Cần nguồn nước sạch để cứu "làng răng đen"

Thứ Sáu, 13/06/2008, 08:16

Với nồng độ flour cao gấp 17 lần cho phép, nguồn nước sinh hoạt ở một số xã thuộc huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa đã “nhuộm đen” răng của những người dân sinh sống nơi đây. Việc thay đổi thói quen dùng nước giếng, khai thác nguồn nước mới là cấp thiết để xoá sổ những “làng răng đen”.
>>  Nỗi niềm "làng răng đen"

Báo CAND đã có bài viết "Nỗi niềm làng răng đen" thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả ở một số địa phương thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, vốn là những người dân đang sinh sống trong vùng có mạch nước ngầm chứa hàm lượng fluor gấp nhiều lần so với mức cho phép. Với những tài liệu mới thu thập được, chúng tôi xin trở lại vấn đề này. 

Nhiễm fluor vượt mức cho phép 17 lần

Theo kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy, vùng có mạch nước ngầm chứa hàm lượng fluor cao ở huyện Ninh Hòa nằm trong một khu vực tam giác được hình thành rõ nét từ hạ lưu của hai con sông Cái và sông Lốt.

Trong vùng tam giác này có nhiều thôn, xóm thuộc 8 xã Ninh Thượng, Ninh Tân, Ninh Trung, Ninh Phụng, Ninh Xuân, Ninh Thân, Ninh Bình và Ninh Quang. Trong những cuộc khảo sát thực tế trước đây, nhiều mẫu nước đã được thu thập từ các giếng nước sinh hoạt của người dân trong vùng tam giác nêu trên đã được phân tích, xét nghiệm chi tiết tại ba đơn vị, gồm: Khoa Hoá - Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ TP Hồ Chí Minh và Viện Pasteur Nha Trang đã thu được kết quả đáng lo ngại.

Các mẫu nước đều nhiễm nồng độ fluor từ 10 đến 18 ppm, trong khi mức cho phép chỉ đến 1 ppm.

Mặc dù đến thời điểm này chưa có một công trình nghiên cứu y học nào xác định được những căn bệnh cụ thể có liên quan trực tiếp đến hiện tượng nhiễm độc fluor trong nước sinh hoạt, thế nhưng tác động ảnh hưởng của fluor đối với sự hình thành và phát triển răng đã thể hiện rõ nét. Nhiều người dân sinh sống trong "vùng tam giác fluor" ở huyện Ninh Hòa chịu ảnh hưởng trực tiếp về sức khoẻ và tâm lý với những hàm răng biến dạng, đen xỉn.

Trên những con đường làng qua thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng hay ngược lên thôn Vân Thạch, xã Ninh Xuân, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những đứa trẻ đen răng.

Cụ Nguyễn Hét, 73 tuổi, trú ở thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, dáng dấp còn khoẻ mạnh, nhưng hàm răng lại đen xỉn lạ thường. Chỉ tay về phía giếng nước của gia đình đã và đang sử dụng, cụ Hét tâm sự: "Ba đời rồi đấy, nấu ăn, tắm rửa, giặt giũ đều lấy nước giếng này. Từ đời cha tui đến đời tui rồi tới thế hệ con cháu dù không nhai trầu, không nghiện thuốc lào, thuốc lá, cũng không nhuộm răng, nhưng tất cả đều bị đen răng".

Ngừng một lát, cụ Hét nói tiếp: "Cả làng này rất ít người may mắn có được hàm răng trắng. Những người già chấp nhận răng đen đã đành, đến thế hệ con cháu vào các trường đại học, cao đẳng phải cười với bạn bè bằng hàm răng đen xỉn thì quả là tội nghiệp.

Theo các nhà chuyên môn nha khoa, răng sẽ hình thành và phát triển bình thường, được bảo vệ và chống lại sâu răng nếu như cơ thể tiếp nhận một lượng fluor thích hợp. Ngược lại, khi hàm lượng flour vượt giới hạn cho phép, thì răng sẽ không sáng bóng tự nhiên, men răng luôn xuất hiện những mảng trắng đục dị thường, hoặc ngả màu vàng, nâu, đen.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Liêm, Trưởng phòng Y tế huyện Ninh Hòa - người đã tốn kém nhiều công sức để tìm kiếm một giải pháp về nước sạch bày tỏ: "Nồng độ flour cao gấp 17 lần so với mức cho phép, thì chuyện đen răng là điều không thể tránh khỏi, nhưng mối quan tâm lo ngại hơn nữa khi đó có thể là nguyên nhân gây vàng và đen xương".

Cần sớm có một giải pháp                                                                         

Qua tìm hiểu được biết, từ những năm 1983-1984, một nhóm sinh viên khoa răng - hàm - mặt Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh công bố đề tài nghiên cứu khoa học về mạch nước ngầm ở một số vùng trên địa bàn huyện Ninh Hòa bị nhiễm độc flour, thì các cơ quan chức trách bắt đầu tiến hành khảo sát, nghiên cứu nước sạch. Nhiều giải pháp đã được triển khai như: sử dụng ống lọc nước I.C.O.H; khoan giếng tìm nước sạch.

Cuối năm 1999, Tổ chức UNICEF còn hỗ trợ đầu tư khoảng 1.500 chiếc lu chứa nước mưa có dung tích từ 1.000 đến 2.000 lít nước cho hơn 1.000 hộ gia đình ở thôn Vân Thạch, xã Ninh Xuân và Đại Cát, xã Ninh Phụng.

Thế nhưng, tất cả những giải pháp nêu trên chưa mang lại hiệu quả cao do nhiều nguyên nhân như: lượng mưa ít, không đủ nguồn nước sử dụng, giải pháp không phù hợp tập quán sinh hoạt của người dân địa phương hoặc thiếu kinh phí để nhân rộng mô hình…

Mãi đến năm 2000, bằng một phần kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh Khánh Hòa, Hiệp hội răng - hàm - mặt Việt Nam và tổ chức phi chính phủ Lapel - Cộng hoà Pháp đã tiến hành khảo sát đầu tư hệ thống nước sạch tự chảy ở xã Ninh Thượng. Một đập chặn dòng suối Bay trên núi ở độ cao 92m tạo thành bể chứa nước có dung tích lớn, cách trung tâm xã Ninh Thượng về phía Tây khoảng 10km.

Từ đó, nguồn nước chảy theo đường ống chính dẫn xuống khu dân cư, chia ra thành nhiều nhánh cung cấp cho người dân. Và sau 8 năm khai thác, sử dụng, công trình này đã được nâng cấp vào năm 2007 để mở rộng tới địa bàn hai thôn Tân Mỹ, Tân Phong, xã Ninh Xuân, nâng tổng số 700 hộ gia đình sử dụng nước sạch với mức giá mỗi m3 1.400 đồng cho định lượng sử dụng dưới 20m3 và 5.000 đồng cho định lượng sử dụng trên 40m3.

Có thể nói công trình nước sạch tự chảy ở Ninh Thượng là điểm đột phá, mở ra một giải pháp nước sạch cho một số làng răng đen ở Ninh Hòa. Với trữ lượng nước phong phú ở độ cao gần 100m, bể chứa trên dòng suối Bay có đủ áp lực để đưa nước đến nhiều vùng dân cư khác ở Ninh Xuân, Ninh Phụng, nhưng muốn mở rộng cần phải đầu tư nâng cấp đường ống dẫn nước quy mô hơn

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.