Chợ tình Khau Vai - đâu rồi vẻ đẹp thuần khiết?

Thứ Tư, 04/05/2011, 15:26
Người dân tộc bây giờ đến chợ tình Khau Vai để chơi bi-a, rồi để hội hè ăn uống, bán bán - mua mua, chứ không phải đến vì cái mục đích duy nhất là "đi chợ tình" như thuở xa xưa, đó là một thực tế không khó gì cảm nhận.

Trời chưa tối, nhưng con đường hơn 20 cây số từ thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) lên xã Khau Vai như sẫm lại bởi  vẻ lạnh lùng, hoang vu của đá cùng nhịp sống quạnh quẽ, đơn chiếc của vài nóc nhà người Mông. Với tôi, một kẻ lớn lên giữa phố và thấm nhuần "văn hóa phố" thì vẻ sẫm sịt của rừng chiều lại càng mở ra những biên độ thú vị về sự thiêng liêng, huyền bí…

Một đồng nghiệp trẻ, cũng đồng thời là người bạn trên từng cây số như đọc được những tâm tư đó, nên đã ghé nhỏ vào tai: "Đi chợ tình, càng sống trong cảm giác huyền bí, càng thích anh nhỉ?". Hỏi rồi, bạn tôi thao thao bất tuyệt về sự tích chợ tình Khau Vai.

Theo lời anh thì ở chốn này, vào cái thời xa xưa lắm, có một anh chàng người Dao nhà nghèo đem lòng yêu một cô gái người Giáy thuộc một gia đình đầy quyền lực. Chính vì sự khác biệt đó nên hai người đã không thể đến với nhau. Và thế là trước khi chia tay, họ hẹn mỗi năm sẽ về quả đồi Khau Vai gặp nhau một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch.

Một ông bà già đã có cháu ngoại vẫn đi chợ tình. Ảnh: Mạnh Duy

Cũng kể từ đó mà cứ đến ngày 27 tháng 3, đồng bào các dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mông) ở quanh khu vực này lại cùng đến chợ tình Khau Vai để tìm gặp lại người yêu một thuở.

Kể ra có một ngày trong năm để được sống lại những tình xưa nghĩa cũ, mà không hề bị ghen tuông, không hề giận hờn nhau, đồng bào vùng cao nơi đây quả cũng có nhiều nét văn hóa còn hiện đại hơn và nhân văn hơn so với chúng ta ở miền xuôi đấy chứ?! Vừa miên man về  ý nghĩa của chợ tình Khau Vai, vừa chợt sống dậy một ý thơ của nhà thơ Trần Hòa Bình: "Ai trong đời chẳng có một Khau Vai", lại vừa đắm mình vào vẻ liêu tịch của đường chiều, mấy đứa chúng tôi tự nhủ là lâu lắm rồi mới lại có một chuyến đi lý thú đến thế này. 

Nhưng rồi sự lý thú đã gặp phải "kẻ thù" đầu tiên, ấy là những chiếc băng rôn màu trắng được giăng liên tục từ đầu xã Khau Vai đến khu vực diễn ra chợ tình. Ở những tấm băng rôn ấy là một dòng chữ bằng tiếng Việt: "Chợ tình Khau Vai", và ngay sát sạt nó là một dòng chữ tiếng Anh "meeting place for lover" (nơi gặp gỡ của những người yêu nhau). Ai cũng biết, những tấm băng rôn này là những tín hiệu  truyền thống của "văn hóa phố phường", lại là phố phường của thời kỳ hội nhập (thế nên mới có tiếng Anh)  - vì vậy nó cứ khập khiễng, xa lạ, và vô duyên ra sao ấy giữa chốn bốn bề núi non.

Chia sẻ suy nghĩ này với Sáng - chàng trai người Mông chở xe cho cả đoàn, thì Sáng giải thích bằng cái giọng Kinh lơ lớ: "Độ chục năm trước làm gì có những băng rôn như vậy. Nhưng bây giờ phải có, để quảng bá khách du lịch mà". Ô hay, thế thì chợ tình Khau Vai là ngày hội tình cảm của người dân tộc thiểu số, hay là ngày hội của mấy ông tây bà đầm, và mấy khách VIP từ dưới xuôi lên?

Chỉ mới nghĩ vẩn vơ thế về "kẻ thù đầu tiên" thì tôi đã bắt gặp một "kẻ thù" thứ hai, đó là chiếc bàn bi-a đang được hàng chục thanh niên người Dao bám chặt ở giữa chợ. Trong não trạng tôi thì hình ảnh chiếc bàn bi-a xưa nay luôn gắn với những anh thanh niên phố thị - những người rất phong cách với mái tóc dựng ngược, cái quần jean rách và chiếc áo phông bó sát người. Có lẽ vì thế mà khi thấy mấy anh bạn người Dao gầy gò với chiếc mũ nồi đen điển hình lại quây quần xôm tụ bên bàn bi-a, thì tôi bất ngờ lắm lắm.

