Chuyện ghi ở làng lặn An Khánh

Thứ Ba, 21/06/2005, 07:47

Chỉ đến khi trái đạn pháo 105 ly phát nổ cướp đi sinh mạng một thanh niên của làng lặn, nhiều người mới biết rằng: gần 70 năm nay tồn tại một làng mà hầu hết trai tráng sống bằng nghề lặn tìm sắt thép phế liệu ở giữa Sài Gòn. Nhiều năm đã qua, làng lặn vẫn chưa thấy giàu lên nhưng không ít những người con của làng đã vĩnh viễn nằm lại đáy sông.

Ngôi làng ấy chỉ cách những nhà cao tầng, những khách sạn năm sao, con đường Nguyễn Huệ chỉ một con sông, qua một chuyến phà. Vậy mà, nó lại lặng lẽ xơ xác với những mái nhà lợp tôn, với lau sậy, dừa nước, ghe thuyền, với những con người lam lũ suốt một đời ngụp lặn.

Ký ức của ông Mười Xicule

“Qua bến phà Thủ Thiêm, phía bên kia sông Sài Gòn thuộc địa phận quận 2, rẽ trái là đến làng lặn An Khánh. Nó thuộc khu phố 3, phường An Khánh” - anh xe ôm bên này quận 1 tỏ ra khá rành rọt với tay chỉ sang bên kia sông, nơi có những mái nhà tôn lụp xụp bị che khuất bởi mấy bảng quảng cáo khổng lồ. Gặng hỏi mãi, thì ra anh xe ôm cũng là dân làng lặn đã đổi nghề. Anh dặn tôi nếu muốn tìm hiểu về làng lặn thì không thể không gặp ông Mười Xicule, một trong những cao niên của làng lặn.

Làng lặn đã trở thành khu phố, nhưng trông vẫn chẳng khác gì những ngôi làng miệt sông nước miền Tây với những chiếc ghe neo san sát dưới sông, còn trên bờ là những ngôi nhà tuềnh toàng và những đứa trẻ đen nhẻm. Trước mặt nhà ông Mười Xicule là một con rạch nhỏ, trên rạch neo 3 chiếc ghe, ông Mười nằm trên võng mắc ngang hai thân dừa nhìn ra con rạch nghêu ngao câu vọng cổ. Hơn 60 tuổi nhưng ông vẫn còn phong độ lắm, những thớ thịt săn chắc, giọng nói và tiếng cười ông sang sảng.

Hớp ngụm cà phê đen đặc quánh, ông kể rằng làng lặn này có từ những năm 40 của thế kỷ trước, khi ấy chỉ có vài ba người theo nghề lặn, cũng chỉ mò phế liệu, đạn dược, dao kiếm bị chìm dưới sông. Những năm 60, khi ông Mười 20 tuổi thì làng lặn phát triển thêm một chút, có gần chục người theo nghề, hầu hết trong số đó là mò đạn dược, súng ống của những tàu chiến bị đánh chìm phục vụ cho cánh mạng. “Thời chiến, làng lặn này cũng làm cách mạng dữ lắm”, ông Mười khề khà cười...

Rồi ông kể: “Thời chiến tranh biết bao tàu chiến của Mỹ - ngụy bị bộ đội ta đánh đắm, chỉ riêng sông Sài Gòn này có đến hàng trăm chiếc. Sau giải phóng, dân trong làng mới bắt đầu cuộc sống của một làng lặn, cũng là mò tìm những chiếc tàu như thế. Một người, rồi hàng chục người theo nghề lặn. Nghề lặn này chẳng cần phải dạy, cứ thấy người ta lặn được, mình bắt chước làm theo. Mà dân miệt sông nước này, người ta ví von “con nít miệt sông, sanh ra đã biết lội (bơi)” đúng lắm chớ! Ngày trước, cứ đứng trên ghe hít căng lồng ngực rồi ùm xuống sông, vừa nín thở vừa mò, rồi trồi lên ngay cũng vớt được hàng chục ký phế liệu. Nhà ai có người đi lặn là cuộc sống khấm khá hẳn. Hồi chưa tách quận (quận 2 tách ra từ huyện Thủ Đức), làng lặn này và mấy làng xung quanh chủ yếu sống bằng nghề nông. Đô thị hóa dân nhập cư tứ xứ kéo về, dân số tăng chóng mặt. Đất ngày càng hẹp, ruộng ít dần. Thấy làm nghề nông không khá nổi, người ta lũ lượt rủ nhau đi lặn, đời cha truyền đời con dần dần hình thành làng lặn này”. 

