Ea H’Leo, Đắk Lắk:

Chặt rừng phòng hộ làm... gỗ trụ tiêu

Thứ Năm, 11/11/2004, 19:55
Các tay "cò" gỗ thách giá: "40 nghìn đồng một trụ cà chít, anh muốn lấy bao nhiêu cũng có, chúng tôi sẽ cho gom tại bãi thuận lợi, dễ chở…". Dọc quốc lộ 14, bên những cánh rừng xơ xác là sự hiện diện của những vườn tiêu còn thơm phức mùi gỗ cà chít mới xẻ.

Những trụ cà chít này được khai thác trái phép ở điểm rừng phòng hộ thuộc địa phận lâm trường Chư Phả. Khu rừng này hiện chi chít những vết cưa khai thác nhỏ lẻ còn in hằn trên từng gốc cây cổ thụ. Ông Giám đốc Lâm trường Chư Phả bức xúc: Rừng ở đây bị phá dữ quá, nhất là cà chít và cắm. Từ đầu năm đến nay, lâm trường đã bắt giữ 124 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó chủ yếu là người dân địa phương Ea H'Leo (Đắk Lắk) và Chư Sê (Gia Lai) đi lấy gỗ làm trụ tiêu hoặc bán kiếm tiền.

Đáng tiếc, chuyện phá rừng trái phép ở đây lại "ngoài tầm kiểm soát" của lực lượng kiểm lâm. Rừng thì rộng với hơn 22 nghìn ha, nhưng cán bộ toàn lâm trường chỉ có 34 người. Theo quy định của ngành Lâm nghiệp, bình quân mỗi cán bộ giữ khoảng 1 nghìn ha rừng, thì ở Phân trường 1- Lâm trường Chư Phả có 5 cán bộ mà phải gánh tới hơn 8 nghìn ha rừng phòng hộ. Công việc nặng nhọc, lương cán bộ kiểm lâm chỉ từ 500 - 600 nghìn đồng/tháng. Lâm tặc chủ yếu khai thác và vận chuyển vào ban đêm bằng xe bò hoặc xe công nông. Nếu gặp lực lượng làm nhiệm vụ thì lâm tặc sẵn sàng chống trả hoặc tháo gỗ bỏ chạy.

Ở Ea H'Leo hiện có 1.760 hộ với  7.179 khẩu là dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến bám rừng ở khu vực các lâm trường để lấy gỗ và lấn đất rừng làm kế sinh nhai. Ông Võ Văn Tập - Bí thư Huyện ủy Ea H'Leo cho biết: "Khi mới thành lập, huyện có trên 70% diện tích tự nhiên là rừng, hiện nay trên sổ sách khoảng  là 50%, nhưng thực tế thì chỉ còn khoảng 40%...".

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện, trong hai năm gần đây, cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện và xử lý hơn 400 vụ vi phạm với hàng trăm mét khối gỗ được thu hồi, nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực tế, tình trạng phá rừng trái phép ở đây hàng ngày vẫn diễn ra khốc liệt mà cơ quan chức năng không thể ngăn chặn tận gốc. Các xí nghiệp gỗ tư nhân cứ ngang nhiên mọc lên giữa các "điểm nóng" phá rừng

Như Ngọc
.
.
.