Cây "Xanh Bốn Mùa"

Thứ Năm, 02/06/2005, 09:43

Khi trồng cây "Xanh Bốn Mùa", Bác muốn giữ lại tình thương cho những người lao công quét rác trên khắp các phố phường, để họ bớt đi những khổ cực giữa nắng gắt trưa hè và giá rét đêm đông. Song tiếc thay, ước vọng nhân văn cao đẹp và thiết thực của Bác chưa được các thế hệ chúng ta quan tâm!

Đầu Xuân Ất Dậu 2005. Hội đồng hương xã Nam Phong, huyện Nam Đàn (Nghệ An) ở Hà Nội đã gặp một dịp may hiếm có, tràn đầy xúc động và hạnh phúc. Khi mọi người tề tựu đông đủ ở khoảnh vườn phía bên phải, liền kề với nhà sàn và ao cá Bác Hồ, anh Bùi Kim Hồng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ôn tồn nói: Rất có thể, các bác, các anh chị có nhiều người đã nhiều lần viếng Lăng Bác, tham quan khu nhà ở, làm việc và vườn Bác, nhưng chưa biết hết những di tích lịch sử ở đây. Những di tích lịch sử này, hiện nay chưa có điều kiện mở cửa đón một lượng lớn khách tham quan đông đảo. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác, đoàn của ta ít người, lại là con cháu, dâu rể của quê hương Bác, nên chúng tôi xin vui lòng phục vụ.

Dừng một chút, anh Hồng nói tiếp: "Chúng ta bắt đầu từ đây, từ lối nhỏ rải sỏi này. Chính trên đoạn đường nhỏ này, chúng ta đã đưa tiễn Bác lên xe để về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm công tác bảo quản thi hài Bác. Sinh thời, hằng ngày, Bác thường đi trên lối sỏi nhỏ này xuống khu nhà ở của cán bộ, nhân viên phục vụ, chuyện trò thân mật, vui vẻ như người cha trong gia đình. Có những buổi trưa, Bác đi một mình trên lối sỏi này ra xem con công xòe đuôi múa. Vâng, lối sỏi con trong bài thơ "Bác ơi!" của đồng chí Tố Hữu chính là lối sỏi này đây. Chúng tôi gìn giữ lối sỏi nhỏ thân yêu này vì lần đầu tiên, ngày ấy và cũng là mãi mãi, không còn được nhìn thấy hình bóng hiền từ của Bác đi lại, sau 15 năm Bác sống và làm việc trong khu vườn này.

Rời lối sỏi nhỏ, đi một đoạn ngắn, chúng tôi đến trước một cây cổ thụ trồng giữa góc thước thợ của hai căn nhà nhỏ. Anh Bùi Kim Hồng giới thiệu, căn nhà bên phải là nơi các bác sĩ Việt Nam và các chuyên gia y học Trung Quốc đã túc trực ngày đêm cứu chữa Bác cho đến tận những phút giây cuối cùng. Về cây cổ thụ, anh Hồng bảo, Bác đặt tên là cây "Xanh Bốn Mùa", anh sẽ nói rõ sự tích sau. Còn căn nhà bên trái là nơi Bác trút hơi thở cuối cùng. Anh Hồng kể lại: Căn nhà nhỏ này được xây dựng từ năm 1967.

Ngày thi công, Bác hỏi để dùng vào việc gì? Các anh lãnh đạo đành thưa thật với Bác là các anh Bộ Chính trị rất lo cho sức khỏe của Bác, chỉ thị phải xây dựng một căn phòng nhỏ để những khi Bác ốm mệt, đừng cho Bác đi lại nhiều trên cầu thang nhà sàn, mời Bác xuống đây ở tạm và làm việc, các bác sĩ cũng tiện bề qua lại chăm sóc sức khỏe Bác. Nghe vậy, Bác vui vẻ chấp nhận. Bác chỉ dặn thêm đã có nhà sàn rồi, chỉ xây nhỏ, vừa phải, bình thường thôi. Đừng làm gì lãng phí, tốn kém tiền của nhân dân…

Mỗi lần vào thăm nhà sàn, các anh Bộ Chính trị đều vào đây thắp nén hương viếng Bác. Trong những giờ khắc cuối cùng của cuộc đời, Bác luôn ở trạng thái khi tỉnh khi mê. Khi tỉnh lại, Bác hỏi nước lụt sông Hồng đã lên đến đâu? Bác hỏi các anh Bộ Quốc phòng tình hình miền Nam ra sao rồi?...

Quả thật, tất cả những gì có trong gian nhà nhỏ này đều quá đỗi bình thường, đơn sơ như chúng ta đã từng biết về tâm hồn và phong cách thanh cao của Bác. Một chiếc bàn gỗ nhỏ có cây bút và mấy tờ giấy trắng. Tiếp đến là chiếc giường đơn trải tấm vải trắng, có chiếc gối bông. Một chiếc đồng hồ để bàn đặt trên một chiếc ghế gỗ bên cạnh đầu giường. Phía trong giường là bàn thờ, chỉ đặt ảnh chân dung Bác, một lư hương nhỏ bằng gốm sứ, một đĩa nhỏ hoa quả và mấy bao hương. Đồ đạc chỉ có vậy, được xếp đặt gọn trên một diện tích chưa đầy 20m2.

Chúng tôi trở lại bên cây "Xanh Bốn Mùa". Anh Hồng kể vắn tắt rằng trong một chuyến đi công tác nước ngoài, bạn giới thiệu với Bác một loài cây có đặc tính rất lạ thường - cây không rụng lá và tươi tốt quanh năm. Bác nghĩ ngay đến nỗi cực nhọc của những người quét rác. Bác liền xin giống cây này đem về trồng. Bác thường dặn phải làm sao nhân giống rộng cây "Xanh Bốn Mùa", trồng trên các đường phố cho phố phường sạch đẹp để những người quét rác đỡ vất vả.

Cây "Xanh Bốn Mùa" có thân to, vững chãi như một người đã trưởng thành và cường tráng. Tán cây rộng. Lá không to nhưng dày mình, săn chắc và trổ ken dày khắp cành. Màu lá không sẫm đậm như lá cây ta thường gặp, chỉ xanh xanh như màu lá chè non. Quanh gốc cây không thấy lá rụng. Trông vóc dáng của cây "Xanh Bốn Mùa" giống như những cây lim tôi đã gặp ở đại ngàn Trường Sơn. Tôi chợt nghĩ, có lẽ cây "Xanh Bốn Mùa" sẽ đẹp rất rực rỡ vào mùa thu, mùa đất nước khai sinh và cũng là mùa tiễn biệt Bác đi xa, đời sẽ giàu thêm nhiều ý nghĩa biết bao!

Tôi chỉ còn biết thầm mong câu chuyện nhỏ này trở thành “bức thư ngỏ” và là bức thông điệp tháng 5/2005. Tôi khát khao, hy vọng sẽ có một ai đó, có thể là một nhà khoa học, một nhà lãnh đạo, một nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, báo chí, hoặc một công dân bình thường giàu tâm huyết, sẽ đến gặp anh Bùi Kim Hồng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tìm hiểu cặn kẽ cây "Xanh Bốn Mùa", thực hiện tâm nguyện nhân ái của Bác, mang lại một chút yêu thương, thảnh thơi cho những người quét rác đang ngày đêm làm đẹp những con đường ta đi

Hồ Ngọc Sơn
.
.
.