Trở lại vấn đề các hồ đập miền Trung:

Cần khảo sát kỹ để đánh giá tác hại gây lũ

Thứ Bảy, 25/12/2010, 13:00
Suốt 2 tháng (10 và 11/2010), người dân các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Khánh Hoà phải gồng mình chống chọi với mưa lũ. Những thiệt hại mà người dân nghèo nơi được xem là đòn gánh 2 đầu đất nước không thể tính bằng các con số.

Trong quá trình thâm nhập chạy lũ với người dân, chúng tôi nhận thấy, sở dĩ lũ lụt ngày một tàn phá nặng nề khu vực này, một mặt do thiên nhiên ngày một khắc nghiệt, mặt khác là do hệ thống hồ, đập thuỷ điện, thuỷ lợi được xây dựng, công tác quản lý trong quá trình vận hành sử dụng còn khá nhiều hạn chế… Vì vậy, hàng trăm "túi bom nước" đang treo lơ lửng ở miền Trung đe dọa cuộc sống người dân nghèo bất cứ lúc nào.

Những quả "bom nước" trên đầu dân

Theo Ủy ban Phòng, chống bão lụt tỉnh Hà Tĩnh, chỉ tính riêng huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đã có đến 147 hồ đập. Trong đợt lũ vừa qua có 6 hồ đập nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào đó là các hồ, đập: đập Lù ở xã Hương Trạch; đập Nhà Lào ở xã Phú Phong; đập Nhà Vân ở xã Hương Vĩnh; đập Khe Vôi, đập Khe Dam ở xã Hương Thuỷ; đập tràn Khe Vôi ở xã Hương Giang; đập Nước Đỏ ở xã Lộc Yên và đập Cây Chanh ở xã Hương Trạch.

Ngay trước mùa mưa lũ, ở các công trình thuỷ lợi trên đã có biểu hiện hư hỏng, không an toàn khi tích nước như các thân cống dưới đập, thân cống thượng lưu bị sập, mái thân tiêu năng bị xói lộng, nước chảy ngoài thân cống về hạ lưu. Đập lớn nhất ở Hương Khê là đập Hố Hô.

Đập thủy điện Hố Hô với trữ lượng 40 triệu m3 nước treo trên độ cao 74m so với mặt nước. Nếu đập vỡ thì toàn huyện Hương Khê với 21 xã, thị trấn sẽ bị nhấn chìm trong biển nước. Công trình thuỷ lợi lớn nhất của Hà Tĩnh là hồ Kẻ Gỗ (nằm trên địa bàn 3 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê), đây được coi là công trình vĩ đại của ngành thuỷ lợi nước ta.

Để xây dựng hồ Kẻ Gỗ, người ta đã phải vận động hơn 30 vạn đoàn viên, thanh niên các tỉnh miền Bắc vào xây dựng. Hồ Kẻ Gỗ có chiều dài 29km, diện tích lòng hồ hơn 30km2, chứa 345 triệu m3 nước, tưới tiêu cho hàng vạn hécta ruộng đồng của Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh. Không thua Hà Tĩnh bao nhiêu về số lượng hồ đập và trữ lượng nước chứa, Quảng Bình lại tự hào có hồ Phú Vinh ở thành phố Đồng Hới, hồ Cẩm Ly ở huyện Quảng Ninh, hồ chứa Trung Thuần thuộc huyện Quảng Trạch... Những hồ này đều có trữ lượng trên 20 triệu m3 nước.

Qua khảo sát các công trình hồ, đập lớn ở các tỉnh Bắc miền Trung, chúng tôi thấy, không hiểu sao các tỉnh đều chọn xây dựng các lòng hồ chứa nước gần khu dân cư tập trung, thậm chí một số hồ được xây dựng trong lòng thành phố. Từ trước tới nay khi xây dựng các công trình thuỷ điện, các đơn vị liên quan thường tổ chức di dời dân đi tái định cư, còn xây dựng các công trình thuỷ lợi hồ, đập thì hầu như người dân trong khu vực không được di dời.

Ngược lại khi xây dựng hồ, đập thì hàng ngàn hộ dân lại kéo về xây dựng nhà cửa, trang trại, vườn tược, hoa màu... sinh sống dưới chân các hồ, đập. Chẳng hạn như dưới chân hồ chứa nước Phú Vinh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình dân số không ngừng gia tăng.

Nhiều "đại gia" ở thành phố Đồng Hới cũng đua nhau lên vùng quanh hồ mua đất lập trang trại, đẩy giá đất lên ngày một cao. Song không ai nghĩ đến, hàng chục năm qua, hàng ngàn người đang sống dưới "túi bom" nước. Và nếu hồ vỡ thì hơn 5.000 hộ dân khó bề thoát hiểm...

