Câu chuyện cuối năm cùng Công an Hoàn Kiếm

Thứ Sáu, 01/02/2008, 17:13
Trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm trụ sát Hồ Gươm, cổng ra vào lại trùng với di tích lịch sử kháng chiến từ năm 1946, số 2 đường Tràng Thi. Ở đây suốt bốn mùa, nhiều phòng làm việc của anh em có cửa sổ trông ra hồ Hoàn Kiếm lúc nào cũng thấy bảng lảng sương khói.

Phải chăng khí thiêng của Tháp Rùa nghìn tuổi hàng ngày phả thần khí vào trụ sở nên anh em ở đây lúc nào cũng tất bật, nhưng phong thái dường như rất nhẹ nhàng.

Đây là quận đầu tiên của Hà Nội phát động cuộc vận động "Xây dựng phong cách người Công an Hoàn Kiếm văn hoá" cách đây hơn 1 năm. Thượng tá Hoàng Quốc Định, Trưởng Công an quận (quê Nam Định, sinh ra lớn lên ở Hà Nội) vẫn thấy chưa hài lòng với kết quả của cuộc thi đua, anh nhỏ nhẹ tâm sự với tôi: Thành tích thì không ít, nhưng nhiều người dân khi tiếp xúc làm việc với Công an vẫn phàn nàn về cách cư xử, nói năng của cán bộ chiến sĩ.

Vì thế mà Công an quận phát động ứng xử văn hoá nhằm khơi dậy tính nhân văn, nhằm nâng tầm lên để phục vụ dân có hiệu quả. Chúng tôi thường căn dặn anh em, đi nhiều địa phương, các đồng đội xa xôi đều rất mến cán bộ, chiến sĩ Hoàn Kiếm, ta cũng làm sao cho xứng đáng cả với dân, cả với đồng nghiệp".

Anh định mời tôi đi tiếp xúc với các đội, với Công an phường để nghe những người dân nói gì khi tiếp xúc với anh em…

Thượng tá Bùi Đình Doãn, Phó trưởng Công an quận là một người gốc Hà Tĩnh, giọng nói nằng nặng đôi lúc phải lắng tai mới hiểu rõ, nhưng tính anh lúc nào cũng xông xáo, ào ào đi, ào ào đến.

Anh bảo cái gốc của ứng xử văn hóa là phải bắt đầu từ lời dạy của Bác Hồ đối với CAND cách đây tròn 60 năm "Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép", hiệu quả lời dạy của Bác phải thể hiện bằng công việc phục vụ dân như thế nào. Tôi không bằng lòng với cụm từ "giúp dân". Đừng nói thế, chức năng nhiệm vụ của mình là phục vụ dân, chứ đâu ngoài chức năng mà bảo là giúp.

Quả là chí lí, hướng về dân, đó là điều tôi cảm nhận được khi làm một chuyến khảo sát thực tế tại các đội và Công an Phường.

Đến Đội Quản lý hành chính của Công an quận đúng vào lúc anh em đang làm thủ tục nhập khẩu cho nhiều người dân, đội có 29 cán bộ thì có 21 là nữ, riêng tháng 12 năm 2007 đã tiếp nhận 1.239 hộ khẩu, trong đó đã giải quyết gọn được 900 trường hợp và 814 CMND.

Tôi hỏi Đội trưởng Phạm Văn Long có nhận được ý kiến phàn nàn nào của dân không thì anh bảo rất may là chưa, "nếu có, chúng tôi đã tổ chức rút kinh nghiệm ngay".

Trung tá Nguyễn Thị Minh Hà cho biết sáng nay chị đã tiếp nhận 11 hồ sơ, đang gắng làm xong trước buổi trưa. Một ngày nếu tính trung bình chị phải nói suốt 8 tiếng như một cô giáo trên bục giảng, hết giải thích cho người này, lại hướng dẫn cho người kia, cứ phải luôn tay luôn miệng. Mà dân thì không ai giống ai, hỏi hàng trăm điều, tất cả đều phải được giải đáp.

Theo người trung tá đã 27 năm thâm niên này thì muốn làm nhanh, bản thân mình phải tinh thông về nghiệp vụ, muốn bà con làm không sai sót, mình phải hướng dẫn tỉ mỉ, thậm chí phải viết ra giấy để bà con làm bằng tin cậy lần sau đến cứ thế mà làm.

"Phải hướng dẫn tỉ mỉ đến lúc nào bà con thông rồi mới thôi, vì hàng chục mục cần phải ghi, nhiều loại giấy tờ với đầy đủ dấu má các cấp phải xin đủ, mình nghĩ đến chuyện bà con phải đi lại nhiều lần xa xôi tỉnh này tỉnh khác là thấy phải nâng cao trách nhiệm tình cảm lên. Mình không tư vấn cụ thể biết đâu nhiều người vì thế sẽ khổ thêm trong hành trình xác nhận hồ sơ. Ngay cả những quy định chưa hợp lý của trên, chúng tôi là người gần dân nên hiểu và đề xuất nên xem xét lại nhằm thuận tiện cho dân…", chị Hà tâm sự.