Sau giải phóng cũng là thời cực thịnh của làng lặn, nghe tiếng làng có nhiều người lặn giỏi như rái cá, các công ty trục vớt khắp nơi đổ về làng tìm thợ. Ông Mười khi ấy đã gia nhập Công ty Trục vớt Hải Long. Xuôi Nam, ngược Bắc chỉ với hai bàn tay trắng, ông bảo chỉ cần nơi đâu có sông, nơi nào có tàu chìm là có đội trục vớt tàu của ông. Có lần ông đi cả hai tháng trời. Mỗi chuyến đi như vậy, ông lại thu thập không ít những kinh nghiệm về cho làng lặn.

Những thợ lặn “chân đất” và kho báu dưới đáy sông

Gọi họ là những thợ lặn “chân đất” để phân biệt với những thợ lặn chuyên nghiệp. 200 thợ lặn làng An Khánh đều là những thợ lặn chân đất. Hành trang mỗi chuyến đi của họ chỉ độc một chiếc ghe, trên đó gồm một máy phát điện, một bình hơi cải tiến từ chiếc bình gas loại 8 kg, một đoạn ống hơi bằng nhựa dài hơn 50 thước và ít đồ ăn.

Ông Mười nhìn con nước mấp mé bờ rạch và bảo: “Người dân làng này cứ theo con nước mà đi làm, sáng nước ròng thì đi, chiều tối nước lớn chúng về. Ông vẫy chiếc ghe của người đàn ông tên là Phú và nói tôi theo. Anh Phú, 40 tuổi, bị vẹo cột sống sau cơn sốt bại liệt khi mới lên 10, nhưng vẫn là một thợ lặn “cừ” của làng An Khánh. Chiếc ghe của anh trông có vẻ mới hơn, chắc chắn và sạch sẽ hơn những chiếc ghe neo ở bến ông Mười. Sông lộng gió, chiếc ghe của Phú chạy te te về hướng Vàm Thuật. Anh nheo mắt nhìn xuống lòng sông rồi khẳng định: “Không ai hiểu những con sông này bằng chúng tôi đâu. Không có chỗ nào ở khu vực này mà chúng tôi chưa chạm tới. Nghề lấy tay làm mắt mà, chỉ cần dùng tay là xác định được món đồ nằm sâu trong lớp bùn là sắt, nhôm hay đồng”.

Ghe giảm tốc độ rồi dừng lại khi mặt trời vừa qua khỏi những nóc nhà cao tầng. Mình trần trùng trục, Phú ngậm vào miệng chiếc ống nhựa để truyền khí ôxy từ bình gas được nối với chiếc máy phát điện nhỏ trên ghe, ôm một cục sắt gần 5kg rồi thả mình xuống dòng nước. Nước sông Vàm Thuật chảy xiết, chiếc ghe nhỏ cứ theo dòng nước mà trôi. Trên ghe, người bạn lặn của Phú căng mắt theo hướng chuyển động của chiếc ống nhựa. Phú đã phó thác sinh mạng của mình cho người bạn lặn, người làng lặn ai cũng hiểu rằng chỉ một sơ suất nhỏ của người bạn lặn theo dõi trên ghe, là người lặn dưới đáy sông cách mặt nước hàng chục mét có thể mất mạng. Ít phút sau, Phú trồi lên rồi người bạn lặn của Phú thay anh lặn tiếp. Cứ thế, cuộc tìm kiếm dưới đáy sông trôi đều theo dòng nước.

Mặt trời đứng bóng, Phú mới lôi lên mặt nước được một chiếc nồi nhôm. Ngao ngán, Phú rít một hơi thuốc dài rồi tiếp tục gieo mình vào dòng nước. Sau một ngày ngụp lặn, sản phẩm thu được là một chiếc nồi nhôm, một chiếc đài gỉ sét và đống sắt vụn. Phú cho ghe trở về An Khánh.--PageBreak--

Trời chạng vạng tối cũng là lúc hàng chục ghe lặn trở về làng. Phú nhẩm tính rằng những thứ mò được hôm nay bán được khoảng 150 ngàn, trừ chi phí xăng dầu, hai anh em cũng còn hơn 100 ngàn chia nhau, Phú hồ hởi: “Vậy là khá rồi!”.   

