Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

Chiếc xe đạp chiến lợi phẩm và chiến công của lực lượng An ninh Quảng Trị

Thứ Năm, 30/04/2015, 12:58
Đã 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, những kỷ vật biết “nói” luôn sống mãi, là chứng tích lặng lẽ kể lại cả một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Trong hàng nghìn kỷ vật được trưng bày ở Bảo tàng Công an nhân dân, có nhiều kỷ vật được cán bộ Công an thu giữ của địch. Chiếc xe đạp là một minh chứng lịch sử, gắn với những chiến công vang dội của Đội Trinh sát điệp báo an ninh vũ trang huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

May mắn khi chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với Trung tá Tạ Quang Thành, nay đã 75 tuổi, đang sinh sống tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ông là Đội trưởng Đội Trinh sát điệp báo an ninh vũ trang huyện Gio Linh, cùng đồng đội tiêu diệt Đoàn bình định đặc biệt của quân đội Sài Gòn vào năm 1969.

Trung tá Tạ Quang Thành nhớ lại, sau Tổng tấn công xuân Mậu Thân năm 1968, Mỹ - ngụy đổ quân ra Bắc Đường 9 (tỉnh Quảng Trị), hòng tái chiếm vùng giải phóng và ngăn chặn các lực lượng của ta từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong và sau Tổng tiến công, Mỹ - ngụy đánh phá ác liệt, hủy diệt hai huyện Gio Linh, Cam Lộ.

Chiếc xe đạp và khẩu K59 trưng bày tại Bảo tàng CAND.

Trong đó, huyện Gio Linh có 44 thôn thuộc 11 xã nhưng duy nhất chỉ còn thôn Hà Thượng, xã Gio Lễ (nay là thị trấn Gio Linh) nằm trên tuyến hàng rào điện tử McNamara là không bị bắn phá và gần như còn nguyên vẹn. Bởi đây là làng vỏ bọc để bảo vệ quận Gio Linh, căn cứ pháo binh của Mỹ - ngụy, cao điểm Dốc Miếu được coi là “Mắt thần” của phòng tuyến McNamara. Dốc Miếu nằm ở phía Đông Bắc quốc lộ 1A, thuộc xã Gio Phong, huyện Gio Linh, cách cầu Hiền Lương chừng 6km về phía Nam. Từ căn cứ này, hàng ngày chúng bắn ra Vĩnh Linh (miền Bắc xã hội chủ nghĩa) hàng trăm quả đạn pháo các cỡ.

Để bảo vệ cho “vành đai thép”, từ tháng 12/1968, chính quyền Sài Gòn đã đưa ra Đoàn bình định đặc biệt, với phiên hiệu “Đoàn 68” gồm 35 người do Trung úy cảnh sát đặc biệt Huỳnh Tuyển, là đối tượng đã tốt nghiệp trường tình báo do CIA Mỹ huấn luyện ở Mã Lai trở về làm Đoàn trưởng. Với nhiệm vụ bình định quần chúng nhân dân thôn Hà Thượng trở thành lá chắn để bảo vệ hàng rào điện tử, “Đoàn 68” âm mưu đánh bật cơ sở cách mạng ra khỏi dân. Nếu chúng làm được việc này, ta rất khó tiếp cận được với dân thôn Hà Thượng và hàng trăm hộ dân các xã Gio Mỹ, Gio Hà và một số xã khác bị Mỹ - ngụy dồn ép vào khu tập trung này- Trung tá Tạ Quang Thành cho biết thêm.

Nhận trách nhiệm trước Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị và Thường vụ Huyện ủy Gio Linh, Ban An ninh huyện Gio Linh đã giao cho Đội Trinh sát điệp báo an ninh vũ trang huyện Gio Linh do Trung tá Tạ Quang Thành làm Đội trưởng, đảm nhiệm kế hoạch điều tra nắm chắc quân số, âm mưu, thủ đoạn và kế hoạch hoạt động, đánh tan “Đoàn 68” của Mỹ - ngụy tại thôn Hà Thượng.

