Chuyện hai phi công Liên Xô lái MiG-29 chạy trốn năm 1989

Thứ Bảy, 22/09/2007, 08:30
Trong lịch sử Không quân Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ II, đã xảy ra 2 vụ phi công lái máy bay chiến đấu MiG chạy trốn ra nước ngoài. Vụ thứ nhất diễn ra ngày 6/9/1976, do Thượng úy Vicktor Belenko lái MiG - 23 chạy trốn sang Nhật Bản. Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 20/5/1989 do Đại úy không quân Alexandre Custody lái chiếc MiG-29 chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu như cuộc trốn chạy đầu tiên có liên quan đến Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), thì cuộc chạy trốn thứ hai lại hoàn toàn mang tính tự phát. Sau đó do nhiều nguyên nhân chính trị tế nhị, Chính phủ Liên Xô đã giữ kín mọi thông tin liên quan đến vụ việc này, khiến cho nó mang màu sắc huyền bí.

MiG-29, nỗi lo sợ của người Mỹ

Tháng 3/1969, Cục Thiết kế Mokva, Sukhoi và Cục Yuri Lev đã nghiên cứu chế tạo thành công một loại máy bay chiến đấu mới. Tháng 1/1971, Cục Thiết kế Moskva giao bản thiết kế máy bay mới đó có tên là PFI cho Bộ Công nghiệp hàng không Liên Xô.

So sánh với các loại máy bay MiG-21, MiG-23 và SU-15 thì đặc điểm nổi trội nhất của máy bay PFI là có khả năng cơ động cao nhờ vào thiết kế khí động học, cùng với hệ thống chống rađa và trang thiết bị vũ khí hiện đại.

Tháng 6/1971, Cục Thiết kế Moskva chính thức bắt tay vào nghiên cứu chế tạo loại máy bay PFI.

Tháng 1/1972, trên cơ sở nghiên cứu công nghệ loại máy bay PFI, Không quân Liên Xô lại đưa ra phương án nghiên cứu loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ LFI; tháng 12/1972, hai loại máy bay MiG-29 và Yak-45 được đưa vào nghiên cứu với hai động cơ phản lực PD-33, là loại động cơ phản lực hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.

Đến ngày 26/7 cùng năm, Chính phủ Liên Xô đã cho công bố quyết định nghiên cứu chế tạo MiG-29. Kết quả đánh giá của Cục Thiết kế Moskva cho thấy, do được trang bị hệ thống tên lửa không đối không tầm thấp R-73, nên khả năng tác chiến của MiG-29 cao hơn rất nhiều so với hai loại máy bay chiến đấu F-15 và F-16.

Tháng 7/1976, Cục Thiết kế Moskva đưa ra mô hình đầu tiên của MiG-29 và đến tháng 8/1977, họ đã cho ra mắt một chiếc máy bay hoàn chỉnh và 2 tháng sau, loại máy bay này được tiến hành kiểm tra lần cuối rồi được đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1982.

Hơn một năm sau, 30 chiếc MiG-29 đầu tiên bắt đầu được đưa vào trang bị cho lực lượng Không quân Liên Xô.

Mặc dù việc nghiên cứu và trang bị máy bay MiG-29 này được thực hiện hết sức bí mật, thế nhưng CIA vẫn biết được và tiến hành các hoạt động gián điệp để thu thập thông tin về tính năng kỹ thuật, chiến thuật của loại máy bay này.

Tháng 6/1988, trong cuộc triển lãm hàng không quốc tế tại Anh, loại máy bay chiến đấu MiG-29 bất ngờ xuất hiện tại phòng trưng bày các trang thiết bị vũ khí của không quân Liên Xô đã khiến cho các chuyên gia hàng không phương Tây vô cùng sửng sốt với những tính năng kỹ, chiến thuật vượt trội của nó.

