Chuyện cái giấy khai sinh...

Chủ Nhật, 09/10/2005, 08:38

Giấy khai sinh là căn cứ đầu tiên, là cơ sở pháp lý tin cậy nhất về một công dân, đặc biệt khi làm các giấy tờ khác liên quan đến quyền lợi của bản thân như: học tập, công tác, đăng ký hộ khẩu, chứng minh nhân dân... Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, ở một số địa bàn vùng sâu ở tỉnh Điện Biên, việc làm giấy khai sinh đang gặp nhiều khó khăn và bất cập...

Có thời, tại một số bản vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên, chuyện nam nữ đưa nhau ra xã làm thủ tục đăng ký kết hôn bị xem là... chuyện lạ! Nạn tảo hôn, nhất là với đồng bào Mông (một dân tộc chiếm trên 25% dân số của tỉnh), nhiều khi trở thành “tập quán”. Dù ông chủ tịch xã hay cán bộ tư pháp xã có biết cậu bé này lấy cô bé kia là trái pháp luật, nhưng cũng chẳng tìm đâu ra cơ sở để có kết luận độ tuổi chính xác. Bởi cặp vợ chồng nọ nào có giấy khai sinh!

Tự do kết hôn và sinh con

Thực hiện Đề án 278/TP – HT/2000 của Bộ Tư pháp về đăng ký khai sinh quá hạn cho trẻ em, Quyết định 113/KH – UB/2001 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) về việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân gia đình, cuối năm 2004 Sở Tư pháp Điện Biên đã tiến hành rà soát 35.022 cặp hôn nhân thực tế, phát hiện gần 8.000 cặp không đăng ký hoặc không đủ điều kiện đăng ký kết hôn theo luật định. Theo đó, năm 2004 tỉ lệ đăng ký kết hôn ở tỉnh Điện Biên là trên 81%; có nhiều huyện thấp đến mức ngạc nhiên, ví dụ huyện Tuần Giáo tỉ lệ đăng ký kết hôn chỉ đạt 54,3%, huyện Mường Nhé 79,3%. Tại hai xã Mường Toong và Chung Chải của huyện Mường Nhé, trên 600 cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn mà đã kịp có với nhau mấy mặt con.

Kết hôn “thoáng” như vậy, nên việc sinh đẻ ở một số nơi người ta tặc lưỡi: "Trời sinh voi, trời sinh cỏ!". Năm 2004, tỉ lệ sinh của toàn tỉnh ở mức xấp xỉ 2,8%, trong đó, tỉ lệ các bà mẹ sinh con thứ ba là  22,5%. Sinh nhiều, đẻ lắm kéo theo một thực tế đáng buồn là có khá nhiều trẻ em ở một số xã, bản vùng sâu vùng xa không được đăng ký khai sinh.

Làm việc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh Điện Biên, thông báo: qua đợt kiểm tra chuyên đề khai sinh cho trẻ em trên địa bàn, tỉ lệ đăng ký khai sinh cho các cháu mới đạt trên  86%. Vậy là có rất nhiều cháu chưa được đăng ký khai sinh, mặc dù có cháu đã hoặc sắp tới tuổi lập gia đình và như thế lại có một thế hệ tiếp theo không có giấy khai sinh.

Hậu quả

Hiện nay, ở các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, phần lớn các cụ già ở vùng sâu vùng xa không nhớ tuổi chính xác của mình. Chính vì thế mà cả tỉnh đã và đang có hàng trăm cụ trên 100 tuổi, thậm chí 120 tuổi. Nhưng các cụ nói vậy thì biết vậy, chứ không có cơ sở nào để khẳng định độ chính xác thông tin. Đàn ông dân tộc Mông thường có phần đệm là “A” nhưng khi lập gia đình, sinh con lại được bố vợ đặt cho tên đệm khác. Tập tục này đã gây nên nhiều phiền toái cho chính bản thân người đó, đồng thời ảnh hưởng đến công tác hộ tịch hộ khẩu, rộng hơn là công tác ANTT.

