Chuyện bi tráng về ngôi chùa có 5 nhà sư là liệt sỹ

Thứ Tư, 23/07/2014, 15:22
Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là địa phương có số tăng ni, hòa thượng hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nhiều nhất thành phố. Trong đó, riêng chùa Thắng Phúc tại xã Tiên Thắng có tới 5 vị sư trong số 8 tăng ni, hòa thượng của huyện anh dũng hy sinh.

Nằm ngay bên dòng sông Văn Úc, chùa Thắng Phúc (trước kia có tên là Vọng Phúc) được xây dựng từ thời Lý, vào khoảng thời gian từ 1105-1125. Chùa xây theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc” hướng quay ra sông, lấy núi Thiên Văn (Kiến An) làm tiền án. Trải qua các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn với 62 đời sư tổ trụ trì, chùa được trùng tu, tôn tạo. Vốn là nơi thờ Phật, tu hành với gần 20 hòa thượng, tăng ni, song trước cảnh đất nước lâm nguy vì giặc xâm lăng, các tăng ni, phật tử của chùa đã cầm súng cùng nhân dân cả nước tham gia kháng chiến.

Theo sử sách còn lưu lại, dưới thời Pháp thuộc, ngôi chùa lớn nhất khu vực với gần 100 gian lại nằm ở vị trí giao thông thuận lợi "trên bến dưới thuyền" nên nằm trong "tầm ngắm" của giặc Pháp với mưu đồ biến nơi đây thành căn cứ, đồn trú và từ đó làm bàn đạp đánh chiếm khu vực các xã cuối huyện Tiên Lãng và các huyện ngoại thành Hải Phòng. Năm 1946, thực hiện lệnh "tiêu thổ" kháng chiến, chấp hành lệnh của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Kiến An (cũ) và Liên khu 3, chùa Vọng Phúc buộc phải tiêu huỷ không cho địch làm nơi đồn trú. Các tăng ni, phật tử đã bí mật vận chuyển rơm rạ quấn vào cột chùa và đốt cháy suốt hơn 10 ngày, toàn bộ chùa bị tiêu hủy. Một số đồ thờ tự bằng đồng, chuông đồng đã đóng góp cho cách mạng để sản xuất vũ khí đánh giặc. Sau khi chùa bị tiêu huỷ, trụ trì chùa là sư tổ Tự Tâm Cẩn đã động viên tăng ni, phật tử hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sư tổ đã dặn rằng: "Nước còn thì đạo còn, nay nước lâm nguy thì đạo cũng lâm nguy, phải giữ lấy nước thì mới giữ được đạo”. Nghe theo lời di huấn của sư tổ, các tăng ni, phật tử trẻ tuổi tham gia vào các đội du kích tại địa phương, còn các vị sư tuổi cao thì bám trụ tại các chùa trong vùng và lập thành Hội Tăng già cứu quốc để nuôi giấu cán bộ, tham gia kháng chiến. Và cũng tại tổ đình Mỹ Lộc này, 5 nhà sư đã hy sinh thân mình vì đất nước, được Nhà nước truy tặng là liệt sĩ kháng chiến chống Pháp, gồm: Hoà thượng Thích Thanh Lãng, Hoà thượng Thích Nguyên Uyển, sư bác Thích Quảng Tại, Đại đức Thích Quảng Hợp, sư bác Thích Quảng Tuệ.

Chùa Thắng Phúc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng nơi có 5 nhà sư là liệt sỹ.

Đại đức Thích Quảng Minh, trụ trì chùa Thắng Phúc cho biết: Mỗi vị sư hy sinh trong hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chịu sự tra tấn đau đớn về thể xác. Điển hình, Hòa thượng Thích Thanh Lãng bị giặc Pháp bắt tại chùa Dương Áo sau đó bị tra tấn dã man bằng cách đưa lên cối xay lúa, cứa dao vào cổ tra khảo. Nhưng với chí khí cách mạng và lòng trung kiên, ông không chịu khuất phục trước những cực hình của kẻ thù. Bất lực, chúng treo cổ ông lên cây đa gần chùa Dương Áo. Chứng kiến sự kiên cường, anh dũng nói trên, Hòa thượng được nhân dân an táng và sau này đưa di hài về chùa yên vị. Sau sự hy sinh của Hòa thượng Thích Thanh Lãng là Hòa thượng Thích Nguyên Uyển. Theo lời truyền, ông bị giặc Pháp bắt năm 1951 tại một ngôi chùa thuộc xã Kiến Thiến, huyện Tiên Lãng. Kẻ thù dùng nhiều hình thức tra tấn dã man tàn độc nhưng không khuất phục được ông. Do bế tắc, chúng xỉa thẳng lê vào cổ để hy vọng ông khai và nhận mặt 5 chiến sỹ cách mạng bị chúng bắt trước đó. Tuy nhiên, Hòa thượng quyết không khai. Trước khí tiết của ông, kẻ thù đã điên cuồng xả đạn sát hại hòa thượng… Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự hy sinh của những vị sư chùa Thắng Phúc vẫn là tấm gương sang cho thế hệ sau.

Đại đức Thích Quảng Minh chia sẻ: "Tiên Lãng là địa phương có nhiều chùa nhất trên địa bàn Hải Phòng với 106 ngôi chùa. Chúng tôi là những con cháu hậu duệ của chư tổ, các sư tổ, tiền bối, những người kế thừa sự nghiệp của thầy tổ tự thấy rất vinh hạnh và tự hào.  Chúng tôi luôn lấy những tấm gương hy sinh của các hòa thượng để giáo dục cho các tăng ni, phật tử tinh thần yêu nước "Hộ quốc an dân"... Sau chiến tranh, chùa Thắng Phúc được phục dựng khang trang, trở thành điểm đến tâm linh của phật tử thập phương, là nơi giáo dục lòng yêu nước, ý chí kiên cường của các bậc cao tăng tiền bối. Ngoài ra, tại ven sông Văn Úc chảy qua làng Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng (trong khuôn viên chùa Thắng Phúc) còn có cây gạo cổ thụ trên 500 năm tuổi, gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Mặc dù chịu nhiều tác động của dòng sông, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng cây gạo được chăm sóc bảo tồn và giữ gìn như báu vật. Cây gạo là niềm tự hào của người dân địa phương, là biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất, trung dũng, quyết thắng của huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng

Đăng Hùng
.
.
.