Chống chọi với thần chết bằng… tranh?

Chủ Nhật, 10/01/2010, 09:10
Chưa bao giờ chúng tôi thấy cuộc chiến khốc liệt giữa sự sống và cái chết như ở khoa Nhi ung thư của Bệnh viện K tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, mà điều đau đớn là các em bé lại đang là nạn nhân của cuộc chiến ấy. Bên cạnh thuốc men, tình thương yêu của người thân, của các bác sĩ, nhân viên bệnh viện thì các em đã tìm cho mình một niềm vui đó là vẽ tranh.

Tranh của em Nguyễn Đăng Phú (9 tuổi) bị bệnh bạch cầu.

Cậu bé vừa bị cưa cụt một chân là Trần Thành Long, quê ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Đang trong đợt điều trị, truyền hóa chất nên em cứ ăn vào là lại nôn ra, mà mệt quá, không ăn cũng nôn, người em đã gầy lại thêm gầy, mái đầu lưa thưa tóc, nhưng khuôn mặt vẫn ánh lên nét tinh anh của một cậu học trò thông minh, lém lỉnh. Em thích truyện tranh Conan, em vẽ mê mải cậu bé Conan  trong các tư thế và khuôn mặt khác nhau. Conan lúc tinh nghịch, hoạt bát, khi trầm tĩnh, suy tư... Em tự đặt tên cho các bức tranh là Conan 1, Conan 2, Conan 3.

Thật khó tưởng tượng, một cậu bé mới 13 tuổi đầu mà đã qua 4 lần phẫu thuật vì bệnh ung thư xương. Năm ngoái, khi đang học lớp 5 thì em có biểu hiện bất thường, anh Trần Văn Vượng cha của em phải bỏ nghề thợ điện để đưa con đi chữa trị. Cậu bé đau nặng, nhưng đầy can đảm, trong mỗi lần đau đều cắn răng chịu đựng, gắng gượng để không kêu rên vì em thương cha lắm, em nghĩ cha mất việc là vì mình. Người mẹ đã bỏ đi từ khi cậu mới lên 2, để lại một mình cha chăm nom.

Mỗi lần thiếp đi rồi đến khi mở mắt ra, em lại thấy cha đứng ở cuối giường, đôi mắt ông đỏ ngầu vì mất ngủ lo cho cậu bé. Em cất tiếng run rẩy vì cơn đau của bệnh tật và mệt do tiết trời thay đổi, nhưng đầy nghị lực: "Bố cứ đi ngủ đi, kệ con, con không sao đâu". Nhưng bố em làm sao mà ngủ được, trên vai bố em giờ đây lại chất thêm gánh nặng, thương con mà lực bất tòng tâm, đồng lương eo hẹp, không đủ tiền để trang trải thuốc thang, viện phí. Căn nhà nhỏ, nơi duy nhất để trú ngụ của hai bố con cũng đã đến lúc phải bán đi để trả nợ tiền vay ngân hàng và tiếp tục chặng đường dài chữa bệnh cho con.

Cách chỗ tôi mấy bước, người mẹ trẻ ôm con gái nhỏ 2 tuổi trên tay, chị chìa cánh tay bé nhỏ của con cho cô y tá đưa mũi kim vào tìm ven, bé khóc thét lên, chị cắn chặt hai hàm răng vào để không bật thành tiếng khóc, nhưng nước mắt người mẹ thương con rơi từng giọt lã chã...

Hà Mi lả đi sau mũi tiêm, bé nằm thiêm thiếp như con chim non bị thương trên tay mẹ, 2 tuổi mà bé nặng chỉ 10 cân. Mẹ của Hà Mi, chị Đỗ Thanh Nga nói trong nước mắt, khi vừa 12 tháng tuổi, tự nhiên trong mũi của bé nổi lên một cục thịt bằng hạt đỗ, cả nhà đưa bé đi khám, bác sĩ phẫu thuật cho bé, nhưng về nhà chưa đầy tháng sau thì cục thịt lại mọc lên như cũ và lần này còn phát triển nhanh hơn. Ngay sau đấy, cả nhà khăn gói đi khám tuyến trên, bác sĩ kết luận bé bị mắc căn bệnh u huyết quản nội mô ác tính, kể từ đó đến nay bé chẳng tăng thêm được cân nào.

