Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

“Căn cứ lòng dân” giữa Sài Gòn

Thứ Ba, 20/02/2018, 08:16
Khi còn là Bí thư Thành ủy TP HCM, đồng chí Nguyễn Văn Linh từng nêu rõ: “Nếu chúng ta biết rằng một cái hầm nuôi giấu cán bộ, cất chứa vũ khí đào ngay trong lòng thành phố vừa khó khăn, vừa nguy hiểm đến chừng nào đối với bản thân và gia đình người dân dưới chế độ phát xít Mỹ - ngụy, thì chúng ta mới hiểu tầm vóc cách mạng của nhân dân sống trong lòng địch”.

Có thể nói, sau nửa thế kỷ, tầm vóc, nguyên nhân thắng lợi và bài học quý báu từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 được chỉ ra khá khách quan và đầy đủ.

Khi còn là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh từng nêu rõ: “Nếu chúng ta biết rằng một cái hầm nuôi giấu cán bộ, cất chứa vũ khí đào ngay trong lòng thành phố vừa khó khăn, vừa nguy hiểm đến chừng nào đối với bản thân và gia đình người dân dưới chế độ phát xít Mỹ - ngụy, thì chúng ta mới hiểu tầm vóc cách mạng của nhân dân sống trong lòng địch”.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, bài học lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chính là biết dựa vào dân.

Kỳ 1: Hầm vũ khí, địa chỉ liên lạc trong nhà một… “tư sản”

Ngày cận Tết Mậu Tuất 2018, PV Báo CAND tìm đến địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Căn nhà có diện tích chưa tới 40m² nằm trong con hẻm thông nhau giữa 2 đường Nguyễn Đình Chiểu (trước là đường Phan Đình Phùng) và Võ Văn Tần (trước là Trần Quý Cáp) gắn với địa chỉ này là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia – “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968”, được xếp hạng cách nay vừa tròn 20 năm.

Phía trên tấm biển treo nội dung với 2 thứ tiếng (Việt và Anh) là tác phẩm điêu khắc thể hiện hình tượng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn với tay cầm vũ khí cùng xông về mục tiêu tiến công.

Trước khi đến “địa chỉ đỏ” này, tôi được một cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết tại đây, vào lúc 1h30 ngày 31-1-1968, tức mồng Một, rạng sáng ngày mồng Hai Tết Mậu Thân 1968, Đội 5 Biệt động (thuộc Cụm 3-4-5) gồm 15 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Trương Hoàng Thanh chỉ huy đã nhận vũ khí, thiết kế bộc phá và toàn bộ lực lượng xuất phát trên 3 ôtô, tiến công Dinh Độc Lập – đầu não của chính quyền Sài Gòn. Bốn ngày sau trận đánh chấn động, địch phát hiện cơ sở này và bắt giữ cán bộ, chiến sĩ của ta; chúng tịch thu nhà, tài sản và chiếm giữ cho tới ngày 30-4-1975.

Để tôi hình dung về căn hầm nguyên bản được xây dựng công phu từ cách nay ngót nửa thế kỷ, anh Tuấn, cán bộ thuộc Phòng Văn hóa – Thông tin quận 3, người được phân công trực tại địa chỉ trên, bất ngờ giở miếng gạch ngay cạnh vị trí nơi anh đứng rồi hướng dẫn tôi bước theo các bậc thang xuống hầm. Theo lời kể, căn hầm này là của gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế, Năm U.Som, người từng được khắc họa lại qua nhân vật Hoàng Sơn - ông chủ hãng sơn Đông Á trong phim "Biệt động Sài Gòn" - PV), nguyên cán bộ Đội biệt động 159, Quân khu Sài Gòn – Gia Định.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, sau khi mua căn nhà này, lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông Lai đã lặng lẽ xây dựng và hoàn thành căn hầm sau 7 tháng. Chúng tôi được kể thêm, để có căn hầm dài hơn 8m, rộng 2m, sâu 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm, quá trình đào, đất được bỏ vào thùng carton chuyển lên ôtô. Trong hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước để thoát hiểm và có các lỗ thông khí. Miệng hầm được đặt gần cầu thang.

Sau khi căn hầm được hoàn thành, đơn vị “bảo đảm” vận chuyển vũ khí về đây bằng cách giấu vũ khí trong ván gỗ đục rỗng ruột, trong giỏ hoa, sọt trái cây. Căn hầm này trước giờ G của cuộc Tổng tiến công đã chứa 350kg thuốc nổ, 1 hộp kíp, hàng chục khẩu AK, nhiều khẩu B40, 50 lựu đạn, 1 súng ngắn và trên 3.000 viên đạn các loại. Hầm này cùng với hầm tại nhà số 436/58 Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám, quận 3) của gia đình đồng chí Lê Tấn Quốc (Bảy Rau Muống) phục vụ cho trận đánh vào Dinh Độc Lập. 

PV Báo CAND tại căn hầm chứa đầy vũ khí đã được phục dựng.

Ông Trần Vũ Bình, con trai thứ 3 của Anh hùng Trần Văn Lai cho biết, dù ít được biết đến so với “kho vũ khí” tại địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu nhưng căn nhà số 113A Đặng Dung mà ông vừa hoàn tất việc phục dựng cũng là một địa chỉ lịch sử ghi dấu rõ nhất quá trình hoạt động ngầm của các chiến sĩ biệt động Sài Sòn 50 năm trước.

