Chảy máu rừng thông nam Hải Vân

Thứ Hai, 21/01/2008, 10:59
Từ tháng 7/2007, người dân phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã chặt hạ thông giống Ca-ri-bê trồng từ đầu những năm 80 thế kỷ trước tại rừng đặc dụng nam Hải Vân, lấy gỗ. Tình trạng này càng phức tạp khi đối tượng khai thác gỗ thông trái phép ngày càng nhiều; thông bị chặt hạ, chở đi tiêu thụ rất ngang nhiên, trắng trợn.

Mấy tháng gần đây, thông tại rừng đặc dụng nam Hải Vân (Đà Nẵng) bị tàn phá hết sức nghiêm trọng. Kẻ phá rừng không ai khác chính là cư dân phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, những người sinh sống cận rừng.

Đỉnh điểm của sự tàn phá này là rừng thông gần 30 năm tuổi, cây nào cây nấy cao vút thẳng tắp sát khu dân cư tổ 1 Kim Liên, Hoà Hiệp Bắc, chỉ vài ba đêm bị đốn hạ tan hoang; hàng trăm cây tại các khu vực khác trơ gốc và ngổn ngang cành ngọn. Không khu vực nào của rừng thông gần 400 ha tại nam Hải Vân an toàn. Hai bên đường đèo, sau bão số 6 thông vẫn dày đặc, đẹp như bức tranh, thế mà nay xác xơ đến thảm hại.

Dọc đường sắt Bắc Nam đoạn tiểu khu 4a, Hố Sâu, Hố Trường… thông trồng hơn 20 năm trước cũng đã trơ gốc. Tệ hại hơn, 3,7 ha "Rừng cây nhớ ơn Bác" do các cơ quan đoàn thể của thành phố Đà Nẵng trồng hơn 20 năm trước cũng bị tàn phá không thương tiếc; những cây mới hơn 10 năm tuổi tại tiểu khu 16 cũng bị chặt hạ.  

Theo điều tra của Ban Quản lý rừng đặc dụng nam Hải Vân và chính quyền địa phương ở phường Hoà Hiệp Bắc có 237 hộ sinh sống chủ yếu nhờ rừng, trong đó 55 đối tượng thường xuyên có hành vi phá rừng.

Trong khi đó chính quyền các cấp ở Đà Nẵng, ngành kiểm lâm, chưa có biện pháp khả thi bảo vệ tài nguyên quý giá này. Việc để 4 cơ sở cưa xẻ gỗ ra đời, tồn tại thời gian dài ở địa bàn cận rừng là cơ hội cho bọn phá rừng tiêu thụ gỗ thông khai thác trái phép. Ngoài ra cũng phải kể đến, thiên tai góp phần không nhỏ đến tình trạng phá rừng này.

Sau bão số 6 gần 1000 cây thông bị gãy đổ. Việc tận thu kéo dài, ít có sự giám sát đã tạo cớ cho người dân " mượn gió bẻ măng", tàn phá những cây thông không bị gãy đổ do bão. Đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng nam Hải Vân, lực lượng mỏng, bảo vệ rừng không hiệu quả, song chậm nhận sự hỗ trợ của ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương.

Thời điểm được tăng cường lực lượng, sự phối hợp không chặt chẽ, đồng bộ. Việc đơn vị này phát hiện xử lý 30 vụ chặt phá, vận chuyển gỗ thông từ tháng 7/2007 đến nay, tịch thu 51,8m3, 1 ôtô tải, 1 xe công nông bắt 5 đối tượng phá rừng, không làm giảm mức độ phá rừng. Trái lại, do sức hút của đồng tiền, mấy tuần gần đây, sự tàn phá thông càng nóng bỏng hơn.

Việc xử lý các đối tượng phá rừng chậm và chưa nghiêm minh. Nhiều đối tượng phá rừng rất ngang nhiên, trắng trợn, vẫn chưa bị xử lý. Và hậu quả đáng tiếc đã xảy ra, hàng nghìn cây thông đã bị chặt hạ đưa đi tiêu thụ trót lọt, để lại những khu rừng tan hoang.

Theo ông Trần Huy Độ, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng nam Hải Vân, hiện nay tình trạng phá rừng có giảm nhưng chưa chấm dứt hẳn. Sáng 16/1, trong khi Ban tổ chức triển khai kế hoạch bảo vệ thì tại tiểu khu 11 có 3 đối tượng vào chặt gỗ thông, bị phát hiện phải bỏ của chạy lấy người. Trước đó, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu đã đột kích vào các xưởng cưa, thu giữ nhiều gỗ thông chưa xẻ…

Có thể nói, rừng thông nam Hải Vân sẽ còn bị tàn phá nếu không có các giải pháp kiên quyết, triệt để và hợp lý để bảo vệ. Vì môi trường sinh thái, vì cảnh quan du lịch, hãy cứu lấy rừng thông Ca-ri-bê ở nam Hải Vân. Đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cả cộng đồng...

Nguyễn Cầu
.
.
.