Khi đó, người thực hiện chuyến bay biểu diễn trên chiếc MiG-29 là viên phi công Anatoly Malik thuộc Cục Thiết kế Moskva. Sau khi cất cánh, Malik bắt đầu tăng tốc độ cho chiếc MiG-29 theo một góc độ lớn và đạt đến độ cao tối đa, sau đó toàn thân máy bay lật úp, đầu máy bay vòng từ trên xuống trước khi trở lại trạng thái bay bình thường trước sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ của tất cả mọi người có mặt.

Kiểu bay này của các phi công Liên Xô được các chuyên gia lúc đó gọi là “kiểu chuông treo ngược”, đây là một kỹ năng bay vô cùng phức tạp và nguy hiểm, khi đó chưa có phi công nước nào thực hiện được.

Tuy vậy, điều khiến các nhân viên tình báo của CIA cảm thấy lo ngại là loại máy bay này có thể tránh được sự theo dõi của hệ thống rada đối phương nhờ vào khả năng bay và tốc độ vượt trội của nó.

Đúng lúc CIA đang đau đầu về tính năng cơ động siêu việt của MiG-29, thì một thông tin tình báo quan trọng từ Đức chuyển đến đã chứng thực rõ nỗi lo lắng này.

Thông tin cho biết: “Một viên phi công lái MiG-29 của Đông Đức đã tiết lộ, trong các cuộc diễn tập chiến đấu tầm thấp trên không, phi công của Đông Đức có thể đạt đến trình độ “bay kiểu chuông treo ngược” như những phi công Liên Xô, do đó có thể “cắt đuôi” được sự theo dõi của máy bay chiến đấu F-4, đồng thời nó sử dụng hệ thống tên lửa không đối không tầm thấp để bắn hạ đối phương”.

Thông tin này khiến cho CIA như ngồi trên đống lửa. Họ bắt đầu lệnh cho các điệp viên tại Liên Xô bằng mọi cách phải nhanh chóng thu thập được thông tin cần thiết về các tính năng kỹ thuật, chiến thuật của MiG-29. Tất nhiên, nếu có thể đưa được nguyên chiếc MiG-29 về như chiếc MiG-25 trước đó là tốt nhất.

Cuộc trốn chạy bất ngờ

Đúng vào thời điểm mà CIA vô cùng sốt ruột vì không thu được những thông tin giá trị về MiG-29, thì viên phi công, Đại úy không quân Alexandre Custody thuộc một sư đoàn bay tại khu căn cứ không quân Tskhakaya của Gruzia, đang âm thầm nghĩ kế chạy trốn cùng chiếc MiG-29.

Đối với Alexandre Custody, việc được lái một chiếc MiG-29 là một công việc vô cùng khó khăn. Theo quy định lúc đó, bất cứ phi công nào lái MiG-29 đều phải tham gia vào lớp bay thử nghiệm.

Nguyên nhân khiến Custody được trực tiếp lái chiếc MiG-29 là do bố vợ anh ta chính là Tham mưu trưởng của Sư đoàn Không quân thuộc khu căn cứ, hơn nữa bản thân Custody là một người cũng có chút uy tín tại khu căn cứ này, bởi anh ta là một người thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát... và tất nhiên, không một ai nghi ngờ gì về  động cơ chính trị của anh ta.

Tuy vậy, do bị ảnh hưởng của lối sống phương Tây bắt đầu thâm nhập vào Liên Xô khi Gorbachev lên cầm quyền, Custody bắt đầu nảy sinh ý nghĩ thay đổi vị trí công tác. Anh ta đã nộp đơn xin chuyển công tác khỏi căn cứ không quân Tskhakaya nhưng đơn bị trả lại.

Thất vọng vì không thể thuyên chuyển được công tác, Custody bắt đầu rơi vào trạng thái trầm cảm. Anh ta thường xuyên đi muộn về sớm, mượn rượu giải sầu.

Trước tình trạng đó, chỉ huy khu căn cứ đã nhiều lần gặp gỡ, khuyên nhủ và động viên Custody: “Cậu nên trân trọng trước sự tín nhiệm của lãnh đạo dành cho cậu, hãy cố gắng làm chủ chiếc MiG-29, con đường chính trị của cậu đang rất rộng mở”.

