Cao nguyên đá ước vọng làm giàu

Thứ Sáu, 04/04/2008, 14:50
Hà Giang rất nhiều thế mạnh và rất nhiều tiềm năng như câu nói bộc trực của ông Trịnh Duy Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: "Hà Giang chúng ta đang có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên phải thực sự sử dụng tiềm năng một cách hợp lý, qua sự đầu tư đúng hướng và có quyết tâm cao, mới có hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội".

Ngồi trên "đống vàng" nhưng chưa biết cách lấy!

Thực tế cũng chỉ có cao nguyên đá nằm trên địa bàn 4 huyện vùng cao phía Bắc tỉnh Hà Giang, gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ và Yên Minh là ít được thiên nhiên ưu đãi nhất.

Nhìn tổng thể, Hà Giang có diện tích rừng tương đối lớn, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 262.957ha, với nhiều sản vật quý hiếm: động vật có các loài gấu ngựa, sơn dương, voọc bạc má, gà lôi, đại bàng...; các loại gỗ: ngọc am, pơ mu, lát hoa, lát chun, đinh, nghiến, chò chỉ...; các cây dược liệu như sa nhân, thảo quả, quế, huyền sâm...

Những khảo sát, thăm dò gần đây cho thấy tài nguyên khoáng sản của Hà Giang cũng hết sức phong phú, bước đầu đã phát hiện được 28 loại khoáng sản khác nhau.

Đáng chú ý là có những mỏ có trữ lượng lớn trên một triệu tấn với hàm lượng khoáng chất cao như: angtimon ở các mỏ: Mậu Duệ, Bó Mới (Yên Minh); sắt ở Tùng Bá, Bắc Mê; chì - kẽm ở Na Sơn, Tả Pan, Bằng Lang, Cao Mã Pờ.

Ngoài ra, còn có nhiều khoáng sản khác như: pirít, thiếc, chì, đồng, mangan, vàng sa khoáng, đá quý, cao lanh, nước khoáng, đất làm gạch, than non, than bùn...

Ông Nguyễn Viết Xuân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho hay: Hiện nay một số mỏ đã được tỉnh cho tiến hành khai thác và đã có những hiệu quả thiết thực, chủ yếu là các mỏ có trữ lượng lớn như đã nêu ở trên.

Theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, chính vì chú trọng vào các "trọng điểm" này mà tình hình khai thác trái phép tại các mỏ khoáng sản có trữ lượng thấp tại Hà Giang hiện đang có dấu hiệu tăng mạnh. Điển hình như tình hình khai thác quặng thổ phỉ (thiếc) ở địa bàn xã Hố Quáng Phìn (huyện Đồng Văn) đang rất đáng lo ngại, vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền địa phương và không ít lần dư luận xã hội đã phải lên tiếng.

Ông Vương Mí Vàng - Phó Chủ tịch tỉnh cho biết: Trong thời gian gần đây, Hà Giang đón tiếp rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến để tìm hiểu môi trường, đăng ký hoạt động kinh doanh.

Hiện tại, tỉnh đã hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống thủy điện vừa và nhỏ giai đoạn 2005 - 2010 có xét đến năm 2015. Theo quy hoạch, có 23 đề án thủy điện đã được phê duyệt.

Trong lĩnh vực này, Hà Giang xác định đầu tư xây dựng hệ thống thủy điện sông Nho Quế 1, 2, 3 và sông Nhiệm với công suất khoảng 200MW; hệ thống thủy điện sông Miện gồm: Thái An, Thuận Hòa, sông Miện 1 với tổng công suất 120MW...

Cũng theo Phó Chủ tịch Vương Mí Vàng, trong quy hoạch phát triển công nghiệp, Hà Giang xác định đầu tư đồng bộ, từ khai thác đến chế biến thành phẩm, luyện kim cho 4 loại khoáng sản chủ yếu: sắt, chì - kẽm, mangan và angtimon ở các mỏ Tùng Bá, Ao Xanh... với quy mô 1,5 triệu tấn/năm. Nâng công suất khai thác tuyển chì - kẽm mỗi năm đạt 12.000 đến 15.000 tấn quặng tinh.

Hiện nay, tỉnh có 11 nhà máy đã đi vào hoạt động ở các lĩnh vực: chế biến chè xanh xuất khẩu, lắp ráp ôtô, sản xuất bột giấy.

Phát triển du lịch để xóa nghèo, xóa đói

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Vương Mí Vàng khi nói về hướng phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Bên cạnh các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, về thu hút đầu tư, một điều không thể phủ nhận là Hà Giang có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch.

Hà Giang còn nhiều khu rừng nguyên sinh chưa được khai thác, môi trường sinh thái trong lành và chứa đựng nhiều tiềm ẩn kỳ thú. Các rừng đá nhấp nhô ẩn hiện trong mây bạc, nhiều đỉnh núi cao trên 2.000m như Pu Ta Kha, Tây Côn Lĩnh; nhiều hang động đầy bí ẩn như Tùng Bá, Lùng Má, (huyện Vị Xuyên), Tùng Vài (Quản Bạ), Hang Mây, Sảng Tủng (Đồng Văn); các danh thắng như núi Cô Tiên, Cổng Trời (Quản Bạ).

Bên cạnh đó, Hà Giang có cột cờ Lũng Cú được mệnh danh "nóc nhà của Tổ quốc", có phố cổ Đồng Văn huyền bí, có chợ tình Khâu Vai nên thơ, có di tích nhà họ Vương... Ngay cả cao nguyên Đồng Văn hùng vĩ với những cổng trời quanh năm mây phủ cũng là một tiềm năng của ngành công nghiệp không khói...

Theo Phó Chủ tịch Vương Mí Vàng, thành tựu nổi bật nhất của tỉnh Hà Giang trong 115 năm qua, đặc biệt là sau 15 năm tái lập tỉnh là tập trung xoá đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở đường giao thông đến huyện, xã và thôn, bản.

Phó Chủ tịch Vương Mí Vàng khẳng định: "Phát triển du lịch tất nhiên phải dựa vào cái vốn là môi trường sinh thái và văn hoá truyền thống. Chúng tôi xác định dựa vào chứ không khai thác. Từ việc phát triển kinh tế nhờ du lịch, chúng tôi có thể bảo tồn môi trường sinh thái và văn hoá truyền thống của tỉnh”.

 Xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Hà Giang đã chọn cho mình một hướng đi chủ đạo, bên cạnh các hướng đi "hỗ trợ" nhưng không kém phần quan trọng là thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp địa phương. Những hướng đi bằng chính đôi chân của mình để thay da đổi thịt cho cao nguyên đá vẫn còn hoang sơ...

Nguyễn Trường Giang
.
.
.