Tiến lại chỗ một anh, tôi hỏi: "Đến đây để chơi bi-a, chứ không phải để đi chợ tình phải không?". Anh chàng cười bẽn lẽn đầy khó hiểu, may sao, một anh khác đứng bên cạnh đã trả lời giùm: "Nó không biết tiếng Kinh đâu. Nó tới đây để chơi bi-a mà. Tụi nó bây giờ mê món này lắm".

Người dân tộc bây giờ đến đây để chơi bi-a, rồi để hội hè ăn uống, bán bán - mua mua, chứ không phải đến vì cái mục đích duy nhất là  "đi chợ tình" như thuở xa xưa, đó là một thực tế không khó gì cảm nhận. Vậy nên nhìn quanh chợ tình, chỗ nào cũng thấy hàng quán, và vẫn may là các quán khi thấy khách du lịch đã không "chém đẹp" như mấy quán dưới thị trấn.

Đêm 27/3, trên quả đồi Khau Vai tấp nập người mua kẻ bán, thi thoảng người ta cũng thấy vút lên những điệu hát giao duyên bằng tiếng Mông, tiếng Dao, hay tiếng Giáy. Ôi, những tiếng hát mê hoặc giữa chốn núi rừng xa xôi - cho dù đấy là những tiếng hát được sắp đặt bởi Sở Văn hóa tỉnh, chứ không phải là tiếng hát tự nhiên, thổn thức cất lên từ sâu thẳm trái tim của những người đi chợ tình, thì nó vẫn cứ gõ vào trái tim chúng tôi thật nhiều xúc cảm.

Nghe tiếng hát ấy, tôi nhắm mắt lại, cố tưởng tượng về hình ảnh da diết của chợ tình ngày xưa. Chợ tình mà theo lời kể của một cụ ông người Mông thì ở đó có nỗi niềm cay đắng của những người tới chợ, mà không tìm lại được người yêu cũ, có thoáng hạnh phúc trong trẻo hòa vào sự quyến luyến, ngậm ngùi của những đôi gặp lại nhau, nhưng rồi sau một thoáng tâm sự, lại phải chia tay nhau để trở lại với cuộc sống thực tại của mình…

Theo lời cụ ông này thì chính vì những tâm trạng điển hình ấy mà đi chợ tình, ai cũng tìm đến với… rượu ngô. Mượn rượu để mà thăng hoa, để mà ký thác, để mà giải tỏa những nỗi niềm ẩn ức. Nhờ cơn say để mà sống trọn vẹn với nhau, để mà dễ bề dứt áo chia tay nhau, để mà được thoải mái hét lên một tiếng giữa núi rừng…

Bãi chợ tình bây giờ rượu ngô nhìn chỗ nào cũng có, và những cơn say gắn với những người say cũng vẫn xuất hiện rải rác chỗ này chỗ kia. Ngay cả đến chiều 28/3 âm lịch, những người đàn ông Mông say rượu mà nằm quên trời quên đất cũng vẫn xuất hiện đầy ám ảnh trên quả đồi Khau Vai. Nhưng liệu có ai trong đó say vì tình như cái say riêng có của chợ tình ngày xưa? Hay là chỉ say đơn giản vì "đánh chén" quá nhiều, vì vui quá độ sau một đêm hội của rượu ngô và thắng cố (thực tế thì những quán rượu ngô ở chợ tình có một sức hút dữ dội với từng tốp, từng tốp thanh niên người dân tộc thiểu số)?

Giã biệt Khau Vai để trở về thị trấn Mèo Vạc, hình ảnh của những người say vẫn cứ ngự trị trong tôi, đầy nhức nhối. Và tôi cứ tự nghĩ một cách chủ quan rằng: Người ta say không hẳn vì "đánh chén", mà vì muốn mượn cơn say để được sống trong những xúc cảm về một chợ tình đích thực ngày nào - say để hoài niệm - say để tắm lại trên dòng sông xưa cũ?

Giữa cái lúc vẩn vơ nghĩ thế, tôi chợt giật thót khi vấp phải những tiếng động cơ oành oạch phía sau lưng, cùng những âm thanh phát ra từ chiếc loa trên nóc xe: "Đề nghị, tránh đường! Đề nghị tránh đường". Thì ra là xe của Sở Văn hóa tỉnh - cái xe mà bác tài xế của chúng tôi rất "ghét" với lý do là: "Lúc nào cũng thế, nó luôn quát tháo ầm ĩ, buộc người ta tránh đường".

Có thể nói, chợ tình Khau Vai nguyên thủy vốn là một sinh hoạt văn hóa mang tính lễ hội đẹp của đồng bào miền núi! Sự thuần khiết của nét đẹp này sẽ hấp dẫn, mê hoặc khách thập phương, góp phần tôn vinh, lưu giữ đời sống tình cảm của vùng đất giàu sức sống văn hóa của các dân tộc thiểu số. Nếu ai đó cố tình pha trộn làm méo mó đi nét đẹp truyền thống văn hóa này nhằm thương mại hóa nó… thật đáng trách thay

Trịnh Phan Phan
.
.
.