Nước dâng cao tại đập Hố Hô đã "góp phần" làm lũ lụt ở Hà Tĩnh trầm trọng, nguy hiểm hơn.

Dân chới với khi hồ xả lũ hoặc vỡ đập

Trong 2 đợt lũ liên tiếp ở các tỉnh Bắc miền Trung, theo nhiều người dân địa phương và chính quyền một số huyện, xã ở Quảng Bình, Hà Tĩnh cho rằng: Bên cạnh do thời tiết mưa lớn kéo dài, liên tục thì chính việc buộc phải xả lũ các hồ và hồ, đập vỡ đã làm lũ lụt thêm trầm trọng.

Việc vận hành, bảo quản hồ đang chỉ ra những bất cập cần phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trong 2 ngày 4 và 5-10, mưa lớn đã làm đập Hố Hô nước dâng cao tràn qua mặt đập hơn 1m, thác nước đục ngầu, ào ào xối xả mịt mờ như muốn xé toạc, cuốn phăng vùng hạ lưu. Nếu như làm tốt quy trình vận hành hồ, thì nước lũ được xả từ từ trước đó. Nhưng khi nước lên cao lại mất điện nên công trình Hố Hô không thể xả lũ.

Vì vậy khi nước lũ tràn qua đập và đặc biệt khi các đơn vị liên quan dùng máy cẩu để nâng nắp đập để tránh vỡ đập thì nước đổ xuống ào ào. Chỉ sau ít tiếng đồng hồ, đập Hố Hô tiếp tục xả lũ khiến 16 xã với 12.000 hộ dân Hương Khê bị ngập, giao thông các xã bị chia cắt hoàn toàn.

Thành phố Hà Tĩnh và một số huyện của tỉnh này bị ngập sâu như đợt lũ vừa qua có phần nguyên nhân do phải xả lũ hồ Kẻ Gỗ. Hồ Kẻ Gỗ chứa 345 triệu m3 nước, song xây dựng chỉ cách thành phố Hà Tĩnh có 15km. Trong đợt mưa lũ qua, mực nước hồ Kẻ Gỗ đã vượt 31,92m, trong khi ngưỡng cho phép là 31,5m.

Để tránh vỡ hồ, tối ngày 14/10, Ban quản lý hồ buộc phải xả lũ ở mức 520m3/giây. Và sáng 15-10, toàn thành phố Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà đã chìm trong biển nước. Tại Quảng Bình, chính lãnh đạo Trạm thuỷ nông Phú Vinh cũng thừa nhận: Với lưu vực hồ rộng, hệ thống hồ có 3 đập đất dài, gồm 1 đập chính và 2 đập phụ, nằm phân tán nên việc quản lý rất khó khăn và phức tạp. Khi nước dâng cao, hồ Phú Vinh xả lũ thì một loạt phường của thành phố Đồng Hới như Đồng Sơn, Bắc Nghĩa, Thuận Đức, Đức Ninh Đông, Nghĩa Ninh đều bị ngập.

Theo phương án phòng chống lụt bão, và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh chúng tôi được biết: Đối với các xã, phường thuộc hạ lưu các công trình hồ chức nước cần phải có phương án thoát lũ, sơ tán nhân dân và di dời tài sản đến nơi an toàn khi có lũ.

Chuẩn bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn, có kế hoạch nạo, vét cống rãnh tiêu, thoát nước, giải toả các công trình, chướng ngại vật trên hệ thống kênh tiêu làm cản trở dòng chảy của hồ. Nhưng đó chỉ là những chỉ đạo dừng lại trên văn bản, bởi cả người dân và chính quyền các địa phương đều có phần chủ quan nên tất cả các phương án phòng chống bão lụt trong thực tế đều không hiệu quả.

Kế hoạch phòng chống lụt bão của các xã nằm hạ lưu các hồ, đập đều chung chung như; Khi có mưa lũ lớn, buộc phải xả nước, ban quản lý các hồ, đập tiến hành báo động bằng điện thoại, súng, kẻng... Song những vật dụng dùng để báo động đó rất khó đến với người dân bởi, trong mưa bão lũ khẩn cấp, chẳng may điện thoại không thể liên lạc, còn tiếng súng, kẻng chắc chắn sẽ bị mưa, gió lấn át.

Xây dựng hồ, đập thuỷ lợi ở miền Trung, và quy trình vận hành xả lũ đang rất cần được các cấp Bộ, ngành liên quan nghiên cứu một cách khoa học, xác đáng. Làm tốt điều này sẽ tránh được rất nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng cho nhân dân

Dương Sông Lam
.
.
.