Chuyện giảm nghèo bền vững ở vùng “rốn lũ” Nậm Păm

Thứ Ba, 14/11/2017, 08:30
Sau cơn lũ lịch sử vào đầu tháng 8, xã Nậm Păm, vùng rốn lũ Mường La, tỉnh Sơn La được ví như vùng “đất chết” bởi sự tan hoang, đổ nát. 

Thế nhưng, bằng sự chung tay của các cấp, các ngành và người dân cả nước, đặc biệt là chính sách tín dụng cho hộ nghèo vay vốn để thoát nghèo bền vững, sự hỗ trợ kịp thời đối với những hộ gặp rủi ro do thiên tai được ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), vùng đất này đang từng bước được hồi sinh.

Đã gần 3 tháng trôi qua, mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực tái thiết để người dân sớm ổn định cuộc sống nhưng những dấu tích còn sót lại sau đợt mưa lũ lịch sử vẫn còn rất nặng nề. Dòng suối Nậm Păm vốn trong mát, hiền hòa giờ chỉ còn trơ lại bùn đất, sỏi đá nằm ngổn ngang. Những vùng đất trước đây là nương rẫy canh tác của bà con, giờ thì đất đá, cây củi nằm la liệt.

Con đường dẫn vào các bản Hốc, bản Piêng, bản Huổi Liếng… gập ghềnh sỏi đá, phải mất rất nhiều thời gian vượt chướng ngại vật chúng tôi mới có thể đến được với những thôn, bản nằm sâu về phía bìa rừng.

Cán bộ NHCSXH huyện Mường La hướng dẫn về chính sách hỗ trợ rủi ro do thiên tai cho bà con tại bản Hốc.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Tòng Văn Pùa, Phó Chủ tịch xã Nặm Păm cho biết: Trận lũ lịch sử trong 70 năm qua không chỉ biến xã nghèo Nậm Păm thành vùng đất hoang tàn mà còn khiến hàng trăm gia đình nơi đây rơi vào cảnh màn trời chiếu đất vì không nhà cửa, toàn bộ nông cụ, trâu bò đều bị lũ cuốn trôi. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, hàng trăm căn nhà tạm đã được dựng lên để người dân mất nhà có nơi sinh hoạt và ổn định cuộc sống. 

Ông Cà Văn Tiệp, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Nậm Păm cũng cho biết: Sau trận lũ, Tổ chức Hội đã phối hợp với cán bộ NHCSXH đi xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại vốn vay của các hộ bị thiệt hại làm cơ sở đề nghị cấp trên xem xét xử lý rủi ro theo quy định. Đồng thời, kiến nghị với Ngân hàng xem xét giảm lãi vay, gia hạn thời gian vay vốn cũng như cho vay bổ sung để các hộ nghèo tái thiết và khôi phục sản xuất.

Theo đó, các hộ vay vốn NHCSXH bị thiệt hại cái gì thì sẽ được ngân hàng xem xét xử lý rủi ro ngay trong lĩnh vực đó. Giả sử thiệt hại về nhà cửa, phương tiện sản xuất, trâu bò... rơi vào khoảng 40%, các hộ vay sẽ được gia hạn nợ; với trường hợp thiệt hại từ 40-80%, sẽ được khoanh nợ và hộ vay không phải trả nợ trong vòng 3 năm; thiệt hại trên 80%, hộ vay không phải trả lãi trong vòng 5 năm, có thể xem xét vay bổ sung để tái sản xuất. 

Ngoài ra, NH CSXH còn xem xét xóa nợ trong trường hợp gia đình có người mất tích, tài sản, nhà cửa bị xóa sạch, không còn có khả năng trả nợ.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Quàng Thị Bặt, một trong những hộ bị thiệt hại lớn trong cơn lũ lịch sử ở bản Hốc đang được NHCSXH hoàn thiện hồ sơ xóa nợ không cầm được nước mắt khi nói về người chồng và cậu con trai xấu số của mình đã bị cuốn trôi trong trận lũ rạng sáng ngày 3-8. 

