Cha con nhà tình báo và bức ảnh cô bé ngồi trong lòng Bác Hồ

Chủ Nhật, 13/12/2009, 09:01
Sau những tiết mục văn nghệ, đoàn học sinh được Bác Hồ chia kẹo. Khi chụp ảnh, ai cũng cố chen vào để được đứng ngồi gần Bác. Minh Vân bé quá, không làm sao chen được, suýt nữa đã oà khóc. Bất ngờ, người cán bộ chuyển thư và quà lúc nãy đã tìm, bế bổng Minh Vân lên và đặt cô bé ngồi vào lòng Bác. Sung sướng quá, ngỡ như được ngồi giữa lòng một ông Tiên, đầu óc Minh Vân cứ bồng bềnh, không để ý gì đến bao nhiêu ánh đèn flash của máy quay phim, máy ảnh đang loé lên liên hồi đến loá cả mắt.

Cô bé Đào Thị Minh Vân sinh đúng vào đêm 19/12/1946, khi tiếng súng Toàn quốc kháng  chiến chống Pháp  vừa nổ. Cha cô là Đào Phúc Lộc, một  người dường  như sinh ra là để làm công tác tình báo, phản gián. Từ năm 1939, căn nhà thuê ở hẻm Cô Ba Chìa, Hải Phòng, nơi chị em ông tá túc đã thành nơi nuôi giấu, trị bệnh cho đồng chí Tô Hiệu, đồng thời cũng là nơi bí mật gặp gỡ, hội họp bàn bạc kế hoạch của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại đây, giữa năm 1939, Đào Phúc Lộc đã được đồng chí Tô Hiệu kết nạp vào Đảng. Năm đó, anh mới 16 tuổi.

Tháng 5/1945, được sự tiếp sức của Quốc Dân đảng Trung Quốc, lực lượng Việt Cách tại Quảng Ninh do Vũ Kim Thành chỉ huy đã đánh chiếm thị xã Móng Cái. Với chiêu bài hợp tác chống Nhật, chúng đã đề nghị hợp tác với đội vũ trang tuyên truyền của Việt Minh, nhưng đầy dã tâm. Ngay sau đó, chúng trở mặt, bắt, giam lỏng và  âm mưu thủ tiêu toàn đội.

Bằng bản lĩnh và tài thuyết khách, Đào Phúc Lộc tay không tấc sắt đã một mình vào tận hang ổ Việt Cách ngăn chặn được âm mưu của chúng và lập kế phục rượu cho cả đám Việt Cách say mềm, giải thoát cho 33 chiến sĩ. Trong số này có chị Hoàng Minh Phụng, sau này đã trở thành vợ anh. Lấy họ của chị, anh đã đặt cho mình một cái tên mới là Hoàng Minh Đạo, hàm nghĩa là "con đường sáng", con đường cứu nước.

Ngày 27/5/1948, Minh Vân mới 18 tháng tuổi, bà Hoàng Minh Phụng đã qua đời vì bạo bệnh tại chiến khu Việt Bắc. Ông Hoàng Minh Đạo gửi cô về Hà Nội nhờ một cơ sở Cách mạng là gia đình bà Nguyễn Thị Kíu, một thương gia giàu có ở 41 Lò Sũ, Hà Nội nuôi hộ. Với vai trò Trưởng phòng Phản gián thuộc Cục Tình báo Trung ương vừa được tổ chức lại, tháng 10/1948, Hoàng Minh Đạo được Bộ Quốc phòng biệt phái vào miền Nam giữ vai trò Trưởng ban Quân báo Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Kể từ đó, ông không một lần có dịp trở lại thăm con. Minh Vân cũng không một lần còn được thấy mặt cha. Nhà tình báo xuất sắc Hoàng Minh Đạo đã hy sinh trên dòng Vàm Cỏ Đông ngay  vào đêm Noel 24/12/1969.

Theo yêu cầu của chính đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Linh, Trung ương Cục miền Nam đã hai lần tổ chức tìm kiếm dấu vết thi thể ông. Cả hai cuộc tìm kiếm ròng rã đều do Tư lệnh Phân khu I Sài Gòn - Gia Định Tám Lê Thanh (sau này là Trung tướng Tám Lê Thanh, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam) trực tiếp chỉ huy, đều không mang lại kết quả.

