nên gặp nhiều khó khăn. Phải mất khá nhiều thời gian mới rèn luyện được cho các em thói quen đến lớp đúng giờ, tập trung trong giờ học”.

Chỉ tay vào một cậu bé ngồi ngay trên bàn đầu, thầy giáo Thái giới thiệu: “Đây là em Huỳnh Nhật Quang, mới học hết học kỳ 1 của lớp 1, em đã có thể đọc viết thông thạo. Em thông minh nên các thầy cô đều quý lắm”. Gần 4 năm ở đảo, anh về đất liền thăm nhà được 3 lần. Lần thứ nhất về để cưới vợ. Cưới nhau xong thì anh đi. Vì cứ xa nhau biền biệt nên cưới nhau gần 3 năm, vợ chồng anh vẫn chưa có con.

Nói đến chuyện con cái, anh lại ngậm ngùi: “Cũng muốn có con lắm rồi. Ở nhà, ông bà giục suốt. Nhưng phải tới tháng 4/2013 mới được về nhà. Ra đảo, điều kiện đi lại vất vả, phải chấp nhận thôi”.

Sinh năm 1984, thầy giáo Mai Thành Tiến, quê Diên Khánh (Khánh Hòa) cũng đã có thâm niên gần 4 năm công tác tại đảo Sinh Tồn. Nói về những khó khăn khi dạy học trên đảo, anh bảo: “Tri thức thay đổi từng ngày, trong khi ở đảo, điều kiện giao lưu, học hỏi, làm mới kiến thức rất hạn chế. Vì thế, nếu giáo viên không “tự học” thì kiến thức sẽ lạc hậu. Nhiều vấn đề có cách tiếp cận mới quá, tôi cũng phải gọi về đất liền nhờ các đồng nghiệp hướng dẫn. Thấy các em ngoan, ham học, gặp ai cũng chào hỏi, trưởng thành lên từng ngày, tôi mừng, hạnh phúc lắm”. Từ lâu, anh đã coi nơi đây là ngôi nhà của mình, dù rằng phải hy sinh nhiều hạnh phúc riêng tư: “Vợ tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng được 7 tháng. Khi vợ sinh con, tôi cũng không về được, buồn và áy náy lắm. Vợ tôi cũng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nha Trang. Có thể sinh con xong, vợ tôi cũng sẽ ra đảo dạy học”.

Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở Trường Sa cũng không thiếu những khát vọng lớn. Em Nguyễn Thị Thu Hiền, lớp 5 thổ lộ: “Lớn lên cháu muốn làm bác sĩ. Ở đảo hay có ngư dân gặp nạn cần phải cấp cứu. Sang năm, lên lớp 6, cháu sẽ phải vào đất liền để học tiếp, cháu sẽ rất nhớ mọi người trên đảo”. Cậu bé Huỳnh Nhật Quang thì nhí nhảnh: “Cháu muốn được làm nhà báo như các cô chú, được đi nhiều nơi, thích lắm”. Nhìn những đứa trẻ giàu ước mơ, tận mắt chứng kiến nhiệt huyết cống hiến của những giáo viên trẻ, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào sự trường tồn của vùng biển đảo Trường Sa – phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc

Khánh Vy
.
.
.