Cậu ấm cô chiêu đi du học

Thứ Năm, 08/02/2007, 12:30
Gửi con gái sang Singapore du học, vợ chồng ông N. không ngờ là con mình hiện đang sống ở TP HCM với… người tình! Cô gái chỉ sang Singapore khi đến hạn nhận tiền do cha mẹ gửi rồi lập tức đáp máy bay quay về TP HCM để cùng người yêu say sưa trong các vũ trường.

Thời gian vừa qua, có khá nhiều nhân tài đất Việt, sau khi đi du học ở các nước tiên tiến về đã mang kiến thức mà mình tiếp thu được để góp phần xây dựng đất nước ngày một mạnh giàu.

Trí tuệ, tài năng mà họ có được phải đánh đổi bằng những năm tháng miệt mài học tập, nghiên cứu, ứng dụng, phát minh… và không ít người đã nổi tiếng trên toàn thế giới làm rạng danh gia đình và đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những người cho con đi du học chẳng qua là cho có phong trào và đã gây biết bao hệ lụy…

Từ 1001 kiểu du học tự túc

Ông H., một "đại gia" ở quận Bình Thạnh khoe với tôi là ông dự định cho đứa con trai đi du học tự túc. Nghe vậy, tôi hân hoan: "Thằng nhỏ chắc học giỏi lắm!". Ông trợn mắt: "Đâu mà có, nó thi đại học rớt 2 năm rồi. Bây giờ cho nó qua Singapore học cái gì cũng được vừa nở mặt nở mày với người ta vừa cho nó xa lánh mấy thằng bạn xấu rủ rê chơi bời lêu lỏng". Nói là làm, không bao lâu sau, ông mở tiệc lớn để đưa tiễn con đi du học...

Cán bộ V. ở quận 3 có đứa con gái vừa tốt nghiệp đại học. Tuy học lực thuộc loại thường thường bậc trung và chưa qua kinh nghiệm thương trường nhưng được ông V. cho làm giám đốc một công ty TNHH do ông bỏ tiền thành lập. Công ty hoạt động chẳng được bao lâu thì ông V. phát hiện con mình đã thầm thương trộm nhớ một nhân viên công ty.

Không chấp nhận chàng rể tương lai có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, vợ chồng ông ra sức can ngăn nhưng vô vọng. Sau nhiều ngày bàn bạc, vợ chồng ông quyết định đưa con đi du học vì theo họ, đó là cách tốt nhất để đoạn tình đôi trẻ. Con ông gạt nước mắt ra đi…

Ở một cơ quan nọ từ lâu đã hình thành nên một phong trào cho con đi du học. Thế nên, trong những giờ rảnh rỗi mọi người thường kể cho nhau nghe về chuyện con cái của mình ở "bên ấy" với vẻ đầy tự hào dù chẳng hề biết chất lượng học tập của chúng ra sao. Sự ganh đua đến nỗi nhiều người còn tuyên bố nhịn nhậu nhẹt, phấn son để gửi thêm tiền tiêu vặt cho con mình cốt để cho chúng toàn tâm cho việc học tập.

Những khi nghe đến chuyện du học, người buồn nhất là ông sếp phó, bởi đứa con trai của ông thích ăn chơi hơn học hành, trình độ ngoại ngữ thì thấp lè tè, chỉ nói được vài câu "tiếng bồi" học được ở khu phố Tây "ba lô", quận 1. Tuy nhiên vì muốn bằng chị bằng em, ông vẫn đẩy đứa con sang Australia mặc cho nó van xin thảm thiết "con có biết gì đâu mà đi học!".

Đến những chuyện cười ra nước mắt

Việc du học ở nước ngoài là một sự thay đổi tích cực trong cuộc sống nhằm xác lập nghề nghiệp cho tương lai; giao thoa với những nền văn hóa, những bạn bè quốc tế để tích lũy thêm vốn sống cho mình. Quan trọng hơn là chúng ta tiếp thu được những kiến thức tiên tiến để góp phần xây dựng đất nước. Đó là những nhân tài thật sự, du học theo diện học bổng, tài trợ hoặc tự túc nhưng bằng một quyết tâm nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của mình ngang tầm quốc tế. Bằng ngược lại, du học mang hình thức phong trào; ép buộc nhằm thỏa mãn sự đua đòi, che đậy sự hư đốn của con cái đều để lại những hậu quả khó lường.

Một trong những vết đen của phong trào du học tự túc mà báo chí trong nước đồng loạt thông tin là chuyện Cảnh sát Anh tìm được người mẹ đã bỏ đứa con vừa sinh ra tại Bệnh viện Loton & Dunstable vào ngày 28/10/2006.

