Chuyện ghi ở vùng đất học

Thứ Tư, 14/09/2011, 17:00
Từ dòng sông La đến thôn Hến, chợ Đức Tân lòng người dân như mở hội khi chuẩn bị đèn, sách cho con nhập trường. Sự học ở mảnh đất nghèo này giống như một mặc định của đời người. Ở đó có thầy giáo già không biên chế tận tụy chắp cánh cho trò nghèo; có người mẹ còng lưng bên gánh kẹo cu đơ nuôi 4 con học ĐH… Và thật đặc biệt, Đức Thọ còn có “ống tre nghèo” nuôi dưỡng hàng trăm người con quê hương học thành tài.

Gió đầu thu se lạnh, tôi tìm về Đức Thọ, Hà Tĩnh nơi chính quyền địa phương vừa tổ chức lễ nhập trường cho 600 tân sinh viên của huyện. Nếu xứ Nghệ được coi là vùng đất học thì Đức Thọ giống như ngọn đèn lung linh trong việc tìm chữ, làm người.

Từ thương hiệu “ống tre làng”…

Trong những ngày về Đức Thọ tìm hiểu sự nghiệp trồng người nơi đây, chúng tôi được người dân kể về “ống tre làng” đã tiếp sức cho hàng trăm em vào đại học. “ống tre làng” là thương hiệu mà người dân kể về quỹ tín dụng do ông Nguyễn Hữu Khi lập ra. Nhiều lần lên lớp kèm cặp trò nghèo, thầy Khi đã ứa nước mắt khi chứng kiến cảnh có những em thi đỗ đại học song không thể đến trường do gia cảnh quá nghèo. Từ suy nghĩ đến hành động, thầy Khi đã lập ra quỹ tín dụng giúp người nghèo.

Hằng ngày, ông Nguyễn Hữu Khi ra chợ quê rồi nhận tiền từ các bà, các mẹ đi chợ gửi vào quỹ. Người nhiều trăm ngàn, người ít vài chục ngàn, thậm chí có người mỗi ngày gửi một, hai ngàn đồng. Bán được mớ rau, con cá, người dân nghèo nơi đây trích lại một ít để gửi vào quỹ. Từ quỹ của ông Khi, nhiều người nghèo được vay lại để sửa mái nhà bị dột nước, sửa chữa cái cày, cái cuốc và đặc biệt hơn hầu hết số tiền của quỹ dồn vào việc chắp cánh đến trường cho trò nghèo. Quỹ tín dụng ông Khi không sinh lời như những quỹ khác nhưng thành quả mà quỹ mang lại rất lớn, hơn 300 em được gia đình vay vốn từ quỹ đã học xong đại học. Có những bà mẹ nghèo con mới học đến lớp 6, lớp 7 nhưng đã tích cóp từng ngàn gửi vào quỹ để chuẩn bị việc vào đại học cho con sau này. “Gửi vào quỹ cũng là cách để góp chút công sức tiếp sức cho con em trong làng, trong xã vào đại học” chị Nguyễn Thị Nga ở Đức Tân bảo vậy. Tính chất tương hỗ, trợ giúp nhau để con cái học tập, xoá đói giảm nghèo từ quỹ tín dụng của ông Khi là điều mà người dân Đức Thọ hướng tới…

Chị Dương Thị Hà ở xã Đức Tân, Đức Thọ tiếp tôi trong niềm vui sướng vì đứa con trai út Lê Đệ vừa được kết nạp Đảng ở giảng đường Đại học Bách khoa Hà Nội. Được biết chị Hà là em gái ruột của nữ TNXP Dương Thị Xuân, một trong mười nữ TNXP anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc.

