Chuyện bắt trộm của người phụ nữ đạp xích lô ở Hà Tây

Thứ Ba, 24/05/2005, 07:33
Khi quyết định lao vào truy bắt đối tượng, có lẽ người phụ nữ nghèo khó, tần tảo đạp xích lô để kiếm thêm thu nhập chẳng hề nghĩ rằng mình sẽ được tôn vinh, khen thưởng. Bởi trong suy nghĩ của chị, hành động đó là hết sức bình thường, là trách nhiệm của mỗi một công dân đối với sự bình yên của xã hội.

Có lẽ trong cuộc đời mưu sinh kiếm sống của mình, chẳng bao giờ chị Đặng Thị Thuận quên được cuốc xích lô đó. Khoảng 12h30' ngày 6/5, sau khi chở gỗ từ thôn Do Lộ - Hà Đông ra làng Vạn Phúc, chị Thuận vội vã đạp xe theo quốc lộ 6 trở về. Đến đầu thôn Do Lộ, ngang qua nhà anh Việt bán hàng tạp hóa, chị thấy một thanh niên đứng cạnh hai chiếc xe máy dựng trên vỉa hè. Đạp xe được khoảng 20m, nhìn lại vẫn thấy anh ta loay hoay ở đó. Linh cảm có điều gì không bình thường, chị Thuận vội vã bỏ xích lô, chạy ngược trở lại.

Đúng lúc này, gã nọ cũng đang chuẩn bị nổ máy lao đi. Không một chút chậm trễ, chị Thuận vừa tri hô vừa lao vào ôm lấy tên tội phạm. Để thoát thân, đối tượng đã dùng vam phá khóa đâm liên tục vào đầu, mặt, vai chị Thuận. Mặc dù bị tấn công, mặt mày bê bết máu nhưng chị vẫn kiên quyết không buông tha đối tượng. Mọi người xô vào tiếp sức cùng chị bắt gọn tên trộm. Khi đưa chị vào trạm xá Công an tỉnh để băng bó, các anh phát hiện trên người chị Thuận có tất cả 6 nhát đâm. Thật may, tất cả đều không quá sâu nên đã không ảnh hưởng đến tính mạng của chị.

Tại Công an thị xã Hà Đông, tên đạo chích khai là Nguyễn Công Thảo (35 tuổi), trú tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, có biệt danh là "Thảo bàn tay vàng"  - một đối tượng từng có tới 5 tiền án. Trưa 6/5, "Thảo bàn tay vàng" đã bắt xe buýt từ Hà Nội vào Hà Đông để gây án. Như mọi lần, khi đi Thảo chỉ mang theo một chiếc vam phá khoá tự chế. Đến khu vực thôn Do Lộ, thấy trước hiên nhà anh Lê Đình Việt có dựng hai xe máy, một Dream Thái và một Wave Thái màu đỏ, Thảo đã hành sự. Đúng lúc đang tìm cách đưa xe xuống lòng đường để tẩu thoát thì Thảo đã bị chị Thuận phát hiện và bắt giữ.

Chuyện đời thường của người công dân dũng cảm

Chiều 13/5, chúng tôi tìm đến nhà chị Thuận tại thôn Do Lộ, Yên Nghĩa. Một căn nhà cấp 4 rộng chưa đầy 30m2 nằm trống trải sát cánh đồng. Trong căn nhà nhỏ này, ngoài 2 chiếc giường, 1 chiếc tivi cũ và một chiếc xích lô, chẳng có gì được xem là đáng giá. Nhà lợp tôn, tường mỏng nên căn nhà như một chiếc lò hầm hập. "Mấy ngày hôm nay nóng quá, tối cháu nhỏ phải đi ngủ nhờ hàng xóm", chị Thuận lóng ngóng dọn bàn ghế, mượn thêm quạt bên hàng xóm về vừa nói như phân trần với chúng tôi.

Nếu không được giới thiệu từ trước, khó có thể tin rằng người phụ nữ mảnh khảnh đang đứng trước mặt chúng tôi đã khống chế và bắt gọn một tên đạo chích chuyên nghiệp. Hai vợ chồng chị sinh được 4 người con, hai trai hai gái, con gái lớn đã đi lấy chồng, còn lại con nhỏ đang đi học. Anh Khai - chồng chị bị bệnh cột sống, có khi nằm liệt giường cả tháng. Từ trước tới nay cả nhà đều trông vào 1,2 mẫu ruộng và chiếc xích lô chở hàng kiếm sống.

Mấy anh Công an xã Yên Nghĩa đi cùng chúng tôi cho biết: Không chỉ riêng Yên Nghĩa mà có lẽ cả thị xã Hà Đông này có mỗi chị Thuận là nữ làm nghề đạp xích lô. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nuôi 3 con ăn học mà chỉ chờ vào mấy sào ruộng không đủ, nên chị mua chiếc xích lô này để kiếm sống. Đã chấp nhận làm nghề đạp xích lô thì đường xa, đường gần, chở nặng, chở nhẹ gì, khi khách có yêu cầu cũng phải đáp ứng. Chị Thuận cho biết, có những hôm phải đạp xe quãng đường dài tới 20-30km, chở nặng tới 4-5 tạ. Ngày có hàng chị cũng kiếm được khoảng 40.000 - 50.000 đồng.

Chúng tôi hỏi: "Hôm đó, khi lao vào bắt "Thảo bàn tay vàng", chị có sợ không?". Chị Thuận cười thật thà: "Nói thật với các chú, lúc đó tôi chẳng nghĩ gì nhiều. Tôi chỉ nghĩ nếu không bắt thì nó lấy mất chiếc xe máy của người ta”. Chị kể rằng hồi bé chị vẫn có tiếng là nhát gan, thế mà hôm đó không hiểu sao không sợ.

Chiều 13/5, tại trụ sở UBND xã Yên Nghĩa, Hà Đông, lãnh đạo địa phương đã tổ chức lễ biểu dương, khen thưởng tấm gương dũng cảm của chị Đặng Thị Thuận. Có lẽ chưa một lần được đứng trên hội trường, được khen thưởng nên lúc này trông chị Thuận lóng ngóng, ngượng ngùng đến tội. Khi quyết định lao vào truy bắt đối tượng, có lẽ người phụ nữ nghèo khó, tần tảo đạp xích lô để kiếm thêm thu nhập chẳng hề nghĩ rằng mình sẽ được tôn vinh, khen thưởng. Bởi trong suy nghĩ của chị, hành động đó là hết sức bình thường, là trách nhiệm của mỗi một công dân đối với sự bình yên của xã hội

Thanh Phong - Xuân Luận
.
.
.