Chặng đường gian nan đến thành công Hội nghị Geneva

Thứ Bảy, 19/07/2014, 10:19
LTS: Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Báo CAND xin trích đăng hồi ký của nhà ngoại giao kỳ cựu Lưu Văn Lợi.

Hiệp định Bàn Môn Điếm ký ngày 27/7/1953 chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên bằng một giải pháp quân sự, đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị. Tuy vậy, đây là một biểu hiện của quá trình hòa dịu Đông – Tây, mở ra triển vọng giải quyết hòa bình cho các cuộc xung đột quân sự, đáp ứng nguyện vọng hòa bình của nhân dân các nước tham chiến và của nhân dân thế giới.

Trung Quốc cũng đang chủ trương sớm giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Đông Dương để ngăn chặn đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất, bảo đảm hòa bình và an ninh cho Trung Quốc và Viễn Đông. Ngày 24/8/1953, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố: “Cuộc đình chiến ở Triều Tiên có thể làm mẫu mực cho những cuộc xung đột khác”.

Báo Sao Đỏ của Liên Xô ra ngày 3/8/1953 viết rõ hơn:

“Đình chiến ở Triều Tiên cần thúc đẩy việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương”.

Nhưng ở Pháp, cuộc đình chiến ở Triều Tiên đã tác động mạnh mẽ nhất đến dư luận, phong trào đòi chấm dứt cuộc “Chiến tranh bẩn thỉu” càng rộ lên, nhất là trong các nghị sĩ chủ hòa. Từ ngày 23 đến 27/10, trong Quốc hội Pháp có một cuộc thảo luận sôi nổi về Đông Dương. Nhiều nghị sĩ đòi Pháp phải đàm phán ngay với phía Việt Minh để đi đến kết thúc chiến tranh. Giới chủ chiến như Thủ tướng Laniel, Bộ trưởng Quốc phòng Pleven, Bộ trưởng Ngoại giao Bidault vẫn ngoan cố vì họ hy vọng việc Mỹ tăng cường viện trợ có thể giúp Pháp giành chiến thắng để đàm phán với Việt Minh trên thế mạnh. Mặc dầu vậy, ngày 12/11, Laniel cũng phải tuyên bố: “Nếu một giải pháp danh dự xuất hiện trong khung cảnh địa phương hoặc trong khung cảnh quốc tế, nước Pháp sẽ vui lòng chấp nhận một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột”.

Quang cảnh khai mạc Hội nghị Geneva.

Mỹ tiếp tục rót viện trợ vào Đông Dương. Ngày 23/11, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Nixon tuyên bố với các sĩ quan Pháp và ngụy rằng trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể đàm phán với Việt Minh.

Liên Xô muốn sớm đi đến giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông Dương để ngăn Mỹ mở rộng chiến tranh nóng ở đây và củng cố thế hòa hoãn ở Viễn Đông.

Về phía ta, chúng ta kiên quyết chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp nhưng vẫn sẵn sàng tìm một giải pháp thương lượng bảo đảm độc lập, thống nhất của Việt Nam.

Trong bối cảnh quốc tế sau Hiệp định Bàn Môn Điếm, Đảng ta nhận định:

“Trong lịch sử có nhiều cuộc chiến tranh do thương lượng hòa bình mà đi đến đình chiến. Chiến tranh ở Triều Tiên là một thí dụ. Hơn nữa hiện nay đường lối chung của phe ta trên thế giới là dùng mọi cách để gây lại và tăng cường hòa hoãn quốc tế, gìn giữ và củng cố hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.(1)

Và thế là mở ra khả năng vừa đánh vừa đàm.

Ngày 26/11/1953, trả lời phỏng vấn của báo Thụy Điển Expressen về vấn đề chấm dứt chiến tranh Đông Dương, Hồ Chủ tịch nói:

“Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó.

Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam.

Nếu có những nước trung lập nào muốn cố gắng để xúc tiến việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng cách thương lượng thì sẽ được hoan nghênh, nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp”.(2)

Ngày 19/12, nhân Ngày Toàn quốc kháng chiến, Hồ Chủ tịch lại nhắc lại lập trường trên đây trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước:

“Bởi vì thực dân Pháp cứ tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược cho nên nhân dân Việt Nam quyết đánh mạnh hơn nữa, tiêu diệt sinh lực địch nhiều hơn nữa, quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề về Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”.(3)

Từ ngày 4/8/1953, Liên Xô đã gửi công hàm cho các nước lớn gợi ý triệu tập hội nghị năm nước lớn là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc để nghiên cứu các biện pháp làm giảm bớt tình hình căng thẳng ở Viễn Đông.

Tuyên bố của Hồ Chủ tịch với báo Expressen đã gây tiếng vang lớn tại Pháp và trên thế giới. Các đoàn thể nhân dân và nhiều nhà chính trị Pháp đòi Chính phủ Laniel tiến hành đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh. Dưới sức ép của dư luận, ngày 3/12, Chính phủ Pháp phải tuyên bố muốn biết lập trường của phía bên kia (tức Việt Minh) bằng con đường chính thức và tỏ ý sẵn sàng xem xét việc lập lại hòa bình, bảo đảm độc lập cho các quốc gia liên kết.

Nếu đề nghị thương lượng hòa bình của Hồ Chủ tịch được nhiệt liệt hoan nghênh thì đề nghị của Liên Xô về họp năm nước lớn để bàn các vấn đề Viễn Đông lại không được các nước hữu quan sớm chấp nhận. Lý do là vì đề nghị đó của Liên Xô, ngoài các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, còn nêu một vấn đề mới mà Mỹ phản đối: sự tham gia của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngày 8/12, trong Hội nghị Bermudes, Anh thỏa thuận với Mỹ, Pháp sẽ cùng hành động để sớm giải quyết vấn đề Đông Dương, triệu tập Hội nghị Tứ cường Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Berlin theo gợi ý của Liên Xô để bàn biện pháp làm dịu tình hình căng thẳng trên thế giới.

Hội nghị Berlin khai mạc ngày 25/1/1954 với sự có mặt của các Ngoại trưởng Molotov, Dulles, Eden, Bidault. Dulles khăng khăng chỉ đòi bàn vấn đề Đức và Áo, gạt bỏ việc triệu tập hội nghị năm nước lớn có sự tham gia của Trung Quốc để bàn việc làm giảm tình hình căng thẳng ở Viễn Đông. Do Liên Xô kiên trì đấu tranh, Anh, Pháp có thái độ thực tế, cuối cùng đại diện Mỹ đã chấp nhận gợi ý của Liên Xô, đồng ý triệu tập hội nghị quốc tế có đại diện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tham dự tại Geneva từ ngày 26-4-1954 để bàn giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên và giải quyết vấn đề chiến tranh Đông Dương. Thỏa thuận này được ghi trong thông báo cuối cùng ngày 18/2/1954 của Hội nghị Tứ cường.


(1). Điện ngày 27/12/1954 của Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi Trung ương Cục Miền Nam.

(2). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.484 - 495.

(3). “Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.532.

(Còn nữa)

Lưu Văn Lợi
.
.
.