Chữa bệnh bằng… nước sông Hồng

Thứ Năm, 02/06/2005, 08:04
10 năm bơi sông Hồng, ông Nguyễn Văn Ngọc đã 3 năm liền ông vượt sông Hồng vào mùa lũ. Ông bảo: "Mưa to gió lớn thế nào, tôi vẫn ra đây bơi, đủ 1.000 sải thì tôi mới bơi quay lại. Chứng lao phổi của tôi cũng biến mất vì khi bơi sẽ điều hòa được nhịp thở".

Ông Vương Trí Nhàn - nhà nghiên cứu văn học, kể: Ba năm trước, cột sống ông nhức đến mức đứng không yên, ngồi không yên, đau lên cả cổ và bác sĩ từng bảo phải mổ may ra mới đỡ. Một người bạn "nghiện" bơi sông Hồng khuyên ông ra bãi bơi.

Ông nói: "Tôi dân Thụy Khuê (Hà Nội), từ bé đã bơi ở Hồ Tây và vài lần bơi sông Hồng, nhưng ở tuổi 60 lần đầu ra đây tôi thấy mình như ngập vào một thế giới khác. Một ngày, hai ngày, dòng nước cứ chảy cuốn hết những rác bẩn, chính sông hóa giải tất cả để đem lại một dòng nước thanh khiết, như chính cuộc đời hóa giải những cái xấu để mang đến những điều tốt đẹp".

Và cứ thế, hơn 1.000 ngày đón bình minh ở đây, tự nhiên cái cột sống của ông "ngoan ngoãn" hẳn, không hành hạ khi đứng, ngồi hay nằm, cũng không nhức nhối lên đến cổ và có lẽ cũng khó bắt ông tìm đến với dao kéo được nữa. Ông biết ơn dòng sông đã giúp ông điều đó, và ông nghĩ, cái quan trọng đầu tiên là liều thuốc tinh thần.

Còn ông Phạm Văn Lực, 75 tuổi, một đại tá quân đội tuy không lãng mạn nhưng vẫn ca ngợi con sông Hồng chẳng kém ông Nhàn khi nó trả lại cho ông nửa thân hình "cải tử hoàn sinh". Năm 1996, ông bị tai biến mạch máu não liệt nửa người.

Qua 2 năm luyện tập không ngừng, ông hoàn toàn đi đứng vững vàng. Ngày đầu ông chỉ dám lội ra, rồi lại tập từng sải bơi chỗ cạn, rồi đến chỗ sâu. Bây giờ với ông, ngày nào cũng như ngày nào cứ nửa giờ đi bộ xuống sông, nửa giờ bơi, nửa giờ đi về, ông thấy tinh thần thoải mái vô cùng.

Hàng tháng, ông Lực vẫn đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để kiểm tra sức khỏe, ông rất vui vì các chỉ số sức khỏe bây giờ đều tốt. "Con trai tôi lái xe buýt, 32 tuổi chưa lấy vợ. Thấy cha bơi khỏe lên và khỏi bệnh nó thích lắm và 3 năm qua nó không bỏ buổi bơi nào. Nó còn xuýt xoa rằng tại sao nó biết bãi tắm này muộn như thế…" - ông nói.

"Huyền thoại" bơi sông Hồng kỉ lục về năm vẫn còn đó ông Diễm, ông Hùng, ông Cau, ông Vững… những người có thâm niên bơi ở khúc sông này từ 20 đến 30 năm, không bỏ bất cứ một ngày nào kể cả những sáng mùa đông lạnh đến 6 độ hay những ngày Tết người Hà Nội chỉ biết chơi hoa thưởng quả.

Ông Lê Đình Cau, 69 tuổi thì có đến 22 năm bơi sông Hồng. Ông bảo rằng, khi đó cũng đã có nhiều người bơi, nhưng sông Hồng ngày đó sâu lắm, chỗ mà thanh niên đá bóng bây giờ trước đây vẫn là "bèo dạt về đâu hàng nối hàng" như trong thơ Huy Cận. Khi đã hiểu sông hơn, ông cảm thấy một sinh hoạt không thể thiếu trong đời mình là bơi sông. Đùng một cái, ông đau bụng và đi bệnh viện phát hiện ra khối u dạ dày và phải đi mổ.

Ông kể: “Những ngày nằm trên giường bệnh nhớ sông kinh khủng. Và thế là khi rời khỏi giường điều trị, tôi như được "trả tự do", ào xuống sông mà vẫy vùng cho thỏa. Từ một bệnh nhân chỉ 38 kg, tôi kết hợp cả tập luyện trên cát và bơi, sau 1 năm tôi đã lấy lại được phong độ với 62 kg. Còn sống ngày nào tôi sẽ bơi ngày ấy".

Có lẽ vì vậy mà mặc dù ở Hà Nội không thiếu bể bơi, nhưng có người vẫn đi xe buýt từ Ngã Tư Sở lên đây bơi, cũng có người đi ôtô đến bến xe Long Biên gửi xe lại đi xe ôm xuống đây để bơi nhằm thanh toán "bệnh nhà giàu" (bụng to hoặc ghout). Có những người tàn tật khó vận động, nhưng vẫn khắc phục để bơi tăng thêm sức khỏe.

Cũng có nhiều anh cửu vạn ở chợ Long Biên hoàn cảnh khó khăn, phải bán sức từng bữa để nuôi vợ con, ngày ngày vẫn ra đây bơi để có sức khỏe mà làm lụng. Và còn nhiều người trẻ tuổi như sinh viên, học sinh... Điều mà các bậc "cao niên" tắm sông Hồng nhắc nhở với những người lần đầu ra đây tắm là nên nhập hội để được nghe về quy luật dòng chảy, hiểu kĩ hơn về sông để tránh hiểm họa bởi có những người hiếu kì đã từng bỏ mạng oan ở dòng sông này

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.