“Cây kơ nia” giữa đại ngàn văn hóa dân gian

Chủ Nhật, 29/06/2014, 10:46
Hơn 15 năm về trước, ông nghỉ hưu khi đương nhiệm Phó Giám đốc Sở VHTT Phú Yên. Có lương hưu và nhà riêng ở TP Tuy Hòa, nhưng ông về với đồng bào Chăm Hroi của mình ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa. Không chỉ biến đất hoang thành vườn tược mà ngày đêm ông cần mẫn với công việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông là Ka Sô Liễng - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (VHDG) được nhiều bạn đọc và đồng nghiệp cảm phục về sức lao động sáng tạo, bền bỉ.

Ở tuổi gần 80 nhưng Ka Sô Liễng vẫn còn rắn chắc, khỏe mạnh. Trong chiều sâu cội nguồn VHDG, ông được nhiều người ví như cây kơ nia vươn cao trước gió, như cánh chim kơ tia không mỏi, như con ong cần mẫn giữa đại ngàn… Còn tôi, gọi ông là già Liễng - rất dân dã, thân thiện.

Ngồi trong nhà sàn giữa vườn rừng lộng gió, già Liễng tâm sự: “17 tuổi tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 84 rồi tập kết ra Bắc, đi học bổ túc văn hóa và chuyển đến Trường lý luận nghiệp vụ văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1963, tôi về Ty VHTT Quảng Ninh. 7 năm sau, tôi thi đậu khoa đạo diễn Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội, được giữ lại trường giảng dạy văn hóa quần chúng và mỹ học”. Khi cuộc chiến tranh sắp kết thúc, Ka Sô Liễng vào Nam làm ở Đoàn văn công tổng hợp Ban tuyên huấn Khu 5 một thời gian ngắn chuyển về căn cứ Đăk My ở Quảng Nam để xây dựng Trường văn hóa nghệ thuật Khu 5. Đất nước thống nhất, ông theo nghiệp sân khấu với vai trò đạo diễn, trưởng đoàn dân ca kịch - cải lương Phú Khánh. Với vốn kiến thức chuyên môn cùng những trải nghiệm góp nhặt bằng sức lao động nghệ thuật, Ka Sô Liễng dàn dựng gần 30 vở diễn dân ca kịch, tuồng, cải lương cho sân khấu nghệ thuật Phú Khánh suốt 10 năm. Trong đó có nhiều vở diễn được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung, nghệ thuật, đồng thời mang về huy chương vàng, bạc tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu khu vực và toàn quốc như Trần Bình Trọng, Ba cha con, Rừng hận, Đôi mắt, Núi rừng thầm lặng, A Nàng, Hoa Plang… Điều khiến cho nhiều người cảm phục là Ka Sô Liễng dàn dựng thành công thể loại kịch hát bài chòi, cải lương, hát bội đậm chất văn hóa truyền thống đồng bằng, miền biển, khác biệt văn hóa buôn làng miền núi Tây Nguyên.

Già Ka Sô Liễng đang dạy chữ Chăm Hroi cho trẻ em ở xã Ea Chà Rang.