Ngày lấy kết quả xét nghiệm cho con, chồng chị sốc nặng, cứ như người mất hồn, cả 3 tuần anh bỏ ăn, bỏ uống. Chị bình tĩnh hơn, đang là giáo viên tiếng Anh của Trường cao đẳng Dược Phú Thọ, chị xin nghỉ làm không lương ở nhà chăm con. Gần năm nay, anh trai của Hà Mi mới lên 5 tuổi ở nhà với bà ngoại, ở Phú Thọ, còn chồng chị đi làm dưới Hà Nội, chị thì ở viện trông con nhỏ.

Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, cứ hai cháu bé một giường bệnh, chị bồng con, khe khẽ cất tiếng ru, khi con ngủ say, chị nhẹ nhàng đặt con vào giường, rồi chải manh chiếu nhỏ kê ngay dưới nền đất bên cạnh giường bệnh của con, canh giấc cho con. Cháu bé bị cục thịt mọc ở trong mũi làm cho khó thở, ngủ không yên giấc, trở mình liên tục, chị lại ẵm con lên ru, rồi lại đặt con xuống biết bao lần trong một ngày như vậy. Vừa thương con nhỏ vô hạn, vừa nhớ da diết con lớn đã phải xa cha mẹ từ khi mới 4 tuổi. Nỗi buồn vô hạn, tuyệt vọng đeo bám ngày qua ngày. Tâm trạng tuyệt vọng không chỉ riêng mình chị mà của nhiều gia đình bệnh nhân nhi ung thư.

Các em nhỏ bị ung thư cùng ca sĩ Ngọc Anh trong tiết mục biểu diễn văn nghệ.

Nhưng, dường như những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh nguy hiểm lại vô tư hơn, mặc dù chúng đã từng chứng kiến cái chết của những người bạn cùng giường, cùng phòng. Chuyện của bà Dương Thị Hiền, bà nội của bé Dương Thị Hà 7 tuổi, ở xã Nhã Lộc, Phú Bình, Thái Nguyên không khỏi làm tôi ám ảnh.

Cách đây 3 tháng, chỉ trong vòng một tuần, mà cả 3 cháu nhỏ sống chung một phòng lần lượt ra đi. Thỉnh thoảng cũng có cháu mất do bệnh đã vào giai đoạn quá nặng, không thể cứu chữa. Người thân của những đứa trẻ xấu số đau buồn vô hạn, còn những người thân của những đứa trẻ đang chữa bệnh thì phấp phỏng âu lo, cảm giác sợ hãi lan tỏa, nhưng họ cố giấu đi tiếng khóc, giấu đi điều buồn phiền vì những đứa trẻ còn lại... Bọn trẻ ngơ ngác, sáng nay bạn ấy còn ngồi đây để vẽ cơ mà, chiều đã thấy bạn mình gục xuống, rồi người thân của bạn khóc nấc lên, những bác sĩ chạy tới, người ta đã mang bạn ấy đi, và gói ghém những vật dụng của bạn, tất cả hệt như một giấc mơ...

Mấy em nhỏ thấy tối rồi mà bạn mình vẫn chưa về, mọi hôm vẫn nằm ở đây cùng mình cơ mà. Bé Hà sốt sắng hỏi bà: "Bà ơi!, bạn ấy đâu rồi ạ?". "Bạn ấy đi xa rồi, xa lắm...". Bà bùi ngùi nói với cháu nội của mình. Hà chui vào lòng bà, em hỏi: "Bạn ấy đi đâu ạ, liệu bạn ấy có về đây để cùng chơi với cháu nữa không? Bạn ấy vẽ đẹp, cháu nhớ bạn ấy lắm, bà ạ!". Nhớ bạn, bé Hà giở bức tranh của bạn đang dang dở còn sót lại trên giường, mặc dù rất mệt qua đợt truyền hóa chất nhưng em tiếp tục tô màu để hoàn thành cho xong bức tranh.

