Chuyện cá sấu dữ ở rừng Sác

Thứ Tư, 25/05/2011, 14:52
Cá sấu rừng Sác ở Cần Giờ được các nhà khoa học xác định là cá sấu hoa cà, lớn nhất trong loài bò sát với con trưởng thành dài từ 6-7m, trọng lượng lên đến hơn 1.000kg. Tương truyền có những con sấu tinh ở rừng Sác ngày xưa, bà con phải hùn tiền mời "thầy" chuyên câu sấu ở miệt Cà Mau về Cần Giờ lùng bắt sấu.

Là thảm đước xanh trải ngút ngàn tầm mắt với ngàn vạn cội rễ chằng chịt như mê trận, rừng Sác (huyện Cần Giờ) từng một thời là "trận địa sát nách Sài Gòn - Gia Định - là vùng chiến khu" nơi ghi dấu nhiều chiến công của Trung đoàn 10 đặc công Anh hùng trong việc hạ hơn 500 tàu chiến, gần 200 tàu vận tải, bắn rớt hàng chục trực thăng, phá hủy nhiều kho bom, kho xăng của địch… Và trong rất nhiều chiến công của Trung đoàn 10, có chiến công thầm lặng không được ghi trong báo cáo là cuộc chiến với sấu dữ rừng Sác.

Một góc rừng Sác ven sông Lòng Tàu - nơi một thời là đại bản doanh của sấu dữ.

Sau hơn 35 năm đất nước thống nhất, chúng tôi, những thế hệ được sinh ra sau chiến tranh có chuyến đi về nguồn tại Chiến khu rừng Sác. Trong câu chuyện với các bậc cao niên và những cựu binh từng một thời sống và chiến đấu trên vùng đất mưa bom lửa đạn năm nào, câu chuyện về sấu dữ Rừng Sác chừng như vẫn còn đậm tính thời sự. "Cá sấu rừng Sác hung dữ lắm chú à" - ông Nguyễn Lợi, ở xã Long Hòa, rùng mình khi nhắc chuyện sấu dữ.

Ông nói sấu rất thích ăn thịt người. Cái sở thích ấy của chúng rộ lên sau Tết Mậu Thân năm 1968, khi giặc Mỹ điên cuồng xua hàng trăm tàu chiến cùng máy bay B52 tổ chức san bằng chiến khu rừng Sác, nuôi dã tâm xóa sổ Sở chỉ huy Đoàn 10. Trong một trận đánh ác liệt kéo dài 20 ngày ở sông Ông Kèo (nay thuộc địa phận xã Thạnh An), Lữ đoàn 199 của địch bị Đoàn 10 đánh cho tan tác với hàng trăm lính Mỹ phơi xác trên sông, làm mồi cho đàn sấu. Cũng từ đấy sấu bén mùi thịt sống, hễ nghe súng nổ, nghe mùi người là chúng lao đến rình mồi. Và cũng từ đây, đàn sấu trở thành hung thần sát hại nhiều người dân, chiến sỹ đặc công rừng Sác.

Ở tuổi 56, khi nói về sấu rừng Sác, ông Lê Văn Bé, ngụ ấp Thạnh Hòa (xã Thạnh An) không giấu được sự hãi hùng. Từ nhỏ đã theo cụ thân sinh chống xuồng vào rừng đước đặt lú (một dụng cụ bẫy cá), moi cua đổi gạo nên ông Bé rất am tường chuyện sấu dữ: "Rừng đước là đại bản doanh của sấu" - ông Bé khẳng định: "Ngày ấy sấu nhiều vô kể. Ông già tôi nói không phải đợi đến khi Đoàn 10 về rừng Sác nằm vùng, hồi phong trào chống Pháp, tiếng tăm rừng Sác nhiều sấu dữ lan khắp Nam kỳ lục tỉnh. Có những con sấu khổng lồ to bằng chiếc ghe, dài đến 5-6m, chỉ chuyên ăn thịt người".

Trước sự lộng hành của những con sấu tinh, bà con phải hùn tiền mời "thầy" chuyên câu sấu ở miệt Cà Mau về Cần Giờ lùng bắt sấu. "Khi bắt được sấu, ông thầy chỉ lấy bao tử con vật, còn lại giao hết cho người làng. Nghe nói trong bao tử của những con sấu từng ăn thịt người có rất nhiều vòng vàng của những người mà nó ăn thịt. Khi lấy những món ấy ra khỏi bao tử, người câu sấu phải làm mâm cơm cúng tạ vong hồn chủ nhân của những vòng vàng ấy rồi mới dám bán buôn, sử dụng".

