Chuyện chưa kể về phong trào bí mật phòng gian bảo vệ “ngõ hầu” Điện Biên Phủ

Chủ Nhật, 27/04/2014, 09:04
Cuối năm 1953, đánh hơi thấy sự di chuyển của đại quân ta lên Điện Biên Phủ, Pháp tăng cường sử dụng máy bay bắn phá suốt ngày đêm đường 41. Ba trọng điểm chúng đánh phá ác liệt nhất là ngã ba Cò Nòi (Sơn La), đèo Pha Đin và ngã ba Tuần Giáo, trung bình mỗi ngày máy bay địch ném xuống khoảng 200 tấn bom các loại. Chúng cũng tung nhiều toán GCMA nhẩy dù xuống Tuần Giáo nhằm “chọc dao găm vào lưng Việt Minh”.

Cả khán phòng 500 chỗ ngồi ở trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu (Hà Nội)  tham gia Hội thảo khoa học “Vai trò và đóng góp của lực lượng CAND trong chiến dịch Điện Biên Phủ” đã lặng đi cùng với sự nghẹn ngào của một vị tướng. Nửa thế kỷ chinh chiến bao phen vào sinh ra tử không làm ông yếu lòng nhưng hôm nay ông đã rơi lệ. Cuộc đời hoạt động Công an của ông có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ với những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh nhưng tình cảm và lòng dân biên giới trong trận thư hùng 56 ngày đêm cách đây 6 thập kỷ như tiếp thêm sức mạnh cho ông và đồng đội trụ vững và chiến thắng…

Người ta vẫn gọi Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp là vị tướng miền biên ải vì ông có gần 40 năm gắn bó với miền đất hiểm cực Tây. Ông nguyên là Giám đốc Ty Công an Lai Châu, Cục trưởng Cục chống phản động, Trưởng đoàn chuyên gia Công an tại nước bạn Lào. Ông là một trong 25 vị “tiền bối” của Công an tỉnh Lai Châu ngày đầu thành lập (1/1953). Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tướng Tháp là Huyện đội trưởng kiêm Trưởng Công an huyện Tuần Giáo. “Đây là địa bàn chiến lược, là “ngõ hầu” con đường tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ - ông kể. Quân chủ lực, dân công, vũ khí, lương thực thực phẩm, kho tàng đều tập kết ở Tuần Giáo trước khi chuyển đến chiến trường Điện Biên Phủ. Chính vì vậy thực dân Pháp cho máy bay đánh phá ác liệt, đồng thời tung các toán gián điệp biệt kích nhằm chặt đường tiếp tế của ta”.

Thời kỳ này, tình hình an ninh chính trị ở các làng bản nhất là các bản “bám” đường 41 (đường 6 ngày nay) như Chiềng Pấc, Tông Lệnh, Tỏa Tình… khá phức tạp. Các toán phỉ được Pháp trang bị vũ khí và huấn luyện liên tục tổ chức quấy rối. Cuối năm 1953, đầu năm 1954 tại huyện Thuận Châu (giáp ranh với Tuần Giáo) hình thành 2 cụm phỉ lớn là Co Tòng và Long Hẹ với trên 3.000 tên phỉ do Bạc Cầm Thủy, Bạc Cầm Đưởng, Bạc Cầm Ku cầm đầu.

“Làm Công an thì việc gì cũng phải nhờ dân, điều đó càng được chứng minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Quả thực nếu không có bà con các dân tộc thì chúng tôi chắc không thể làm được gì nhiều, chứ chưa dám nói là đánh biệt kích và vận động nhân dân quyên góp ủng hộ bộ đội”. Công an huyện Tuần Giáo khi đó chỉ có chưa đầy 10 người, trụ sở là căn nhà 2 gian nhà tranh vách đất, trang thiết bị thô sơ, chỉ có 3 khẩu súng trường, 2 khẩu súng ngắn cổ lỗ sĩ từ thời chiến tranh thứ nhất! Theo lời Tướng Tháp kể thì thời kỳ ấy, cán bộ chiến sĩ Công an huyện ai cũng gầy gò, xanh xao do kham khổ lại bị “dính” sốt rét nhưng cứ cắt cơn sốt lại hăng say lao vào nhiệm vụ. Một trong những “chất xúc tác” tạo nên sức mạnh của bà con các dân tộc chính là phong trào quần chúng. Phong trào “3 không” khi phát động ở Tuần Giáo trở thành phong trào “bớ hụ, bớ phăng, bớ hin” (không biết, không nghe, không thấy). Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp xúc động kể lại: “Người dân còn nghèo nhưng phong trào “bớ hụ, bớ phăng, bớ hin” phát triển rất mạnh. Hồi đó đi đâu người dân cũng căn dặn nhau bớ hụ, bớ phăng, bớ hin. Thấy có gì khả nghi bà con báo ngay cho cán bộ. 

Bà con dân tộc Thái giã gạo ủng hộ bộ đội. Ảnh: Bảo tàng CAND.

Cuối năm 1953, đánh hơi thấy sự di chuyển của đại quân ta lên Điện Biên Phủ, Pháp tăng cường sử dụng máy bay bắn phá suốt ngày đêm đường 41. Ba trọng điểm chúng đánh phá ác liệt nhất là ngã ba Cò Nòi (Sơn La), đèo Pha Đin và ngã ba Tuần Giáo, trung bình mỗi ngày máy bay địch ném xuống khoảng 200 tấn bom các loại. Chúng cũng tung nhiều toán GCMA nhẩy dù xuống Tuần Giáo nhằm “chọc dao găm vào lưng Việt Minh”. Thiệt hại các toán gián điệp gây ra không hề nhỏ, có những vụ chúng chỉ điểm máy bay oanh kích trúng đội hình dân công của tỉnh Phú Thọ, giết chết gần 90 người, tiêu hủy nhiều tấn hàng hóa.