Tôi đến bên cạnh cháu bé, Hà cho tôi xem tranh của em, thế giới trẻ thơ ngộ nghĩnh được thu nhỏ trong tranh hiện lên thật sống động. Những cảnh vật thân quen nơi làng quê của em, đàn bò đang gặm cỏ trên cánh đồng xanh mướt. Rồi đàn gà con đang thơ thẩn mổ thóc trước hiên nhà... Hà bị ung thư bàng quang hơn một năm nay, đã qua 4 lần mổ và đang điều trị bằng hóa chất. Ngay khi Hà mắc bệnh, mẹ của em đang mang bầu đứa con thứ 3, cha thì đi làm ruộng, nên việc trông nom, Hà giao hết cả cho bà nội. Bà nội đã ngoài 70 tuổi, còng lưng cõng cháu xuống Hà Nội chữa bệnh, năm ngoái hai bà cháu ăn tết trong viện.

Thấm thoát cũng đã hơn một năm, lại sắp sang cái tết thứ hai rồi, liệu em và bà có đón tết ở trong bệnh viện nữa không? Ngay khi Hà mắc bệnh, gia đình đã thế chấp sổ đỏ cùng 2 con bò để vay ngân hàng 45 triệu chạy chữa cho em. Bà em sụt sùi: "Có lẽ tôi đành đưa  cháu về nhà  tự chạy chữa  vì thời gian chữa trị tại bệnh viện  mới được nửa lộ trình mà gia đình không biết chạy đâu ra tiền để chữa tiếp".

Bé Dương Thị Hà cùng bạn vẽ tranh trên giường bệnh.

Tôi biết, Nhà nước đã có chế độ cho các cháu nhỏ dưới 6 tuổi hưởng bảo hiểm 100%, còn trên 6 tuổi được hưởng bảo hiểm là 80%. Nhưng với những người dân quê quanh năm trông vào đồng áng thì 20% còn lại, quả thực đó là một số tiền quá lớn, và đã nhiều gia đình đành ngậm ngùi phó thác con cháu cho số phận...

Nơi đây, gần 100 bệnh nhân nhi ung thư, cháu nhỏ nhất khoảng 8 tháng tuổi, cháu lớn nhất vừa bước vào sinh nhật lần thứ 16. Đa phần các bệnh nhân nhi trên đầu lưa thưa vài sợi tóc, cứ mỗi lần đưa tay lên vuốt tóc, tóc rụng hàng nắm xơ xác, thậm chí cả bó tóc, nhìn mà xót xa. Mới đầu có em sờ lên đầu thấy không còn tóc nữa, sợ quá, òa lên khóc, nhưng rồi được một lúc nhìn quanh thì bạn nào cũng bị như vậy, em lại nín.

Mắc bệnh ung thư các bệnh nhân đều phải truyền hóa chất, một đợt điều trị kéo dài từ 1 đến 1 tháng rưỡi. Xong đợt điều trị, các bệnh nhân được nghỉ 10 ngày rồi lại phải nhập viện  để điều trị tiếp tục, cứ liên tục như vậy quanh năm. Tuần đầu tiên bệnh nhân truyền 5 ngày, tuần thứ hai truyền 4 ngày, tuần thứ 3 truyền 3 ngày, và tuần cuối cùng truyền 2 ngày. Mỗi lần truyền kéo dài từ 9h sáng cho đến 9h tối, có khi tới hơn 1h giờ đêm. Có những em cả hai đôi bàn tay vỡ hết ven vì truyền nước và bác sĩ phải truyền vào chân, có em chưa đầy 2 tuổi phải truyền thuốc vào đầu. Nhưng thật kỳ lạ, dường như có một luồng sức mạnh ở đâu thổi đến làm các em quên đi cơn đau hành hạ và mải miết vẽ.

Hàng chục em nhỏ say sưa vẽ bằng bút chì, bằng sáp, có khi là màu nước. Nhìn tranh của các em không ai nghĩ chủ nhân lại là những bệnh nhân đang mắc căn bệnh ung thư, vì đó là một thế giới tuổi thơ sinh động, phong phú và lấp lánh một cuộc sống tươi sáng, không có chút ảm đạm, dường như không có chỗ cho đau buồn, bi lụy. Những nét vẽ của tâm hồn các em nhỏ ngây thơ, trong sáng cuốn hút, cách pha màu và bố cục hợp lý. Các em vẽ về cảnh vật thân quen, từng nhân vật trong truyện tranh yêu thích, hay điều được nghe kể trong những câu chuyện cổ tích.