Trong số hàng chục nóc nhà ở làng lặn thì nhà của Phú trông có vẻ khá giả, sàn nhà được lát gạch men sáng bóng, tivi 24 inch, điện thoại, tủ lạnh đủ cả. Phú bảo những món đồ ấy đều sắm từ thời cực thịnh của làng lặn vào những năm 90. Ở làng lặn có một câu mà ai cũng hiểu: “Ướt đầu thì có tiền”, nghĩa là phải xuống sông mới kiếm ra tiền. Những năm 90, không nhà nào ở làng không có người đi lặn, họ coi lòng sông Sài Gòn và những lòng sông khác như một kho báu vô tận. Có ghe kiếm vài triệu một ngày là thường, ấy là khi họ trúng tàu hoặc đụng trúng xà lan chìm, có thợ lặn còn mò được cả vàng...

Vào những năm ấy, nhiều cửa hàng phế liệu xung quanh làng lặn cũng phất theo nhờ "kho tàng" dưới lòng sông. Có nhóm thợ khi “đụng” một chiếc tàu không làm nổi được đã hì hụi "xẻ thịt" đem dần lên khỏi mặt nước. Tàu vài chục tấn thì "xẻ thịt" cả tuần, tàu trăm tấn thì đục cả tháng. Mỗi con tàu ấy bán phế liệu hàng chục triệu. Ngay cả những thợ sắt chuyên nghiệp cũng tâm phục khẩu phục tài cưa sắt của thợ lặn làng An Khánh. Người ta đồn cắt sắt dưới nước vẫn là một bí quyết độc đáo của dân làng lặn.

Sống trong nước chết chìm trong nước

Ngày 7/6/2005, hai anh em thợ lặn Ngô Hoàng Dũng chỉ còn lại một: Ngô Văn Cường bị thương nặng đang nằm trong Bệnh viện nhân dân Gia Định. Người làng kể lại rằng, anh em Dũng cũng là hai thợ lặn có tiếng trong làng, trong một lần lặn mò phế liệu, họ “vớt” được một trái pháo 105 ly. Nếu vào thời cực thịnh của làng thì những trái pháo này chắc chắn người làng sẽ tự nguyện đem nộp cho chính quyền, nhưng bây giờ họ giữ lại cưa lấy sắt để bán phế liệu. Ngày 6/6 vừa qua, hai anh em Dũng đang hì hụi cưa trái pháo trên một khu mả trống thì trái pháo phát nổ. Người làng lặn phát hiện và kịp thời đưa hai anh em đi cấp cứu, nhưng người anh vĩnh viễn ra đi, Cường may mắn sống sót với hai chân chỉ còn một nửa.

Đám tang Dũng, tất cả dân làng nghỉ lặn neo ghe hai bờ con rạch. Dũng sinh năm 1965, anh theo cha vào nghề lặn từ năm 17 tuổi, dân thợ lặn trong làng ai cũng mến cái tính hiền lành lam lũ của anh em Dũng. Nhà nghèo, không cần biết con nước ròng hay con nước lớn, ngày nào Dũng cũng lặn. Cuối những năm 90, anh em Dũng được một công ty mời đi làm thợ lặn trục vớt tàu. Được hơn 1 năm, do bị ăn chặn tiền lương anh em Dũng bỏ công ty trở về làng làm thợ lặn “chân đất” đi mò phế liệu. Khi Dũng vào nghề cũng là lúc kho báu dưới lòng sông Sài Gòn đã cạn. Anh em Dũng phải đi “lượm bạc cắc”, cái gì bán được cũng lấy, từ vỏ đạn pháo đến cả que hàn. Dũng ra đi, bỏ lại một gia đình nhỏ nheo nhóc và một người em đang nằm trong bệnh viện. Dân làng lặn của ít lòng nhiều mỗi  người góp lại giúp gia đình anh trong cơn hoạn nạn.

