Cậu học trò người Mông vượt lên tật nguyền

Chủ Nhật, 26/02/2006, 08:41

Chuyện người tàn tật vượt qua mặc cảm, vươn lên làm chủ cuộc sống ở miền xuôi không phải là hiếm, nhưng vì nhiều lý do, những người và những chuyện như thế lại không phải dễ gặp ở các bản mường miền núi xa xôi. Một học sinh người dân tộc Mông tên là Thào A Phềnh ở bản Hô Củng, xã Chà Tở, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, là một ví dụ điển hình về tấm gương đầy nghị lực trong cuộc sống…

Thào A Phềnh là con út trong một gia đình người Mông gốc gác ở xã Xín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Năm 1994, sau chuyến di dân tìm cuộc sống mới, gia đình ông Thào A Sùng và bà Vàng Thị Mai đã đến định cư tại bản Hô Củng, xã Chà Tở, huyện mường Chà, sau đó hai tháng thì sinh Phềnh. Cuối tháng 10/1996, khi Phềnh được 2 tuổi, trong lúc bố mẹ đi làm nương, mấy anh  chị mải chơi quay ngoài sân để Phềnh một mình, em không may ngã vào chảo nước đang sôi trên bếp. Vết bỏng quá nặng, tưởng Phềnh không qua khỏi nhưng rồi được cả bản Hô Củng cùng gia đình hết lòng chạy chữa bằng những loại cây thuốc quý hiếm nhất của rừng Chà Tở, cộng thêm một chút may mắn nữa, Phềnh đã sống nhưng 2 kheo chân của em dính chặt, co rúm lại. Phềnh vẫn lớn lên nhưng em chưa từng một lần được đi bằng 2 chân của mình.

Ý chí của Thào A Phềnh

Nhiều năm nay, sự học ở miền núi thật chẳng dễ dàng gì, xã Chà Tở nói chung bản Hô Củng nói riêng cũng thế... Vận động các cháu trong độ tuổi đến trường là một kỳ tích của các thầy cô giáo cắm bản, nhưng với Phềnh thì lại khác, không đợi các thầy phải đến lần thứ hai. Lên 7 tuổi nhìn các anh chị cắp sách qua nhà, Thào A Phềnh đòi bố mẹ cho học chữ. Năn nỉ mãi cuối cùng ông Thào A Sùng cũng phải đồng ý, với suy nghĩ đơn giản “cho nó đến trường để các thầy trông hộ!?”.

Hằng ngày, trước khi đi nương, ông Sùng phải cõng Phềnh vượt qua cả cây số đường rừng để đến lớp. Tan học, hôm thì đám bạn lớn hơn, hôm thì thầy giáo lại cõng Phềnh về nhà. Chỉ ngồi một chỗ, di chuyển thì phải bò lết dưới đất nhưng từ lớp 1 đến lớp 4 năm nào Thào A Phềnh cũng đứng đầu lớp về kết quả học tập. 4 năm học tại bản là những ngày trường kỳ gian khổ đối với bản thân Phềnh cũng như gia đình và cả các thầy cô giáo. Nhưng chuyện khó khăn thực sự bắt đầu sau khi Phềnh học hết lớp 4. Muốn học lớp 5, em phải ra trung tâm xã, cách bản hơn 20 cây số đường rừng, với những dòng suối hung dữ và các con dốc thật kinh hoàng cùng bao hiểm nguy rình rập đối với những đứa trẻ ở lứa tuổi như Phềnh. Ông bà Thào A Sùng tính chuyện cho Phềnh nghỉ học nhưng được sự động viên của các thầy cô giáo, nhất là quyết tâm của cậu học trò 11 tuổi, năm học 2005-2006, Thào A Phềnh toại nguyện ước mơ. Vì nhà quá xa, lại đông con nên gia đình ông Sùng phải gửi Phềnh ở nội trú, chuyện học tập, sinh hoạt hàng ngày ông đành trông cậy vào các thầy cô giáo, bạn bè và bản thân cậu con trai bé bỏng nhưng giàu nghị lực.

Thào A Phềnh (đeo khăn đỏ) và các bạn trong lớp.

