Chuyện cô gái Nhật đam mê Việt Nam

Thứ Sáu, 19/09/2008, 08:28
Ăn quen cơm Việt, nói thạo tiếng Việt, đi khắp "hang cùng ngõ hẻm" của đất nước suốt 13 năm liền. Cô từng nhiều lần cưỡi "ngựa sắt" tung hoành đây đó khắp nơi trên đất Việt. Nhất là chuyến viễn du xuyên Việt Hà Nội - TP HCM  tháng 8 vừa qua bằng xe đạp để một lần nữa khẳng định tình yêu và niềm đam mê Việt Nam của mình. Đó là cô gái Akikubo Mine. Theo tiếng Nhật, Akikubo Mine có nghĩa là "Núi rừng mãi xanh tươi".

Ngay từ thời còn là sinh viên, Akikubo Mine đã chú ý nghe đài, xem tivi những chương trình du lịch quốc tế. Đặc biệt, cô rất chú ý tới chuyên đề nói về đất nước và con người Việt Nam.

“Em thấy Việt Nam có nhiều nét giống Nhật Bản của em. Đặc biệt là nhân dân Việt Nam đã đứng vững sau bao cuộc chiến tranh tàn khốc và giờ đây đang ra sức lao động sáng tạo để xây dựng cuộc sống mới. Người Việt Nam nhân hậu, cởi mở và thân thiện mến khách quốc tế… Đó là lý do thôi thúc em tới đất nước này để chứng kiến những điều đã được nghe thấy trên các phương tiện truyền thông ở nước em…" - Lời bộc bạch cởi mở như vậy của Mine khi trả lời câu hỏi: "Vì sao Mine sang Việt Nam học rồi ở lại làm việc suốt 13 năm liền?".

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp đại học, Mine đã xin phép bố mẹ sang Việt Nam du học tự túc. Để biết được hai ngoại ngữ, Mine xin học chuyên ngành tiếng Việt ở Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Khi đã biết được tiếng Việt, Mine sẽ học thêm tiếng Anh qua ngôn ngữ này. Ý định đó của cô đã đạt được nhờ lòng quyết tâm và sự cố gắng tận lực của mình. Được bố mẹ cung cấp đầy đủ vật chất, Mine chỉ dồn sức cho học tập, không hề nghĩ tới chuyện "vui vẻ đàn đúm" như một số người khác.

Trên đường thiên lý Hà Nội - TP HCM (tháng 8/2008).

Từ ngày khách sạn Daewoo khai trương, Mine xin vào làm việc ở ban lễ tân tại đây. Ngày làm việc nhưng hằng tuần cô có 3 buổi tối đi học thêm để nâng cao trình độ ngoại ngữ Việt, Anh. Mine rất nhiệt tình tham gia vào các hoạt động nhằm phát triển mối quan hệ giữa hai nước Nhật - Việt.

Hoạt động nổi bật đầu tiên là Mine đã tham gia một phái đoàn phi chính phủ Nhật Bản lên hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai với việc chăm sóc sức khỏe người dân. Mine theo đoàn trợ giúp tới các trạm y tế của các xã vùng sâu, vùng xa với vai trò phiên dịch và "người góp ý khuyên bảo" cho người dân tộc vùng này về giữ gìn vệ sinh, phòng tránh bệnh tật...

Từ ngày các cơ quan kinh tế - xã hội Nhật Bản, nhất là ngành Du lịch, bắt đầu nói nhiều về đất nước và lịch sử Việt Nam, Akikubo Mine là một trong những người đầu tiên nhiệt tâm tham gia công việc này. Từ Hà Nội, cô viết nhiều bài giới thiệu phong tục tập quán, đất nước và con người Việt Nam gửi về cho các cơ quan truyền thông Nhật như Đài TV Nipon, các báo và tạp chí khác. Đặc biệt, Mine là một cộng tác viên nhiệt thành của Tạp chí du lịch "Chikyuno - Arukikata". Nhờ tạp chí này mà người dân Nhật Bản hiểu nhiều về Việt Nam và sang tham quan du lịch ngày một nhiều hơn. Mine chỉ nhận tiền đi lại bằng máy bay của tạp chí mà không nhận bất kỳ một khoản "nhuận bút", "nhuận khẩu" nào...

