Chung cư: ai mua, ai ở?

Thứ Năm, 24/02/2005, 14:07
Một căn hộ tầng 14 Ciputra (Khu đô thị Nam Thăng Long) có giá chênh lệch 5.000 USD; nhà khu CT43, X2 Bắc Linh Đàm mở rộng, tầng 12, diện tích gần 70m2 giá gốc 414 triệu, nhưng được bán với giá chênh lệch 49 triệu đồng.

15 phút tìm kiếm trên mạng, tôi đã có được địa chỉ và số điện thoại của chủ nhân hơn 30 căn hộ chung cư được rao bán. "Cần bán căn hộ chung cư cao cấp 671 Hoàng Hoa Thám: tầng 7, căn số 14, diện tích 74m2; ban công hướng Đông Nam, 2 phòng ngủ, 2 phụ, 1 phòng khách, 1 bếp. Giá: 800 triệu đồng".

Gọi theo số điện thoại đăng kèm mẩu tin trên, một người đàn ông giọng còn khá trẻ nói rằng, giá gốc khi anh ta mua căn hộ này là 740 triệu đồng, giá chênh lệch tôi phải trả khi mua là 60 triệu đồng. Cuộc thương thảo ngã giá giữa tôi và anh ta kéo dài gần 10 phút và đi đến kết luận: "Tôi không bớt một giá nào đâu. Nếu chị nhiệt tình mua thì chúng ta sẽ gặp nhau làm hợp đồng".

Ngay buổi chiều, chúng tôi tìm đến ngôi nhà có căn hộ “trị giá 800 triệu đồng” này. Một toà nhà chung cư 18 tầng vẫn còn trong phần xây thô. Người bảo vệ cho biết Ban quản lý dự án đã chuyển đi nơi khác vì bán hết hồ sơ mua nhà từ lâu. Ngay chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và phát triển nhà thuộc Tổng Công ty Thủy tinh gốm sứ cũng chỉ có 5 suất mua căn hộ ở đây để bán cho nhân viên với giá cao chứ không phải giá ưu tiên.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tam Sơn, 103 đường Nguyễn Công Hoan, khi tôi ngỏ ý muốn mua một căn nhà chung cư, nhân viên ở đây lôi ra một tập dầy các địa chỉ nhà, có đủ cả bản vẽ chi tiết mặt cắt căn hộ tại các khu đô thị mới. Tôi xem bản vẽ căn hộ tầng 3 tại khu I9 Thanh Xuân và hỏi mức giá chênh lệch, nhân viên của Công ty khôn khéo lảng tránh: "Bọn em bán làm gì có giá chênh lệch. Người ta nộp tiền từ năm 2000, đến giờ đã 4 năm rồi, giá như vậy là hợp lý chứ không phải bán đắt".

Một ngày trong vai người đi mua nhà, chúng tôi đã thống kê được hơn 100 căn hộ chung cư được bán không đúng đối tượng, nghĩa là người không có nhu cầu mua nhà để ở vẫn được mua, còn người thực sự cần nhà lại phải vòng vèo mua qua tay và tất nhiên phải "è cổ" trả số tiền chênh lệch.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2004, thành phố đã xây dựng được 1.418.000 m2 nhà ở gồm cả nhà do người dân tự đầu tư và nhà ở đầu tư theo dự án. Hà Nội cũng đang tập trung xây dựng nhà ở cho người nghèo tại B3 Nghĩa Đô - Dịch Vọng, quận Cầu Giấy và triển khai đề án giải quyết nhà ở cho người có khó khăn về nhà ở.

Dự án nhiều, nhà xây lên cũng nhiều nhưng những người thật sự có nhu cầu cần nhà ở lại khó khăn trong việc tìm mua được một căn nhà cho gia đình mình.

Chung cư vẫn thiếu người ở

Nếu đi qua khu chung cư Mỹ Đình I vào buổi tối, điều mọi người đều ngạc nhiên là khu nhà đã được đưa vào sử dụng vài tháng nhưng có rất ít ánh đèn. Nhưng các căn hộ đó không phải là không có chủ. Hàng tháng, các ông chủ, bà chủ vẫn đến đóng tiền phí sinh hoạt chung như tiền sử dụng thang máy, tiền an ninh trật tự… đều đặn. Họ là những người có tiền, dù không thiếu chỗ ở nhưng có cơ hội vẫn mua để bán lại lấy tiền chênh lệch.

Cũng có nhiều kẻ là dân đầu cơ chuyên nghiệp, trong tay có cả chục căn hộ tại các khu chung cư mới. Bằng nhiều cách, bằng quan hệ, họ "thâu tóm", chia chác nhau để mua cả chục căn hộ rồi rao bán trên thị trường.

Bác Lê Văn Châm, tổ trưởng tổ dân phố Nơ9B khu chung cư Bắc Linh Đàm, cho biết, khu nhà Nơ9B có 100 căn hộ nhưng chỉ có 90 căn hộ có người ở, còn lại 10 căn hộ bỏ trống. Trong số 90 căn hộ có người ở cũng có nhiều căn hộ là người đến thuê, ở vài tháng lại chuyển.

Chính việc đầu cơ nhà đất đã đẩy giá nhà đất ở Việt Nam cao nhất thế giới. Chẳng có bất cứ một chế tài nào xử phạt những người đầu cơ nhà đất. Vì vậy, những người có tiền tiếp tục giàu lên nhanh chóng từ phần chênh lệch của những căn hộ chung cư. Còn với những người dân nghèo, một căn hộ khang trang, rộng rãi vẫn chỉ là mơ ước

Ngọc Yến
.
.
.