Ông Ngô văn Dị, Vạn trưởng Vạn lăng ông Thủy Tướng - nơi lưu giữ bộ xương cá voi khổng lồ dài 12m, cao hơn 2m (thị trấn Cần Thạnh) cho biết, vùng đất Cần Giờ chia thành 2 phần sông - biển tách biệt. Cá sấu sống tập trung ở nơi có con sông Lòng Tàu ăn thông với sông Thị Vải đổ dài qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chẻ nhánh thành ngàn vạn luồng lạch. "Hồi kháng chiến chống Pháp - Mỹ, khi đưa quân xuống càn quét vùng này, bên cạnh tài xuất quỷ nhập thần của các chiến sỹ đặc công, kẻ thù cũng rất khiếp sợ sấu rừng Sác… Đêm đêm, khi đi soi cá moi cua, không thể không hãi hùng khi ánh đèn quét qua những vùng sấu nằm chực mồi với ánh mắt đỏ lừ và hàm răng nhọn hoắc".

Ông Dị cho biết, trứng cá sấu tựa trứng vịt nhưng tròn và nhỏ hơn. Điều lạ là khi nấu chín, trứng không cô đặc mà sền sệt, béo ngậy. Còn thịt cá sấu con thì nhão nhẹt, chẳng ngon lành gì…

Cá sấu ở rừng Sác hiện nay.

Trong hồi ký "Một thời rừng Sác", Đại tá Lê Bá Ước, Trung đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công rừng Sác nhắc nhiều về sấu dữ. Ông nói, trong kháng chiến chống Mỹ, không chỉ đối mặt với thủy lôi, tàu chiến, máy bay B52, pháo nòng cỡ ngắn, dài…, đặc công rừng Sác còn phải đối phó với loài cá dữ, nguy hiểm là sấu rừng Sác. Trước sự lộng hành của sấu dữ khi cướp đi nhiều sinh mạng người dân và chiến sỹ đặc công, Đại tá Lê Bá Ước gọi sấu là "thằng giặc không tên", phát động mở chiến dịch diệt sấu bằng cách tăng cường hốt hủy trứng. Với những con sấu tinh, đơn vị mua vịt bầu, cặp thuốc nổ vào cánh vịt bẫy sấu. Khi lội nước bị sấu tấn công, chiến sỹ đặc công liều chết rút lưỡi lê, rút chốt lựu đạn tử chiến với sấu dữ… Trong khuôn viên Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, để tưởng nhớ chiến công và những hy sinh của chiến sỹ đặc công rừng Sác, Ban quản lý đã tạo dựng dưới đầm nước hình tượng một chiến sỹ đặc công để mình trần, tay cầm dao găm đang chiến đấu với sấu dữ…

Trên đây là những câu chuyện về sấu rừng Sác mà chúng tôi góp nhặt được trong chuyến đi về nguồn tại Chiến khu rừng Sác trong những ngày đầu tháng năm. Kể lại chuyện sấu dữ năm nào để chúng ta, những người được sống trong cảnh thanh bình của đất nước tươi vui như hôm nay không quên về một thuở gian khó, về sự hy sinh, mất mát thầm lặng của các chiến sỹ đặc công Đoàn 10, những người lính quả cảm mà Đại tá Lê Bá Ước, mỗi khi nhắc lại chuyện xưa không khỏi ngậm ngùi, bởi "trên chiến trường sông nước rừng Sác, nhiều sinh mạng chiến sỹ sau khi tử trận đã phải làm mồi cho cá sấu, hoặc trôi ra biển cả không thể nào tìm được xác".

Cá sấu rừng Sác ở Cần Giờ được các nhà khoa học xác định là cá sấu hoa cà, lớn nhất trong loài bò sát với con trưởng thành dài từ 6-7m, trọng lượng lên đến hơn 1.000kg. Cá sấu hoa cà bơi lội rất giỏi, hàm khỏe có từ 64-68 răng. Điều đặc biệt ở loài này là chúng thích nghi tốt với môi trường nước mặn, thường gặp ở vùng ven biển hoặc các cửa sông... Cá sấu hoa cà đẻ trứng, mỗi ổ dao động từ 40-90 trứng, sau 90 ngày được ấp, cá sấu con chào đời… Cá sấu hoa cà có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới. Hiện loài này được nuôi ở huyện Cần Giờ và "làng cá sấu hoa cà" ở các quận 12, Thủ Đức…

Bích Kiều - Huỳnh Kiều
.
.
.