Sau gần 3 tháng, Đội Trinh sát điệp báo an ninh vũ trang huyện Gio Linh đã bố trí cơ sở điệp báo hoạt động trong lòng địch và cơ sở nhân dân, bám sát mọi hoạt động của “Đoàn 68”. Nắm chắc hoạt động của tên Đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Thị C, nói với Trung tá Tạ Quang Thành: “Tôi có cách này đề nghị với đồng chí, khi hắn đến cơ sở ăn cơm, chúng ta hãy châm thủng lốp xe đạp. Thủng lốp rồi, xe không thể đi, nhân cơ hội hắn dắt xe chúng ta xuất hiện, bắn luôn”. 

Trưa ngày 2/3/1969, Huỳnh Tuyển cùng vợ đi xe đạp vào ăn trưa tại quán cơm ở Gio Linh. Theo kế hoạch đã được chuẩn bị, ông bố trí cho hai trinh sát là Nguyễn Văn Th và Nguyễn Xuân T mang theo súng K59, phối hợp với bà chủ quán cơm là Nguyễn Thị C bí mật châm thủng lốp sau xe đạp của vợ chồng Huỳnh Tuyển. Ăn trưa xong, khoảng 13h cùng ngày, vợ chồng Tuyển thấy lốp xe bị hết hơi, dắt xe ra khỏi quán.

Khoảng 30m, hai đồng chí trinh sát cải trang xuất hiện, nổ đồng loạt 2 phát súng K59. Tên Đoàn trưởng chết gục trên chiếc xe đạp. Hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đối tượng Huỳnh Tuyển, hai đồng chí trinh sát được Trung tá Tạ Quang Thành và đồng chí Trưởng Ban An ninh huyện Gio Linh, trực tiếp chỉ huy kế hoạch đón và đưa về căn cứ an toàn theo đường rút lui đã được vạch ra từ trước.

Đối tượng Huỳnh Tuyển bị tiêu diệt, số quân còn lại của “Đoàn 68” như rắn mất đầu, hoang mang, mất tinh thần, không dám ở lại doanh trại đóng trong thôn Hà Thượng; chúng kéo nhau về co cụm tại xóm 10, xóm Cầu Bến Sanh, xã Gio Lễ, huyện Gio Linh (sát bên chi khu quân sự Gio Linh).

1h ngày 10/5/1969, Đội Trinh sát điệp báo an ninh vũ trang huyện Gio Linh phối hợp với du kích, An ninh xã Gio Mỹ, cấp tập tấn công vào đội hình đóng quân của “Đoàn 68” tại xóm 10, xóm Cầu Bến Sanh. Sau hơn 10 phút chiến đấu, lực lượng An ninh đã tiêu diệt 16 tên, làm bị thương 5 tên địch. Đồng chí Nguyễn Thị C, Phó Ban An ninh, xã Đội phó xã Gio Mỹ đã chiến đấu kiên cường, truy kích địch vào chi khu quân sự huyện Gio Linh. Địch đông, hỏa lực mạnh, đồng chí Nguyễn Thị C đã anh dũng hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi.

Sau ngày thống nhất đất nước, Đội Trinh sát điệp báo an ninh vũ trang huyện Gio Linh được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, những người lính của Đội Trinh sát điệp báo ngày ấy, có người đã hy sinh, người chuyển ngành, người còn ở lại công tác trong ngành Công an. Với Trung tá Tạ Quang Thành, năm 1976 – 1988, ông được Bộ Công an điều động ra Hà Nội công tác tại Tổng cục An ninh. Sau đó, ông về công tác tại Công an tỉnh Quảng Trị cho đến lúc nghỉ hưu. Khi nghe tin Bảo tàng Công an nhân dân mở cuộc vận động “Sưu tầm và Tuyên truyền kỷ vật Công an nhân dân”, Trung tá Tạ Quang Thành đã trao lại khẩu súng K59 và chiếc xe đạp nói trên tặng Bảo tàng Công an nhân dân.

Minh Hiền – Vũ Linh
.
.
.