Chợ Long Biên vẫn... "tắc"

Thứ Ba, 31/07/2007, 18:08
Chợ Long Biên hoạt động hầu như 24/24h. Áp lực về người buôn bán và lượng hàng hóa khổng lồ đã khiến chợ Long Biên trở thành một điểm kinh doanh lộn xộn, ách tắc giao thông và mất mỹ quan nghiêm trọng.

Chợ Long Biên - khu chợ đầu mối nổi tiếng của Hà Nội, có trong danh sách các điểm đến dành cho du khách nước ngoài, đang trở thành vấn đề "nóng" của các ngành chức năng.

Lộn xộn, mất mỹ quan và ách tắc giao thông

Đã nhiều năm nay, số các hộ buôn bán, kinh doanh tại chợ cứ tiếp tục "phình" thêm ra, kéo theo hàng loạt dịch vụ khác cũng trở nên quá tải. Theo Ban Quản lý chợ Long Biên, số hộ kinh doanh tại chợ là 585 hộ nhưng vào các dịp lễ, Tết, đã tăng lên trên 700 hộ. Bình quân mỗi ngày, lượng hàng hóa được giao dịch tại đây là 300 - 500 tấn.

Chợ hoạt động hầu như 24/24h. Áp lực về người buôn bán và lượng hàng hóa khổng lồ đã khiến chợ Long Biên trở thành một điểm kinh doanh lộn xộn, ách tắc giao thông và mất mỹ quan nghiêm trọng.

Do diện tích quá chật hẹp nên các hộ kinh doanh tự ý lấn chiếm phần đường đi của chợ, tràn ra cổng chợ và tràn ra lòng đường Yên Phụ và Trần Nhật Duật. Các dịch vụ kèm theo như bến xe tải, bến xe khách cũng rơi vào tình trạng quá tải, thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông. Cùng với sự phát triển của chợ, lực lượng xe ôm, cửu vạn tại chợ thường xuyên lên tới 1.000 người.

Trung bình mỗi ngày có tới 343 lượt xe ôtô tải ra vào chợ. Tính bình quân, diện tích cho mỗi đầu xe qua lại chợ là 16m2, thấp hơn 40% so với tiêu chuẩn là 25m2/xe.

Cảnh thường xuyên diễn ra tại khu chợ này là hàng chục chiếc xe tải chở hàng hóa từ các tỉnh đổ về dồn tại cửa khẩu, làm ách tắc giao thông nghiêm trọng. Chưa kể chợ rau đêm dưới gầm cầu Long Biên thường xuyên có 500 hộ kinh doanh tham gia, cùng với hàng ngàn phương tiện chuyên chở như ôtô, xe đạp, xe thồ gây ra tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đô thị.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nếu xảy ra hỏa hoạn tại chợ, xe chữa cháy cũng không thể ra vào cửa khẩu, việc cứu chữa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ước tính mỗi ngày, lượng rác thải từ chợ Long Biên lên đến 8 tấn, nhiều nhất trong tất cả các chợ của Hà Nội. Bên cạnh tình trạng mất vệ sinh môi trường, tình hình quản lý an ninh, trật tự cũng gặp nhiều khó khăn, trộm cắp, trấn lột tại chợ diễn ra thường xuyên.

Gấp rút như "cháy nhà"

Đã nhiều lần, các phương án đề ra để giảm tải cho chợ đầu mối nổi tiếng và lớn nhất Hà Nội đã được đưa ra, nhưng hầu như đều gặp sự phản kháng của các hộ kinh doanh và sự không đồng thuận của các đơn vị như bến xe khách và bến xe tải.

UBND TP Hà Nội đã đầu tư vào hai chợ đầu mối Đền Lừ, Hải Bối và đưa vào hoạt động từ năm 2002 nhằm giảm tải cho chợ Long Biên nhưng thực tế hai chợ này hoạt động không hiệu quả, không kéo được người kinh doanh từ chợ Long Biên chuyển xuống buôn bán.

Theo ông Hoàng, nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh không muốn đi khỏi chợ Long Biên là do chợ có vị trí quá đắc địa, thuận lợi về giao thông với các tỉnh, đặc biệt là các địa phương ở khu vực Đông Bắc.

Chợ nằm ngay cạnh trung tâm thành phố, thuận lợi để phân bổ hàng hóa. Chính vì vậy, việc kinh doanh tại chợ Long Biên dễ dàng hơn các chợ khác. Người dân không muốn rời bỏ chỗ kinh doanh cũ để di chuyển đến hai chợ đầu mối mới thành lập.

Hiện nay, Ban Quản lý chợ Long Biên đã áp dụng biện pháp giảm tải, chỉ cho xe tải có trọng lượng dưới 5 tấn được ra vào chợ. Nhưng tình trạng lộn xộn tại chợ vẫn không chấm dứt.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho rằng, việc giải quyết tình trạng quá tải của chợ Long Biên đã gấp rút như "cháy nhà" và các hộ kinh doanh phải cảm thông với thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Bình, hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho 2/3 số hộ kinh doanh phải chuyển xuống chợ đầu mối Đền Lừ và Hải Bối.

Để giải quyết mối lo ngại không có địa điểm bến bãi cho Công ty cổ phần Xe khách và bến xe tải, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Giao thông công chính tìm chỗ di chuyển hợp lý, đảm bảo tiếp tục có công việc làm cho các cán bộ, công nhân viên của các đơn vị này.

Tuy nhiên, hiện cả người dân và các đơn vị kinh doanh nằm trong khu vực chợ Long Biên vẫn chưa đồng thuận với phương án di dời. Nguyên nhân chính vẫn là chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho việc di chuyển, chưa có kế hoạch rõ ràng để các cấp triển khai.

Do vậy, thời điểm hoàn thành việc di chuyển một số hộ dân trong tháng 1/2008 khó có thể thực hiện được

Ngọc Yến
.
.
.