Bên ấm chè xanh, chị Hà cho biết, vợ chồng chị đầu tắt mặt tối làm kẹo cu đơ để nuôi con ăn học. Nhưng khi con thi đỗ vào đại học vợ chồng chị lo lắng không biết lấy tiền đâu cho con ăn học, may có quỹ tín dụng của ông Khi cho vay hằng tháng. Đến nay vợ chồng chị Hà đã nuôi được cả 4 con vào đại học. Cháu đầu Lê Thẩm Thuý Hằng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương; cháu thứ hai Lê Thị Hiền đã tốt nghiệp Đại học Tài chính; cháu thứ ba Lê Huynh đang theo học Đại học Y Hà Nội và cháu út Lê Đệ đang học Đại học Bách khoa. Hai cháu Huynh và Đệ đều được kết nạp Đảng khi đang là sinh viên.

Ông Nguyễn Hữu Khi đang giảng bài cho học sinh nghèo.

Không riêng gì gia đình chị Hà, “ống tre làng” của ông Khi đang tiếp sức cho rất nhiều sinh viên ở vùng đất nghèo hiếu học này như: 2 đứa con của anh Thành, chị Nga ở xã Đức Tân; anh Lê Kim ân, chị Trần Thị Lai… Hiện nay “ống tre làng” của ông Khi đã có hơn 1.000 người dân khắp huyện Đức Thọ gửi hằõng ngày để tiếp sức cho con em trong huyện đến trường.

Đến lớp học đặc biệt bên sông La

Sáng sớm đến chợ gây quỹ tín dụng, còn đêm về ông Khi lại trở thành thầy giáo già không biên chế miệt mài cùng trò nghèo luyện chữ. Tôi tìm đến khối 7 thị trấn Đức Thọ khi trời vừa sẩm tối. Trong lớp học mở tại nhà của chị Phan Thị Tuyết Thơ và anh Nguyễn Đình Hải các trò làng đang mải miết với từng con chữ.

Cách đây ít năm, nơi chị Thơ sinh sống, đám trò làng đua nhau bỏ học bởi một chữ nghèo. Mỗi lần nghe tin em nào trong khu phố bỏ học giữa chừng chị Thơ lại thao thức, suy nghĩ mông lung. Chị cất công tìm hiểu; hoá ra học sinh quê chị bỏ học một phần do nghèo, song cái chính là các em không theo kịp chương trình thầy, cô giảng dạy.

Năm 2005, vợ chồng chị Thơ mở lớp và mời cựu binh Nguyễn Hữu Khi đứng lớp dạy miễn phí cho các em. Năm nay đã bước sang tuổi 77, thầy Khi là một người đặc biệt; bởi thầy đã đi qua 2 cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc và có mặt ở những thời điểm lịch sử đặc biệt. Bị thương đúng vào đêm 5-5-1954 ngay trên đỉnh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Nam, huỷ diệt miền Bắc. Một lần nữa, Nguyễn Hữu Khi lại làm đơn tình nguyện lên đường đánh giặc. Đất nước hoà bình, cựu binh Nguyễn Hữu Khi về lại quê nhà. Khi vợ chồng anh Hải, chị Thơ mời dạy cho đám trò nghèo quê hương, cựu binh Nguyễn Hữu Khi đã ứa nước mắt vui sướng. Lúc đầu lớp học chỉ có 20 em lớp 7, giờ đây, lớp học của thầy Khi phải chia theo ca, theo ngày. Năm 2005, lứa học trò đầu tiên từ lớp học thầy Khi có 4 em thi đại học.

Từ lớp học của thầy Khi hiện ở huyện Đức Thọ có rất nhiều nơi các giáo viên, cán bộ về hưu cũng tình nguyện mở lớp dạy kèm học trò không thu tiền. Chính từ việc “xã hội hoá giáo dục” này, hằng năm Đức Thọ luôn đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh về số lượng học sinh đỗ đại học.

Với những việc làm đầy nghĩa vẹn tình của mình, cựu binh Nguyễn Hữu Khi đã vinh dự được ra Hà Nội vào Lăng báo công với Bác Hồ kính yêu trong dịp tổng kết học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Người

Sông Lam-Lam Hồng
.
.
.