Chuyện hổ ở rừng Huổi Luông

Thứ Bảy, 23/07/2005, 07:37

Đây đó vẫn truyền miệng rằng, khu rừng này, khu rừng nọ ở Việt Nam vẫn còn hổ, song tôi không tin lắm. Nhưng lần đi thực tế quanh vùng rừng ở Quỳnh Nhai (Sơn La) thì tôi đã tin là ở Việt Nam vẫn còn hổ. Theo ông Lò Văn Định - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Quỳnh Nhai thì ở rừng Huổi Luông ít nhất còn 2 con

“Năm nào hổ cũng về bản bắt trâu bò”. Đó là khẳng định của anh Điều Chính Pâng - Trưởng bản Púm, xã Pha Khinh (Quỳnh Nhai, Sơn La). Anh Pâng kể rằng, khoảng 23 giờ một đêm tháng 8/2004, dân bản bỗng nhiên nghe thấy tiếng chó sói tru vẳng về từ phía rừng Huổi Luông và tiếng trâu, bò rống vang cả góc rừng. Những thanh niên khỏe mạnh vội đốt đuốc chạy vào rừng. Quang cảnh hoang tàn hiện ra dưới ánh trăng. Đàn trâu, bò vài trăm con của bản Púm vẫn còn nhớn nhác. Cây cỏ xác xơ vì những cuộc vật lộn của đàn gia súc với thú hoang. 3 con trâu mộng, 2 con nghé, 3 con bò đã chết, mất hết thịt ở mông, ở đùi.

Chó sói ở rừng Huổi Luông còn rất nhiều, chúng thường kéo đàn về các bản để tấn công gia súc và gia cầm của đồng bào. Chúng đi săn thành đàn từ 20 đến 30 con. Khi đã tấn công là giết con mồi bằng được. Trâu bò ở Quỳnh Nhai rất nhiều. Ngay như bản Púm của xã Pha Khinh, mỗi nhà cũng có vài ba chục con. Mỗi hộ dân bản Púm “tự nhận” một khoảnh rừng rộng hàng chục hécta trong rừng Huổi Luông để thả bò, thả trâu. Trai tráng thay nhau vào rừng bỏ muối cho chúng ăn. Ăn muối rồi, chúng sẽ chỉ quanh quẩn ở khu rừng đó. Thỉnh thoảng, các hộ dân ở đây lại phát hiện ra mình có thêm mấy con bê, mấy con nghé. Chúng sinh nở lúc nào cũng chẳng hay biết.

Xin nhắc lại chuyện đàn chó sói tấn công trâu, bò của bản Púm ở rừng Huổi Luông vào đêm hôm đó. Trưởng bản Điều Chính Pâng không tìm thấy con trâu mộng nhà mình đâu. Khi thấy dấu chân lằn sâu xuống lớp mùn to bằng miệng cái bát ăn cơm lẫn với vết kéo con trâu trên bãi cỏ, ai cũng rùng mình sợ hãi vì biết rằng chúa sơn lâm đã về bắt trâu. Mọi người mau chóng quay trở ra bìa rừng. Đợt ấy, anh Pâng còn phát hiện ra một loạt dấu chân nhỏ hơn cũng hướng về phía rừng sâu. Rõ ràng đã có 2 con hổ tha con trâu của anh Pâng vào rừng. Anh Pâng thả ánh mắt về phía cánh rừng Huổi Luông khuất sau dãy núi khổng lồ Pú Cô bảo: “Hầy dà! Mọi năm tao chỉ mất nghé, năm nay tao mất con trâu mộng vì 2 ông hổ. Tiếc đứt ruột!”.

Đoàn thợ săn từ Lào Cai chuẩn bị vào rừng Huổi Luông.

Cũng theo anh Pâng, trung bình mỗi năm bản Púm mất khoảng 20 con trâu, bò, nghé vì chó sói và hổ. Tuy nhiên, anh cho biết 2 “ông hổ” này hiền lắm, chưa tấn công người bao giờ. Mỗi năm, các “ông” thường về bản 1 - 2 lần, vào tháng 7 hoặc tháng 8 và chỉ bắt trâu bò vào những đêm trăng xế, sau 24 giờ. Hai con hổ này thường đi cùng nhau và chúng cứ lang thang hết vùng rừng này đến vùng rừng khác. Thi thoảng, dân bản ở Pha Khinh, Cà Nàng, Mường Giôn, Chiềng Khay, Mường Chiên... những xã ven rừng Huổi Luông lại bắt gặp những dấu chân hổ về nương rẫy.