Một công việc khá công phu và tỉ mẩn mà Mine giúp Bưu chính - Viễn thông Nhật thử nghiệm xác định thời gian và hiệu quả của ngành dịch vụ này trên đất nước Việt Nam: Cô đóng vai "người nhận" điện, thư, chuyển phát nhanh, bưu phẩm... đi bằng hàng hải, hàng không từ Nhật sang các vùng khác nhau ở Việt Nam xem mất bao nhiêu thời gian, có đảm bảo an toàn, hiệu quả thế nào. Và cô đã mang lại cho họ kết quả như ý. Trong giao lưu quan hệ hợp tác giữa các tổ chức kinh tế - văn hóa - xã hội giữa hai nước, Akikubo Mine quả là đã góp công xứng đáng.

Khi sang Hà Nội học, Mine đã đi tìm nhà trọ ở ngoại trú cho thuận tiện sinh hoạt và học tập. Thật là may mắn cho cô sinh viên chân ướt chân ráo mới tới này đã tìm được một chỗ ở như ý. Chủ nhà là một phụ nữ nhân hậu, luôn tạo mọi điều kiện giúp cô trong sinh hoạt và học tập hằng ngày. Bà coi Mine như con gái, đáp lại, cô coi bà chủ nhà này như người mẹ, người cô ruột của mình.

Không những dành riêng cho Mine nơi yên tĩnh, đủ tiện nghi để học tập và sinh hoạt, bà "cô ruột" này còn hướng dẫn "cháu gái" cách sống, sinh hoạt hằng ngày cho phù hợp với hoàn cảnh và khí hậu Việt Nam. Nay thì Mine đã biết thành thạo làm nem, thịt kho tàu, kể cả rau muống luộc và canh cua đồng...

Những năm tháng làm việc ở ngân hàng Nhật Mizuho (chi nhánh Hà Nội của một ngân hàng lớn Nhật), Mine là "thủ trưởng" - hay đúng hơn là "cậu thủ trưởng" của các nữ nhân viên Việt ở ngân hàng đó. Có lẽ việc này đã khiến cô càng gần gũi, gắn bó hơn trong những lần "ba cùng" với người Việt Nam.

Trả lời câu hỏi "Vì sao Mine yêu Việt Nam, sống và làm việc ở đây lâu đến thế?", cô chân thật tỏ bày nỗi lòng mình: "Giá như không gặp được bà chủ nhà trọ đầu tiên đã coi em như con đẻ thì có lẽ em không ở Việt Nam lâu đến thế. Bây giờ em coi đây là quê hương thứ hai của em...". Trong ngần ấy năm sống và làm việc ở Hà Nội, Mine đã mời bố mẹ và em trai sang thăm ba lần, ở với cô nhiều ngày, cùng cô đi du ngoạn nhiều nơi trên quê hương thứ hai này. Tình yêu và niềm đam mê Việt Nam, cô đã truyền sang cho bố mẹ, em trai và một số bà con ruột thịt trên đất nước hoa anh đào. Nhiều người theo lời khuyên của Mine đã sang chu du nhiều nơi, thưởng ngoạn nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam.

Trong 13 năm sống, học tập và làm việc ở Việt Nam, Akikubo Mine đã chu du nhiều nơi. Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, rồi Quảng Ninh, Hải Phòng phía Bắc cho tới suốt dải đất miền Trung và tận các tỉnh Nam Bộ, ra đảo Phú Quốc, thăm các địa đạo Vịnh Mốc, Củ Chi... Có lẽ chỉ Tây Nguyên là cô chưa có dịp tới.

Có người lại hỏi vui mà thật: "Sao Mine cứ để "băm" mãi mà chưa chịu lấy chồng? Chắc kén lắm nhỉ?". Mine cười trả lời: "Chắc cái duyên cái số nó chưa tới thôi mà!".

Có lẽ "nội dung" của cái tên Akikubo Mine quả thật đúng với cụm từ trong ngôn ngữ Nhật Bản "Núi rừng mãi xanh tươi" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng

Nguyễn Hữu Dy
.
.
.