Nói là ở nội trú, nhưng đó chỉ là những dãy nhà tranh tre nứa lá do các gia đình có con em học đóng góp xây dựng. Các em học sinh (từ lớp 5 đến lớp 9) từng nhóm “góp gạo thổi cơm chung”. Cuối tuần, các em lại khăn gói đi bộ về nhà lấy tiếp tế, chủ yếu là gạo (tất nhiên với Phềnh thì gia đình em phải gửi các bạn), còn thức ăn, rau xanh thì kiếm được gì ăn nấy...

Học lớp 5, Thào A Phềnh tiếp tục đứng đầu lớp. Cô giáo chủ nhiệm lớp 5C Nguyễn Thị Thanh, xúc động nói với chúng tôi: “Em thật khâm phục ý chí của cậu học trò nhỏ này. Em có tư duy tốt, chịu khó học hỏi. Nhiều tối, xuống khu nội trú các bạn đã ngủ hết nhưng vẫn thấy Phềnh chong đèn ngồi học bài...”. Qua các thầy cô giáo tôi được biết, Thào A Phềnh học khá tất cả các môn, em lại có năng khiếu đặc biệt về toán và nghệ thuật. Phềnh vẽ tranh rất đẹp và là một tay chơi ghita khá cừ. Trong Hội khỏe Phù Đổng toàn trường tổ chức hồi cuối năm ngoái, Phềnh đã giành giải nhất môn bắn nỏ với số điểm gần như tuyệt đối.

“Lớn lên cháu sẽ làm bác sĩ”

Đó là ước mơ của cậu học trò Thào A Phềnh khi nói chuyện với chúng tôi. Năm 2005, một may mắn đã đến với Phềnh, chẳng là có đoàn bác sĩ của Trung tâm phẫu thuật chỉnh hình tại Hà Nội lên Mường Chà tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo. Nhà quá xa trung tâm xã và có lẽ còn do một chút vô tình của người lớn nên ban đầu em không có tên trong danh sách thăm  khám, nhưng cuối cùng nhờ sự tận tâm của các thầy cô giáo, Thào A Phềnh được lập danh sách bổ sung để xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và em là trường hợp duy nhất của huyện Mường Chà được đưa về Sơn Tây (Hà Tây) để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Sau một tháng ở Sơn Tây, Phềnh được các thầy thuốc Việt Nam và chuyên gia Hà Lan chữa trị, phẫu thuật... một chân. Sau khi tháo băng, Phềnh đã khóc nức nở bởi lần đầu tiên em đã đứng và đi lại được tuy chỉ bằng... một chân. Em trở về trường tiếp tục theo học và được các bác sĩ hẹn đến tháng 9/2005 gọi xuống mổ tiếp.

Hôm vừa rồi gặp chúng tôi, thầy Tạ Văn Tiếp - Hiệu phó Trường tiểu học xã Chà Tở – nơi Phềnh theo học cho biết vẫn chưa thấy các thầy thuốc hồi âm (?). Nhưng nói chuyện với chúng tôi Phềnh vẫn rất vui vẻ, hào hứng, ánh mắt đầy tự tin, em nói: "Trong khi chờ mổ chân còn lại, cháu sẽ phấn đấu học thật tốt để không phụ lòng tin yêu của các bác sĩ, thầy cô và bố mẹ”. "Lớn lên cháu sẽ làm gì?" - Tôi hỏi. “Cháu sẽ học thật giỏi để sau này làm bác sĩ, cháu rất khâm phục và cảm ơn các bác sĩ đã phẫu thuật, chữa chân cho cháu”.

Chia tay cậu học trò người Mông nhỏ bé, tàn tật nhưng giàu nghị lực, tôi biết Phềnh còn có một ước mơ khác, đó là: Kết thúc năm học này, Phềnh sẽ tự mình vượt qua đỉnh dốc Yên Ngựa để về khoe với cả bản rằng em đã đi được bằng hai chân của mình và trở thành một trong rất ít người ở bản Hô Củng heo hút tiếp tục học lên trung học cơ sở.

Ai sẽ chung tay giúp em thực hiện ước mơ này?

Vũ Mạnh Hà
.
.
.