Chàng trai Gia Rai mê chế nhạc cụ dân tộc

Thứ Năm, 13/05/2010, 08:46

Trong khi thanh niên làng chọn cho mình những nghề thiết thực để làm giàu, K’sor Juan lại đeo đuổi khát vọng khôi phục những nét văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một - điều mà bạn bè anh vẫn gọi là xa vời. "Mình là con của Tây Nguyên, của núi rừng mà không giữ được truyền thống cội nguồn thì đắc tội với Yàng lắm!" - K’sor Juan bộc bạch.

Sinh ra trên miền quê đất đỏ Gia Lai, từ lâu nét văn hóa của người con Tây Nguyên đã ăn sâu vào máu chàng trai trẻ. Không nỡ nhìn bản sắc văn hóa truyền thống quê hương nhòa theo vết bụi thời gian, K’sor Juan quyết tâm từ bỏ sở thích nhiếp ảnh của mình để thực hiện ước mơ phục dựng nét văn hóa truyền thống.

Một lần tình cờ nghe bạn làng bên kể về xưởng nghề truyền thống, cái máu phục dựng văn hóa Tây Nguyên trong anh lại được dịp nổi lên và Juan quyết tâm thực hiện. Dốc toàn bộ số vốn đang có, Juan dựng xưởng và mời các chị em trong làng mở xưởng thêu dệt thổ cẩm và tổ chức các lớp học miễn phí cho các thiếu nữ trong làng. Nhưng chỉ được một thời gian xưởng dệt của anh phải đóng cửa vì đến ngày mùa chị em lại xin nghỉ để làm việc đồng áng và chăm con nhỏ. Còn giới trẻ thì dù được ở trong nhà và học nghề miễn phí nhưng cũng không thích bằng làm rẫy, bắt ốc chứ không thích bị gò bó đôi chân.

Trằn trọc nhiều đêm, Juan lại quyết định mở xưởng nghề thủ công. "Trong làng còn rất nhiều nghệ nhân. Những người có tuổi thường tâm huyết và dễ thuyết phục hơn, dần dà sẽ lôi kéo giới trẻ học nghề, nối nghiệp", Juan nghĩ vậy rồi bắt tay quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Tâm huyết của Juan được các nghệ nhân trong làng rất ủng hộ. Và rồi xưởng nghề thủ công truyền thống ra đời trong niềm hân hoan của mọi người. Đó là năm 2006. Xưởng nghề Chuet nằm thu mình trong ngôi làng Chuet II (phường Thắng Lợi, Gia Lai), giữa bốn bề núi rừng.

Ngày ngày tiếng đục đẽo, nói cười của các nghệ nhân trong xưởng làm vui hẳn không khí ở một xóm núi. Những sản phẩm thủ công truyền thống do xưởng sản xuất như: gùi tay, đàn T’rưng, hồ lô... Từ những vật dụng rất đời thường, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, trở thành nét đẹp rất riêng và được mọi người ưa chuộng làm vật kỉ niệm. Từ việc phải đi tìm thị trường tiêu thụ, giờ đây xưởng nghề của Juan đã kín các hợp đồng của các bạn hàng trong và ngoài tỉnh.

Xưởng nghề của Juan luôn tấp nập. Các thợ cả là những nghệ nhân lớn tuổi trong làng đảm nhận những phần việc khó, đòi hỏi sự tinh tế khéo léo cao. A’Hinh là một trong những nghệ nhân lớn tuổi như vậy, tâm sự: "Công đoạn khó nhất là đục lỗ đàn sao cho đúng nhịp, đúng tông và truyền được cái hồn của Tây Nguyên vào đấy".

Nói về các sản phẩm của xưởng, Juan hào hứng: Đàn T’rưng có nhiều loại. Loại đàn ba gian dùng trong các buổi diễn. Ngoài ra còn có các loại cỡ trung (13 ống), cỡ đại 16 ống hay loại đàn mini là món quà lưu niệm đầy ý nghĩa cho du khách khi đến với Tây Nguyên. Gùi, chuông gió, cây nêu của xưởng cũng có nhiều loại, nhiều kích cỡ phù hợp với mục đích khác nhau. "Đen, đỏ, trắng là ba gam màu đặc trưng của người Gia Rai được phối hợp một cách tinh tế, rắn rỏi không lẫn vào đâu được" - giọng anh chắc nịch.

Lúc tiễn chúng tôi ra về, Juan bật mí: "Tụi mình đang dự định sẽ xây dựng một không gian văn hóa Tây Nguyên. Ở đó sẽ có các thôn nữ ngồi dệt lụa thổ cẩm, có tiếng chiêng tiếng trống cho mọi người vui say ca hát, và cả tiếng đàn T’rưng vi vu trong gió”...

Nguyên Thi
.
.
.