Người dân bản Púm, xã Pha Khinh vẫn nhắc đến cái đêm hổ về bản cách đây 15 năm. Lần đó, một đám thợ săn người Mông ở Mường Giôn đi săn tê tê trong rừng Huổi Luông, chỗ giáp với bản Púm đã phát hiện ra hang ổ của chúa sơn lâm. Trong ổ có 2 chú hổ con mới sinh. Đám người Mông này đã bắt 2 chú hổ con rồi cắt ngang núi Pú Cô, vòng qua bản Púm xuôi về đường Thuận Châu. Đêm đó, trăng lên, hổ bố và hổ mẹ quần thảo dưới chân núi Pú Cô, gầm thét điên cuồng. Chúng lao cả vào gầm nhà sàn của một số hộ nằm ngay chân núi để phá phách, tấn công trâu, bò. Đến gần sáng chúng mới bỏ đi, tiếng gầm gừ cũng nhỏ dần, ai oán.         

Một đêm giáp mặt chúa sơn lâm

Ở Quỳnh Nhai, ai cũng biết đến người đàn ông Tày có tên Bế Thế Quốc, ở bản Chẩu Quân, xã Mường Chiên, người được mệnh danh là “thiên tài săn thú”. Ngôi nhà ông Quốc nằm ngay dưới chân núi. Tính ông xởi lởi, dễ gần. Hỏi chuyện đi săn, ông cười tít mắt với vẻ sung sướng tự hào.

Ông sinh ra trong một gia đình cách mạng. Bố là cán bộ Việt Minh, quê ở mãi Lạng Sơn lên Tây Bắc hoạt động cách mạng rồi lấy vợ là người Thái ở Quỳnh Nhai. Những năm 50 của thế kỷ trước, Quỳnh Nhai là vùng kháng chiến, lại có nhiều phỉ, nên các gia đình ở đây đều làm súng kíp để tự vệ. Hồi đó, cậu ruột ông Quốc là Trưởng ty Văn hóa - Thông tin Sơn La nên trong nhà có tới 3 khẩu súng. Một khẩu súng kíp, một khẩu cácbin và một khẩu thể thao. Bố hy sinh, sống với cậu nên từ bé Quốc đã được cậu dạy bắn súng.

Do được đi bản nhiều, sống chủ yếu ở trong rừng nên cái máu đi săn từ bé vẫn rần rật chảy trong người họa sĩ Bế Thế Quốc (ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Trung ương vào những năm 1960). Thời ấy, rừng ở Quỳnh Nhai rộng mênh mông, rừng vây kín cả huyện lị Quỳnh Nhai. Con nai, con hoẵng cứ buổi sáng đẹp trời là ra mép sông Đà hoặc con suối Nghe Toỏng uống nước, nhấm nháp cỏ non. Cứ rỗi rãi hoặc tranh thủ ngày nghỉ là ông Quốc lặn lội vào rừng săn thú. Ông săn được nhiều đến nỗi, thịt muối ngâm đầy trong 10 chiếc chum, ăn không hết.

Từ khi nghỉ hưu, năm 1985, ông đi săn thỏa thích hơn. Ông xuyên rừng từ chập tối đến sáng, bắn chết vô số thú. Có khi bắn chết nhiều thú quá rồi chẳng có sức vác về, nên bỏ lại cho chó sói, lợn rừng ăn. Có đêm, bắn hạ được con gấu nặng hai tạ, đường xa, rừng sâu hiểm trở, không mang ra được nên chỉ móc lấy túi mật, xẻo hai bàn tay mang về ngâm rượu. Gặp lợn rừng độc, nặng đến 250kg, ông cũng bắn hạ, rồi bẻ hai cái răng nanh mang về làm kỷ niệm, ông gọi dân bản vào rừng xẻ thịt gùi về chia nhau.--PageBreak--

Đã có nhiều lần suýt mất mạng do lợn rừng và gấu tấn công. Nhưng có một kỷ niệm mà đến bây giờ ông Quốc vẫn còn nhớ đến từng chi tiết. Ấy là lần giáp mặt chúa sơn lâm ở cánh rừng giáp ranh với bản Nà Kéo, xã Mường Chiên. Lần giáp mặt chúa sơn lâm ở rừng Huổi Luông xảy ra vào giữa năm 1992.