Theo ảnh ghi được từ hệ thống camera ở bệnh viện thì người mẹ đó là L., khi sinh con chỉ mới 19 tuổi. Cô sang Anh học theo diện tự túc nhưng thường xuyên bỏ học để sống như vợ chồng với một du học sinh khác cũng đến từ Việt Nam.

Ngoài chuyện gái trai, một bộ phận du học sinh ở Anh còn vùi đầu vào những canh bạc (bài xì-dách; cá độ đá banh, đua ngựa, đua chó…) vốn là môn chơi hợp pháp ở xứ sở này. Một số cựu du học sinh ở Anh cho biết, một sinh viên Việt Nam mỗi ngày "nướng" vài ngàn bảng vào sòng bạc là chuyện bình thường. Mỗi sáng các cậu cũng khoác ba lô lên vai nhưng không phải để đến giảng đường mà vào sòng bạc và vất vưởng trở về nhà khi đã trắng tay.

Ở Singapore, theo lời của A. (nhà ở Thủ Đức - TP HCM), sinh viên năm thứ 3 Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học công nghệ thông tin Nanyang (NTU) kể lại, chuyện sinh viên Việt Nam bỏ học, ăn chơi trác táng ngày một nhiều hơn.

Như trường hợp của T. (quê Bình Dương) mới sang học được một tuần lễ đã cạo đầu trọc rồi cùng các "chiến hữu" Việt Nam lập thành một băng nhóm chuyên nhậu nhẹt, quậy phá những người đồng hương. Khi bị đuổi học, biết chuyện, ông H. - cha T., nghiêm cấm con trở về nhà vì như thế sẽ làm mất thể diện của ông.

Để giải quyết hậu quả, ông mua cho T. một căn biệt thự ở quận 2 (TP HCM) để "lánh nạn" và chu cấp tiền bạc cho T. ăn xài chờ ngày "ra trường" mới được trở về Bình Dương.

Đau khổ không kém ông H. là ông N. ở quận 5 có đứa con gái tên Kh. du học ở Singapore, là niềm tự hào của gia đình ông và dòng họ. Tuy nhiên, sau hai năm trời chăm lo cho con với biết bao hy vọng, ông đã phát hiện ra một chuyện động trời là Kh. hiện đang sống ở TP HCM với… người tình!

Kh. chỉ sang Singapore khi đến hạn nhận tiền do cha mẹ gửi. Xong là lập tức đáp máy bay quay về TP HCM để cùng người yêu say sưa trong các vũ trường. Khi mọi chuyện đổ bể, Kh. trốn biệt tăm suốt mấy tháng liền, báo hại ông phải thông báo tìm người thân trên báo, đài truyền hình với lời cam kết "sẽ tha thứ mọi lỗi lầm". Tưởng cha mẹ không dối mình, Kh. quay về tổ ấm thì bị ông N. nện cho một trận thừa sống thiếu chết. Một lần nữa Kh. bỏ ra đi…

Nh. nhà ở quận 9 (TP HCM) hiện đang du học tại Australia kể: Trước đây cô có học chung với một người bạn tên D. là con của một quan chức ở Hà Nội. Lúc đầu D. cũng chịu khó học hành nhưng kể từ khi cha D. sắm cho con chiếc xe hơi thể thao để làm phương tiện đi học thì D. thay đổi hẳn. Thế là những giờ lên giảng đường D. lại tụ tập đám bạn để đua xe. Sau nhiều lần bị cảnh sát thổi phạt mà không có tiền đóng, D. bị trục xuất về nước.

Khi nhắc đến những bậc sinh thành đổ bao tiền bạc vào những kẻ phá gia chi tử để chuốc lấy sự khổ đau, tôi bỗng nhớ đến những học sinh nghèo học giỏi không có tiền vào đại học mà cảm thấy xót xa. Và đáng quý biết bao những hòan cảnh như chị Lưu Thị Hoa (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) làm thuê làm mướn để nuôi 3 con đi ăn học hay chị Nguyễn Thị Quý (Triệu Phong, Quảng Trị) gia đình nghèo xác xơ nhưng vẫn dốc hết sức mình để quyết tâm nuôi 6 người con ăn học thành tài…

Những nhà chuyên môn khẳng định, cha mẹ là tấm gương tiêu biểu cho con, thật quá chân lý trong những hoàn cảnh như thế này!

Mã Thanh Phong
.
.
.