Một trong những nhiệm vụ của Công an Khu Tây Bắc nói chung, Ty Công an Lai Châu và Công an huyện Tuần Giáo nói riêng trong thời kỳ này là phát động quần chúng tham gia phong trào “phòng gian bảo mật” và phong trào “bớ hụ, bớ phăng, bớ hin”, đồng thời tập trung xây dựng lực lượng dân quân du kích và Công an xã giữ gìn an ninh trật tự nòng cốt ở cơ sở. 2 xã có đông người Mông sinh sống là Tỏa Tình và Pú Nhung cũng xây dựng được lực lượng du kích và Công an xã. Ở Pú Nhung trung đội du kích do Sùng Phái Sinh (sau này được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND) chỉ huy đã phối hợp với Công an huyện Tuần Giáo, Trung đoàn 148 địa phương tổ chức nhiều đợt tấn công bọn phỉ ở Thuận Châu, Tủa Chùa, Sìn Hồ, tiêu diệt và bức hàng hơn 2.300 tên phỉ, thu 39 súng trung liên, 859 súng trường, mở toang cánh cổng cho đại quân ta tiến vào Điện Biên Phủ…

Vụ phát hiện 2 tên gián điệp hoạt động ở Quài Tở và Chiềng Sinh là một chiến công xuất sắc của Công an huyện Tuần Giáo. Chuyên án này cũng khá công phu, tốn nhiều thời gian và công sức. Sau nhiều ngày truy tìm, Công an huyện Tuần Giáo nhận được nguồn tin quý giá, một người dân tên là Quàng Văn Hom ở bản Cộng, xã Chiềng Sinh báo có 2 “chú bộ đội” rất khả nghi. Qua lời kể của ông Hom thì thường ông thấy 2 chú bộ đội này ăn mặc khá sạch sẽ, có thuốc lá thơm hút, đồ đạc mang theo cũng đơn giản, đặc biệt nói rất thạo tiếng Thái nhưng khi lên nhà sàn lại không tháo bỏ giày mà đi cả lên sàn! Sau khi nhận được tin báo, Trưởng Công an huyện Nguyễn Trọng Tháp trực tiếp cùng 2 trinh sát xuống địa bàn theo dõi, bám sát đối tượng. Sau khi được “mời” về làm việc, Trưởng huyện Nguyễn Trọng Tháp tách 2 “anh bộ đội” ra để lấy lời khai.

Mặc dù cả hai đối tượng này đều trưng ra một số giấy tờ, phiên hiệu đơn vị… thuộc đại đoàn 312 nhưng bằng con mắt và vài biện pháp nghiệp vụ, Nguyễn Trọng Tháp đã bóc trần bộ mặt thật của 2 bộ đội giả. Chúng là 2 tên gián điệp biệt kích nguy hiểm, tên là Lò Văn Kham (SN 1932) và Lò Văn Địch (SN 1929) ở Mường Thanh, Điện Biên Phủ. 2 tên này có bố từng làm thổ ty tay sai cho Pháp dưới trướng của Đèo Văn Ún, chi châu Điện Biên. Sau khi Pháp nhẩy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, 2 tên này được tuyển dụng vào đội quân GCMA, được Pháp đưa đi huấn luyện sau đó tung ra khu vực Tuần Giáo hoạt động. Sau khi 2 tên này bị bắt, thiệt hại của quân ta tại các trạm nghỉ chân, khu vực tập kết ở Tuần Giáo giảm hẳn. Không những thế, được sự chỉ đạo của Công an Khu Tây Bắc, Công an huyện Tuần Giáo phối hợp với Ban bảo vệ chính trị - Văn phòng Ty Công an Lai Châu bắt giữ nhiều toán GĐBK hoạt động ở Điện Biên Phủ, điển hình như vụ bắt giữ tên Sầm Văn Mùi, gián điệp của 2C Bureau cùng 4 tên khác đang cài cắm do thám ở khu vực bản Ten, gần cứ điểm Độc Lập và xã Nà Tấu…

Cũng nhờ dân vận tốt mà bà con các dân tộc khi ấy còn nghèo nhưng một lòng một dạ ủng hộ cách mạng, ủng hộ bộ đội và Công an. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp đã nghẹn ngào không nói nên lời khi kể đến chi tiết mà ông trực tiếp chứng kiến về tình cảm và lòng dân Tuần Giáo; đó là hình ảnh những gia đình ở Pú Nhung, Tênh Phông, Tỏa Tình, Chiềng Sinh… chỉ ăn khoai, sắn, thậm chí là đào củ mài, măng rừng ăn thay cơm nhưng đã nhường những bơ gạo, lù cở thóc cuối cùng ủng hộ bộ đội đánh giặc. Quên làm sao được hình ảnh những bà mế mắt lòa, lưng còng rạp rờ rẫm ngồi sàng sẩy gạo; hình ảnh những phụ nữ lưng địu con, tay sẩy gạo, chân đạp cối giã gạo để kịp gửi vào cho bộ đội ở Điện Biên Phủ… Những đóng góp của nhân dân Tuần Giáo nói riêng, Điện Biên nói chung là vô giá, đúng như đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp đã khẳng định: “Mỗi cân gạo, một cân thịt, một cân rau ở Tuần Giáo có giá trị gấp nhiều lần so với hậu phương chuyển đến”. Và điều đó giải thích tại sao chúng ta chiến thắng trong cuộc đụng đầu khốc liệt với kẻ thù mạnh gấp nhiều lần…

Vũ Mạnh Hà
.
.
.