Một buổi sáng tinh mơ, đồng bào Thái ở bản Nà Kéo chạy về báo cho ông Quốc hay, có một con trâu mộng của dân bản bị hổ vồ. Đã nhiều lần giáp mặt hổ, bắn trượt cũng có, bắn chết cũng có, nhưng nghe người dân tả lại thì con hổ này quả rất lớn và hung dữ, nên ông cẩn thận thăm dò rồi lên phương án chuẩn bị bắn hạ con hổ.

Nơi xảy ra vụ hổ vồ trâu là vùng đất giáp ranh giữa nương rẫy và rừng già, được ngăn cách bởi một hàng rào bằng cọc kết với cây, tre để ngăn thú rừng phá hoại hoa màu. Xác con trâu bị hổ ăn dở nằm trong bụi rậm.

Bấy giờ đang cuối tuần trăng. Chỗ xác trâu nằm quá rậm rạp nên ông kéo xác con trâu ra bãi trống rồi làm giàn bắn trên thân cây gần đó. Cây này khá lớn, cằn cỗi, có những cành lá thấp chìa ra quanh thân, có tác dụng bảo vệ, cản đường con thú hung dữ lao lên khi bị thương.

Ông Quốc chọn một cành to làm đà ngang, tạo khe quan sát. Sau khi cái giàn đã được làm chắc chắn, an toàn thì ông lấy sợi thừng buộc chặt vào sừng con trâu với gốc cây rồi ôm khẩu CKC yên tâm chờ ngồi chờ.

Ông Bế Thế Quốc (trái) và tác giả.

Khoảng 1 giờ sáng, nghe tiếng động, ông nhổm dậy căng mắt nhìn. Ông lờ mờ thấy một khối xám xám đang quắp cái đầu con trâu lắc đi lắc lại để dứt thịt ra ăn. Lúc này, con hổ chỉ cách chỗ ông ngồi độ 20 mét, đầu nó đối diện với nòng súng. Ông nhắm thẳng đầu nó bóp cò. Tiếng súng nổ đanh gọn, con thú gầm lên giận dữ và lao cả cái thân hình nặng nề về phía trước. Ông nghe rõ tiếng gầm khàn khàn, khùng khục giống như tiếng lăn của một cái thùng rỗng trên mặt đất lẫn sỏi đá. Con hổ khổng lồ gắng sức lao vào gốc cây làm thân cây rung lên dữ dội. Dường như đã bị thương và đuối sức nên nó bỏ đi. Tuy nhiên, ông Quốc vẫn chưa dám xuống ngay. Đột ngột, có tiếng gầm gừ ở phía trong rừng vang lên. Mùi hôi nồng sặc đến. Một con hổ to tướng nữa xuất hiện gầm gừ rồi cứ nhằm tán cây mà lao cả thân lên. Hai móng vuốt của nó vả vào thân cây, cành cây roang roác. Do giàn bắn làm khá cao, cách mặt đất đến 4 mét nên con hổ không thể làm gì được ông. Nó lượn một vòng quanh gốc cây, gầm lên mấy tiếng rồi vọt vào rừng sâu. Tiếng nó xa dần rồi mất hút.

Mặt trời ngấp nghé đỉnh núi. Dân bản vác đinh ba, súng kíp chạy đến thì ông mới dám tụt từ trên cây xuống. Trên khuôn mặt vẫn còn nét sợ hãi. Mọi người lần theo vết chân hai con hổ suốt nửa ngày mà không thấy đâu. Viên đạn đã xuyên qua một tảng thịt trâu rồi mới găm vào con hổ nên sức công phá không mạnh.