Khi hy sinh, Hoàng Minh Đạo đang là Bí thư Phân khu I Khu Sài Gòn - Gia Định kiêm Chính ủy Lực lượng Biệt động Sài Gòn. Trước đó, trong một thời gian dài, ông đã từng là người thiết lập nên cả một mạng lưới tình báo Cách mạng ở miền Nam, từng giữ trọng trách Phó ban Binh vận Trung ương Cục. Đêm hy sinh, ông đang trên đường về Trung ương Cục dự Hội nghị. Trong hành lý mà ông mang theo có một bộ tài liệu tuyệt mật, độc bản đánh giá đầy đủ về thắng lợi, tổn thất, tương quan lực lượng giữa ta và địch sau Tết Mậu Thân 1968. Đó là tài liệu hết sức quan trọng với cả ta lẫn địch. Nếu đoạt được nó, chắc chắn phía địch sẽ triệt để khai thác tuyên truyền để tạo ra sự phá hoại mang tính chiến lược đối với phong trào Cách mạng và công cuộc giải phóng miền Nam.

Thế nhưng, cho đến tận ngày chiến tranh kết thúc và hơn 5 năm sau đó, phía ta không tìm lại được tập tài liệu nhưng phía địch vẫn chưa bao giờ có một câu một dòng nào đề cập đến nó, chứng tỏ chúng không thu giữ được, cũng không hề hay biết gì về tập tài liệu này. Đến tận phút cận kề cái chết, Hoàng Minh Đạo vẫn dùng chút hơi thở cuối cùng để cất giấu hoặc tiêu hủy tài liệu, bảo vệ bí mật của Đảng, của Cách mạng. Và ông đã là người chiến thắng!

Vài ngày sau đêm bão lửa, ông Năm Tờ, một người dân sống bằng nghề đóng giàn đáy trên sông Vàm Trảng, một nhánh chia  nước từ sông Vàm Cỏ Đông đã phát hiện ra một xác chết đang trôi bập bềnh theo con  nước. Lúc này, lính bảo an và dân vệ đang ráo riết tuần tra lục soát. Đoán chắc đó là cán bộ Cách mạng đã hy sinh trước đó mấy đêm, ông Năm Tờ đã cùng một số người dân ấp An Thới, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh tìm cách đánh lừa địch, giấu cái xác trên sông nhiều ngày. Đợi đến khi địch ngừng cuộc lùng sục, họ đã vớt thi thể lên, bí mật đưa về tẩm liệm, chôn cất trên phần đất của bà Tư Khánh, một người dân thôn An Thới. Ngôi mộ bí mật, không mộ chí quanh năm không khi nào vắng bóng khói hương.

Sau nhiều năm tháng tìm kiếm, ngày 4/4/1998, cô con gái Đào Thị Minh Vân mới tìm được nơi người cha của cô yên nghỉ. Nhờ 2 chiếc răng bọc bạc ở hàm dưới, những đồng chí đồng đội của cha cô đi cùng cô trong chuyến kiếm tìm đã nhận ra ngay người dưới mộ là Hoàng Minh Đạo - người anh lớn, người thầy, người đồng chí đồng  đội mà họ hằng kính trọng, yêu quý.

Tất nhiên, những trang tư liệu hào hùng  về nhà tình báo, liệt sĩ Hoàng Minh Đạo, thì phải mãi sau này bà Minh Vân mới có dịp tìm hiểu tường tận. Còn suốt những năm tháng tuổi thơ, ngoài cái tên thật là Đào Phúc Lộc, cô hầu như không biết gì về thân phận và nhiệm vụ của cha mình.

Bé Đào Thị Minh Vân ngồi trong lòng Bác Hồ.

Sau năm 1954, cô mới biết cha mình hoạt động Cách mạng, vì nhiệm vụ nên còn phải ở lại miền Nam chiến đấu lâu dài. Minh Vân có thêm nhiệm vụ là chăm sóc bé Đào Minh Ngọc, em cùng cha khác mẹ được đưa từ miền Nam ra và cũng được gửi nhờ gia đình bà Kíu nuôi nấng.