Thiếu tá Vũ Trọng Thưởng, Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, kể cho chúng tôi nhiều chuyện liên quan đến công tác điều tra, khám phá vụ án hay truy bắt đối tượng phạm tội. Thiếu tá Thưởng tâm sự: “Hầu hết các vụ án mà tôi tham gia thụ lý, bị can và người bị hại đều không có giấy khai sinh gốc”. Không ít vụ án việc xác định tên tuổi các nghi can, chiếm khá nhiều thời gian bởi trong thực tế không ít những kẻ lợi dụng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, đã khai thấp tuổi (vị thành niên) để trốn hoặc giảm nhẹ hình phạt. Thống kê từ năm 1996 đến năm 2004, toàn tỉnh bắt được trên 600 đối tượng truy nã thì có 67 đối tượng thay tên đổi họ, thậm chí có tên còn “qua mặt” cả cơ quan chức năng để làm giấy chứng minh nhân dân hay vào công tác trong cơ quan Nhà nước.--PageBreak--

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, làn sóng di dân ở một số tỉnh ào ạt đổ về các xã biên giới Việt - Lào, chủ yếu thuộc hai huyện Mường Nhé và Mường Chà. Qua đợt ra quân tăng cường cơ sở, Lực lượng Công an tiến hành đăng ký hộ khẩu cho dân di cư tự do, phát hiện quá nửa trong tổng số 27.000 người không có giấy khai sinh. Một trong những nguyên nhân là không ít người do bị kẻ xấu tuyên truyền kích động gây mất đoàn kết dân tộc, đã không đăng ký hộ tịch hộ khẩu, không đăng ký khai sinh cho con, khiến cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý hành chính về TTXH.

Đâu là nguyên nhân?

Về mặt khách quan, do địa bàn miền núi địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, từ xã đến bản có nơi phải mất vài ngày đi bộ, trình độ dân trí nhìn chung còn thấp. Nhưng về mặt chủ quan, cũng phải thấy rằng, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của ta còn nhiều bất cập, việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Một vấn đề đáng bàn nữa là hiện nay, hầu hết đội ngũ tư pháp xã ở Điện Biên chưa được đào tạo nghiệp vụ, trong khi đó cơ cấu hệ thống chính trị ở cơ sở luôn có sự biến động.

Ông Đặng Xuân Vịnh, Phó phòng Tư pháp huyện Tủa Chùa, cho biết: “Trong số 12 cán bộ tư pháp của huyện, mới chỉ có 2 người tốt nghiệp trung học pháp lý”. Huyện Mường Chà cũng không khả quan hơn bao nhiêu, anh Điêu Chính Vĩnh, cán bộ Phòng Tư pháp huyện, tâm sự với chúng tôi: “Huyện Mường Chà có 10 cán bộ tư pháp xã và 1 ở thị trấn nhưng còn tới 4 người chưa qua đào tạo nghiệp vụ pháp lý. Thậm chí có nơi như xã Huổi Lèng, công tác tư pháp bị thả nổi gần một năm nay”.

Do trình độ cán bộ như vậy nên nhiều người dân đến xã đăng ký khai sinh, bị cán bộ tư pháp viết biểu mẫu sai, tẩy xóa, sửa chữa tùy tiện, không có trích yếu gây khó khăn cho việc tra cứu, đối chiếu khi cần thiết. Gần đây, trong các đợt kiểm tra chuyên đề liên ngành Tư pháp - Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, tại một số địa bàn trọng điểm, đã phát hiện nhiều sai sót trong việc đăng ký và cấp giấy khai sinh. Một số trường học vùng sâu vùng xa mua biểu mẫu sau đó ra xã xin cấp đồng loạt giấy khai sinh cho các cháu, để bổ sung vào học bạ. Kiểu “hợp lý hóa” này vô hình trung đã làm giấy tờ nhân thân bị sai lệch, sau này có việc liên quan đến học tập, công tác, chữa bệnh... dân chạy ngược chạy xuôi, gõ đủ các cửa nhưng vẫn không được giải quyết.

Dù muộn còn hơn không

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI. Điều 11 quy định rõ: “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”; Điều 23 quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh của bố mẹ, người giám hộ, UBND cấp xã, phường, thị trấn... Tuy vậy, nhiều trẻ em vùng sâu vùng xa ở Điện Biên vẫn chưa từng được đăng ký khai sinh. Thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào dân tộc, coi việc làm tốt công tác hộ tịch hộ khẩu, đăng ký khai sinh là một trong những tiêu chuẩn để được công nhận làng bản văn hóa. Bồi dưỡng, củng cố đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở ngày càng hoàn thiện về trình độ nghiệp vụ; nghiên cứu cải tiến mẫu sổ sách, giấy tờ về hộ tịch theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo độ bền của giấy tờ hộ tịch trước tình hình thời tiết khắc nghiệt vùng cao.

Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em vùng cao xem ra đang là việc cần làm ngay dù biết rằng muộn còn hơn không...

Hoàng Điệp - Mạnh Hà
.
.
.