Chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp nữ Tiến sĩ Hàn Quốc

Chủ Nhật, 18/07/2010, 12:01
Không có khoảng cách ngoại giao giữa những người mang hai quốc tịch Việt Nam - Hàn Quốc, giữa vị Tổng Tư lệnh từng chỉ huy đánh bại hai đế quốc có tuổi đời gần thế kỷ với một cô phóng viên ở tuổi "tứ thập nhi bất hoặc" mà thân mật gần gũi như ông với cháu.

 Nữ Tiến sĩ ấy là Ku Su Jeong - phóng viên báo Han Kyoreh (Hàn Quốc), một "bà nghè" mới bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Lịch sử đề tài "Mối quan hệ Việt - Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955 - 1975)" tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP Hồ Chí Minh năm 2008. Đây là luận án được nâng cao từ luận văn Thạc sĩ: "Hàn Quốc và sự can dự trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam" được chị bảo vệ từ năm 2000... Chị chọn cho mình một cái tên Việt Nam là Thủy Tiên, một loài hoa mỏng manh, xinh đẹp thường xuất hiện mỗi độ Tết đến xuân về. Một chiều Hà Nội se se lạnh, tôi lại cùng chuyện trò với chị.

Cơ duyên nào để chị sang và gắn bó với đất nước, con người Việt Nam nhỉ? Tôi chợt hỏi và rồi lắng nghe chị kể chuyện bằng tiếng Việt khá chuẩn mang âm sắc Nam Bộ.

Đang học đại học, Ku Su Jeong tham gia phong trào do Bang Hyun Suk lãnh đạo để phản đối chế độ độc tài của Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Chun Doo-Hwan. Khi tham gia phong trào này, Ku Su Jeong được đọc sách báo từ Việt Nam. Chị cảm động đọc anh Nguyễn Văn Trỗi trong "Sống như anh" của nhà văn Trần Đình Vân. Từ đó, chị yêu đất nước và con người Việt Nam từ trang sách. Chị yêu hình tượng anh Nguyễn Văn Trỗi - người đi trước đã có chung lý tưởng với mình.

Năm 1994, Bang Hyun Suk cùng bạn bè tự lập ra hội "Những tác giả trẻ muốn tìm hiểu về Việt Nam". Chị hăng hái tham gia rồi sang Việt Nam, học tiếp đại học ở Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học KHXH&NV- ĐHQG -TP Hồ Chí Minh).

Chính thời gian này, chị phát hiện tội ác của lính Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Park Chung Hei đã gây ra ở Việt Nam. Từ TP Hồ Chí Minh, chị tìm về tận nơi trước kia có dấu chân của số lính này, với mong muốn lần tìm cho ra sự thật. Không hề có trợ cấp từ Hàn Quốc, chị phải bươn chải, tự thân vận động. Học tiếng Việt được một thời gian, chị đi làm phiên dịch cho du khách Hàn Quốc…

Tấm lòng của chị đã trải ra cùng với những chuyến đi bất tận đến với những gia đình nạn nhân bị thảm sát ở miền Trung. Không biết mệt mỏi, chị đi suốt hơn 10 năm qua. Bắt đầu từ năm 1999, vác ba lô đi một mình, chị đi ghi chép ròng rã suốt nhiều ngày nhiều đêm để tìm ra sự thực về những cuộc thảm sát mà chị đã nghiên cứu qua sách báo, tài liệu. Chị đến từng thôn ấp Hòa Hiệp Nam, Đa Ngư, Núi Hiền (tỉnh Phú Yên), qua Bình An, Tây Sơn, Tây Vinh, Diên An (tỉnh Bình Định) đến Diên Niên, Hà Tây, Phước Bình, Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi). Ở đâu cũng có những nhân chứng sống với những câu chuyện đẫm máu và nước mắt của hàng nghìn thường dân bị thảm sát.

Ở từng địa danh, hàng chục nấm mồ tập thể vẫn còn đó, những người còn sống sót vẫn còn đó, gần 40 năm vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng trong ánh mắt. Nhưng lạ thay, không ai lộ chút căm thù chị, mà họ còn vỗ về, an ủi khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt chị. Thực sự chị đã chờ đợi một thái độ hằn học, căm thù để cúi đầu nói lời xin lỗi, nhưng chị vô cùng kinh ngạc trước sự bao dung, nhân hậu của người Việt Nam. Tất cả những điều chứng kiến đã như một vết thương chảy máu trong tim mình. Chị đã tìm cách để chữa lành nó: Đó chính là phải bằng mọi giá gióng lên tiếng chuông về sự thực này với nhân dân Hàn Quốc.

Và 4 bài phóng sự về những cuộc thảm sát của quân đội Park Chung Hei tại Việt Nam ra đời được chị gửi đăng trên báo Han Kyoreh: "Nhớ lại các oan hồn Việt Nam", "Sự can dự của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam từ năm 1964 -1973"… đã gây nên một cú sốc trong nhân dân và Chính phủ Hàn Quốc.

Cựu binh của hai sư đoàn này cay cú kéo tới đập phá tòa soạn báo Han Kyoreh làm 10 phóng viên bị thương, 10 chiếc ôtô và nhiều tài sản khác bị hỏng, các tài liệu bị lấy đi. Gia đình chị cũng chịu liên lụy bị đập phá, phải chuyển đi nơi khác.