Tại sao các em lại vẽ đẹp, có hồn đến vậy, cứ như những họa sĩ tí hon thực thụ, nguyên do là năm 2006, bác sĩ Trần Văn Công - Trưởng khoa Nhi ung thư nghĩ các em nhỏ bị ung thư nếu say sưa vào một việc gì đó sẽ quên đi cơn đau hành hạ, thế là ông đã bỏ tiền túi để mời thầy giáo đến dạy vẽ cho các cháu bé ở ngay tại giường bệnh.

Bé Lành bên những bức tranh em vẽ trong cuộc triển lãm tranh của trẻ em ung thư.

Sự việc thuê thầy dạy vẽ chỉ dừng lại khi sau này, nhóm sinh viên tình nguyện của Trường đại học Mở, Hà Nội và nhóm sinh viên của Trường đại học Dân lập Thăng Long trong nhóm "Chắp cánh ước mơ" đến chơi với các cháu nhỏ trong khoa Nhi, thấy các cháu bé rất ham vẽ, nhóm sinh viên này có những người bạn học ở Trường đại học Mỹ thuật nên đã dẫn bạn đến dạy vẽ cho các em và họ dạy tình nguyện, rất nhiệt tình và không lấy thù lao.

Chỉ sống trong tình thương mới làm vợi đi nỗi đau của các em, còn nhiều lắm những cảnh đời bất hạnh. Bé Nhất 12 tuổi quê ở Yên Bái bị ung thư vòm họng. Bố Nhất mất khi em mới 9 tuổi, bỏ lại 3 đứa con thơ. Em gái của Nhất bị dị tật bẩm sinh mất cả chân lẫn tay, nên mẹ không thể đi chăm Nhất được. Mẹ bán ruộng đưa tiền cho người chú ruột đưa em lên Hà Nội để chữa trị. Ngày em nhập viện là sau tết 2009, thấy trời lạnh lắm mà cậu bé chỉ có độc một manh áo mỏng, mọi người trong phòng bệnh quyên góp tiền mua quần áo ấm cho em. Lúc đấy các giường bệnh đều đã quá tải, hai chú cháu lại thuê căn nhà trọ gần đấy để ngủ với giá 25.000 đồng/đêm. Còn tiền ăn thì chỉ có 200.000 đồng cho cả hai chú cháu trong 10 ngày. Nhưng rồi nụ cười rạng rỡ của em đã trở lại khi nhận được tình yêu thương nhân ái của cộng đồng, khi được các bác sĩ hết lòng điều trị,  khi xung quanh em là những tấm lòng rộng mở, yêu thương.

Nữ hộ lý khoa Nhi, Lê Thị Lan cho chúng tôi xem những bức ảnh được chụp để lưu lại những khoảnh khắc thành kỷ niệm trong lễ hội Noel vừa qua của các em nhỏ khoa Nhi ung thư. Hàng chục em bé tươi tắn xúng xính, trong trang phục biểu diễn múa trắng muốt, mũ màu đỏ của ông già Noen đội che những mái đầu trụi tóc, các em xếp thành một hàng dài như thiên thần nhỏ.

Tranh của Phạm Thị Lan Anh (10 tuổi) vẽ cô hộ lý Lê Thị Lan.

Chị rưng rưng: "Bệnh viện thuê trang phục cho các em, các em cần được mặc thật đẹp, vì biết đâu trong đời các em chỉ có một lần được mặc trang phục biểu diễn thôi...". Chị cho tôi xem tranh của bé gái 10 tuổi, bé vẽ một cô gái rất xinh, ở dưới có hàng chữ nắn nót  "Tặng cô hộ lý Lê Thị Lan, ký tên: Phạm Thị Lan Anh”. Trong đôi mắt ầng ậng nước, chị nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: "Tranh còn đây mà người thì đã đi rồi"

Trần Mỹ Hiền - ANTG số 925
.
.
.