Hình như cả Đội quản lý hành chính ấy từ trung tá Nguyễn Thị Minh Hà đến Trung tá Bùi Hương Ly hay Đại úy Lê Thị Hằng Nga và Thượng úy Hoàng Thúy Hạnh mà tôi đã gặp có thể chưa thuộc hết nội dung thi đua, thế nhưng những điều họ đang làm như thế, ứng xử hàng ngày như thế là biểu hiện cao nhất thái độ phục vụ dân,  là ứng xử văn hóa của người chiến sĩ Công an Hoàn Kiếm.

Trong một xã hội hiện đại hành vi của người này ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của người kia, nhất là những hành vi ấy xuất phát từ những công chức được giao nhiệm vụ phục vụ dân như đội hành chính này.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Nga, Phó trưởng Công an phường Cửa Đông đã kể lại cho chúng tôi nghe những việc làm rất nhân văn và tự nhiên ở phường được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1996.

Với 24 cán bộ chiến sĩ, đảm bảo an ninh trật tự cho 11.000 nhân khẩu, quản lý cả "phố nhà binh" với trên 200 cán bộ trung cao cấp, tướng lĩnh quân đội, nguyên các nhà lãnh đạo cấp cao của đất nước.

Có một kỷ niệm ấm lòng là anh Nga kể nhân kỷ niệm ngày 27-7 năm qua, Công an phường đã cử cán bộ trực tiếp đến một số gia đình chính sách trên địa bàn làm thủ tục nhập khẩu, khai sinh cho các thành viên. Xong việc, lại đến tận nhà trao kết quả, họ không phải đi lại, xếp hàng rườm rà một ngày nào.

Còn nữa, anh em Công an phường góp tiền túi mua một cây bồ đề về trồng tại đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, che mát cho các anh linh mà phường Cửa Đông đã quy tụ về đây. Đó là gì nếu không phải là ứng xử văn hoá.

Làm cảnh sát khu vực từ năm 1973 sở tại, trở thành một Phó Công an phường, Thiếu tá Nga tâm sự: “Bài học lớn nhất của chúng tôi chính là công tác dân vận. Dân đã giúp thì coi như xong. Muốn vậy, chúng tôi phải làm được 3 điều: Mô phạm của người chỉ huy, giáo dục cán bộ, chiến sĩ bằng việc làm thực tế và là tham mưu cho Đảng bộ, UBND, MTTQ Phường để vừa phối hợp chỉ đạo vừa tổ chức giám sát.

Thấy tôi la cà lâu ở Cửa Đông, Thượng tá Bùi đình Doãn gọi điện nhắc nhở: "Anh hãy đến Phúc Tân ấy. Đấy là Siberi của Hoàn Kiếm xem anh em cư xử với bà con lao động, bà con làm thuê thế nào.

Phường Phúc Tân chạy dọc đê sông Hồng, trên chiều dài gần 1km có hai cây cầu lớn chạy qua là cầu Chương Dương và cầu Long Biên, dân lao động tự do các tỉnh, đông nhất là ở Hưng Yên, Hà Tây, Nam Định tụ tập về làm ăn, thuê mướn nhà cửa, nên tình hình ANTT trên địa bàn phường cũng khá phức tạp. Hiện phường Phúc Tân có hơn 10 ngàn dân có hộ khẩu thường trú và khoảng hơn 5 ngàn lao động tự do tạm trú trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thái Vĩnh, Trưởng Công an phường cho biết: Hiện lực lượng cảnh sát khu vực của phường mới có 11 đồng chí, nên công việc cũng khá vất vả. Nhưng trước hết là phải lịch sự, tôn trọng bà con, tạo điều kiện cho bà con kiếm sống. Sau họ là gia đình, con cái… Mình vất vả thêm một chút nhưng để hàng chục ngàn người được lao động kiếm sống bình yên là vui…

Thượng tá Hoàng Quốc Định cũng tâm sự, với 800 cán bộ, chiến sĩ phục vụ hơn 20 vạn dân quận Hoàn Kiếm (không kể khách vãng lai và dân ngoại tỉnh), ứng xử đúng tầm văn hóa của một chiến sĩ CAND đối với từng bà con quà là khó khăn vì phụ thuộc nhiều điều kiện. Vì thế mà theo anh, mỗi cán bộ, chiến sĩ hãy xác định tranh thủ thời cơ tiến tới chào mừng Thủ đô1000 năm tuổi để nâng mình lên phục vụ dân tốt hơn. Đó mới là cái đích của cuộc vận động.

Đi trong buổi sáng giáp Tết rét ngọt, chúng tôi hòa lẫn vào dòng người tấp nập trong nhịp sống hàng ngày. Đó đây đã có nhà sắm đào quất, nhìn những gương mặt người dân rạng ngời những khuôn mặt trẻ thơ vui vẻ trên đường tới trường, thấy một mùa xuân mới đang về. Phải chăng cuộc vận động của Công an Hoàn Kiếm sau một năm dường như đã thu được kết quả bước đầu, dù còn phải phấn đấu lâu dài…

Hồng Thái - Việt Dũng
.
.
.