Bà Bùi Ngọc Hường, người vợ thứ hai của Hoàng Minh Đạo, mẹ kế của Minh Vân chỉ tập kết ra Bắc một thời gian ngắn, sau đó lại quay về Nam tham gia chiến đấu. Người con thứ hai của bà với Hoàng Minh Đạo tên là Đào Thị Minh Thu, ngày mẹ xuống tàu tập kết (10/1954) chỉ mới hơn một tháng tuổi nên đành phải gửi nhờ một gia đình cơ sở ở Cần Thơ nuôi hộ.

Tháng 6/1961, sau  khi bà Hường trở về Nam, hai người có thêm một con gái nữa, đặt tên là Đào Thị Minh Hồng. Như thể định mệnh, những người con của nhà tình báo Hoàng Minh Đạo đều phải dự phần chia ly với cha mẹ. Từ tấm bé, mỗi người được gửi một phương, chẳng ai được sống sum vầy cùng cha mẹ.

Ở miền Bắc, họa hoằn lắm Minh Vân mới một lần được nhận thư cha. Thư chuyển bằng đường giao liên bí mật, đi mất nhiều tháng trời mới đến tay người nhận nên cô bé cũng chẳng thể biết chính xác cha viết thư cho mình từ đâu. Trong bức thư nhận được vào cuối năm 1962, ông Năm Thu (một bí danh  khác của Hoàng Minh Đạo) thông báo cho Minh Vân biết: "Ba hiện làm ăn ở Nam Vang. Ba bị bệnh gan to, lách to... Ba nhớ các con nhiều và yêu hai con lắm!". Phần tái bút, ông ghi: "Ba đã nhận được tấm ảnh con ngồi trong lòng Ông Nội. Ba rất hạnh phúc và phấn khởi!".

Đọc thư, Minh Vân rất sung sướng  nhưng... không hiểu gì cả. Cô nói với bạn bè: "Ông nội mất trước khi ba mẹ mình lấy nhau. Vậy mà ba lại bảo đã nhận được ảnh mình ngồi trong lòng ông nội. Không khéo công việc nhiều quá, ba mình lẩm cẩm mất rồi".

Sau ngày miền Nam giải phóng, cô cán bộ ngành Ngoại giao Đào Thị Minh Vân được cử vào miền Nam công tác. Cô đã có dịp gặp rất nhiều đồng chí, đồng đội, những  người anh em thân thiết của cha mình. Các bác Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Hai Văn (Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục), Tư Thắng (Huỳnh Việt Thắng, Phó Chánh án TAND tối cao), Bảy Dự (Nguyễn Võ Danh, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Mai Chí Thọ, Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, Thượng tướng Lâm Văn Thê, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu, Thiếu tướng Cao Pha... đều nhắc đến cha cô với tất cả sự kính trọng, khâm phục và tiếc thương. Người cha đã khuất, qua hồi ức của những bạn bè đồng chí thân thiết nhất đã sống lại trong lòng cô con gái như một nhân cách lớn, một đời đầy phấn đấu hy sinh với những đóng góp lớn cho Cách mạng và dân tộc.