Thế nhưng, Custody đã để ngoài tai tất cả những lời khuyên nhủ đó. Anh ta càng ngày càng nghiện rượu nặng và thường xuyên không về nhà. Không lâu sau đó, người vợ của anh đang mang thai không chịu được người chồng suốt ngày chỉ biết uống rượu và chửi bới đã quyết định sống ly thân.

Cùng lúc, anh ta cũng nhận được lệnh dừng bay của cấp trên. Custody suy nghĩ rằng: “Mình đã không được thuyên chuyển công tác lại bị cắt bay, chi bằng hãy lái máy bay bỏ trốn, đến nước Mỹ tị nạn chính trị để có cuộc sống tốt hơn ở đây”.

Lấy lý do mất ngủ, Custody đã nhiều lần đến các hiệu thuốc và mua về một lượng lớn thuốc ngủ, chuẩn bị khi cần dùng.

Ngày 19/5/1989, Custody nhận được nhiệm vụ trực ban tác chiến tại khu căn cứ từ chiều đến sáng sớm ngày hôm sau.

Anh ta quay lại khu nhà nghỉ, cho toàn bộ số thuốc ngủ đã chuẩn bị trước đó vào trong số bánh mì tự làm rồi đưa cho đồng đội cùng ca trực với mình, nói dối rằng đây là quà của vợ anh ta làm cho anh em trong căn cứ vì vợ anh ta vừa mới sinh được “con trai”.

Sau khi ăn hết số bánh mì có thuốc ngủ của Custody đưa, tất cả những người làm nhiệm vụ trực ban đã chìm vào giấc ngủ. Không chậm trễ một giây, anh ta nhanh chóng kiểm soát tất cả các đèn báo hiệu trên đường băng, đồng thời cắt đứt toàn bộ đường dây điện thoại liên lạc của căn cứ với bên ngoài.

Thế nhưng, anh ta đã không để ý tới người cảnh vệ đang đi tuần tra trên đường băng của căn cứ. Người này đã biết rõ lệnh của cấp trên, nên cho dù Custody có giải thích thế nào đi chăng nữa thì ông cũng không để anh ta lại gần chiếc MiG-29.

Custody đã rút súng ngắn bắn vào chân và cánh tay người bảo vệ  bốn phát. Sau đó, anh ta vội vàng chạy về phía chiếc MiG-29, gỡ bỏ tấm che động cơ của máy bay, rồi cho máy bay cất cánh trong tình trạng chỉ có một động cơ bên phải được khởi động, tất cả quá trình hành động diễn ra không đầy 1 phút.

Sau khi chuyển hướng máy bay, Custody  liền cho máy bay hạ thấp xuống độ cao 50m, rồi tăng tốc độ với vận tốc lên đến hơn 1.000 km/giờ, nhằm thẳng hướng khu căn cứ không quân Trabzon của Thổ Nhĩ Kỳ...

Nghe thấy âm thanh phát ra từ đường băng, lực lượng bảo vệ đang làm nhiệm vụ tuần tra tại căn cứ vội vàng bấm chuông báo động. Lực lượng phi công trực chiến tại khu vực bên cạnh khu căn cứ cũng nhanh chóng điều 2 chiếc MiG-29 bay theo chặn đầu. Thế nhưng tất cả đều đã quá muộn, không đầy 10 phút sau khi cất cánh, Custody đã bay tới không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và hạ cánh xuống sân bay khu căn cứ không quân Trabzon của nước này...

Sáng sớm ngày 20/5/1989 tại khu căn cứ không quân Trabzon, Custody thong thả bước ra từ trên chiếc MiG-29 còn nguyên vẹn. Câu đầu tiên mà anh ta nói với lực lượng cảnh vệ với những khẩu tiểu liên trong tay, là: “Đừng nổ súng, tôi là người Mỹ!”.