Theo lời kể, trong mắt của chính quyền Sài Gòn, trước cuộc Tổng tiến công 1968, Mai Hồng Quế (tức Anh hùng Trần Văn Lai) là một nhà tư sản – nhà thầu chuyên trang trí nội thất cho Phủ Đầu Rồng, tức Dinh Độc Lập. Được cấp giấy không chỉ ra vào Dinh mà được tự do đi lại nhiều nơi trong thành phố nên ông rất rành rẽ, thiết lập được nhiều đường dây vận chuyển vũ khí, khí tài, đặc biệt ông là người vẽ họa đồ Dinh Độc Lập, cung cấp bản đồ đường cống ngầm của Sài Gòn cho quân cách mạng tham gia cuộc Tổng tiến công. Ông cũng là người dẫn đầu một đội 5 Biệt động Sài Gòn đánh vào Dinh Độc Lập.

Căn nhà 113 Đặng Dung là căn nhà do ông Lai mua và giao cho người thợ cùng làm chung với mình - ông Đỗ Miễn (1920-2010) và bà Nguyễn Thị Sự (1924-2000) trông coi. Trước đây, đối diện căn nhà này là khách sạn Đại Hàn có khá đông khách lưu trú. Do vậy, tầng trệt của căn nhà này khi đó phía là nơi bán cơm tấm chủ yếu cho khách bên khách sạn.

Cũng chính tại căn nhà này, từ trước cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 22 năm, ông Năm Lai giao nhiệm vụ cho bà Sự dán cờ và rải truyền đơn của Việt Minh chống thực dân Pháp tại vùng Tân Định, Đa Kao... Giai đoạn 1949-1954, việc liên lạc cho Hội Liên hiệp bí mật do bà Phạm Thị Chinh (vợ ông Lai) hướng dẫn. Năm 1955, ông đã giao nhiệm vụ cho bà Sự bắt liên lạc và đóng góp tiền cho cán bộ nằm vùng.

Đến giai đoạn 1964-1968, ông Đỗ Miễn đã giúp ông Năm Lai xây dựng cơ sở bí mật, là nơi hội họp của cán bộ, giao liên thư từ, tiền bạc… Trong căn nhà có “hộp thư bí mật” được giấu kỹ ở khu nhà vệ sinh. Cán bộ nằm vùng đi vào đây, rồi mở “cột nhà” trao đổi tài liệu.

Cũng trong căn nhà đặc biệt này, ông Năm Lai còn thiết kế phần khoảng trống bí mật giữa vách tường căn nhà 113A và căn nhà kế bên là của tướng ngụy Ngô Quang Trưởng. Khi đó, nếu ở tầng trên sẽ không thấy được khoảng trống giữa hai nhà ở tầng dưới, chỉ khi mở được miếng ván sàn sát tường lên mới phát hiện ra hầm. Ông Lai dùng một hầm làm nơi cất giữ đồ bí mật của mình bằng cách dùng dây cột những vật cần bỏ xuống và một hầm sát với cửa hậu để trú ẩn và thoát thân khi có động.

“Hộp thư bí mật” 113A Đặng Dung đã tồn tại đến tận ngày 30-4-1975 mà chưa từng bị phát hiện. Sau khi ông Miễn – bà Sự mất, căn nhà được bà Hạnh, con gái lớn của ông Miễn trông coi. Bà Hạnh kể: “Sau trận Mậu Thân 1968 thì má tôi (là bà Sự - PV) bị bắt. Ba tôi kịp lấy toàn bộ hồ sơ, tài liệu mật ra đốt hết trước khi lính ngụy kéo tới lục soát. Chúng dỡ toàn bộ nhà lên nhưng vẫn không thấy gì…”.

Trong cuộc Tổng tiến công nửa thế kỷ trước, Tiệm phở Bình tại số 7 Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3) của gia đình ông Ngô Toại là “đại bản doanh”, là nơi đã phát lệnh và xuất phát của các chiến sỹ biệt động tiến công vào các sào huyệt của địch. 

Tờ Los Angeles Times của Mỹ từng gọi đây là “quán phở Việt cộng” bởi đây chính là nơi trú ẩn của tổ chức Việt Cộng F100 (còn gọi là Sở chỉ huy Phân khu 6), với những tên tuổi đã một thời làm Tổng nha Sài Gòn khiếp sợ, như: Đỗ Tấn Phong, chỉ huy Cụm 679 biệt động đánh Bộ Tổng tham mưu Ngụy; Ngô Thành Vân (Nguyễn Văn Vân, Ba Đen) chỉ huy đội 11 biệt động đánh Đại sứ quán Mỹ; Nguyễn Văn Tăng chỉ huy Cụm 345 đánh Đài phát thanh Sài Gòn; các Tham mưu trưởng như Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Nguyễn Văn Thạnh (Ba Thắng) đánh Dinh Độc Lập…

Theo lời ông Lập, con trai ông Toại, ngày cận Tết Mậu Thân 1968, trên tầng hai chứa hơn 100 cán bộ cốt cán. Lúc đó, quán có rất nhiều lính Mỹ đến ăn nhưng họ không phát hiện ra bất cứ một dấu hiệu cho thấy đây là một cơ sở bí mật của Việt cộng. 

Đêm mồng Một Tết, trên căn gác nhỏ ở tầng 3 của quán phở này, sau lời tuyên thệ và phát lệnh Tổng tiến công, cả chính quyền Sài Gòn hoảng loạn do nhiều điểm trọng yếu của địch bị ta bất ngờ tấn công. 8h sáng mồng Ba Tết, địch phát hiện ra địa chỉ này. 

Nhiều tài liệu quan trọng được hủy kịp thời nhưng 13 cán bộ của Sở chỉ huy ta và cả nhà chủ quán bị bắt. Những ai không có tờ khai thì bị bắn chết tại chỗ, nhiều người khác bị bắt. “Quán phở Việt cộng” giờ là Di tích lịch sử Quốc gia.



Thái Bình
.
.
.