Có thể con hổ đó không chết, nhưng từ đấy ông Quốc giải nghệ luôn. Nay tuổi ông đã ngoài 60, không còn sức mà trèo rừng, lội suối nữa. Nhà nước cấm săn bắn động vật hoang dã, ông là người già của bản nên làm gương nộp hết súng cho công an huyện. Tuy nhiên, ký ức của người dân Quỳnh Nhai về ông, một tay thợ săn nổi tiếng thì vẫn còn nguyên vẹn.

Cần bảo vệ những con hổ còn sót lại ở Quỳnh Nhai

Ông Lò Văn Định, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Quỳnh Nhai, khẳng định chắc như đinh đóng cột với chúng tôi là, hiện ở Quỳnh Nhai còn ít nhất 2 con hổ, một con rất lớn và một con nhỏ hơn. Nhiều người báo cáo với kiểm lâm rằng đã tận mắt nhìn thấy hổ về các bản quanh rừng Huổi Luông.

Rừng ở Quỳnh Nhai nổi tiếng vì còn rất nhiều tê tê, gấu, rắn chúa, chó sói, lợn rừng... Tuy nhiên, hổ thì không còn nhiều, mặc dù cách đây 20 năm, hổ là loài khá phổ biến ở đây. Đồng bào ở Quỳnh Nhai từ xưa đến nay vẫn rất bức xúc vì nạn chó sói và hổ về bắt trâu, bò. Ông Định cho hay: “Mỗi năm đồng bào ở Quỳnh Nhai mất trung bình 50 con trâu bò vì chó sói và hổ. Mấy năm gần đây không thấy hổ về bản tấn công trâu bò, mà chủ yếu nó ăn lại con mồi đã chết do chó sói ăn không hết để lại”.

Theo ông Định, rừng ở Quỳnh Nhai còn 46.000 ha, nằm trong những thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi đá cao hiểm trở. Người Mông, người Thái cũng đi săn, nhưng chỉ săn con nhím, con don ở bìa rừng mà thôi. Tôi hỏi: “Đàn chó sói mỗi năm giết chết mấy chục con gia súc của dân bản thì giải quyết thế nào?”. Ông Định kể: Năm ngoái, chỉ một đêm chó sói bắt mất 7 con trâu của dân bản Hé (xã Mường Chiên). Người dân tổ chức khua chiêng, gõ mõ để lùa cả đàn chó sói vào khe núi rồi bắn hạ 7 con liền. Kiểm lâm vào bản đòi phạt, đồng bào bảo rằng, cán bộ đền trâu thì họ mới nộp phạt. Vậy là hòa.

Để bảo vệ đàn chó sói, ít nhất 2 con hổ và rất nhiều thú rừng trong khu rừng nguyên sinh Huổi Luông, tháng 3/2005, chính quyền huyện Quỳnh Nhai đã tiến hành thu hết số súng còn lại trong dân, kể cả súng kíp tự chế. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là đến năm 2009, khi đập thủy điện Sơn La hoàn thành, nước dâng lên cốt 208 mét thì có tới 50% diện tích rừng ở Quỳnh Nhai bị ngập nước. Dân bản ở ven sông Đà lại di vén vào trong rừng và tất nhiên rừng sẽ bị thu hẹp hơn nữa. Số phận các loài thú nói chung và đặc biệt là cá thể hổ, loài động vật có lẽ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay ở Việt Nam ắt cũng sẽ dần bị tiêu diệt. Mong rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để điều tra, lần tìm dấu vết loài hổ trong rừng Quỳnh Nhai và có kế hoạch bảo vệ lâu dài.

Xin được nói thêm: trong khi xuyên rừng vào Cà Nàng, một xã tận cùng của huyện Quỳnh Nhai, nơi giáp ranh ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, chúng tôi đã gặp một “tiểu đội” đi săn, có đến 20 người, từ mãi tận Lào Cai tìm sang, đang chuẩn bị vào rừng để “càn” thú. Mong rằng, con hổ đừng gặp phải họng súng của đám thợ săn vô tình, vô nghĩa này

Phạm Ngọc Dương
.
.
.