Nhân viên tham mưu đang làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của khu căn cứ này vội vã báo cáo sự việc lên Sở chỉ huy căn cứ. Rất nhanh, một chiếc xe jeep quân sự được đưa tới sân bay Trabzon, Custody nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch chạy trốn cùng chiếc MiG-29 của Custody đã trót lọt.

Vì tiền bán rẻ Tổ quốc

Việc Custody lái chiếc MiG-29 chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho CIA hết sức bất ngờ. Ngay buổi trưa cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc gặp gỡ bí mật với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này, yêu cầu đưa Custody cùng chiếc MiG-29 này về khu căn cứ không quân của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng lúc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev cũng gửi một bức điện tới Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu trao trả Custody và chiếc MiG-29 ngay lập tức.

Mấy ngày sau, Đại sứ Liên Xô tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng có cuộc gặp với Chính phủ nước này, và nhắc lại yêu cầu của Chính phủ Liên Xô.

Để tránh bị Liên Xô làm khó, cuối cùng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định trao trả lại chiếc MiG-29 cho phía Liên Xô sau hai ngày xảy ra sự việc, đồng thời theo thông lệ quốc tế, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáp ứng yêu cầu của Custody là được đến Mỹ tị nạn chính trị.

Cùng thời điểm Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành giải quyết vụ việc trên thì Tòa án binh tối cao của Liên Xô căn cứ theo Chương 6 Luật Hình sự Liên Xô tuyên phạt Đại úy không quân Custody tù giam vô thời hạn với các tội danh ám sát lính gác, vận chuyển vũ khí, vượt biên và phản bội Tổ quốc.

Sở dĩ CIA nhanh chóng đáp ứng yêu cầu tị nạn chính trị của Custody, là do họ mong anh ta sẽ trở thành một Đại úy Munier thứ 2 (Viên phi công này đã trúng kế mỹ nhân của CIA, sau đó lái chiếc MiG-21 do Liên Xô trang bị cho Iraq sang Israel).

Chỉ trong thời gian ngắn, CIA đã hoàn tất giấy tờ định cư dài hạn tại Mỹ cho Custody, đồng thời còn ký với anh ta bản “hợp đồng” làm “cố vấn quân sự cao cấp dài hạn cho Mỹ”, cùng với đó là một khoản thù lao khá hậu hĩnh. Từ đó, Custody trở thành “cố vấn” cho phi công Mỹ nghiên cứu chống lại MiG-29 và điều này được giới chóp bu của CIA đánh giá rất cao.

Tháng 12/1991, Custody có ý định chiêu mộ cho CIA những điệp viên mới tại quê nhà qua hình thức viết thư. Đối tượng chủ yếu là các kỹ sư thuộc Cục Thiết kế và các xưởng sản xuất máy bay, những người phụ trách các câu lạc bộ và bảo tàng bay, các kỹ sư thiết kế mô hình máy bay và những người sưu tập vũ khí tại Liên Xô, nhưng không thành công, bởi hầu hết những vụ này đều bị Cục An ninh quốc gia Nga phá vỡ.

Kết cục của kẻ phản bội

Ngày 14/6/2001, khi Custody lái một chiếc Yak-52 về phía bắc bang Seattle, Mỹ thì đột nhiên máy bay bị chao đảo mạnh, sau đó đâm sầm xuống mặt đất và phát nổ.

Điều rất trùng hợp là, viên phi công - Thượng úy không quân Liên Xô Viktor Belenko, người đã lái chiếc MiG-23 chạy trốn sang Nhật Bản năm 1976, sau đó xin tị nạn tại Mỹ cũng đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay khi đang lái chiếc VD-10 một vài năm trước đó. Xem ra, những viên phi công trốn chạy khỏi quê hương mình để xin tị nạn chính trị tại Mỹ đều gặp phải những kết cục thảm hại.

Nguyên nhân cái chết của Custody cũng giống như Belenko, nó sẽ là một bí ẩn mãi mãi không thể làm sáng tỏ được

Anh Tiến (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.
.