Ông Mười lặng người khi nghe tôi hỏi về những tai nạn xảy ra cho dân làng lặn! Ông bảo nhiều lắm, ông cũng chẳng còn nhớ được bao nhiêu thợ lặn ở làng đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông. Do đụng phải bom mìn, do áp lực nước rất lớn, nhiều thợ lặn (nhất là thợ lặn trẻ) sơ suất thiếu kinh nghiệm dễ bị áp lực của nước dưới độ sâu hàng chục thước làm vỡ mạch máu nhiều người đã vong mạng. Người ta nhẩm tính dễ có đến gần 30 người nằm lại mãi dưới lòng sông.

Anh Tèo (Phạm Văn Lượm) đã dăm bảy lần chết hụt, ngán đến nỗi bỏ nghề lặn khi chưa bước qua tuổi 40. Từng là một thợ lặn nức tiếng của làng, từng góp mặt trong những công ty trục vớt nổi tiếng đi lặn khắp miệt miền Tây. Anh kể có lần mình ngụp lặn dưới độ sâu hơn 20 mét ở sông Sài Gòn, hôm ấy đi theo anh là một thanh niên trẻ mới vào nghề lặn, chưa quen với cái nắng thiêu đốt lại ngồi một mình trên ghe, anh chàng đã không canh chừng ghe, gục xuống ngủ ngon lành. Một chiếc thuyền lớn chạy ngang làm lật úp chiếc ghe xuống nước. Bình gas cung cấp khí ôxy chìm xuống nước, thấy ngộp thở, anh Tèo biết có chuyện ngay lập tức bỏ cục sắt dùng hết sức bình sinh trồi lên, thoát chết. Anh kể rằng chỉ chậm một chút rất có thể anh đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông.

Rồi có lần anh trục vớt tàu bị kẹt trong hầm, sức ép dưới độ sâu hàng chục mét của nước làm anh suýt chết ngộp, tai nhức, ngực thóp đến không thở được. Thoát nạn, anh Tèo phải nghỉ cả tháng trời nhưng khi ấy vẫn chưa quyết định bỏ nghề lặn. Quyết định bỏ nghề chỉ đến với anh Tèo khi anh tận mắt chứng kiến người em họ của mình bỏ mạng dưới lòng sông khu vực cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh. Anh và những thợ lặn trong làng cũng không biết vì sao em của anh bị kẹt lại dưới lòng sông, chỉ biết rằng khi em của anh nổi lên trên mặt nước thì chỉ còn cái xác.

Làng lặn còn đến bao giờ?

Anh Tèo đã không cho một đứa con nào theo nghề lặn, anh bảo thà cho chúng làm thợ hồ, thợ sửa xe đạp còn hơn đưa chúng đi bán mạng cho thủy thần. Nhưng người dân làng lặn lại không nghĩ như anh, những đứa trẻ lớn lên vẫn cứ theo nghề lặn, bởi chúng không cưỡng nổi niềm khao khát vẫy vùng sông nước.

Ông Mười bảo: “Nghề lặn đã thành nghiệp rồi, bỏ làm sao được”. Rồi ông thở dài thườn thượt: “Lớp trẻ trong làng nhiều đứa không theo nghề. Kho báu lòng sông giờ đã gần kiệt. Thợ lặn trong làng lại phải đi xa hơn, nhiều ngày hơn, không lên tận thượng nguồn sông Sài Gòn thì lại ngược về phía biển, cực nhọc muôn phần. Không biết làng lặn này còn giữ được bao năm nữa?”.

Sắp tới, sẽ có một đường hầm Thủ Thiêm hiện đại bậc nhất nước ta nối liền quận 2 và quận 1, đường hầm Thủ Thiêm sẽ chạy ngang con sông, nơi người dân làng lặn đã kiếm sống bao năm nay. Phường An Khánh nằm trong khu vực di dời giải tỏa, người làng lặn cũng chẳng lo lắng gì nhiều, bởi cái nghề lặn của làng chuyển đi đâu mà chẳng sống được. Ông Mười dõi con mắt ra hướng bờ sông, chặc lưỡi: "Ừ! Còn những con sông thì dân làng lặn này vẫn còn sống được với nghề lặn..."

Thuận Thiên
.
.
.