Chương trình "Rung chuông vàng" của thầy trò xã Xa Lý (Lục Ngạn, Bắc Giang)

Thứ Tư, 09/04/2008, 15:02
Một chương trình Rung chuông vàng của thầy trò trường THCS xã Xa Lý được tổ chức theo cách riêng của xã. Sân chơi được kẻ bằng vôi cũng chia thành 100 ô cho 100 học sinh tham gia. Bảng đen phấn trắng là nơi ghi đáp án, bộ câu hỏi thì do các giáo viên trong trường xây dựng trên cơ sở những kiến thức các em được học trên lớp.

Cách trung tâm huyện gần 50km, Xa Lý (Lục Ngạn, Bắc Giang) là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Giang. Nơi ấy có những cô giáo dạy hát nhạc mỗi ngày phải đến một thôn để dạy học, nơi mà ánh sáng của điện lưới quốc gia vẫn còn là niềm mơ ước của người dân. Thế nhưng, có đến Xa Lý mới thấy được câu chuyện về sự dạy và học đầy nghị lực của thầy trò nơi đây…

Cái chữ ở bên kia đỉnh dốc

Đến Xa Lý vào một ngày khi mà những trận mưa đầu mùa đã kịp phủ kín cả những con đường đến trường, chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự chăm học của học sinh ở đây. Ngay từ sáng sớm, những cái dáng nhỏ bé đã xuất hiện ở cổng với nón và áo mưa lũn cũn đến tội nghiệp.

Trong số đó có những em nhà ở thôn Cây Lâm cách trung tâm xã xa nhất tới 7km đường núi. Để đến được trường kịp giờ học hôm nay, các em đều phải đi khi những con gà đầu tiên ở bản cất tiếng gáy. Cả xã chỉ có một trường THCS.

Xa Lý có 2 con dốc nổi tiếng là Tà Cang và Cây Lâm. Dốc Tà Cang đã được ủi đất để san đường, còn Cây Lâm vẫn ở đó để thử thách nghị lực vươn lên của học sinh Xa Lý. Muốn đến trường, học sinh ở Cây Lâm phải vượt qua con dốc cao có chỗ dựng đứng 40 độ. Người không quen leo núi như chúng tôi cứ đi được vài trăm mét lại nghỉ, ấy thế mà theo các thầy cô thì học sinh Cây Lâm vẫn hàng ngày đến lớp, đó là chưa kể đến việc có hôm phải đến trường 2 lần để học và lao động tập thể.

Thầy Nguyễn Văn Khuông, Hiệu trưởng Trường THCS không thể quên được kỷ niệm về kỳ thi tốt nghiệp năm 2001. Hôm ấy trời mưa to, suối Mòng cắt ngang con đường đến trường của các em bỗng gặp cơn lũ dữ. Giờ thi phải thống nhất trong cả nước không thể bị chậm trễ, thế là các thầy phải vượt suối tìm cách đưa các em sang. Kỳ thi tốt nghiệp năm ấy buộc phải chậm mất 15 phút.

Lũ dữ, dốc cao rõ ràng không thể ngăn được bước chân đến trường của các em. Cũng theo thầy Khuông, trong những năm gần đây, do nhận thức của người dân ngày một thay đổi, các gia đình dân tộc Sán Chỉ của Xa Lý đều tạo điều kiện hết mức cho con em đến trường. Cá biệt có những gia đình có em bỏ học vì học lực yếu không theo học được đã hết lời khuyên giải con, kết hợp cùng nhà trường thuyết phục em đến lớp.

Gần như không có học sinh bỏ học

Nguyên nhân bỏ học thì có nhiều nhưng những hạn chế về điều kiện kinh tế - xã hội vẫn là nguyên nhân cơ bản. Là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Giang, thu nhập bình quân chỉ có 1,5 triệu đồng/năm, có tới 90% là người dân tộc thiểu số, việc đến trường học chữ của trẻ em Xa Lý vẫn còn gian nan.

Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt để các em yên tâm đến trường nhưng học hết THCS phần lớn các em đều trở thành nhân lực lao động chính của gia đình.

Theo ông Ngô Thanh Sơn - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, đối tượng học sinh bỏ học nhiều nhất là những em học hết lớp 9 nhưng không tiếp tục thi lên THPT. Số chỉ tiêu học sinh được học trong các trường nội trú là có hạn, mỗi huyện chỉ có một trường nội trú mà trường lại ở trung tâm huyện, có nơi cách xa tới vài chục cây số. Ở Xa Lý, những em lặn lội thuê trọ ở huyện để đi học chỉ có thể điểm trên đầu ngón tay.

Theo ông Ma Văn Thái, Chủ tịch UBND xã, trong những năm gần đây, tình trạng bỏ học rất ít và nếu có cũng chỉ xảy ra đối với học sinh THCS vì học sinh tiểu học đều có các lớp cắm bản ở các điểm lẻ tại tất cả 8 thôn của Xa Lý.

Khi được hỏi về kinh nghiệm vận động học sinh đến lớp, thầy Khuông nêu ra  hàng loạt các biện pháp, khoa học có, tình cảm có và cả sáng tạo cũng có. Ngay từ đầu năm 2008, các trường đều phải nắm số lượng trẻ em sinh ra trong năm để có kế hoạch kiểm soát quân số cho các lớp học tiếp theo. Học sinh đã đến lớp đều chịu sự giám sát chặt chẽ của nhà trường và của giáo viên chủ nhiệm.

Chỉ tiêu duy trì sĩ số được giao đến từng giáo viên nên "Chỉ cần nghỉ học 2 hôm là chúng tôi đã phải đến tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng giải quyết".

Một tháng trước khi nghỉ hè, các thầy cô đã được huy động đến từng thôn, đến tận từng nhà xa nhất để vận động gia đình cho con em đến trường vì thời điểm sau hè thường là lúc các em dễ có tâm lý bỏ học nhất. Công tác theo dõi phổ cập luôn được đảm bảo thường xuyên và chính xác, các thầy cô có thể nhớ hết tên của từng thành viên trong gia đình trên địa bàn mình quản lý.

Một chương trình Rung chuông vàng đã được tổ chức theo cách riêng của xã, sân chơi được các thầy kẻ bằng vôi cũng chia thành 100 ô cho 100 học sinh tham gia. Bảng đen phấn trắng là tấm bảng ghi đáp án và bộ câu hỏi là do các giáo viên trong trường xây dựng trên cơ sở những kiến thức các em được học trên lớp. Chương trình thành công ngoài sức tưởng tượng.

Để gần gũi hơn với các em, những thầy cô cắm bản ngoài thời gian lên lớp còn cùng các em vào rừng hái quả, cùng vui cùng chia sẻ với các em những khó khăn thường ngày như những người bạn thân thiết, công tác vận động trẻ đến trường nhờ vậy mà hiệu quả hơn rất nhiều - thầy Đặng Xuân Thu - Hiệu trưởng Trường THCS Xa Lý tâm sự

Phương Thanh
.
.
.