"Nhưng chân lý bao giờ cũng chiến thắng” - Ku Su Jeong mỉm cười nói với tôi. Một cựu phóng viên nổi tiếng nhất của Hàn Quốc đối lập với chị, hễ gặp nhau là tranh luận gay gắt. Khi toà soạn bị đập phá, chị lại nhận được ngay sự hưởng ứng rất nhiệt tình của người cựu phóng viên ấy. Ông bênh vực chị, cùng toà soạn báo Han Kyoreh phát động chiến dịch "Xin hãy tha thứ cho lịch sử đáng xấu hổ của chúng tôi". Ông nói: "Không phải nhà báo tìm đến sự kiện mà là sự kiện tìm đến nhà báo".

Tin vui đến với chị, năm 2002, sau phong trào do báo Han Kyoreh phát động được đông đảo nhân dân đồng tình và kiên quyết bảo vệ toà soạn đồng thời gây quỹ ủng hộ Việt Nam, Hàn Quốc đã xây dựng công viên hoà bình Hàn - Việt (Phú Yên), đài tưởng niệm và gửi tiền trợ cấp hằng tháng cho nạn nhân chiến tranh ở những vùng trước kia quân đội Park Chung Hei đã gây tội ác. Bản thân Thủy Tiên là một người tích cực trong các phong trào đó.

Ku Su Jeong luôn day dứt với tội ác của thế hệ đi trước đã gây ra ở Việt Nam. Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm ngày kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, chị mong muốn có buổi gặp gỡ và làm việc với Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thư gửi lên Bộ Ngoại giao đã lâu mà chưa thấy hồi âm. Chị cứ thấp thỏm chờ đợi. Một ngày, chị điện cho tôi, nói như reo vui: "Em ơi, nhờ nhà văn Sơn Tùng giúp đỡ, cuối cùng chị đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Thì ra, sau hai buổi làm phiên dịch cho Bang Hyun Suk và nhà văn Sơn Tùng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ku Su Jeong thổ lộ ước muốn bấy lâu của mình muốn được gặp Đại tướng cho nhà văn nghe. Cảm động trước tâm tình của một nhà báo trẻ, nhà văn Sơn Tùng đã đề xuất lên Văn phòng Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp TS, nhà báo Ku Su Jeong (2005).

Trong buổi Ku Su Jeong lên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 4/3/2005, chị có mời nhà văn Y Ban, ở Báo Giáo dục và Đào tạo, cùng đi, vì trước đó Y Ban đã sang Hàn Quốc trong đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam để làm việc với Hội "Những tác giả trẻ muốn tìm hiểu về Việt Nam".

Khi chị lên báo cáo với Bộ Ngoại giao, cơ quan Bộ liền cử cán bộ là anh Nguyễn Huy Quang cùng đi. Buổi làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm ấy, không còn là khoảng cách ngoại giao giữa những người mang hai quốc tịch Việt Nam - Hàn Quốc, giữa vị Tổng Tư lệnh từng chỉ huy đánh bại hai đế quốc có tuổi đời gần thế kỷ với một cô phóng viên ở tuổi "tứ thập nhi bất hoặc" mà thân mật gần gũi như ông với cháu.

Ku Su Jeong đã hỏi: "Không biết Đại tướng suy nghĩ như thế nào về bồi thường chiến tranh của Mỹ? Hàn Quốc cũng là một quốc gia đã từng tham chiến tích cực ở Việt Nam - chỉ sau Mỹ. Theo bác, có khi nào Việt Nam hỏi đến vấn đề trách nhiệm chiến tranh đối với Việt Nam của Hàn Quốc không?".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn tay vào không khí: "...Tôi muốn nói khắc phục hậu quả chiến tranh là một vấn đề, nhưng phát triển quan hệ hữu nghị ta vẫn tiếp tục... Đối với Hàn Quốc, chúng tôi thấy có báo Han Kyoreh nêu vấn đề như thế là để nhân dân Hàn Quốc hiểu nhân dân Việt Nam hơn, và mong rằng nó sẽ góp phần vào tình hữu nghị giữa 2 dân tộc. Tôi thấy rằng quan hệ hiện nay giữa hai nước ngày càng tốt cả về kinh tế, ngoại giao, chính trị. Tôi mong rằng quan hệ hai nước chúng ta ngày càng tốt, càng nồng thắm. Không quên quá khứ nhưng chúng ta cùng nhìn về tương lai làm cho tình hữu nghị ngày càng phát triển, để hai nước góp phần vào giữ gìn hòa bình hữu nghị khu vực Bắc Á, Đông Nam Á và trên thế giới".

Có lần Thuỷ Tiên nói với tôi: Em thật hạnh phúc vì sống trong một đất nước độc lập, thống nhất. Còn đất nước chị, em có biết Han Kyoreh nghĩa là gì không? Han Kyoreh nghĩa là "một dân tộc", nhưng vẫn chia đôi.

Tôi vẫn thường gọi chị là bông hoa Thủy tiên của tình hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc! Tôi tin rằng bông hoa ấy sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa vào tình hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc...

Hà Nội, 26/4/2010

Kiều Khải
.
.
.