Cảnh báo hộ nghèo "biến tướng"

Thứ Ba, 25/05/2010, 10:16
Năm 2010, TP Hải Phòng phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%. Theo đó, ngân sách thành phố thực hiện việc mua thẻ BHYT cho người nghèo và trợ cấp thường xuyên đối tượng xã hội là hộ nghèo ước khoảng hơn 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tình trạng hộ nghèo "biến tướng" như hiện nay, Hải Phòng sẽ khó mà thực hiện được mục tiêu đề ra, với tinh thần xoá đói giảm nghèo (XĐGN) bền vững.

Theo khảo sát của ngành chức năng TP Hải Phòng, căn cứ vào chuẩn nghèo cũ (áp dụng trên cả nước) thì năm 2009, toàn thành phố (trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ) còn 23.841 hộ nghèo, với 62.707 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 4,82% (giảm 1,04% so năm 2008). Riêng hộ cận nghèo, tương đương với mức thu nhập bình quân dưới 300.000đ/người/tháng (khu vực nông thôn) và 390.000đ/người/tháng (khu vực thành thị) còn khoảng 41.000 hộ.

Như vậy, nếu so với mục tiêu thành phố đề ra, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,3% thì Hải Phòng về trước kế hoạch 1 năm. Đây thực sự là nỗ lực lớn của các cấp chính quyền TP Hải Phòng. Tuy nhiên, do chỉ số giá tiêu dùng ngày càng tăng cao, mức chuẩn nghèo này không còn phù hợp. Thực tế đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh để những gia đình có khó khăn thực sự được thụ hưởng các chính sách về XĐGN của Nhà nước.

Được biết, từ năm 2010, TP Hải Phòng không áp dụng chuẩn nghèo chung của cả nước, mà theo chuẩn nghèo mới do thành phố quy định. Với mức chuẩn nghèo này, tương đương thu nhập bình quân 300.000đ/người/tháng (khu vực nông thôn) và 390.000đ/người/tháng (khu vực thành thị). Và như vậy, tỷ lệ hộ nghèo của Hải Phòng sẽ tăng từ 4,82% lên hơn 7%, với 41.278 hộ nghèo đựơc thụ hưởng chính sách.

Ngân sách thành phố thực hiện việc mua thẻ BHYT cho người nghèo và trợ cấp  thường xuyên đối tượng xã hội là hộ nghèo, ước khoảng hơn 60 tỷ đồng. Quyết tâm  của TP Hải Phòng trong năm 2010 phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,86%. Để đạt được mục tiêu này, ngoài đầu tư ngân sách để hỗ trợ ra, thành phố còn phải tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác, như: Đầu tư nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp; cho vay vốn hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Y tế, giáo dục, dạy nghề cho người nghèo.

Đặc biệt, để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, TP Hải Phòng đến nay cũng đã chú trọng đầu tư công tác dạy nghề cho người nghèo. Hai mô hình dạy nghề tìm việc làm tại chỗ cho người nghèo đã được Phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng triển khai, với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Cùng với đó, thành phố cũng đang triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

Theo đó, mỗi năm sẽ có hàng chục nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề theo nhu cầu và theo tình hình phát triển KTXH ở địa phương. Đề án dạy nghề này được đánh giá sẽ góp phần to lớn nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, nhất là những nông dân bị mất đất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho họ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn của thành phố.

Điều đáng nói, trong khi các cấp chính quyền và ngành chức năng thành phố đang phải nỗ lực áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN như vậy thì ở một vài địa phương của Hải Phòng, lại xảy ra tình trạng: Hộ nghèo thiếu tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, mà trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thậm chí, không ít hộ còn "giả nghèo" hoặc mong tái nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ, như: Trợ cấp xã hội, học nghề, BHYT, vay vốn ưu đãi học sinh-sinh viên.

Một số cán bộ làm công tác xã hội ở 2 huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo còn phản ánh, địa phương họ hiện đang tồn tại hiện tượng một số gia đình cố tình chia tách hộ để những người tuổi cao, ốm đau, không có khả năng lao động được hưởng hỗ trợ. Đồng thời, cũng có những hộ kinh tế chưa phải khó khăn, chỉ vì có người tàn tật, nhưng cũng tìm mọi cách để được xếp vào diện hộ nghèo để hưởng trợ cấp thường xuyên(?!). Với nhận thức như vậy, đã khiến địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc giúp hơn 600 hộ nghèo có người mắc tệ nạn xã hội, được học nghề, tạo việc làm để thoát nghèo.

Từ thực tế này, vấn đề đặt ra cho các cấp chính quyền và ngành chức năng TP Hải Phòng là: Bên cạnh hỗ trợ, động viên, khuyến khích hộ nghèo nỗ lực vươn lên, cần phải phối hợp đồng bộ trong việc xác định mức nghèo, bình xét đúng đối tượng, quản lý và giám sát chặt chẽ biến động của hộ nghèo hằng năm để từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp hữu hiệu.

Tránh tình trạng hộ nghèo  "biến tướng" do bình xét không chính xác để được hưởng sự hỗ trợ, làm mất đi ý nghĩa của chính sách xã hội, gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu XĐGN bền vững ở địa phương

Lệ Thu
.
.
.