Già Liễng tâm sự: “Tất bật dàn dựng kịch, tuồng một thời gian dài, khi Phú Yên tái lập đầu tháng 7-1989, tôi về làm Trưởng phòng Văn nghệ rồi được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở VHTT Phú Yên. Đến lúc đó, tôi mới có thời gian sưu tầm, nghiên cứu VHDG. Không đổ mồ hôi như cày cuốc, gieo trồng trên nương rẫy, nhưng cũng vất vả, công phu khi tìm kiếm, chắp nối tư liệu góp nhặt qua lời kể của những già làng…”. Sau vài năm lặn lội đến các buôn làng, già Liễng mang về nhiều “báu vật” văn hóa có nguy cơ lãng quên. Bên cạnh những trường ca “Xing Chi Ôn” của đồng bào Bana, “Chơ Lơ Kok” của đồng bào Ê đê, “Tiếng cồng ông bà Hbialơ Đăk” của đồng bào Chăm, rồi “Chi Pơ Nâm”, “Chi Đê”, “Chi Liêu”, “Tìm lại chị em Jông Uốt”, “Giàng Hlăk xấu bụng”… Nghỉ hưu non năm, Ka Sô Liễng không chỉ gửi về Hội Văn nghệ dân gian và Hội Văn nghệ dân tộc thiểu số Việt Nam 3 trường ca “Tiếng cồng nàng HBia Đá”, “Bia Tơ Lúi - Ka Li Pu” và “Anh em Chư Blơng”. Mỗi tập không dưới 700 trang in song ngữ Việt - Chăm Hroi. Hỏi về những chuyến đi sưu tầm VHDG, Ka Sô Liễng bảo: “Phải lưu lại buôn làng nhiều ngày, có khi cả tháng, lắm lúc một nơi phải đi lại cả chục lần để ghi chép, ghi âm để đối chiếu, chỉnh sửa rồi mới sắp xếp cho đúng âm điệu trường ca…”. Ngừng một lát, già Liễng thổ lộ: “ Dành chút lương hưu để chi phí xăng xe, giấy bút cho những chuyến đi sưu tầm, để giữ lại nhiều chuyện kể dân gian, trường ca cho các thế hệ trong cộng đồng dân tộc thiểu số hiểu biết sâu sắc cội nguồn văn hóa Tây Nguyên”.

Cộng đồng người Chăm Bà Ni ở Ninh Thuận, Bình Thuận và người Chăm Nam Bộ đã có chữ viết, trong khi đó hơn ba vạn người Chăm Hroi ở Phú Yên, Bình Định chỉ có tiếng nói. Hồi mới sưu tầm những tác phẩm văn hóa đầu tiên, già Liễng phải mượn chữ Ê đê ghi chép, nên ông trăn trở đi tìm ngôn ngữ viết cho đồng bào mình. Bằng giải pháp sử dụng một phần chữ viết Ê đê và những mẫu tự Latinh, kết hợp dò hỏi các nhà ngôn ngữ học, già Liễng tạo nên bộ chữ Chăm Hroi từ năm 2010. Cuối năm đó, chương trình phát thanh tiếng Chăm Hroi phát sóng mỗi tuần hai lần trên Đài Phát thanh Phú Yên, người biên dịch kiêm phát thanh viên là Ka Sô Liễng. Đầu năm 2011, già Liễng gửi bộ chữ viết Chăm Hroi do ông kiến tạo đến Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thẩm định và công nhận. Sau đó có nhà xuất bản sử dụng bộ chữ già Liễng tạo ra để in song ngữ Việt - Chăm Hroi các tác phẩm do ông sưu tầm, biên soạn như “Kho tàng sử thi Tây Nguyên - sử thi Chăm Hroi: Chi Bri - Chi Brit”, “Tiếng cồng ông bà Hbialơ Đăk”, “Tiếng cồng nàng HBia Đá”, “Hbia Ta Lúi - Ka Li Pu”, “Anh em Chi Blơng”. Ở huyện miền núi Sơn Hòa, già Liễng mở nhiều lớp dạy chữ Chăm Hroi, đến giờ đã có Hờ Nguyệt, Nguyễn Ninh làm biên dịch, phát thanh viên tiếng Chăm Hroi của Đài Phát thanh - truyền hình Phú Yên. Ông Sô Minh Nũng - nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa phấn khởi bày tỏ: “Ông Ka Sô Liễng có công tạo ra bộ chữ viết Chăm Hroi, đồng bào biết ơn ông nhiều lắm”. Già Liễng tâm sự: “Hoàn thành bộ chữ viết Chăm Hroi, tôi vui lắm. Có chữ viết rồi, bản sắc văn hóa Chăm Hroi sẽ được lưu truyền bền vững trên những trang sách, tôi ưng cái bụng lắm”

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.