Theo lời kể của chị Bặt, trước đó vợ chồng anh chị đã vay 30 triệu đồng của NHCSXH trong đó có 15 triệu của hộ nghèo và 15 triệu để mua nông cụ sản xuất. Tuy nhiên, trận lũ kinh hoàng đã cuốn trôi cả chồng, con trai và toàn bộ nhà cửa và tài sản, trong khi đó chị lại đang mang thai. 

Cảm thông với hoàn cảnh quá éo le của chị, cán bộ NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức Hội nông dân, Hội phụ nữ  lập hồ sơ đề nghị với cấp trên xóa nợ đối với gia đình chị. Đồng thời, xem xét cho vay mới để tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

Anh Quảng Văn Công và chị Quàng Thị Phong, một trong những hộ vươn lên thoát nghèo ở bản Hốc, xã Nậm Păm kể: Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, từ chỗ thiếu công cụ sản xuất, thiếu ăn kéo dài, nay gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong đợt lũ lụt vừa qua, toàn bộ hoa màu của gia đình đều bị mất trắng, ruộng nương cũng bị sạt lở nghiêm trọng. 

Do vậy, gia đình anh đang được cán bộ NHCSXH hướng dẫn làm thủ tục vay thêm vốn mới để mua nông cụ cải tạo nương rẫy, giống mới để khôi phục và mở rộng sản xuất. 

Cũng theo chia sẻ của anh Quảng Văn Công, với người dân bản, cán bộ NHCSXH không chỉ là cán bộ tín dụng mà còn “gánh” thêm rất nhiều vai khác như tư vấn cho bà con về cách thức tổ chức sản xuất để thoát nghèo; hướng dẫn chăm sóc vật nuôi không bị dịch bệnh; tư vấn về các loại cây trồng theo mùa vụ; đôn đốc bà con tiết kiệm để trả lãi đúng kỳ và dự phòng rủi ro trong những ngày giáp hạt, mất mùa; thậm chí còn khuyên nhủ bà con giảm dần việc mổ trâu bò, gà lợn, tiệc tùng khi đến thăm nhau để giữ sức khỏe và tiết kiệm.

Ông Nguyễn Trung Tấn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường La cho biết: Mường La có gần 50% dân số thuộc hộ nghèo với khoảng hơn 10.000 hộ. Nhờ chính sách ưu đãi của nhà nước cho hộ nghèo vay vốn để giảm nghèo bền vững, toàn huyện đã có hơn 2.000 hộ thoát nghèo, chiếm 18% trong tổng số hộ nghèo. 

Riêng tại xã Nậm Păm, vùng rốn lũ của huyện Mường La, nơi sinh sống chủ yếu của bà con các dân tộc thiểu số, tổng số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao vào loại nhất huyện với khoảng trên 60%. 

Trong số 356 hộ nghèo của xã Nậm Păm, hiện có khoảng 321 hộ nghèo vay vốn tín dụng xóa đói giảm nghèo của NHCSXH với tổng số dư nợ là gần 7 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Với việc sử dụng đồng vốn xóa đói giảm nghèo hiệu quả nên toàn xã đã có 58 hộ thoát nghèo bền vững, 109 hộ chuyển từ hộ nghèo xuống hộ cận nghèo.

Đặc biệt, trong trận lũ quét  lịch sử gây thiệt hại nặng nề vào đầu tháng 8, đã có 83 hộ gia đình được NHCSXH xem xét xử lý rủi ro. Trong đó, NHCSXH huyện Mường La đã rà soát, làm thủ tục đề nghị xóa nợ cho 4 hộ với 90 triệu đồng; khoanh nợ cho 9 hộ với số tiền 96 triệu đồng; giản nợ cho 39 hộ với số tiền gần 1,2 tỷ đồng; cho vay mới 31 hộ với số tiền 810 triệu đồng.

Huyền Thanh
.
.
.