Tất nhiên, ông không hề lẩm cẩm. Một hôm, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã mời Minh Vân đến, trao lại cho cô một tập tài liệu cá nhân lẫn hình ảnh của liệt sĩ Đào Phúc Lộc mà ông đã cẩn trọng gìn giữ hàng chục năm ròng. Chọn riêng một tấm ảnh sáng, rõ nhất trong toàn bộ xấp ảnh, đồng chí Nguyễn Văn Linh nói với cô: "Vì công tác, ba cháu thường  xuyên phải vào ra vùng địch nên đã gửi những tấm ảnh này lại cho bác Út (tức bác Nguyễn Văn Linh) giữ giùm. Tấm ảnh này Bộ Quốc phòng gửi vào cho ba cháu hồi đầu năm 1962. Nhiều chú bác, ở Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam rồi Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã từng chuyền tay nhau ngắm tấm ảnh đặc biệt này. Giữa rừng sâu gian khổ hay dưới địa đạo tối tăm, bức ảnh này đã trở thành nguồn động viên to lớn đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ tại cơ quan đầu não của Cách mạng ở miền Nam. Với những cô chú có con em tập kết hoặc được gửi ra miền Bắc học tập, tấm ảnh càng quý giá. Nó đã giúp nhiều người tăng phần yên tâm tin tưởng, rằng con em mình ở miền Bắc đang được Bác Hồ, Đảng, Chính phủ và đồng bào ngoài đó hết lòng quan tâm chăm sóc. Với riêng ba Đạo của cháu, đó là một vinh dự lớn. Giờ bác giao lại cho cháu. Cháu hãy sống xứng đáng với tư cách là người có mặt trong tấm ảnh. Ba cháu sẽ không mong gì hơn thế".

Đỡ tấm ảnh, cô gái xúc động trào nước mắt. Không cần ai gợi nhớ hay giải thích, Minh Vân cũng nhận ra ngay cô bé đang ngồi giữa lòng Bác Hồ trong tấm ảnh ấy chính là mình. Năm 1958, Minh Vân chưa đầy 12 tuổi. Cô là học sinh nhỏ nhất trong số 98 học sinh Việt Nam được gửi sang Tiệp Khắc học tập tại Trường Thiếu nhi Quốc tế của nước bạn. Một hôm, Bác Hồ và Chủ tịch nước Tiệp Khắc cùng khá đông cán bộ cao cấp của hai Nhà nước đến thăm trường. Một cán bộ trong đoàn khách hỏi anh Đoàn Minh Dũng, người phụ trách Đoàn học sinh Việt Nam: "Cháu Minh Vân là cháu nào?". Anh Dũng gọi ra, Minh Vân đã hết sức sung sướng khi bất ngờ nhận được thư và quà của cha mình. Quà là một chiếc bấm móng tay, một chiếc kéo nhỏ và một chiếc bút máy. Lá thư chỉ có mấy dòng, ghi trong một tờ giấy nhỏ bằng những con chữ cũng nhỏ li ti: "Có chú làm ăn ở chỗ ba ra, ba gửi cho con mấy món quà nhỏ mà ba nghĩ là con gái ba cần dùng đến. Ba yêu con và nhớ con nhiều. Ký tên: Lộc".

Sau những tiết mục văn nghệ, đoàn học sinh được Bác Hồ chia kẹo. Khi chụp ảnh, ai cũng cố chen vào để được đứng ngồi gần Bác. Minh Vân bé quá, không làm sao chen được, suýt nữa đã oà khóc. Bất ngờ, người cán bộ chuyển thư và quà lúc nãy đã tìm, bế bổng Minh Vân lên và đặt cô bé ngồi vào lòng Bác. Sung sướng quá, ngỡ như được ngồi giữa lòng một ông Tiên, đầu óc Minh Vân cứ bồng bềnh, không để ý gì đến bao nhiêu ánh đèn flash của máy quay phim, máy ảnh đang loé lên liên hồi đến loá cả mắt.

Thời khắc đó, cô bé nhớ như in. Nhưng còn quá non nớt, cô lại không kịp nhận ra nỗi xúc động của cha mình khi viết trong thư là "đã được nhìn thấy ảnh con ngồi trong lòng Ông Nội". Phải gần 20 năm sau, ký ức mới có dịp vỡ oà. Có lẽ, để đến được tay người cha - người lính đang chiến đấu ở miền Nam, bức ảnh ấy đã phải chu du gần nửa vòng trái đất, vượt trăm sông nghìn núi với muôn trùng lửa đạn, đủ biết tấm lòng của hậu phương lớn miền Bắc đối với đồng bào, đồng chí ở miền Nam sâu nặng đến mức nào.

Bức ảnh đó là một thời khắc lịch sử, là kỷ vật vô giá của người cha để lại. Với bà Minh Vân, cho đến khi mái đầu đã bạc, mãi mãi vẫn là kỷ vật thiêng liêng nhất

Nguyễn Hồng Lam
.
.
.